Skip to content
Main Banner

Huynh Đệ Đoàn Istanbul Phục Vụ Đối Thoại Đại Kết Và Liên Tôn

Administrator
2022-06-01 00:00 UTC+7 107

“Đối thoại được hình thành từ cuộc sống hàng ngày, từ tình bạn, sự chia sẻ và niềm tin của mỗi người”. Đó là những lời của anh Eleuthere Makuta Baharanyi, người Côngô, Phụ trách Huynh đệ đoàn Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), tham gia đối thoại đại kết và liên tôn từ năm 2004.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các Anh em Hèn mọn phục vụ trong hai nhà cách nhau 450 km ở Izmir và Istanbul. Anh em cố gắng thúc đẩy xây dựng các mối quan hệ và đối thoại vượt ra ngoài sự khác biệt về tôn giáo. Tại Istanbul, anh em đảm nhận việc chăm sóc mục vụ tại ba nhà thờ cho cộng đồng người Ý, Pháp và Hàn Quốc, cũng như những người di cư đến từ châu Phi và châu Á (đặc biệt là Afghanistan). Anh em chia sẻ đời sống trong một huynh đệ đoàn quốc tế, bất chấp nguồn gốc đa dạng của nhau: Hàn Quốc, Côngô, Pháp, Pakistan, Indonesia, Ý. Mỗi người đều có những đặc điểm riêng, được nhận thấy cách thú vị vào bữa điểm tâm theo văn hóa của họ. Sống chung hàng ngày là điều rất tế nhị, nhưng chúng tôi cố gắng tăng cường các mối tương quan huynh đệ. Đối thoại bắt đầu trước hết trong huynh đệ đoàn rồi sau đó mới ra bên ngoài.

Đối thoại với người Hồi giáo

Có nhiều người Hồi giáo ghé thăm nhà thờ của chúng tôi, dù chỉ tò mò. Một số ít người tìm kiếm lời cầu nguyện hoặc lời khuyên, -anh Phụ trách Eleuthere cho biết-. Vì vậy, vai trò của các anh em là cố gắng giải thích đức tin của mình, cung cấp thông tin chính xác cho những người yêu cầu. Chúng ta phải học hỏi lẫn nhau -anh Eleuthere giải thích-. Từ những người Hồi giáo, chúng ta phải học sự nghiêm túc và tôn trọng tôn giáo, bởi vì một người Hồi giáo chân chính sống theo những nguyên tắc mà anh ta tin tưởng. Rồi cũng có những người theo trào lưu chính thống cực đoan, nhưng những người đó -như chính các đạo hữu Hồi giáo nói- không phải là những người Hồi giáo chân chính.

Cuộc đối thoại với người Hồi giáo trước hết diễn ra với các nhân viên của tu viện, rồi đến các bạn bè, và sau đó là với các giới chức của các thánh đường Hồi giáo địa phương. Ví dụ, mỗi năm một lần, anh Phụ trách của các huynh đệ đoàn đến nghĩa trang cùng với các Imam và một mục sư Tin lành để cầu nguyện.

Trong tháng Ramadan, thiêng liêng đối với người Hồi giáo -vừa kết thúc vào tuần trước- các anh em được mời tham dự iftar, chia sẻ các bữa ăn kết thúc một ngày ăn chay kéo dài cho đến lúc mặt trời lặn.

Hơn nữa, ở cấp độ thể chế, các anh em ở Istanbul tổ chức hàng năm các khóa huấn luyện truyền giáo, diễn ra vào tháng 10, tại đây các chuyên gia tôn giáo hàng đầu của Hồi giáo được mời thuyêt trình.

Cộng tác trong đối thoại cũng có nghĩa là cùng nhau làm việc từ thiện: vì vậy, anh Eleuthere thường đến giúp các Imam của thánh đường Hồi giáo gần đó trong việc phân phối các gói thực phẩm.

Mối quan hệ với cộng đồng Hồi giáo Sufi, nơi các anh em đã chia sẻ một số chuyến đi nước ngoài, cũng rất tuyệt vời: chúng tôi đã đến Konya -một thành phố quan trọng đối với linh đạo của họ, và sau đó cùng họ đến Assisi và Vatican.

Trợ giúp các tù nhân

Cộng đồng Sufi cũng định kỳ hỗ trợ tài chính cho các hoạt động của Huynh đệ đoàn, bao gồm trợ giúp các nữ tù nhân trong một nhà tù không xa Istanbul. “Họ là những người ngoại quốc bị giam giữ vì buôn bán ma túy hoặc các tội phạm khác, và chúng tôi làm trợ úy tinh thần cho họ, -Anh Eleuthere giải thích-. Các Imam giúp người Hồi giáo, còn chúng tôi được Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu chăm sóc các phụ nữ Kitô giáo bị giam giữ, chủ yếu đến từ Nam Mỹ”.

Những phụ nữ này cần trò chuyện và cầu nguyện, và thường bị trầm cảm. Nhóm trợ giúp họ gồm có anh Eleuthere, một sơ dòng Truyền giáo Thánh Tâm, một mục sư Tin lành và một nữ tu người Armenia. Nhờ ngân quỹ ít ỏi có được, các tu sĩ tu đã cố gắng cung cấp những nhu cầu thiết yếu về chăm sóc cá nhân cho các tù nhân, giúp họ không đánh mất phẩm giá của mình, ngay cả khi ở trong hoàn cảnh khó khăn.

Trong hai năm gần đây, vì đại dịch Covid, tình trạng quá tải của các nhà tù ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên, đó là lý do tại sao một số tù nhân được tại ngoại. “Từ ngày này sang ngày khác, chúng tôi phát hiện ra rằng nhiều người trong số họ sống trên hè phố -anh Eleuthere nói-. Do đó, chúng tôi quyết định đón tiếp 38 người (lần này cũng là nam) trong một phần của tu viện mà chúng tôi phải cải tạo lại. Giờ đây, ít nhất một nửa trong số họ đã tự giải thoát và đang cho chúng ta một chứng tá tuyệt vời về tình liên đới: Những người có thu nhập đôi khi mang tiền trở lại nhà tù để giúp những người còn bị giam giữ”.

Công việc giữa các Kitô hữu thuộc các giáo hội khác nhau, sát cánh cùng nhau để chăm sóc những người bị gạt ra ngoài lề xã hội, là một phép lạ hàng ngày của hoạt động đại kết, trong một môi trường mà Kitô hữu là thiểu số.

“Mô hình cho đối thoại đại kết và liên tôn ở Thổ Nhĩ Kỳ là món quà nhưng không -anh Eleuthere khẳng định-. Chúng tôi có thể biến mất chỉ sau một đêm và chúng tôi biết rằng công việc của mình là như vậy”.

(Nguồn: https://ofm.org/it/blog/la-fraternita-di-istanbul-a-servizio-del-dialogo-ecumenico-e-interreligioso/)

Chia sẻ