Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Các học giả Phan sinh thế kỷ XII và XIII bên ngoài các đại học Paris và Oxford

BTT OFMVN 01
2024-02-05 13:24 UTC+7 239
Các thần học gia Phan Sinh hoạt động bên ngoài các Đại Học Paris và Oxford cũng góp một phần quan trọng vào Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh. Chính nhờ các nhà thần học khất sĩ này mà truyền thống đã được mang đến nhiều nơi khác trong thế giới Tây Phương thời đó. Qua các giảng khoá và các trước tác của họ, Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh đã ảnh hưởng đến cả các môi trường bên ngoài các Đại Học và kinh viện.
04-franciscan-tradition-1707116260.jpg

THÁNH ANTÔN thành PAĐUA

Thánh Antôn Pađua (1191-1231). Trong Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh, Thánh Antôn Pađua luôn giữ một vị trí đặc biệt. Ngài là người đầu tiên được trao tặng tước hiệu giáo sư thần học trong Dòng Anh Em Hèn Mọn. Chính Thánh Phanxicô đã đặt ngài vào chức vụ này. Khởi đầu, ngài học thần học ở Coimbra, Bồ Đào Nha. Các giáo sư ở đó là những người đã từng theo học với những bậc trí giả thuộc trường phái Augustinô ở Paris. Lúc mười lăm tuổi, ngài gia nhập đan viện các Kinh Sĩ Augustinô, ngoại thành Lisbon. Khi ngài còn ở đó, hài cốt của các anh em Phan Sinh tử đạo đầu tiên tại Morocco được chuyển tới Coimbra. Nghi thức nghênh tiếp được cử hành rất trọng thể và đã gây ấn tượng mạnh trên tân linh mục Antôn. Thế là vào năm 1220, Antôn chuyển qua Dòng Anh em Hèn mọn. Ao ước của ngài là được trở thành một vị tử đạo, và ngài mong muốn được đi Bắc Phi. Ngài đã đi nhưng chỉ ở đó trong một thời gian ngắn. Từ Bắc Phi, ngài chuyển tới Sicily, sau đó tới Assisi. Ngài dạy cho anh em tại các học viện của họ ở Montpellier và Toulouse. Từ 1229 dến 1231, ngài dạy cho các sinh viên Phan Sinh ở Pađua. Ngài mất năm 1231. Đám tang của ngài là một sự biến lớn, và chỉ mười một tháng sau khi qua đời, Đức Giáo Hoàng Gregorio IX đã phong thánh cho ngài. Năm 1946, Đức Giáo Hoàng Piô XII tuyên phong Thánh Antôn là tiến sĩ Hội Thánh với tước hiệu Doctor Evangelicus (Tiến sĩ Phúc Âm). Tác phẩm duy nhất của Thánh Antôn chúng ta còn giữ hiện nay là một tập các bài giảng. Từ các bài giảng này, giới học giả đã có thể đưa ra một bản phân tích tư tưởng thần học của ngài.

 

PETER JOHN OLIVI

Peter John Olivi (1247/8-1298). Peter John Olivi sinh tại Serignan, ngay bên ngoài Béziers, miền nam nước Pháp. Ông vào Dòng năm 1259/60 và ít năm sau bắt đầu theo học tại Đại Học Paris. Dầu ước muốn trở thành một giáo sư thần học tại Đại Học này, ông được gọi trở về Tỉnh Dòng của mình vào khoảng giữa thập niên 1270, và với chức vụ giảng viên, ông dạy cho các tu sĩ trẻ tại Narbonne và có thể tại Montpellier nữa. Một tu sĩ ẩn danh, được gọi là “Tu sĩ Ar,” đã liệt kê một danh sách các luận đề của Olivi bị xem là không thể biện hộ được. Danh sách này được gửi tới các cấp bậc thẩm quyền. Năm 1283, Olivi bị khiển trách và cấm giảng dạy. Việc tranh tụng dẫn đến án kỷ luật diễn tiến lâu dài và phức tạp, nhưng sự nghiệp giảng dạy của ông cũng đã bị huỷ hoại hoàn toàn. Dầu sao, ông vẫn đại diện cho một viễn tượng thần học được nhiều nhà thần học đương thời ủng hộ, cách này hay cách khác. Nội dung tranh luận ở đây là tìm xem đâu là nền tảng của thần học. Nói một cách đơn giản: Có phải Thần Học dựa trên Các Luận Đề của Peter Lombard và trên các tác phẩm bình giải bộ sách này hay không? Hay là Thần Học phải dựa trên Kinh Thánh? Thần học có phải là một scientia, tức là một công cuộc nghiên cứu mang tính khoa học, hay Thần Học là một khoa chú giải Lời Chúa?

Nhiều vấn đề khác chen vào cuộc tranh luận này ở thế kỷ XIII và XIV. Các tu sĩ Phan Sinh đã coi đức khó nghèo như một phần của cuộc tranh luận. Những cách giải thích khác nhau về Sắc lệnh Exiit qui seminat của Đức Giáo Hoàng Nicôla III khiến cuộc tranh chấp thêm gay cấn, vì ngay thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng cũng được đem ra bàn cãi. Mặc dầu vậy, tư tưởng thần học mang tính Kinh Thánh của Olivi vẫn được một số tu sĩ Phan Sinh quí trọng. Olivi chủ trưong một số điểm mà ông cho là diễn giải đúng đắn viễn tượng và linh đạo của Thánh Phanxicô. Trong thần học của Olivi, chúng ta thấy cả những sự khó khăn lẫn lợi ích của việc hợp nhất linh đạo với thần học, một vấn đề vẫn còn tiếp tục tranh luận cho tới ngày nay.


RAYMOND LULL

Raymond Lull (1232-1316). Raymond Lull sinh tại Palma, Majorca. Trình độ học vấn ban đầu của ông không mang tính chuyên sâu. Năm 1257, ông lập gia đình với bà Blanca Picany, và hai ông bà đã sinh được hai người con. Nếu như chúng ta hầu như không biết gì nhiều về đời sống của ông trong ba mươi năm đầu, chi tiết của những năm tháng sau đó cho đến cuối đời lại được biết đến cách rất cặn kẽ. Năm 1311, Lull viết một cuốn tự thuật, tựa đề là Vita coaetanea. Ông được biết đến như là một con người hành động, một nhà thần bí và là một văn sĩ. Các học giả gần đây đã khám phá thêm một yếu tố khác. Ông là một tác giả rất phong phú, đã viết tổng cộng 265 tác phẩm thuộc đủ các thể loại. Ông còn là một họa sĩ và chính chiều kích hình tượng này đã thu hút sự quan tâm của người thời nay. Nghệ thuật hội họa được xem như là chìa khoá để hiểu các lập trường thâm sâu nhất của ông. Một số tác phẩm sâu sắc nhất của ông là Ars demonstativaArs generalis ultima và Ars brevis.

Lull khó lòng thoát khỏi những lời khen ngợi nồng nhiệt cũng như những phê phán gay gắt. Người ta vẫn chưa biết chắc ông có phải là một Phan Sinh Tại Thế hay không. Anthony Bonner, một nhà nghiên cứu đương thời về Lull, bỏ ngỏ vấn đề nhưng nói rất rõ: “Điều duy nhất chắc chắn là Lull rất gần với các tu sĩ Phan Sinh về mặt tư tưởng và đạo đức.”[1] Từ năm 1316, năm Raymond qua đời, cho tới nay, học giả Phan Sinh người gốc Majorca này có ảnh hưởng rất lớn trên lịch sử tư tưởng Châu Âu. Qua những chuyến du hành, qua các tác phẩm, các buổi giảng thuyết, ông đã phổ biến viễn tượng và linh đạo của Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh cách rộng rãi không có ai khác làm được.


Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFMTriết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021

I. TRUYỀN THỐNG TRI THỨC PHAN SINH

II. CÁC HỌC GIẢ PHAN SINH TIÊN KHỞI TẠI PARIS VÀ OXFORD

III. CÁC HỌC GIẢ PHAN SINH THẾ KỶ XII VÀ XIII BÊN NGOÀI CÁC ĐẠI HỌC PARIS VÀ OXFORD

IV. NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA TRIẾT HỌC PHAN SINH


ĐỌC BÀI VIẾT GỐC TẠI ĐÂY

Chia sẻ