Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Sơ lược về lịch sử của các anh em tu sĩ giáo dân trong Dòng thánh Phanxicô

BTT OFMVN 00
2024-08-21 18:51 UTC+7 627
Trong Luật không sắc chỉ, thánh Phanxicô nói đến “tất cả các anh em của tôi, giáo sĩ cũng như giáo dân”. Ngay từ những ngày đầu tiên của Dòng Anh em Hèn mọn hoặc của các Anh em Hèn mọn, đã có những anh em là các giáo dân và những người khác là giáo sĩ.

Trong Luật không sắc chỉ, thánh Phanxicô nói đến “tất cả các anh em của tôi, giáo sĩ cũng như giáo dân”. Ngay từ những ngày đầu tiên của Dòng Anh em Hèn mọn hoặc của các Anh em Hèn mọn, đã có những anh em là các giáo dân và những người khác là giáo sĩ. Để hiểu lịch sử của các anh em là thành viên giáo dân của Dòng, chúng ta cần nhìn lại thời kỳ trước thánh Phanxicô và huynh đệ đoàn đầu tiên của ngài. Chúng ta sẽ xem xét những chọn lựa đã được Phanxicô và các anh em của ngài quyết định trong Bản Luật không có sắc chỉ và Bản luật có sắc chỉ. Sau đó chúng ta sẽ xem xét “nhanh” một số diễn biến trong các cuộc cải cách khác nhau của Dòng đã ảnh hưởng đến anh em tu sĩ giáo dân. Đây đó chúng tôi cũng sẽ giới thiệu một vài người anh em thú vị, đáng được chúng ta biết đến nhiều hơn.

Những Anh em tu sĩ giáo dân trong các Bản Luật trước thánh Phanxicô

Tại một Tổng Tu nghị, rất có thể vào năm 1221, Đức Hồng Y Hugolinô đã nhân danh một số “anh em trí thức”, kêu gọi thánh  Phanxicô chấp nhận Tu luật của thánh Biển Đức, của thánh Bênađô hoặc của thánh Augustinô. Thánh nhân trả lời: “Chúa đã kêu gọi con trở thành một loại ngu dại mới trong thế giới này”. Ngài bác bỏ các Tu luật trước đây để rồi xem Tin Mừng như một Quy tắc. Những Tu luật khác này nói gì về các anh em tu sĩ giáo dân?

Các đan sĩ Biển Đức, Tu viện trưởng William (thập niên 1000)

Tu viện trưởng Biển Đức William Hirschau (mất năm 1091) chấp nhận các anh em giáo dân là thành viên của cộng đồng tu viện (không phải những người làm thuê) vào cuối thế kỷ 11. Ngài viết những điều lệ Biển Đức đầu tiên trong đó nhắc đến fratres barbati(những anh em có râu) và externales (những anh em ở nhà ngoài). Vào đầu thế kỷ 12, các tài liệu của tu viện Xitô đề cập đến anh em tu sĩ giáo dân (Exordium parvum 1130s)[1]

Các Đan sĩ Dòng Brunô, Thánh Brunô (Thập niên 1100)

Các Linh mục khấn dòng sống ở "nhà trên", trong khi các tu sĩ khấn dòng sống ở "nhà dưới" để cung cấp nhu cầu vật chất cho tu viện. Cộng đoàn đầu tiên tại Đại Đan viện Dòng Brunô đã ấn định số lượng riêng của họ là 13 tu sĩ, 18 tu sĩ giáo dân và một số ít người "giúp việc."

Các đan sĩ Xitô, Thánh Stêphanô Harding (khoảng 1100)

Khoảng năm 1134, “Exordium parvum” dành cho các đan sĩ Xitô nói về giáo dân (conversi). Họ chia sẻ hầu hết các yếu tố của đời sống đan tu, nhưng cầu nguyện riêng, bằng tiếng địa phương, để râu, có một tu phục  khác. Họ không tham gia vào các cuộc bầu cử, hoặc các quyết định của Tu nghị của tu viện liên can đến việc tiếp nhận các tu sĩ tuyên khấn.

Quy luật của Thánh Augustinô, Thánh Đaminh

“Quy tắc dành cho các giáo sĩ” của thánh Augustinô (dành cho các linh mục sống trong cộng đoàn) đã được các tu sĩ Norbertinô (1120) và các nhóm “giáo sĩ chính quy” khác sử dụng (một số sau này được gọi là các đan sĩ Augustinô). Quy luật này đã được thánh Đaminh áp dụng cho Dòng Thuyết Giảng, biến Dòng này trở thành một cộng đoàn giáo sĩ Dòng. “Các anh em cộng tác viên” cung cấp những nhu cầu vật chất cho cộng đoàn hoặc cống hiến công việc lành nghề và chuyên nghiệp của họ. Vì họ là một cộng đoàn giáo sĩ chính quy, Hiến pháp của Dòng Đa Minh (§ 443, § II) yêu cầu một tu sĩ phải là linh mục để được bầu làm bề trên. Các tu huynh (trước năm 1965) thì mặc áo choàng đen, không phải áo trắng, và không được bầu vào các chức vụ bề trên (Giám tỉnh hoặc Giám sư).

Các yếu tố chung trong các quy luật tiên khởi

Các anh em tu sĩ giáo dân cầu nguyện bằng ngôn ngữ địa phương (không phải tiếng Latinh). Họ thường ở một nơi tách biệt với các tu sĩ khác (tu sĩ ca tòa hoặc tu sĩ giáo sĩ). Họ chịu trách nhiệm chủ yếu về các công việc tay chân và cung cấp lương thực cho tu viện. Họ thường có một tu phục đặc biệt (đôi khi là râu). Họ không tham gia vào các cuộc bầu cử Tu nghị (tu viện trưởng, tuyên khấn trọng thể, v.v.)

1209 Những Người Bạn Đầu Tiên Của Thánh Phanxicô

Bernard xứ Quintavalle, Peter Catanii, Giles

Hầu hết (tất cả?) những người bạn đồng hành đầu tiên này đều là giáo dân. Một số người không biết chữ (laid hoặc “lay”(giáo dân) có nghĩa này trong tiếng Latinh), ví dụ: anh Giles. Một số người biết chữ (clerici “thư ký” hoặc “giáo sĩ”) ví dụ: anh Phanxicô. Vị linh mục đầu tiên trong số các anh em này có lẽ là anh Sylvester, nếu anh chính là người  trước đây vốn là giáo sĩ của Nhà thờ Chính tòa San Rufinô ở Assisi.

Tất cả anh em đều là anh em" (Lksc 22)

Trong Huynh đệ đoàn Phan-sinh thời kỳ đầu, có rất ít yếu tố phân biệt đời sống và hoạt động của các anh em tu sĩ giáo dân và giáo sĩ. Trong Bản luật không sắc chỉ (1221), các anh em xưng tội với nhau cho đến khi tìm được một linh mục, ngụ ý rằng thời kỳ đầu có rất ít linh mục trong huynh đệ đoàn. Trong Bản Luật có sắc chỉ (1223), số lượng linh mục đã gia tăng trong huynh đệ đoàn, như đã nói: “Phần các anh Phục vụ, nếu là linh mục, thì hãy ra việc đền tội cho họ [anh em phạm tội] với lòng nhân từ; nếu không phải là linh mục thì nhờ các anh em linh mục của Hội Dòng ra việc đền tội cho. (Lsc 7

Tất cả các anh em đều có chung nhiệm vụ rao giảng về sám hối (rao giảng về các nhân đức, các tật xấu, hoán cải đời sống). Một số anh em nhận được giấy phép giảng dạy đặc biệt của Giáo hội sau khi được vị Phục vụ xem xét (nhưng những anh em này không được xác định là đã được phong chức, mặc dù chắc chắn là một số đã được phong chức); tất cả anh em phải rao giảng bằng việc làm của mình (Lksc 17).

Thần tụng của các Anh em: bị coi thường, bị chế giễu (laid , derid)

Các anh em giáo sĩ chu toàn "nghĩa vụ thiêng liêng" (hoặc “ thần vụ") giống như các giáo sĩ khác, đọc các văn bản bằng tiếng Latinh từ sách Thánh vịnh cộng với sách kinh La Mã. Các anh em tu sĩ giáo dân thực hiện "nghĩa vụ thiêng liêng" (thần tụng) bằng cách đọc kinh "Lạy Cha", thay thế cho các Thánh vịnh bằng tiếng Latinh tại thần vụ. Nhưng các anh em tu sĩ giáo dân “biết đọc” tiếng Latinh thì có thể có sách Thánh vịnh: đây là một điểm bí ẩn ở trong Luật không sắc chỉ, nhưng lại thiếu ở Luật có sắc chỉ.

Sự tương phản của Luật dòng Phan sinh với các quy tắc đan viện là gì?

Không có sự khác biệt về tu phục hoặc bộ râu giữa các anh em tu sĩ giáo dân và giáo sĩ. Tất cả đều tham gia vào Tu nghị. Cả các anh em tu sĩ giáo dân và giáo sĩ đều có thể phục vụ với tư cách là Phục vụ. Tất cả anh em đều có thể nghe anh em xưng tội, nhưng chỉ có các linh mục mới có thể áp đặt việc đền tội kèm theo ơn xá giải. Cả tu sĩ giáo dân và giáo sĩ đều được kêu gọi rao giảng, nhưng cần phải có giấy phép đặc biệt để rao giảng về giáo lý và các bí tích. Giáo dân và giáo sĩ được phân biệt bởi khả năng đọc các Thánh vịnh trong Thần vụ bằng tiếng Latinh.

Vị lãnh đạo ban đầu: Anh Elias thành Cortona

Anh là một giáo sư, một giáo dân có học thức, và là một người bạn đồng hành thuở ban đầu của thánh Phanxicô, được xem như một trong “tứ trụ” của Thánh nhân.

Anh là vị Đại diện của thánh Phanxicô từ năm 1221 đến năm 1226 (Thánh Phanxicô gọi anh là Tổng Phục vụ trong Thư gửi Toàn Dòng). Anh đã xây dựng Vương cung thánh đường thánh Phanxicô cùng với Giáo hoàng Gregôriô IX. Được bầu làm Tổng Phục vụ sau cái chết của Anh Gioan Parenti vào năm 1232. Là một người bạn của Clara, anh được nhắc đến một cách kính trọng trong những lá thư của Bà với Agnes ở Praha. Được Giáo hoàng Gregôriô IX phái đến với Hoàng đế Frederick II ở Sicily, anh đứng về phía Hoàng đế và Giáo hoàng đã loại anh khỏi chức vụ Tổng Phục vụ và rút phép thông công  (1239).

Những năm 1220:

Ơn gọi “Bùng nổ” đưa số lượng Linh mục được thụ phong vào Dòng nhiều hơn, Antôn thành Padua, có thể đã là linh mục khi ngài gia nhập Dòng. Có lẽ cũng có cả Tôma thành Celanô, tác giả cuốn Cuộc đời của thánh Phanxicô. Tôma nhắc đến việc "nhiều giáo sĩ và quý tộc" gia nhập huynh đệ đoàn đồng thời với ngài vào khoảng năm 1220. Ngài nói có khoảng chừng "5.000 anh em" tại Tu nghị Chiếu, có lẽ vào khoảng năm 1221. Có thể có sự phóng đại, nhưng rõ ràng là có sự gia tăng lớn về ơn gọi của những người anh em uyên bác và linh mục vào Dòng Phanxicô.

1221: 3 loại anh em (Lsc 17)

Thánh Phanxicô gọi ba nhóm sau là “các anh em của tôi”: những người cầu nguyện, những người làm việc và những người rao giảng. Những anh em cầu nguyện (oratores) là những người chuyên cầu nguyện, bao gồm các giáo sĩ như Sylvester ở ẩn viện Carceri trong phần lớn cuộc đời của ngài, hoặc những giáo sĩ như Giles ở ẩn viện Perugia. Những người lao động (laboratores) là những người làm việc, và thánh Phanxicô viết trong Di chúc rằng ngài muốn “tất cả anh em đều làm việc…” và học một số nghề nếu họ chưa biết nghề nào. Vì vậy, có lẽ nhóm này cũng bao gồm cả những “công nhân” giáo dân và giáo sĩ. Cuối cùng, những người truyền đạo (praedicatores)  là những người rao giảng. Một số người có “giấy phép rao giảng” chính thức của Giáo hội, có thể nói về giáo lý, các bí tích. Nhưng tất cả các anh em đều phải rao giảng “sự đền tội” (một hình thức khuyến khích cũng mở ra cho giáo dân); và tất cả anh em đều rao giảng bằng việc làm của mình.

1223: những anh em không biết chữ

Chắc chắn có một số lượng lớn các tu sĩ giáo dân thời kỳ đầu không biết đọc (giống như phần lớn dân chúng vào thời điểm đó). Họ có nên lo lắng về điều này không? Câu trả lời là không." Người không biết đọc “không nên lo học”. Tuy nhiên, điều này đã được giải thích một cách tiêu cực và trở thành một giới luật trong Hiến pháp: không một anh em không biết chữ nào được học đọc hoặc viết. Những anh em biết chữ dạy những anh em mù chữ đọc sẽ bị trừng phạt (điều này vẫn còn hiệu lực trong Hiến pháp OFM năm 1950).

Khoảng năm 1225: Thư gửi toàn Dòng

Thánh Phanxicô viết một phần đặc biệt về các linh mục trong Huynh đệ đoàn, nói với “anh em của tôi là linh mục hoặc những người mong muốn trở thành linh mục”. Với Thư gửi anh Antôn, ngài đã chấp thuận việc giảng dạy “Thần học thánh” cho các anh em, và một số anh em trong số này rõ ràng đang chuẩn bị thụ phong linh mục. Thánh Phanxicô viết các quy định liên quan đến việc cử hành Thánh lễ trong huynh đệ đoàn khi có mặt nhiều hơn một linh mục hiện diện, hàm ý một cái nhìn tích cực về việc gia tăng số lượng linh mục trong huynh đệ đoàn.

1239: Cách mạng chống lại anh em giáo dân

Chiến dịch chống lại các anh em tu sĩ giáo dân trong Dòng được tổ chức bởi Haymo thành Faversham, Tỉnh Phục vụ nước Anh. Khi Elias bị phế truất ở Tổng Tu nghị tại Roma (1239) và bị rút phép thông công vì là đồng minh của Hoàng đế, Albertô xứ Pisa được bầu chọn làm Tổng Phục vụ, linh mục đầu tiên giữ chức vụ đó. Ngài qua đời ngay sau đó và được Haymo kế nhiệm làm Tổng Phục vụ vào năm 1240. Không có anh em giáo dân nào được bầu làm Tổng Phục vụ sau năm 1239.

1240: Hiến chương Haymo

Hiến chương năm 1240 do Haymo soạn thảo, sau này được xuất bản cùng với Hiến chương của Tổng Tu nghị Narbonne năm 1260, loại trừ các anh em tu sĩ giáo dân khỏi các chức vụ quản trị của Dòng (Phụ trách nhà, Giám tỉnh, Tổng Phục vụ). Ngoài ra, kể từ bây giờ, không một anh em tu sĩ giáo dân nào có thể được nhận vào Dòng nếu không có sự cho phép của Tổng Phục vụ. Họ chỉ được tiếp nhận khi cần thiết cho các công việc gia đình trong tu viện, hoặc khi họ là những cá nhân nổi tiếng mà sự gia nhập của họ sẽ mang tính xây dựng cho tín hữu.

Cải cách của Nhóm Tuân thủ ở thế kỷ 14

Chân phước Paoluccio dei Trinci thành Folignô bắt đầu một cuộc cải cách, và phần lớn những anh em Tuân Thủ ban đầu là anh em giáo dân. Cuộc sống của họ ở những nơi hẻo lánh vùng nông thôn, với lối sống nghèo khó, nhận được sự ủng hộ rất lớn từ đại chúng và các phẩm trật. Nó dần dần phát triển và thu hút các giáo sĩ-linh mục nổi tiếng như thánh Bernardinô thành Siena, và thánh Gioan Capistranô, những nhà lãnh đạo thế hệ thứ hai của Phong trào Cải cách Tuân Thủ.

1440: Anh Didacus / Diego xứ Alcala (sinh đầu thập niên 1400; mất 1463)

Anh gia nhập Dòng tại Arizafa, Tây Ban Nha. Từ năm 1445-49, anh được chọn làm Phụ trách của các anh em trong sứ mạng mới ở Quần đảo Canary tại Fortaventura. Năm 1450, anh được gọi đến Tây Ban Nha, sau đó đến Roma để xúc tiến việc phong thánh cho thánh Bernardinô thành Siena vào năm 1450. Tại Rome, anh phục vụ với tư cách là y tá  tại Trung ương Dòng ở Ara Coeli. Sau đó, anh được triệu hồi về Alcala ở Tây Ban Nha, nơi anh trải qua những năm tháng còn lại của cuộc đời để đền tội, trong cô tịch và chiêm niệm.

Anh Bernardinô de Laredô (sinh 1482 – chết 1540)

Anh là "bác sĩ bào chế" (dược sĩ) của Hoàng gia Bồ Đào Nha và là y tá của Bệnh viện tỉnh Castile ở Tây Ban Nha. Anh viết Cẩm nang Dược lý đầu tiên xuất bản ở Tây Ban Nha: “Cách thức bào chế thuốc”(Modus faciendi cum ordine medicandi) (1522). Năm 1536, anh xuất bản cuốn “Đường tiến lên núi Sion” (The Ascent of Mount Sion), một cuốn sách về chiêm niệm đã được thánh Têrêsa d’Avila sử dụng và thánh Gioan Thánh Giá biết đến.

1517: Tuân thủ & Tu viện

Dòng Anh Em Hèn Mọn được chia cắt bởi Lêô X vào năm 1517. Nhánh Tuân thủ trở thành nhánh chính. Hiến chương của Nhánh này (do thánh Gioan Capistranô) cho phép các tu sĩ giáo dân và giáo sĩ tiếp cận các chức vụ, nhưng với một loại “thủ thuật” hợp pháp: “khi một tu sĩ giáo dân được bầu chọn vào chức vụ Phụ trách, hãy đọc tên của một giáo sĩ ở nơi công cộng, để tránh bị chỉ trích" (vì anh em tu sĩ giáo dân chính thức bị cấm làm bề trên dưới bất kỳ hình thức nào).

1525: Capuchinô & Tuân thủ

Cuộc Cải cách Capuchinô đã tách rời khỏi nhánh Tuân thủ vào những năm 1520. Các tu sĩ Capuchinô thời kỳ đầu rất coi trọng vai trò của các anh em tu sĩ giáo dân. Ví dụ, chúng ta đọc trong Hiến chương đầu tiên của họ: “ ... bất chấp sắc lệnh của Công đồng Trentô [loại trừ anh em tu sĩ giáo dân khỏi chức vụ bề trên và tước bỏ quyền bầu cử và quyền được bầu cử của họ], bằng tuyên bố hoặc nhượng bộ của Đức Piô V, tất cả anh em, dù giáo sĩ hay giáo dân đã tuyên khấn giữa chúng ta, sẽ có quyền bầu cử. Nhưng không ai là không có quyền được bầu cử trừ khi người này đã hoàn thành (chức vụ) bốn năm trong cộng đoàn của chúng ta '(Hiến chương OFM Cap, 1575, Ch. VIII).

Công đồng Trentô 1562

Sắc lệnh của Công đồng được các anh em Capuchinô đề cập đến là văn bản này được áp dụng chung cho tất cả các dòng tu: “Bất cứ ai, ít nhất không phải là trợ phó tế, đều không thể tham gia vào các cuộc bầu cử tại Tu nghị, với tư cách là thành viên có quyền đầu phiếu hoặc quyền ứng cử vào các chức vụ." (Điều 4 về Cải cách). Các anh em Capuchinô bác bỏ điều lệ này, cho rằng trái ngược với truyền thống lâu đời có từ thời thánh Phanxicô. Giáo hoàng Piô V ban cho anh em nhánh Capuchinô quyền miễn trừ khỏi sắc lệnh của Công đồng (năm 1566) khi cho phép tất cả các tu sĩ được bầu vào các chức vụ.

Những chú giải điều luật của OFM Cap

Một số bình luận của anh em Capuchinô về Luật Dòng Phanxicô nhấn mạnh đến truyền thống đặc biệt này của Dòng Phanxicô.

Sylvester thành Assisi (1586): “Trong Dòng của chúng tôi, tất cả những người đã tuyên khấn đều có thể bầu chọn, theo truyền thống của chúng tôi, những người là linh mục, hoặc giáo sĩ hoặc giáo dân”.

Gregory thành Napôli (1589): “Thánh Phanxicô, Đấng sáng lập của chúng tôi, đã không muốn rằng trong các cuộc bầu cử các bề trên, chỉ giới hạn cho những người có học thức, nhưng mong muốn rằng những người này phải là những người tuân thủ nhiệt thành nhất của Quy luật, cho dù họ là giáo sĩ hoặc giáo dân. Vì vậy, thường thì trong Hội dòng của chúng tôi, không chỉ các linh mục bình thường được bầu làm bề trên, mà còn cả những tu sĩ giáo dân đạo đức, và sẵn sàng hơn những tu sĩ trí thức nhưng không xứng đáng.”

Santi Tesauro thành Rome (1605): “Các tu sĩ giáo dân có quyền bầu cử và quyền ứng cử, giống như các giáo sĩ”.

Đức Giáo Hoàng Phaolô V (26.09.1608)

Đức Phaolô V ban hành một Tông Huấn nhằm ngăn chặn việc bầu cử tu sĩ giáo dân, nói rằng truyền thống bình đẳng trong Dòng (giữa các anh em Capuchinô) là một “tệ nạn” trong thực hành của Giáo hội, và từ nay trở đi, các thành viên bậc giáo dân phải được đặt dưới thẩm quyền của các thành viên bậc giáo sĩ. Cách tiếp cận này dần dần loại trừ bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào đối với các thành viên của Dòng Phanxicô.

Anh Benedict Đen (sinh 1524 – chết 1589)

Benedict gia nhập Dòng Phanxicô Nhóm Cải cách (Riformati) ở Sicily vào năm 1562. Ban đầu anh làm đầu bếp. Sau đó anh được bầu làm Phụ trách ở Palermô vào năm 1578, và tiếp sau đó giữ chức vụ Giám sư Tập sinh cho Tỉnh dòng của mình. Anh trở lại làm đầu bếp vào những năm cuối đời. Các nhà lãnh đạo Giáo hội, các nhà thần học, thậm chí cả vị Phó vương đều tham khảo ý kiến ​​anh trước khi đưa ra những quyết định quan trọng.

Anh Micheál O Cleirigh (sinh 1590 – chết 1643): Nhà sử học Ái Nhĩ Lan

Micheál O Cleirigh bí mật thu thập các tài liệu có sẵn về lịch sử Ái nhĩ lan dưới sự chiếm đóng của nước Anh. Cùng với ba cộng tác viên của mình, anh đã soạn thảo "Biên niên sử của bốn bậc thầy", một trong những tài liệu quan trọng nhất về văn hóa và ngôn ngữ Ái nhĩ lan. Bản thảo gốc của nó được lưu giữ tại Đại học Dublin (cũng có ở dạng kỹ thuật số), được các anh em của Tỉnh dòng Ireland giao phó cho UCD (University College Dublin).

Anh Pedro de Gante: Phêrô xứ Ghent (khoảng 1480 - 1572)

Cùng với 2 anh em khác đến từ Flanders, anh đến Mexicô trước "12 Tông đồ Mexicô."  Anh xuất thân từ một gia đình nổi tiếng ở Flanders (ngày nay là Bỉ) có quan hệ họ hàng xa với Hoàng đế Carlos V. Anh trở thành chuyên gia về ngôn ngữ Nahuatl của người Aztec; và thành lập Trường học San Jose de los Naturales dành cho học sinh Aztec. Anh từ chối lời đề cử làm Tổng giám mục Thành phố Mexicô của Hoàng đế mà chỉ muốn tiếp tục là một tu sĩ giáo sĩ.

Một bài thơ tôn vinh Anh Pedro do các học trò của anh sáng tác, trong đó lần đầu tiên tên của thánh Phanxicô bằng tiếng Nahautl được xuất hiện:

"Trái tim của cha là một cuốn sách đầy màu sắc, Cha Pedro,

Đó là những bài hát của cha,

Những bài hát theo âm điệu của Chúa Giêsu Kitô,

Cha đã làm cho họ tiếp cận được Thánh Phanxicô,

Người đã đến sống trên trái đất này."

Anh Antonio de los Angeles Bustamante (sinh 1659 – chết 1711)

Anh là một doanh nhân thành đạt và có địa vị xã hội ở Thành phố Mexicô. Sau kinh nghiệm hoán cải mạnh mẽ, anh gia nhập Dòng với tư cách là một tu sĩ giáo dân. Anh trở thành người gác cổng và quản lý tài chính của các tu viện lớn của dòng Phanxicô ở Mexicô. Sự hoán cải của anh đã thu hút nhiều ơn gọi khác từ các gia đình danh giá đến với Dòng. Anh cũng là bạn thân và người đồng hành của Anh Antonio Margil de Jesus (nhà truyền giáo nổi tiếng ở Texas).

Thế kỷ 18-19

Vào thế kỷ 18, cuộc cách mạng Pháp đã tiêu diệt tất cả các Dòng tu trong nước, và tại những phần còn lại của Châu Âu, các sự kiện tương tự cũng đã diễn ra sau đó. Vào giữa thế kỷ 19, các cuộc đàn áp tôn giáo ở Châu Âu đã ảnh hưởng đến thực tế toàn cầu của Dòng (ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ). Một số người tin rằng Dòng sẽ không bao giờ hồi phục sau những mất mát về người và nơi chốn này. Vào đầu thế kỷ 20, Giáo hội dần dà hồi phục, nhưng đời sống tôn giáo đã bị thay đổi đáng kể bởi trải nghiệm này. Bộ Giáo luật được ban hành năm 1917 và chỉ công nhận các tu hội giáo sĩ và tu hội giáo dân (không công nhận các tu hội giáo dân và giáo sĩ hỗn hợp).

1962-65: Công đồng Vatican II

Sắc lệnh của Vaticanô II về Canh tân đời sống tu trì (Perfectae caritatis) kêu gọi quay trở lại với “đoàn sủng sáng lập” của Dòng và cũng như “các truyền thống lành mạnh” của Dòng. Dòng xác định tình huynh đệ và tính hèn mọn là những yếu tố cơ bản trong việc đổi mới căn tính của anh em OFM. Hiến Chương mới tuân theo các giáo huấn của Công đồng và được sử dụng để thử nghiệm cho đến những năm 1980.

Hiến chương OFM 1983

Trong Hiến chương mới và dứt khoát, ở điều 3 số 1 viết: “Do việc tuyên khấn, tất cả mọi anh em đều hoàn toàn bình đẳng về quyền lợi  và bổn phận tu sĩ ” (một văn bản đã được Tổng Tu nghị của Dòng phê duyệt). Nhưng khi được trình phê chuẩn, Bộ Tu sĩ (nay là Đời sống Thánh hiến) đã có một sự thay đổi: điều này được gọi là điều 3, và nó nói rằng "Dòng Anh Em Hèn Mọn được Giáo hội xếp vào số những Hội Dòng Giáo sĩ.” Hội Dòng, thông qua Anh Tổng Phục vụ và Ban Tổng Cố vấn, cuối cùng đã chấp nhận điều khoản được Bộ thêm vào; anh em Capuchinô không chấp nhận một bản văn tương tự của Bộ : hậu quả là Hiến chương của họ không được phê chuẩn.

1996 Đời sống Thánh Hiến (Vita consecrata - Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II)

Văn kiện Vita consecrata nói như thế này: “Đời sống thánh hiến tự bản chất không phải là giáo dân cũng không phải là giáo sĩ”(60). Nó nói rằng các tu hội hoàn toàn giáo dân... "có một đặc tính và mục đích không đòi hỏi việc thi hành Chức Thánh" (60). Nó định nghĩa các tu hội giáo sĩ là những tu hội “giả định việc thi hành các chức thánh,... thừa tác vụ thánh cấu thành chính đặc sủng và xác định bản chất, mục đích và tinh thần của đặc sủng” (60). Dấu hiệu đầy hy vọng (đối với OFM) là những gì nó nói về “các tu hội hỗn hợp”, những tu hội “được hình dung như một cộng đoàn huynh đệ trong đó tất cả các thành viên, linh mục và những người không phải là linh mục, đều được coi là bình đẳng với nhau” (61). Chính loại hình này là loại hình mà chúng ta muốn áp dụng cho Dòng, thường được các vị Tổng Phục vụ và Ban Cố vấn thỉnh cầu trong mười năm qua. Yêu cầu này đã được gia hạn vào Tổng Tu nghị năm 2015, và chúng tôi hy vọng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ sẵn sàng chấp nhận yêu cầu này.

 

Bro. William Short OFM

Franciscan School of Theology Mission San Luis Rey 4050 Mission Avenue Oceanside CA 92057 [email protected]
( Alexis Trần Đức Hải chuyển ngữ)



[1] Exordium Parvum. Một tài liệu của dòng Xitô vào thế kỷ thứ 12 bao gồm lich sử thời kỳ đầu của Dòng, gồm những bức thư chính thức và những tài liệu mang tính ký sự. (ND)

 

Chia sẻ