Thánh Phanxicô Assisi Có Thể Là Người Đầu Tiên Nhận Năm Dấu Thánh
Trong lịch Phụng vụ Phan Sinh, ngày 17 tháng 9 đánh dấu một ngày lễ quan trọng. Anh em Phan Sinh trên toàn thế giới cử hành Lễ Kính thánh Phanxicô nhận lãnh Năm Dấu Thánh của Chúa Giêsu Kitô.
Vào khoảng cuối đời, hai năm trước khi thánh Phanxicô qua đời, một điều gì đó có thể chưa từng có trong lịch sử Kitô giáo đã xảy ra. Đó là năm 1224. Phanxicô đến ngọn núi cô tịch Laverna tại Tuscany (đôi khi được viết là Alverna hay La Verna). Ở đó, ngài ăn chay và chuẩn bị mừng lễ kính Tổng Lãnh Thiên Thần Micae (29.9). Chính trong thời gian chay tịnh và cầu nguyện này, vào dịp lễ Suy Tôn Thánh Giá (14/9), Phanxicô đã được một linh kiến: một thiên thần hiện ra với ngài.
Thánh Bonaventura đã mô tả vị thiên thần Sốt Mến, có sáu cánh từ trời cao ngự xuống. Giữa các cánh của thiên thần xuất hiện hình ảnh của một người chịu đóng đinh, với tay và chân được mở rộng theo hình thánh giá và bị đóng chặt vào thập giá:
Rồi linh kiến biến đi, để lại trong trái tim ngài một ngọn lửa diệu kỳ và in vào xác thịt ngài như những dấu thánh không kém phần diệu kỳ. Thực vậy, ngay lúc ấy bắt đầu xuất hiện trên hai tay hai chân ngài các dấu đinh giống như ngài vừa thấy trước đó ít lâu trên hình ảnh của con người bị đóng đinh. Tay chân ngài như bị đinh đâm thâu qua, mũ đinh xuất hiện trong lòng bàn tay và bàn chân, đầu đinh thâu qua bên kia. Mũ đinh trong lòng bàn tay bàn chân hình tròn và đen, còn đầu đinh thuôn và gập cong như lấy búa đóng quặp lại, nổi lên bên trên thịt và lồi ra ngoài. Cạnh sườn bên phải của ngài cũng như bị một mũi giáo đâm vào, mang một vết thương đỏ hồng, thường có máu rỉ ra, làm ướt áo dòng và áo trong.
(Đại Truyện 13, 3).
Theo bài Chiêm ngắm thứ Ba về Năm Dấu Thánh (xem Những Bông Hoa Nhỏ của Thánh Phanxicô), thánh Phanxicô đã xin Chúa hai ân huệ. Đó là xin được cảm nhận nỗi đau đớn nơi thân thể của ngài như Đức Giêsu đã trải qua trong cuộc Thương Khó và xin ơn được thấu hiểu tình yêu mà Đức Giêsu trao ban cho nhân loại. Trong linh kiến tại La Verna, ngài đã nhận năm dấu thánh – những dấu tích hay vết thương của Đức Kitô – trên tay, chân và cạnh sườn. Ngay tức khắc, ngài được ngập tràn niềm vui, nhưng sự đau đớn trên thân xác cũng tăng gấp đôi.
Điều gây kinh ngạc và khó hiểu là Phanxicô đã xin cảm nhận cùng một lúc cả tình yêu và nỗi đau đớn, và bằng một cách nào đó ngài đã nối kết được cả hai. Hẳn là, trong đức tin và sự đơn sơ, ngài đã hiểu mối liên hệ giữa đau khổ và tình yêu, vì linh đạo của ngài được bắt nguồn từ cuộc Thương Khó của Chúa và tình yêu của Chúa dành cho nhân loại. Trong Lá thư về sự Ra Đi của thánh Phanxicô, Anh Elia (vị Tổng Phục Vụ của Hội Dòng vào lúc ấy), đã tuyên bố ý nghĩa của năm dấu thánh đối với thánh Phanxicô và những gì được thấy trên thân thể ngài:
Tôi loan báo cho anh em một niềm vui lớn lao và tin tức về một phép lạ. Một dấu chỉ như thế đã chưa bao giờ nghe biết ngay từ đầu ngoại trừ nơi Con Thiên Chúa, Ngài là Chúa Kitô. Không lâu trước khi thánh nhân qua đời, người anh và cha của chúng ta đã cho thấy việc chịu đóng đinh, mang nơi thân thể mình năm vết thương vốn thực sự là dấu tích của Đức Kitô. Các tay và chân của ngài đã có, như nó cho thấy, những lỗ của những đinh, và bị đâm thâu trước và sau cho thấy những vết sẹo và cho thấy màu đen của đinh. Thêm vào đó, cạnh sườn ngài, dường như được mở bởi một ngọn giáo và thường thấm máu.
Tại La Verna, cuộc đời và sứ vụ của thánh Phanxicô đã được nối kết với cuộc đời và sứ vụ của Đức Kitô một cách thật huyền nhiệm và không thể cắt nghĩa được. Quả thật, cuộc Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô, “kiệt tác” công trình tạo dựng của Thiên Chúa, và là “toàn thể mục đích của việc tạo dựng” (mượn lời của thần học gia Kinh viện Phan Sinh, Chân phước Duns Scotus) đã đạt tới đỉnh điểm trong cuộc Thương Khó và việc chịu đóng đinh như là sự biểu lộ cao nhất của tình yêu, đức ái, và sứ vụ của Đức Kitô.
Giờ đây tình yêu đó, đức ái đó, và sứ vụ đó được mãi mãi gắn liền với thánh Phanxicô.
Mặc dù năm dấu thánh nơi thánh Phanxicô là sự kiện được ghi nhận lần đầu tiên, thì một số người vẫn cho rằng thánh Phaolô rất có thể đã ám chỉ điều gì đó tương tự khi ngài viết: “Tôi mang trên mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu” (Gl 6,17).
Tuy nhiên, kể từ thánh Phanxicô, nhiều nhà thần bí khác đã nhận năm dấu thánh trong dạng thức này hay dạng thức khác. Có người nhận đầy đủ các vết thương của Đức Kitô trên tay, chân và cạnh sườn, như thánh Phanxicô. Có người khác, như thánh Veronica Giuliani, một nữ tu Clara Capuchin, đã có những vết thương trên thân thể, và vết in của mão gai trên trán. Cũng có thánh Rita Cascia, một kinh sĩ Augustinô, chỉ có một vết thương do gai nhọn trên trán. Những người khác, như thánh Catarina Siêna và thánh Faustina Kowalska, nhận lãnh điều được biết như các dấu thánh vô hình; họ cảm thấy đau đớn do những vết thương mà không có dấu tích bên ngoài.
Ơn gọi “đền tội thay” là một sứ vụ độc đáo và bí nhiệm trong cộng đoàn tín hữu. Theo sự hiểu biết ít ỏi, “người đền tội thay” là người tự nguyện hiến dâng những đau khổ bí nhiệm của họ như một góp phần vào quyền năng cứu độ của khổ hình thập giá và sự phục sinh. Họ chịu đựng những đau đớn dữ dội nơi họ, cách hữu hình hay vô hình. Những đau đớn của họ thường đi kèm với những hiện tượng huyền bí chẳng hạn các thị kiến và lời nói hay các sự kiện siêu nhiên khác. Qua những đau khổ ấy, những người đền tội thay nhận được ân sủng họ hiến dâng là việc đền bù tội lỗi của những người khác – thường là các tội nhân hay bệnh nhân.
Cần lưu ý khía cạnh thần học này là, việc chuộc tội đến từ Đức Kitô và chỉ một mình Đức Kitô mà thôi. Tuy nhiên, Thiên Chúa đôi khi sử dụng con người như những trung gian. Thánh Phaolô làm chứng cho khả năng của việc hiến dâng những đau khổ của chúng ta vì lợi ích của người khác khi ngài tuyên bố: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh” (Cl 1,24).
Thánh Phaolô không có ý nói rằng việc chuộc tội của Đức Kitô là không đủ; đúng hơn, ngài nói rằng chúng ta có thể dự phần vào những đau khổ của Đức Kitô vì điều thiện hảo và ơn cứu rỗi cho người khác.
Ước gì gương sống của thánh Phanxicô và lễ Kính Năm Dấu Thánh của ngài hướng dẫn chúng ta sống ơn gọi của mình khi chúng ta ra sức thực hiện cách trọn vẹn nếp sống mà Đức Kitô mời gọi chúng ta.
******
Tác giả bài viết: Bret Thoman, OFS. Người chuyển ngữ: Pet. Lê Đình Trị, OFM
Bret Thoman, OFS là cây viết và dịch giả, là nhà tổ chức du lịch và hành hương. Ông thành lập và điều hành Chương trình Hành Hương Thánh Phanxicô, trong đó ông tổ chức và đồng hành với khách hành hương đến Italia và các nơi khác theo truyền thống Công giáo.
Xem https://aleteia.org/2021/09/20/st-francis-might-have-been-the-first-to-receive-the-stigmata