Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Từ Nỗi Lòng Ước Mong Tưởng Nhớ

BTT OFMVN 00
2024-08-31 08:00 UTC+7 758
Xin giới thiệu đến quý độc giả một số bài nghiên cứu và thuyết trình tiếp theo của cha Rino Bartolini, OFM, về các dấu thánh của thánh Phanxicô, được cha FX. Đinh Trọng Đệ, OFM, biên dịch.

Trong quyển thứ hai (Seconda vita), sự xuất hiện của các dấu thánh được cho là một sự kiện đã được biết đến bởi độc giả mà Celano nhắm tới: chủ yếu là anh em. Trong 2Cel, sự thật về các dấu thánh được đưa vào đan xen trong bộ sưu tầm những nhân đức của Thánh Nhân. Một bộ sưu tầm không theo thứ tự thời gian mà sắp xếp theo chủ đề. Từ các dấu thánh, Celano đã đề cập đến nó ngay từ đầu cuộc đời của Vị Thánh Nghèo (cuộc gặp gỡ với Đấng Chịu Đóng Đinh tại nguyện đường S. Damiano), và sau đó là “Luận về các nhân đức phan sinh: giữa “niềm vui phù phiếm” và “đức khiêm nhường”.

1.     Thánh giá S. Damiano

Khởi đầu cuộc sống mới của Thánh Phan-xi-cô được trình thuật bằng cuộc gặp gỡ với Đấng Chịu Đóng Đinh tại nguyện đường S. Damiano. Ngay cả Phan-xi-cô cũng không thể diễn tả được điều không thể diễn tả được đang biến đổi ngay trong chính bản thân ngài. Tuy nhiên, hoa quả lãnh nhận được là “lòng trắc ẩn của ngài đối với cây thánh giá” và “Các Dấu Thánh in sâu vào trái tim”. Lòng say mê Đấng Chịu Đóng Đinh không phải là một kiểu thức cảm giác nảy sinh trong trái tim của một con người, nhưng trở thành một lựa chọn trong cuộc sống, mong muốn được chia sẻ và phục vụ. Celano ở đây, làm cho nó rõ ràng hơn khi tham chiếu đến sách Diễm Ca, cho chúng ta biết rằng sự say mê của Thánh Phan-xi-cô là một tình yêu hướng tới “hôn nhân thần bí”. Đối với Celano đây là “sợi chỉ đỏ” sẽ thống nhất toàn bộ cuộc đời của Phan-xi-cô.

-  “Một ngày kia, vào lúc tâm hồn Phan-xi-cô đã thay đổi hoàn toàn - chẳng bao lâu sau thân thể của chàng cũng sẽ được biến đổi - chàng đi ngang qua nhà thờ Thánh Damiano. Ngôi thánh đường hoang vắng và gần đổ nát. Được Thần Khí hướng dẫn, chàng bước vào trong cầu nguyện và sốt sắng quỳ xuống trước tượng chịu nạn. Tâm hồn chàng rúng động vì những cảm nghiệm lạ thường và thấy mình khác hẳn khi chưa vào. Ngay khi chàng có cảm giác ấy, xảy ra một điều chưa từng nghe nói đến bao giờ: hình vẽ Chúa chịu đóng đinh mấp máy đôi môi, cất tiếng gọi tên chàng: “Phan-xi-cô, con hãy đi xây lại nhà Ta đang đổ nát!” Phan-xi-cô rất đỗi bàng hoàng run sợ, lắp bắp như người mất trí. Rồi chàng lấy lại tư thế để sẵn sàng vâng lời, tự trấn tĩnh để thi hành lệnh truyền. Phan-xi-cô cảm thấy có sự biến đổi huyền nhiệm trong tâm hồn, nhưng không thể diễn tả được. Vì vậy tốt hơn là chúng ta cũng không nên nói gì. Từ giây phút ấy niềm cảm thương đối với Đấng Chịu Đóng Đinh in sâu vào cõi lòng thánh thiện của chàng; và chúng ta có quyền tin rằng, cũng từ đó, năm dấu tích của Cuộc Khổ Nạn đã được in rất sâu trong tâm hồn, dầu chưa được ghi trên thân thể” (2Cel 10).

2.     Kinh Ngợi Khen Thiên Chúa Tối Cao

Chúng ta giành một chút tập trung vào lời cầu nguyện này của Thánh Phan-xi-cô, lý do là bởi vì những người viết tiểu sử xưa đều đề cập đến lời kinh này và nối kết nó trực tiếp với La Verna.

“Cartula”, vẫn được bảo tồn nguyên vẹn tại Tu Viện Thánh (Sacro Convento) tại Assisi bao gồm một tấm da nhỏ được viết mặt trước và mặt sau bởi chính bàn tay của Phan-xi-cô. Một mặt chúng ta có bản văn viết Kinh ca ngợi Thiên Chúa tối cao, ở mặt bên kia, chúng ta có Lời chúc lành của Thánh Phan-xi-cô dành cho anh Lê-ô. Hoàn cảnh mà các lời này được viết ra đã được anh Lê-ô ghi chú rõ ràng trên cùng một Cartula:

“Phan-xi-cô, sau thị kiến và nghe lời của Seraphim, được in các dấu thánh của Chúa Ki-tô trong cơ thể của mình, ngài đã viết ra những lời khen ngợi Thiên Chúa và được viết ở phía bên kia của Cartula, và đã tự tay mình viết chúng, tạ ơn Chúa vì ơn huệ Người thực hiện cho ngài. … Đấng Vinh Phước Phan-xi-cô cũng đã viết điều lời chúc lành này bằng chính tay mình cho tôi là Lê-ô”.

Anh Tô-ma thành Celano trong quyển I, dường như không hề biết gì bản văn này mà Thánh Phan-xi-cô đã tự tay viết cho anh Lê-ô. Anh Lê-ô người đã nhận bản văn này đã giữ nó cách cẩn thận và kín đáo cho đến khi việc thu thập các vật phẩm cần thiết bắt đầu.

Bản văn này Anh Lê-ô chắc chắn đã giao tận tay cho Celano, nên trong Seconda Vita đã đề cập đến nó và thông báo cách chính thức hoàn cảnh mà bản văn này được viết ra.

Chúng tôi sẽ không dừng lại ở đây để phân tích lời kinh này. Điều chúng tôi nhấn mạnh đó là: Đây chính là lời cầu nguyện của người con thảo, rực lửa và rộn ràng

tình yêu hướng đối với Thiên Chúa Tối Cao là Cha như thể nó xuất phát từ trái tim của các Seraphim xung quanh ngai của Thiên Chúa. Đồng thời cần lưu ý rằng ở phía bên kia của Cartula là lời chúc lành cho anh Lê-ô, có cùng một trái tim với Thánh Phan-xi-cô, cùng đập nhịp với tình mẫu tử đối với Anh Lê-ô và các anh em của anh. Vì để thuận tiện cho người đọc, chúng tôi cũng trưng dẫn nội dung của lời kinh này ở dưới đây.

-       “Thời gian kia, trong lúc thánh nhân ở ẩn trong một căn chòi trên núi La Verna, có một anh trong số những người kề cận với ngài rất ao ước tìm được sự an ủi từ các lời của Chúa do chính tay Thánh Phan-xi-cô chép ra cùng với đôi lời quảng diễn. Anh nghĩ rằng nhờ cách này anh sẽ thoát, hay ít ra cũng đủ sức để chống trả cách dễ dàng hơn, một chước cám dỗ nặng nề đang đè nặng trên anh, một chước cám dỗ không phải ở trong xác thịt nhưng ở trong tinh thần. Mặc dù mòn mỏi ước ao, nhưng vẫn sợ không dám bày tỏ với vị cha chí thánh. Nhưng điều phàm nhân không nói ra thì Thần Khí tỏ cho ngài biết. Một hôm Thánh Phan-xi-cô gọi anh đến và bảo: “Anh đi kiếm giấy mực cho tôi vì tôi muốn viết ra những lời Chúa dạy cùng những lời ca tụng Người mà tôi đã suy niệm trong lòng”.Những thứ ngài yêu cầu được mau chóng đem đến. Rồi ngài tự tay viết các lời Kinh Ngợi Khen Chúa  và một số câu ngài ưa thích trong Kinh Thánh, kết thúc bằng một lời chúc lành cho người anh em ấy. Ngài bảo anh: “Anh cầm lấy mảnh giấy này, gìn giữ cẩn thận cho tới ngày lâm chung.” Cơn cám dỗ tức thì biến mất, kỷ vật này được bảo tồn và sau này sẽ làm được nhiều điều kỳ diệu” (2Cel 49).

 

KINH NGỢI KHEN THIÊN CHÚA TỐI CAO

Ngài là Thiên Chúa thánh thiện,

duy mình Ngài làm nên những kỳ công (Tv 76,15).

Ngài mạnh mẽ,

Ngài vĩ đại (x. Tv 85,10),

Ngài cao cả,

Ngài là Vua toàn năng,

lạy Cha chí thánh (Ga 17,11),

Ngài là Vua thống trị trời đất (x. Mt 11,25).

Ngài là Ba Ngôi và là Một Thiên Chúa,

là Thần trên mọi chư thần (x. Tv 135,2).

Ngài là sự thiện,

làm phát sinh mọi sự thiện,

là sự thiện tuyệt đỉnh,

là Thiên Chúa hằng sống và chân thật (x. 1Tx 1,9).

Ngài là tình yêu, là bác ái.

Ngài là hiện thân của sự khôn ngoan, của đức khiêm nhường và của  lòng nhẫn nại (Tv 70,5).

Ngài tuyệt đẹp,

Ngài nhân từ,

Ngài là nơi nương tựa an toàn,

Ngài là chốn nghỉ ngơi,

Ngài là niềm vui,

Ngài là niềm hy vọng và hân hoan,

Ngài là sự công chính và tiết độ.

Ngài là tất cả kho tàng sung mãn của chúng con.

Ngài tuyệt đẹp,

Ngài nhân từ,

Ngài là Đấng che chở (Tv 30,5), gìn giữ và bảo vệ chúng con,

Ngài là sức mạnh,

Ngài là sự mát mẻ.

Chúng con trông cậy Ngài,

Chúng con tin tưởng Ngài,

Chúng con yêu mến Ngài.

Ngài là tất cả  sự dịu ngọt và là sự sống đời đời của chúng con,

Ngài là Đức Chúa lớn lao và kỳ diệu

là Thiên Chúa toàn năng,

là Đấng Cứu tinh nhân hậu.

3.     Giữ kín bí mật của Đức Vua

Nguy cơ kiêu ngạo về mặt tinh thần là rất lớn. Một trong những dấu hiệu rõ ràng là muốn cho người khác biết những gì Chúa đang làm trong chúng ta, hoặc muốn coi công việc của Chúa là công lao của chúng ta. Phan-xi-cô dành nhiều lời dạy dỗ để giúp anh em tránh xa những nguy hiểm của sự kiêu ngạo tinh thần và với bất kỳ chủ nghĩa phô trương nào. Một trong những viên ngọc quý giá nhất nơi tinh thần của người Hiệp Sỹ Chúa Chúa Ki-tô chúng ta tìm thấy ở huấn ngôn số 12: “Người ta có thể dựa vào dấu này để nhận biết người tôi tớ nào được tinh thần Chúa hướng dẫn: khi Chúa dùng người ấy làm một việc lành nào mà người ấy không tự tôn mình lên theo bản năng tự nhiên, vì bản năng ấy lúc nào cũng chống lại điều lành. Trái lại, người ấy càng tự xem mình thấp kém và hèn mọn hơn mọi người khác”.

-       “Thật là không phải nếu bỏ qua không nói đến việc ngài giữ kín và che giấu kỹ lưỡng như thế nào các dấu thánh của Đấng Chịu Đóng Đinh, các dấu mà các thiên thần cao cả nhất cũng phải tôn kính. Ngay từ đầu, khi tình yêu chân chính đối với Chúa Ki-tô biến đổi kẻ yêu mến nên chính hình ảnh của Chúa, thánh nhân đã giấu kín kho báu của mình cách cẩn mật đến nỗi trong một thời gian dài, ngay cả những anh em thân thiết nhất cũng không biết. Song Chúa Quan Phòng không muốn rằng các dấu ấy mãi mãi bị giữ kín, khiến cho mắt của những kẻ tâm phúc không bao giờ được thấy. Vả lại các dấu thánh nằm trên các phần thân thể lộ ra trước mặt mọi người, khó mà giấu mãi.

Ngày kia, một người bạn đồng hành thấy các dấu trên chân ngài, anh hỏi ‘Anh thân yêu, cái gì thế này?’ Ngài vội đáp: “Anh lo việc của anh đi!” (2Cel 135).

“Lần khác vẫn anh ấy đến xin ngài đưa chiếc áo dòng đang mặc để mang đi rũ cho sạch, thì thấy có vết máu. Khi đem trả lại cho ngài, anh nói với thánh nhân: “Máu của ai vấy vào áo của anh vậy?” Đấng thánh lấy một ngón tay đặt lên mắt mình rồi nói: “Anh không biết đây là con mắt sao mà lại phải hỏi tôi?”. Ít khi ngài rửa trọn hai bàn tay, chỉ rửa các ngón tay, cố ý không để người khác thấy hai vết thương. Ngài cũng rất ít khi rửa hai bàn chân, và luôn rửa chân lúc vắng người. Có ai xin hôn tay thì ngài chỉ để lộ một nửa bàn tay và chỉ đưa các đầu ngón tay cho người ta hôn; đôi khi ngài không đưa bàn tay nhưng lại đưa tay áo ra.

Ngài mang vớ bằng len để không ai thấy được bàn chân, và đặt một mảnh da bên trên các vết thương để làm dịu bớt sự cọ xát của thứ len thô ráp. Mặc dầu không thể giữ kín hoàn toàn các dấu thánh trên hai tay hai chân và không thể giấu các bạn đồng hành, nhưng thấy ai chăm chú nhìn vào đây thì ngài rất khó chịu. Thế nên, các anh bạn đồng hành thân cận với ngài, những người đầy tràn tinh thần khôn ngoan, đều cẩn thận ngoảnh mặt đi chỗ khác mỗi lần, vì một lý do nào đó, ngài phải để lộ chân tay ra” (2Cel 136).

-       “Trong thời gian người của Thiên Chúa ở tại Siena, có một anh từ Brescia cũng đến đó. Anh rất ước ao chiêm ngắm năm dấu Cha Thánh của chúng ta, anh khẩn khoản xin anh Pacifico cho một cơ hội để thỏa lòng mong ước. Anh Pacifico trả lời: “Lát nữa, trước khi rời khỏi nơi này, tôi sẽ xin ngài cho hôn tay, và đúng lúc ngài chìa tay cho tôi, tôi sẽ nháy mắt làm hiệu, và anh sẽ có dịp thấy. “Khi hai người đã chuẩn bị xong xuôi để lên đường, họ đến gặp thánh nhân và anh Pacificô quỳ gối xuống thưa với Thánh Phanxicô: “Mẹ rất yêu dấu, xin chúc lành cho chúng con và cho chúng con hôn tay!” Thánh nhân miễn cưỡng đưa tay ra, anh Pacifico cầm lấy hôn rồi chỉ cho anh kia nhìn. Khi họ đã ra đi, Cha Thánh nghi ngờ họ đã giở một mưu kế thánh thiện nào đây. Ngài xét rằng tò mò đạo đức như vậy là báng bổ, nên lập tức cho gọi anh Pacifico trở lại và trách: “Này anh, cầu xin Thiên Chúa thứ tha cho anh, vì đôi khi anh gây ra cho tôi nhiều chuyện phiền lòng lắm.” Pacifico nghe vậy liền phục xuống khiêm cung hỏi: “Thưa mẹ kính mến, con làm mẹ buồn phiền về điều gì vậy?” Song Thánh Phan-xi-cô không trả lời, và sự việc kết thúc trong im lặng” (2Cel 135).

4.     Ý nghĩa chiều sâu của các dấu thánh bên ngoài

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ (Mt 5,3). Có lắm người chuyên cần đọc kinh cầu nguyện và ăn chay phạt xác, nhưng khi có ai nói lời gì có vẻ xúc phạm đến họ, hay lấy mất vật gì của họ, thì họ liền nổi giận và mất hết bình tĩnh. Những người như thế không có tinh thần nghèo khó; bởi vì ai thật sự có tinh thần nghèo khó, thì ghét bỏ mình và yêu mến kẻ vả mặt mình” (HN 14).

-       “Qua vô vàn gian nan và bệnh tật trầm trọng, Phan-xi-cô, vị sứ giả của Thiên Chúa, đã đặt bước chân đi theo đường lối của Chúa Ki-tô và không bao giờ lùi bước cho đến khi hoàn tất ở mức hoàn hảo hơn những gì đã khởi sự một cách hoàn hảo. Khi đã kiệt lực và toàn thân thể rã rời, ngài cũng không bao giờ dừng bước trong cuộc chạy đến sự hoàn hảo và không bao giờ tự cho phép buông lỏng kỷ luật nghiêm nhặt. Ngay cả khi thân thể đã hết sức, ngài cũng không thể cho nó nghỉ ngơi một chút mà lương tâm không lên tiếng trách móc.

Có lúc, mặc dầu không muốn, ngài vẫn phải bôi lên mình những thứ thuốc để làm dịu những cơn đau vượt quá sức chịu đựng. Ngày kia ngài nói nhẹ nhàng với một anh mà ngài biết là có khả năng cho ngài lời khuyên nhủ: “Con rất thân mến, con nghĩ thế nào về việc này? Lương tâm thường hay trách cứ cha lo lắng cho thân xác, sợ cha chiều chuộng thân xác quá đáng trong cơn bệnh hoạn này, và sợ cha cố tìm cho được những thứ dầu bôi quí giá để làm cho thân xác dễ chịu. Thực ra, nó cũng chẳng sung sướng nỗi gì bởi chưng bệnh tật dai dẳng khiến nó chẳng còn ước ao gì hết” (2Cel 210).

-       “Người con ân cần trả lời cho cha mình, ý thức rằng lời mình đáp là do Thiên Chúa ban: “Thưa cha, xin cha vui lòng cho con biết, bao lâu còn có khả năng, thì thân thể của cha đã tuân theo các mệnh lệnh của cha cần mẫn như thế nào?” Ngài đáp: “Cha phải làm chứng rằng nó ngoan ngoãn vâng lời trong mọi sự. Nó chẳng khi nào tiếc công sức, nhưng hăm hở cắm đầu thi hành gần như mọi mệnh lệnh. Nó không ngại khó ngại khổ, không trốn tránh một bất tiện nào, cốt sao hoàn thành được nhiệm vụ. Cha với thân xác hoàn toàn đồng ý với nhau về điểm này: cùng nhau phụng sự Chúa Kitô, không một chút ngần ngại, miễn cưỡng nào”.

Người anh em nói: “Nếu như vậy thì thưa cha, cha để lòng quảng đại của cha ở đâu? Cha để lòng từ tâm và khả năng nhận định rất sáng suốt của cha ở đâu? Đây có phải là cách trả công xứng đáng đối với bạn bè chung thủy không? Chẳng lẽ vui vẻ nhận các ân huệ rồi đến lúc ngặt nghèo không cho lại gì hết? Cho đến hôm nay, có những công việc phục vụ nào cha có thể dâng lên Chúa Kitô mà không cần đến sự giúp đỡ của thân xác cha? Cha đã chẳng nhận rằng nó đã sẵn sàng đương đầu mọi nguy hiểm vì mục đích này hay sao?”.

Người cha trả lời: “Con ơi, cha nhìn nhận: quả rất đúng như vậy.” Người con thưa tiếp: “Cha xét xem, một người bạn trung thành đã chấp nhận nguy hiểm và chịu mất tất cả vì mình, thậm chí chấp nhận mất mạng, mà chúng ta lại bỏ rơi trong lúc khốn khó, như vậy có hợp lẽ không? Thưa cha, chắc chắn là cha không làm như thế vì cha là nguồn trợ giúp cùng là chốn tựa nương cho những kẻ đau khổ. Cha không thể phạm tội chống lại Chúa theo cách ấy được !”.

Ngài nói: “Này con, xin Chúa chúc lành cho con, vì con đã cho cha uống thứ thuốc làm cha yên lòng!” Rồi ngài bắt đầu vui đùa nói với thân xác mình: “Này Anh Thân Xác ơi, vui lên đi và tha thứ cho tôi, bây giờ tôi sẵn lòng làm theo ý anh, và vui vẻ mau chóng tìm cách cho anh đỡ than van.”

Nhưng còn có gì có thể đem lại chút vui thích cho một thân thể suy tàn như thế? Có gì có thể chống đỡ một thân thể không còn chỗ nào lành lặn? Phan-xi-cô đã chết đối với thế gian, nhưng Chúa Ki-tô sống trong ngài. Các sự vui thích của thế gian là một khổ giá đối với ngài vì ngài mang Thánh Giá của Chúa Ki-tô cắm sâu trong trái tim mình. Sở dĩ các dấu thánh sáng ngời bên ngoài xác thịt ngài là vì gốc rễ cây Thánh Giá đã ăn sâu vào bên trong tâm trí ngài (2Cel 211).

5.     Sự tỏa sáng của các dấu thánh sau khi cha thánh qua đời

“Phúc thay người tôi tớ biết cất giữ ở trên trời những của tốt lành Chúa trao phó cho mình mà không tìm cách phô trương cho người đời để được khen thưởng,  vì chính Đấng tối cao sẽ bày tỏ công trạng người ấy cho ai Người muốn. Phúc thay người tôi tớ giữ kỹ trong lòng những điều Chúa tỏ riêng cho mình biết” (HN 28).   

Vào lúc Thánh Phan-xi-cô qua đời,  các Dấu Thánh trở nên rõ ràng với hết mọi người và sự rực rỡ của chúng, vốn bị ẩn giấu cho đến tận bây giờ, bắt đầu tỏa sáng

trên những người hiện diện và trên Giáo Hội. Celano dừng lại lâu hơn một chút trong việc mô tả về Dấu Thánh, và có vẻ như đang điều chỉnh lại một số hiểu lầm nào đó.

-       “Một trong các môn đệ của ngài, một người anh em không phải là ít danh tiếng, đã thấy linh hồn của người Cha chí thánh như một vì sao, to như mặt trăng và sáng chói như mặt trời, ngự trên một đám mây nhỏ, bay thẳng lên trời, vượt trên sóng nước mênh mông.

Vì biến cố này, có một đám rất đông người  tụ tập, tôn vinh và ca tụng danh Chúa. Toàn thể dân thành Assisi muôn người như một tuôn xuống và cả vùng vội vã đến để xem các việc lạ lùng của Chúa, những kỳ công Chúa đã biểu lộ nơi kẻ tôi tớ của Người. Còn đoàn con thì than khóc vì mất đi một người cha tốt lành như thế, họ bày tỏ tấm lòng trìu mến yêu thương qua tiếng khóc lời than.

Nhưng một phép lạ mới biến tiếng khóc của họ thành niềm niềm hân hoan và lời than vãn thành tiếng reo mừng. Họ thấy thân thể người cha của họ được in dấu các vết thương của Chúa Ki-tô. Không phải các lỗ đinh, nhưng là chính các cây đinh ở giữa hai tay hai chân ngài, làm bằng chính thịt của ngài, và thực ra mọc lên từ chính các cơ thịt nhưng lại có màu sậm của sắt và họ thấy cạnh sườn bên phải của ngài loang máu đỏ. Da của ngài trước đó vẫn có màu sẫm, nay trắng ngời, báo trước phần thưởng của ngày phục sinh vinh phúc. Tay chân của ngài trở nên mềm mại chứ không cứng nhắc như thường thấy nơi người chết và biến đổi nên giống như chân tay của một em bé” (2Cel 217).

Chia sẻ