Quan niệm của Phanxicô về quyền bính
Từ buổi đầu, Phanxicô đã có một ý thức rõ rệt về tính chất mới mẻ của cộng đoàn mà ngài gầy dựng nên. Tuy cộng đoàn của mình là một Hội Dòng: có một bản Luật do Giáo Hội chấp nhận (từ năm 1209), và cũng mang danh hiệu là Hội Dòng (Ordo, religio) như các Hội Dòng khác, nhưng Phanxicô cảm thấy mình phải đáp lại một lời mời gọi trực tiếp của Chúa, chứ không phải theo một qui chế cổ truyền.
Các Hội Dòng khác thường được đặt tên theo mầu áo: các đan sĩ áo đen (Benedictin), các đan sĩ áo trắng (Cistercien), hoặc theo địa điểm phát xuất: Cluny, Grande Chartreuse, Citeau, Prémontré.
Phanxicô muốn cho anh em mình mang một cái tên nói lên được cả một chương trình sống : Dòng "Anh em Hèn Mọn" (1 Cel 38; 2 Cel 148). Đến cả chữ Hội Dòng (Ordo, Religio), Phanxicô cũng ít dùng; ngài thích gọi là một "cộng đoàn anh em" (Fraternitas, 10 lần trong Di cảo), và chữ ‘anh em' đây được hiểu theo nghĩa tiên khởi của nó, nghĩa là những người do một Cha chung sinh ra. Những ví dụ này cho ta thấy Phanxicô có một dự phóng mới mẻ về đời tu. Vì thế ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy ngài có một quan niệm độc đáo về những người có trách nhiệm, về thái độ và vai trò của các anh em này trong đời sống của cộng đoàn.
I. MỘT CƠ CẤU MỚI MẺ
Vào thời bấy giờ các đan viện sống tách biệt nhau. Mỗi đan viện có một đời sống độc lập. Còn những "Anh em hèn mọn" ở khắp mọi nơi trên hoàn cầu, chỉ có một Bề trên duy nhất được gọi là anh "Tổng Phục Vụ". Trong lời mở đầu của Luật không sắc chỉ, ta thấy Phanxicô chưa có tước hiệu rõ rệt; nhưng với tư cách là người đứng đầu Hội Dòng, ngài đã "tuyên hứa vâng lời và kính trọng Đức Giáo hoàng Innocentiô và các Đấng kế vị ngài. Còn các anh em khác phải vâng lời anh Phanxicô và những người đến kế vị" (I Luật, mở đầu).
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội một Hội Dòng hoàn toàn tự đặt mình dưới quyền che chở và điều khiển của Đức Giáo hoàng và khấn hứa trung thành với người. Đối với anh em trong Dòng, Tổng Phục vụ sẽ là người đại diện trực tiếp của Đức Giáo hoàng. Như vậy qua lời khấn vâng lời, mỗi anh em nối kết tất cả đời mình với Giáo Hội, luôn luôn "chịu luỵ và quì phục dưới chân Hội Thánh, bền vững trong Đức tin Công giáo" ( L 12).
Khi số anh em càng ngày càng đông thì một người không thể đảm đương hết công việc. Với tư cách Tổng Phục vụ, Phanxicô cắt đặt các Giám tỉnh. Ví dụ : Ngài đặt anh Jean de Florence làm Giám tỉnh cho anh em miền Provence (1 Cel 48), anh Phaolô làm giám tỉnh ở miền Marche (1 Cel 77), anh Elie làm giám tỉnh miền Trung Đông (Jourdain de Giane 9). Các Giám tỉnh là những đại diện của Tổng Phục vụ cho những anh em trong một miền. Dần dần mỗi Tỉnh Dòng lại được chia ra làm nhiều hạt dòng (custodia), mỗi hạt dòng có nhiều nha.
II. MỘT LỐI NÓI MỚI MẺ
Trong cách chỉ định các cấp bậc, chức quyền, Phanxicô có một lối nói độc đáo và mới mẻ.
1.Người Phục Vụ Và Tôi Tớ (Minister et Servus)
Người muốn cho tất cả các anh em có trách nhiệm trong Hội Dòng đều mang danh hiệu là "người phục vụ" (minister). Trong Luật không sắc chỉ chương VI, người viết : "Không ai được phép mang danh ‘prior' (nghĩa là bề trên, người làm đầu), nhưng tất cả hãy mang tên đồng loạt với nhau là ‘anh em hèn mọn'"
Trong Luật không sắc chỉ, ta thấy các cấp bậc chưa được xác định rõ ràng, nên người đứng đầu Hội Dòng được gọi là ‘người phục vụ và tôi tớ' của toàn thể huynh đoàn (minister et servus totius fraternitatis : LKsc 5); các anh khác được gọi là "những người phục vụ của anh em" (ministri fratrum), "những người phục vụ và tôi tớ" (ministri et servi ; xem LKsc 5).
Trong bản Luật không sắc chỉ cách tổ chức đã rõ ràng hơn nên ta thấy xuất hiện những danh từ : minister generalis (Tổng Phục vụ ), minister provincialis (Tỉnh phục vụ).
Trong bản Luật của Dòng Thiên Chúa Ba Ngôi, viết năm 1198, tiếng ‘người phục vụ' (minister) đã được dùng để chỉ Bề trên một nhà dòng. Nhưng Phanxicô muốn cho tiếng ấy được hiểu một cách rõ ràng theo ý nghĩa đầu tiên của nó, nên ngài thường ghép chữ ‘tôi tớ' đi liền với chữ ‘phục vụ' : "Các phụ trách và tôi tớ" (ministri et servi).
Như ta thấy kiểu nói của Phanxicô, tuy không phải là lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử, nhưng cũng không vì thế mà kém phần mới mẻ đối với những người đồng thời. Từ thế kỷ XII, tất cả những người cầm đầu một cộng đoàn anh em đi giảng như Robert d'Arbrisselle, Norbert de Prémontré, Bernard đe Triren đều mang danh hiệu là "magister" (Thầy, tôn sư). Các công văn gọi thánh Đa Minh là "Prior et magister praedicatorum" (bề trên và tôn sư những người đi giảng). Đức Hồng y Jacques de Vitry cũng dùng chữ ‘magister'(tôn sư), ‘summus prior' (bề trên thượng cấp) để chỉ Phanxicô. Ngài viết : "Vidimus primum hujus ordinis fundatorem et magistrum, tamquam summo priori suo omnes alii obediunt, virum simplicem et illiteratum, dilectum Deo et hominibus, fratrem Franciscum nominatum" (Historis Orientalis, c.32; cf Esser, Origini e valori, p.86) : (Chúng tôi đã thấy người sáng lập đầu tiên và làm tôn sư Hội Dòng này; tất cả anh em khác vâng lời như đó là Bề trên thượng cấp của mình; đó là một con người đơn sơ, không học hành, được Thiên Chúa và mọi người yêu mến, tên người là anh Phanxicô).
Ta hãy để ý là tuy Jacques de Vitry dùng chữ ‘Fundator' , ‘Magister', ‘Prior', nhưng lại thêm chữ tamquam (dường như) bên cạnh tiếng ‘Prior' để ngụ ý rằng tiếng này không thích hợp với trường hợp Phanxicô. Sau đó sử gia lại nói rõ ‘Frater Franciscus': dầu là Bề trên tổng quyền, Phanxicô vẫn là một người anh em (cf. Esser, Origini e valori, p.86).
Nhiều năm sau khi bản luật 1223 được chấp nhận rồi, một số văn kiện Toà Thánh vẫn còn dùng tiếng Prior hay Magister để chỉ Tổng Phục vụ Dòng Anh Em Hèn mọn.
Những sự kiện trên cho thấy các tiếng ‘minister et servus' không phải là những danh từ thông dụng - nhất là trong lãnh vực pháp lý - để chỉ các bề trên.
Sở dĩ Phanxicô đã cấm không cho anh em nào được mang danh là ‘prior' (người bề trên), và những người điều hành đều mang danh là ‘phục vụ và tôi tớ', vì ngài đã nghĩ đến hình ảnh một Đức Giêsu Kitô, là Chúa và là Thầy (Dominus et Magister) mà đã rửa chân cho các môn đệ mình. Những người nắm quyền bính phải là những người noi gương vị ‘Chúa và Thầy' ấy để "rửa chân" cho anh em mình.
Luật không sắc chỉ viết rõ : "Không ai được phép mang danh Bề trên (Prior), nhưng tất cả hãy mang tên đồng loạt với nhau là Anh em hèn mọn. Và người này hãy rửa chân cho người kia" (LKsc 6,3-4).
Ta đọc thêm trong Huấn ngôn 4 :
Chúa phán : "Ta đến không phải để được phụng sự, nhưng là để phụng sự. Người được đặt lên điều khiển kẻ khác, hãy lấy đó làm vinh dự cũng như khi được cử ra rửa chân cho anh em. Còn lúc bị cất chức quyền mà buồn bực hơn lúc miễn công tác rửa chân cho anh em, thì càng buồn lại càng như chất chứa của cải phi nghĩa, có hại cho linh hồn mình" (xem thêm 2 Cel 145).
2. Người Canh Giữ Anh Em (Custos et Guardianus)
Ngoài hai tiếng ‘minister et servus', Phanxicô còn dùng 2 tiếng khác nữa là ‘custos' và ‘guardianus' để gọi những người có trách nhiệm phục vụ anh em.(Cf. Esser, Origini e Valori, p.220).Theo nguyên ngữ, hai từ này đều có nghĩa là "người canh giữ" anh em .
Trên bình diện nhiệm vụ thì buổi đầu, ba tiếng minister - custos - guardianus đều đồng nghĩa với nhau. Chúng nói lên tinh thần trách nhiệm hơn là một công việc rõ rệt. Tiếng ‘custos' (người canh giữ) lúc đầu cũng được dùng như tiếng ‘minister'. Trong Luật có sắc chỉ chương 8, tiếng ‘custos' được dùng để chỉ vị "Tổng phục vụ" như tiếng ‘Minister Generalis': "Nếu khi nào toàn thể các anh tỉnh phục vụ và là những người coi sóc anh em nhận thấy tổng phục vụ không đủ khả năng làm tròn bổn phận và mưu ích chung cho anh em, thì các anh ấy là những người được quyền bầu cử buộc phải vì danh Chúa, phải bầu người (coi sóc) khác thay thế (in nomine Domini alium sibi eligere in custodem)". Trong câu này "custos" vừa chỉ các anh Tỉnh phục vụ (ministris provincialibus et custodibus) vừa chỉ Tổng phục vụ (custodem).
Trong Di chúc (viết vào năm 1226) thì tiếng ‘custos' mới mang một ý nghĩa rõ rệt. Quả thực sau năm 1223 thì các tỉnh dòng lại được chia ra từng vùng nhỏ nữa; mỗi vùng nhỏ đó có một ‘custos' (giám hạt) đứng đầu.
Tiếng ‘Guardianus' (cũng có nghĩa là người coi sóc như ‘custos'), lúc đầu cũng đồng nghĩa với ‘minister' và ‘custos'. Tiếng ‘Guardianus' (người gìn giữ) lúc đầu chỉ người phụ trách một nhóm anh em cùng đồng hành với nhau. Về sau khi anh em định cư, thì tiếng ấy được dùng để chỉ anh phụ trách của một nhà: buổi đầu tại các nước Ý và Đức tiếng ‘Guardianus' thường được dùng trong một hoàn cảnh như chữ ‘minister loci' (phụ trách một nơi, cf.K.Esser, Origini e Valori, p.87-88 và 91).
Tuy hai tiếng ‘Guardianus'(Giám viện) và ‘Custos' (Giám hạt) đều nói lên tinh thần trách nhiệm của các bề trên như hai tiếng ‘minister' (phục vụ) và ‘servus' (tôi tớ), nhưng hai tiếng trước gợi lên một hình ảnh Phúc Âm khác.
Hai tiếng ‘Minister et servus' gợi lên hình ảnh một Chúa Kitô rửa chân cho các môn đệ, hai tiếng ‘custos' và ‘guardianus' gợi lên hình ảnh một Chúa Kitô là Đấng Chăn Chiên hiền lành. Hình ảnh này là một trong những hình ảnh Phúc âm mà Phanxicô thường nhắc tới. Ngài nói trong Huấn ngôn 6 :
"Hỡi anh em, chúng ta hãy ngắm xem Đấng chăn chiên hiền lành chịu khổ hình thập giá để cứu chuộc đoàn chiên..."
Trong Luật không sắc chỉ chương 22, ta đọc :
"Chúng ta hãy chạy đến với Ngài là Đấng chăn dắt và bảo vệ linh hồn chúng ta, vì Ngài dạy : Ta là mục tử nhân lành, Ta nuôi nấng đoàn chiên Ta và hiến mạng sống mình cho đoàn chiên" (L ksc 22,32).
Trong tâm trí Phanxicô, người nắm quyền bính sẽ là người chăn chiên hiền lành như Chúa Kitô đã sẵn sàng hiến thân mình cho đoàn chiên.
Thomas de Celano kể là khi Phanxicô gần qua đời, có một anh em xin Ngài chỉ định cho một người thay thế để đảm nhiệm phận sự tổng phục vụ. Ngài liền đáp : "Này con, cha không thấy một thủ lãnh nào cho hợp với một đạo binh thiên hình vạn trạng, một chủ chăn có thể dẫn dắt một đoàn chiên đông đảo như thế này. Tuy nhiên ta muốn hình dung ra cho con một con người và, như người ta thường nói, dùng tay làm dấu hiệu để tỏ cho biết người cha của gia đình này phải như thế nào". Rồi Phanxicô nói lên những nhân đức mà không những Tổng Phục vụ mà cả các giám tỉnh khác nữa cũng phải có; và trong câu trả lời đó hình ảnh một đấng chăn chiên hiền lành được gợi lên nhiều lần" (2 Cel 184-187).
3. Anh Bề trên (Frater Praelatus)
Danh từ "Praelatus" (bề trên) rất được thông dụng trong Giáo Hội để chỉ người bề trên. Trong Huấn ngôn thứ 3, tiếng này được dùng 5 lần, với danh từ tương ứng là "subditus" (bề dưới).
Trong ngôn ngữ thánh Phanxicô, danh từ "Praelatus" mang một mầu sắc mới : ngài thường gọi "Frater Praelatus" (anh bề trên). Celano chép lại lời này của thánh nhân : "Nếu một anh dưới quyền (Frater subditus) không những hiểu được lời nói mà còn đoán được ý nghĩ của anh bề trên (Fratris praelati), thì lập tức hãy vâng lời và thực hiện cả những điều mà anh bề trên tỏ ra bằng một cử chỉ nào đó" (1 Cel 45) .
Hai tiếng ‘praelatus - subditus' diễn tả được một cách rõ ràng sợi dây liên lạc về quyền bính và vâng phục trong đời sống tu trì. Nhưng chữ ‘frater' mà Phanxicô đặt trước chữ ‘praelatus' cho ta thấy sợi dây đó được đặt vào trong ánh sáng của Tin Mừng . Trách nhiệm của bề trên và địa vị của bề dưới không được làm ta quên rằng : tất cả chúng ta là anh em với nhau, và chúng ta chỉ có một Cha là Cha trên trời và một Thầy (magister) là Đức Kitô (L 22,31-32).
Truyện ký ở Perugia viết : "Trong các thư từ, không bao giờ người gọi ai là Cha hay Thầy, vì muốn tôn kính lời này của Chúa: đừng gọi ai dưới đất này là Cha và cũng đừng để người ta gọi chúng con là Thầy" (Leg. Per. 65).
Phần phân tích ngôn ngữ trên cho thấy các danh từ mà Phanxicô dùng để nói tới chức quyền đều chỉ một nhiệm vụ chứ không phải một chỗ ngồi danh dự (minister - servus - custos). Những danh từ đã thông dụng như praelatus - subditus cũng được mặc thêm một sắc thái mới mẻ : sợi dây giữa bề trên và bề dưới trước hết phải là một sợi dây anh em.
Người có quyền là người phải luôn luôn noi gương Chúa Giê-su là Đấng tự đặt mình làm tôi tớ để rửa chân cho môn đệ mình, là người mục tử đã hiến thân mình cho đoàn chiên.
III. MỘT TINH THẦN MỚI MẺ
Ngôn ngữ mới mẻ hàm chứa một tinh thần mới mẻ: đó là tinh thần huynh đệ Phúc âm. Tinh thần ấy phải được thể hiện như thế nào trong những hoàn cảnh cụ thể ?
A.Thái độ các vị phục vụ:
1. Tinh thần huynh đệ, bình đẳng
Người được đặt vào vị trí cấp trên, phải nhớ rằng mình cũng là một người anh em. Đó là ý nghĩa sâu xa của kiểu nói "anh bề trên" (frater-praelatus).
- LKsc 6,3-4 : tất cả đồng loạt là anh em
- LKsc 5,12 : Không một anh em nào có quyền hành hay thế lực gì nhất là giữa anh em với nhau.
2. Thái độ tôi tớ
Những người nắm quyền bính trước hết là những người tôi tớ của anh em. Những bản văn lâu đời nhất cho ta thấy Phanxicô phân biệt minh bạch chức vụ của người phụ trách theo ý ngài và chức vụ người bề trên trong các Dòng khác. "Không ai được phép mang danh là ‘prior' (Bề trên). Và như để biện minh lời cấm đoán đó, ngài thêm hai câu đầy ý nghĩa : "Tất cả hãy mang tên đồng loạt với nhau là anh em hèn mọn. Và người này hãy rửa chân cho người kia" (LKsc 6). Cũng trong bản Luật không sắc chỉ, Phanxicô dựa vào Phúc âm để nói rõ thi hành quyền bính không phải là dùng sức mạn hay uy thế : "Không một anh em nào có quyền hành và thế lực gì, nhất là giữa anh em với nhau. Vì Chúa phán trong Phúc âm : Vương tướng trong trần gian thì bá chủ dân gian và kẻ cả hay dùng quyền bính để đối xử với quần chúng; giữa anh em không hề như thế. Trái lại, ai muốn làm lớn, hãy làm người phục vụ và làm đầy tớ anh em, và ai là kẻ cả hãy nên như người cùng rốt" (LKsc 5).
Phanxicô ước ao thấy các anh phục vụ thể hiện cách đặc biệt thái độ tôi tớ ấy, nhất là khi kẻ dưới quyền gặp khó khăn :đó là trường hợp có thể đưa đôi bên đến chỗ bất bình trong quan điểm và trong đời sống. Huấn ngôn 3 kể ra một vài trường hợp cụ thể như bề dưới có thể "thấy những điều tốt lành và bổ ích cho linh hồn mình hơn điều bề trên dạy", hay là bề trên có thể "dạy bảo điều gì ngược với lương tâm kẻ bề dưới". Nghĩ đến những trường hợp khó khăn và tế nhị như thế, Phanxicô viết trong Luật chương 10 : " Nơi nào có anh em nhận thấy rõ ràng mình không thể tuân giữ Luật trong tinh thần, thì có bổn phận và có thể chạy tới các anh Phục vụ của mình. Phần các anh phục vụ hãy tiếp đón họ cách nhân hậu và dịu dàng, hãy tỏ ra thân mật với họ, làm sao họ có thể nói năng và cư xử với mình như chủ với tôi tớ" (tantam familiaritatem habeant circa ipsos, ut dicere possint eis et facere sicut domini servis suis).
Mối tương quan giữa người phụ trách và kẻ dưới quyền phải là mối tình yêu thương (caritative), khoan dung (benigne), để hai bên đều cảm thấy được nối chặt với nhau trong bầu khí gia đình (familiaritatem). Và để tránh mọi sự hiểu lầm có thể xảy ra về vai trò của người có quyền , Phanxicô nói thêm: "Vì quả thật phải như thế, người phục vụ là tôi tớ của tất cả anh em".
Trong Thư gời các tín hữu, Phanxicô lại nói tới thái độ của các anh phục vụ đối với tất cả anh em, nhất là đối với những anh em có lỗi lầm :"Còn ai có quyền truyền lệnh cho anh em vâng lời và được xem là người lớn nhất, thì hãy ăn ở như người hèn mọn và làm tôi tớ các anh em khác; và hãy đối đãi nhân từ với mọi anh em, như chính mình muốn được đối đãi trong trường hợp tương tự. Khi có anh em làm điều gì sơ suất thì đừng nổi giận, nhưng hãy hết lòng nhẫn nhục, khiêm hạ mà khuyến cáo và chịu đựng cách nhân từ" (TTh 42-44).
Thái độ tôi tớ ấy đòi hỏi nơi các anh phục vụ nhiều khiêm nhường và nghèo khó nội tâm để luôn luôn nghĩ đến vinh quang của Chúa, ích lợi của anh em, chứ không đi tìm vinh dự cho bản thân. Phanxicô viết trong Luật không sắc chỉ (chương 17,4) :
"Không một anh phục vụ nào hay một anh em đi giảng nào, được coi nhiệm vụ phục vụ anh em hoặc bổn phận giảng dạy như của riêng tư. Nhưng lúc hết nhiệm kỳ thì hãy từ bỏ chức vụ mình không một lời phản kháng".
Huấn ngôn 5 so sánh người bám bíu lấy chức quyền như một người tích trữ những của cải gian lận :
"Lúc bị cất chức quyền mà buồn bực hơn lúc được miễn công tác rửa chân cho anh em thì càng buồn lại càng chất chứa của cải phi nghĩa, có hại cho linh hồn mình".
Thomas de Celano viết : Thánh nhân xem việc coi sóc người khác là việc tốt lành đẹp lòng Chúa, nhưng người nói : những người nhận trách nhiệm phục vụ các linh hồn phải là những người không tìm kiếm trong trách nhiệm đó một ích lợi gì cho bản thân, nhưng luôn luôn trong mọi sự chỉ chú ý tới thánh ý Chúa. Các ngài sẽ không ước ao gì hơn là phần rỗi của mình, không chờ đợi người dưới vỗ tay nhưngước mong họ tiến triển; không khao khát oai phong trước mặt loài người nhưng vinh dự trước mặt Chúa; không yêu quí nhưng sợ hãi chức quyền; và một khi được chức quyền, các ngài sẽ không tự tôn nhưng hãy tự hạ, và khi hết chức quyền sẽ không buồn bực nhưng vui mừng (1 Cel 104). Đối với thánh nhân, cai trị thật là đầy nguy hiểm, vâng lời thì ích lợi hơn.
3. Thái độ hiền mẫu
Để có một ý niệm đầy đủ về mẫu người phụ trách theo thánh Phanxicô, ta không thể không nói đến thái độ thứ hai độc đáo hơn : thái độ của một người mẹ. Trong cả hai bản Luật, Phanxicô đều nói : tình yêu giữa anh em phải trổi vượt tình yêu của một người mẹ đối với con mình:
"Dù ở nơi nào hay gặp nhau ở đâu, anh em hãy tỏ ra là anh em một nhà. Hãy tín nhiệm nói cho nhau biết nhu cầu củamh, vì nếu người mẹ dưỡng nuôi âu yếm con cái xác thịt mình thì mỗi người phải ân cần yêu thương và dưỡng nuôi anh em thiêng liêng mình hơn là dường nào" (L 6.,7).
Nếu tình huynh đệ nói chung là như thế, huống chi là tình yêu của các anh phụ trách đối với anh em mình. Theo bản luật viết cho anh em sống trong ẩn viện thì phải có hai người làm "mẹ" và hai người làm "con": những người làm mẹ hãy sống như Matta và hai người kia như Maria. Nghĩa là những người làm mẹ phải lo sao cho hai đứa con không thiếu thốn điều gì và có thể chuyên lo việc Chúa mà không phải bận tâm gì cả.
Trong Di cảo, ta bắt gặp thái độ này nơi Phanxicô qua lá thư gởi cho Lêô : "Cha nói với con như một người mẹ vậy" (Ita dico tibi, Fili mi, et sicut mater).
Còn trong các truyện ký tiên khởi, ta có thể trích nhiều ví dụ lắm :
Phanxicô đã tự so sánh mình như một người mẹ nghèo ở trong sa mạc và số con đông đảo là con của vua (2 Cel 16). Hoặc ngài còn tự so sánh mình như một con gà mái nhỏ màu đen có đàn gà con rất đông (2 Cel 24). Còn anh Pacifico thường gọi Phanxicô là "mẹ rất yêu quí" ( x. 2 Cel 137).
Thomas de Celano cũng kể thêm là thánh nhân đã chọn anh Elie làm ‘mẹ' của mình (1 Cel 98).
Jourdain de Giano kể chuyện là anh Jean de Plan Carpin được Phanxicô chỉ định làm giám tỉnh ở bên Đức, và nói : "Anh che chở anh em mình như người mẹ che chở con cái, và như một con gà che chở đàn gà con ; anh phục vụ anh em một cách an hoà, ân ái, dịu dàng"(số 55).
Chứng từ này của Jourdain gợi lên những điểm được ghi chép trong Luật và nhất là hình ảnh của Phanxicô là người mẹ hiền, là một con gà thương con; nó cũng cho ta thấy anh em tiên khởi ý thức rất rõ ràng vai trò bề trên là vai trò một người mẹ trong gia đình.
Vai trò ấy được thể hiện qua những bổn phận nào?
4. Nhiệm vụ thăm viếng anh em
Lẽ dĩ nhiên mỗi anh phục vụ có địa hạt riêng và nhiệm vụ riêng tuỳ cấp bậc của mình. Ví dụ Tổng Phục vụ có nhiệm vụ triệu tập tổng tu nghị, chỉ định các giám tỉnh; các anh này lại có nhiệm vụ bầu cử tổng phục vụ v.v... Nhưng nói chung, các anh phục vụ có một số nhiệm vụ đặc biệt.
Luật không sắc chỉ viết: "Hết thảy những anh em được cử ra giữ chức phục vụ và làm đầy tớ các anh em khác, hãy cắt đặt các anh em trong Tỉnh Dòng và các nhà và năng thăm viếng chỉ dẫn đàng thiêng liêng và khích lệ họ" (L ksc 4,2).
Những lời này cho ta thấy một khía cạnh quan trọng của đời sống Hội Dòng trong buổi đầu. Tại mỗi Tu nghị , anh phục vụ chỉ định cho mỗi người một chỗ ở và một trách nhiệm cho tới kỳ tu nghị sau. Và để anh em khỏi lẻ loi, vị phục vụ phải năng thăm viếng và khích lệ để giúp đỡ anh em thắng vượt mọi khó khăn. Bản Luật hiện thời trong chương 10 nhắc lại trách nhiệm đó của vị phục vụ : ‘Các anh làm người phục vụ và tôi tớ các anh em khác, hãy đi thăm viếng và khuyên răn anh em mình, hãy sưả dạy họ với lòng khiêm nhường và bác ái".
Bổn phận đầu tiên của các anh phục vụ là thăm viếng anh em mình, với mục đích thiêng liêng: đó là nâng đỡ anh em trong đời sống tu trì (spiritualiter moneant et confortent, LKsc 4,1 ; LÂv 9), và chỉ dạy cho anh em một cách khiêm nhường và bác ái khi họ có lỗi lầm (humiliter et caritative corrigant eos).
Trong thư gởi các tín hữu, ta thấy Phanxicô xem bổn phận này là bổn phận đặc biệt của các anh phục vụ và ngài đặt cho nó cái ý nghĩa là mang Lời Chúa cho anh em :
" Là đầy tớ của mọi người, tôi có bổn phận phục vụ mọi người và phân phát những lời thơm tho của Chúa tôi. Bởi thế thâm tâm tôi nghĩ rằng : vì thể xác bệnh tật yếu hèn không thân hành đến thăm từng người được, tôi trù tính dùng lá thư này làm thông điệp chuyển tới anh chị em những lời của Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô và là Ngôi Lời của Đức Chúa Cha, cùng những lời chan chứa tinh thần và sự sống của Chúa Thánh Thần ".
Truyện ký của Jourdain de Giano viết : trước lúc trẩy sang phương Đông cùng với Pierre de Catane, Phanxicô đặt ra hai anh phó phục vụ, đó là anh Matthieu de Narni và Grégoire de Naples. Matthieu được chỉ định ở tại nhà dòng Đức Bà các Thiên-thần để đón tiếp những ai muốn vào Dòng ; còn Grégoire phải đi khắp nước Ý để thăm viếng và "an ủi" anh em(ut circuiendo Italiani fratres consolarentur, xem J.de Giano 11). Các chi tiết này cho ta thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của việc viếng thăm anh em trong thời tiên khởi của Dòng.
Lẽ dĩ nhiên công việc viếng thăm này không thể giải quyết hết những vấn đề liên lạc giữa anh em, bởi lẽ các anh phục vụ không thể cùng một lúc gặp gỡ tất cả các anh em được . Vì thế, tương ứng với bổn phận thăm viếng của các anh phục vụ , thì có bổn phận của các anh em dưới quyền là đến gặp gỡ các anh ấy :
"Bất cứ ở nơi nào, nếu anh em không thể giữ đúng đời sống chúng ta, thì hãy chạy đến anh phụ vu của mình càng sớm càng hay và trình bày trường hợp với anh.Anh phục vụ hãy tìm cách lo liệu cho anh em như chính mình muốn được kẻ khác xử trí với mình trong trường hợp tương tự" (LKsc 6).
Điều này được nhắc lại trong Luật có sắc chỉ (ch.10,4;).
"Nơi nào có anh em biết và nhận thấy mình không thể tuân giữ theo tinh thần, thì có bổn phận và có quyền chạy đến cùng các anh phục vụ"
Việc này nhiều khi không dễ dàng đối với kẻ dưới quyền. Nhưng vấn đề đặt ra cho anh phục vụ có lẽ lại khó khăn hơn. Để dễ tìm một giải pháp, Phanxicô viết thêm :
"Phần các anh phục vụ, hãy tiếp họ với lòng bác ái và nhân từ, hãy tỏ ra thân mật với họ, làm sao họ có thể nói và cư xử với mình như chủ với tôi tớ; quả thật phải như thế, người phục vụ là tôi tớ của tất cả anh em ".
Vì thế, trong mọi hoàn cảnh, đến cả những hoàn cảnh đau khổ nhất cho anh phục vụ, thì trước hết các anh cũng phải muốn điều Chúa muốn. Một anh phục vụ nọ vì chán nản với anh em, nên xin Phanxicô cất chức cho và được phép lui vào sống trong ẩn viện. Thánh nhân viết thư trả lời : "Các chướng ngại ngăn cản anh yêu mến Chúa và các điều phiền hà do anh em hay người khác gây nên cho anh, dẫu là roi vọt chăng nưã, thì anh cứ xem như một ân huệ Chúa ban. Xin anh ưng chịu như thế và đừng mong muốn ở họ điều gì khác. Anh hãy làm như vậy vì vâng lời Chúa và vâng lời tôi : tôi biết chắc đó là vâng lời thật. Hãy yêu mến những kẻ đối đãi với anh như thế và đừng mong ở họ điều gì khác ngoài những điều Chúa sẽ ban cho anh. Anh nên yêu mến họ ngay trong hoàn cảnh này và đừng vì ích kỷ mà muốn họ trở thành tín hữu tốt lành hơn. Anh nên quí điều đó hơn là sống trong ẩn viện" (TPv ).
Đối với Phanxicô, thánh ý Chúa được bộc lộ cách đặc biệt trong Luật Dòng (x. Di Chúc : chính Đấng Tối Cao đã chỉ cho tôi phải sống theo thể thức thánh Phúc âm, và tôi đã dạy viết một bản Luật bằng ít lời đơn sơ; và Đức Thánh Cha đã phê chuẩn cho tôi), và trong lương tâm của mỗi người. Vì thế, đứng về phía các anh phục vụ thì Phanxicô viết : "Các anh làm người phục vụ và tôi tớ các anh em khác... đừng truyền họ làm điều gì nghịch cùng linh hồn họ và trái với Luật Dòng chúng ta " (L 10,1) vì "Đức Vâng lời không buộc ai phải tuân theo kẻ khác trong những điều làm mình phạm tội hoặc phạm pháp" (TTh 1,41).
Di cảo Cha thánh nêu lên nhiều hoàn cảnh cụ thể : khi các ứng viên phải xếp đặt của cải, khi anh em vì hoàn cảnh từng miền mà cần thêm quần áo (L 2,7-9), khi có những anh em làm điều sai lỗi (LKsc 5,9; L 7 v..v...). Trong các trường hợp ấy, Phanxicô không đặt qui chế rõ rệt một lần cho tất cả, nhưng : "Các anh phục vụ và tôi tớ hãy hành động cách nào cho hợp ý Chúa hơn hết" (Minister et servus... faciat, sicut sibi secundum Deum melius videbitur expedire).
Đức Vâng lời đòi hỏi nhiều suy nghĩ và cởi mở để nghe ngóng tiếng Chúa . Điều đó có lẽ khó khăn cho các anh phục vụ hơn là những kẻ dưới quyền. Phanxicô căn dặn caânnh phục vụ : "Thật hoạ hiếm lắm mới nên nhân danh đức vâng lời mà sai khiến điều gì. Chỉ phải dùng khí giới đó vào lúc cần thiết mà thôi".
Trách nhiệm các anh phục vụ nặng nề. Vì thế Phanxicô muốn các anh phải ý thức và thận trọng : "Các anh phục vụ và đầy tớ hãy nhớ rằng các anh là những người có trách nhiệm về linh hồn của anh em mình : vậy nếu có ai trong anh em hư mất vì tội lỗ và gương xấu của họ thì họ sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa Giêsu trước ngày phán xét" (LKsc 4).
Cái nhìn của chúng ta sẽ độc chiều và thiếu sót, nếu ta chỉ đề cập đến thái độ và nhiệm vụ của các anh phục vụ mà thôi. Những người làm ‘mẹ' sẽ có ngày lại làm ‘con' và ‘những kẻ làm con sẽ có thể làm ‘mẹ' một thời gian', như huấn thị của Phanxicô về đời sống trong ẩn viện nói. Vì thế ta cũng nên nói qua một chút về thái độ và nhiệm vụ của tất cả anh em đối với các anh phục vụ.
B. Thái độ và nhiệm vụ của những anh em dưới quyền
Quyền bính nguy hiểm, nhất là khi phải sống trong xã hội phong kiến thời Trung cổ, nên Phanxicô đã nói rất nhiều về thái độ phục vụ và tôi tớ mà các anh phục vụ phải có. Có lẽ cũng vì thế mà một số anh em thiếu tôn kính đối với các anh phục vụ hoặc cho rằng những suy tính của họ ích lợi cho linh hồn họ hơn những điều các anh phục vụ dạy bảo. Bởi vậy Phanxicô nêu ra cho anh em dưới quyền một số thái độ cần phải giữ:
1.Tôn kính
Phanxicô nói với anh em:"Tôi muốn tất cả anh em hãy tôn kính Anh Tổng phục vụ như người thay mặt Chúa Kitô và hãy ân cần cung ứng mọi nhu cầu của Anh".
Lẽ dĩ nhiên các anh phục vụ khác là đại diện Anh Tổng phục vụ cũng phải được các anh em khác tôn kính và săn sóc như thế. Một cách rất tế nhị và cụ thể, Phanxicô nghĩ đến trường hợp các anh ấy mệt nhọc hoặc đau ốm, thì cần phải có thức ăn đầy đủ và bổ sức hơn. Các anh ấy có thể ái ngại và không nói ra. Các anh em dưới quyền phải tỏ ra rất tế nhị ân cần (cum omni benevolentia).
2. Vâng lời
Bổn phận của các anh em dưới quyền chủ yếu nằm trên bình diện siêu nhiên : đó là vâng lời theo gương Chúa Giê-su. Cũng như Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha đến chết trên thập giá (TTh 10), để đền bù tội bất phục tùng của Ađam và của loài người chúng ta (HN 2), Phanxicô muốn anh em hãy triệt để vâng lời các anh phục vụ.
"Các anh em dưới quyền hãy nhớ rằng vì Chúa mình đã từ bỏ ý riêng. Vì thế tôi buộc nhặt họ phải vâng lời những người phục vụ trong tất cả những điều đã hứa với Chúa sẽ tuân giữ và những điều không nghịch cùng linh hồn và không trái với Luật dòng chúng ta" (L 10).
Trong hai bản Luât, Phanxicô đều nghĩ đến những trường hợp mà quyền bính bên ngoài có thể làm cản trở tiếng nói của Chúa Thánh Thần trong lương tâm mọi người. Vì thế Phanxicô đã dặn các vị phục vụ đừng sai khiến điều gì trái với lương tâm anh em và trái với Luật dòng, điều mà ta đã thấy ở phần trước. Ở đây, đứng về quan điểm của bề dưới, thánh nhân cũng khẳng định rõ ràng : bổn phận của họ là phải vâng lời khi không có điều gì trái nghịch với lương tâm và Luật dòng.
Tuy nhiên đời sống thực tế hằng ngày đã cho thánh Phan-xi-cô thấy những trường hợp đau lòng. Luật không sắc chỉ (chương 5) nhắc đến những anh em xa lìa giới răn Chúa và đi lang thang ngoài vòng đức vâng lời. Thư gởi Tổng tu nghị nói đến "những anh em đi lang thang đây đó, bất chấp kỷ luật đã được ấn định trong Luật dòng". Huấn ngôn thứ 3 cho ta thấy thánh nhân đã gặp những trường hợp tinh vi hơn : có những anh em lấy cớ đã gặp những điều trái nghịch với lương tâm và Luật dòng, nên đã lợi dụng sự tự do mà Luật cho phép. Họ từ chối vâng lời và đi đến chỗ đoạn giao với bề trên và các anh em khác. Để giải quyết những khó khăn đó, thánh nhân viết : "Nếu kẻ bề dưới thấy có những điều tốt lành và bổ ích cho linh hồn mình hơn điều bề trên truyền dạy, kẻ ấy nên hi sinh ý riêng mình cho Chúa và hãy sốt sắng chu toàn ý bề trên bằng việc làm... Nếu bề trên truyền dạy điều gì ngược với lương tâm thì kẻ bề dưới , tuy được phép không vâng lời, nhưng cũng chớ đoạn tuyệt với bề trên. Vả nếu bởi đó mà bị kẻ khác bách hại thì lại phải càng vì Chúa mà yêu họ hơn. Bởi vì thà chịu bách hại mà không thà xa lìa anh em, ấy mới thật bền bỉ trong đức vâng lời trọn hảo, vì đã hiến mạng sống mình cho anh em " (Hn 3,59).
Câu cuối cùng của Huấn ngôn cho ta thấy Phanxicô đã có một kinh nghiệm sâu sắc về lòng người : "Có lắm tu sĩ cứ tưởng mình thấy được những điều tốt hơn điều bề trên truyền dạy, nên mới ngoảnh mặt lại đằng sau và quay về với ý riêng mình đã mửa ra: những tu sĩ ấy đích là những kẻ sát nhân, và gương xấu của họ làm hư mất nhiều linh hồn"
Những kinh nghiệm đau buồn đó đã đưa Phanxicô lúc về cuối đời đến một quan niệm khắt khe hơn về đức vâng lời. Trong Di Chúc, ngài viết : "Tôi muốn chịu cầm buộc trong tay anh Phụ trách, đến nỗi tôi không thể đi đâu hay làm gì ngoài sự vâng lời và ý muốn của anh vì anh là chủ tôi... và tất cả anh em khác cũng khải vâng lời anh Phụ trách của mình như vậy..."(DC 27-30).
Ở đây ta thấy Phanxicô đặt cho mình và cho anh em một lý tưởng vâng lời gần với lý tưởng mà ngài đã diễn tả qua hình ảnh một xác chết : ai đặt đâu cũng được, không phàn nàn gì, không đòi hỏi gì, chấp nhận tất cả với lòng khiêm nhường (x. 2 Cel 152; Leg.Maj. 6,4).
Kinh nghiệm đã cho ngài thấy rằng cái quan niệm rộng rãi về đức vâng lời đòi hỏi một đức tin sâu sắc về vai trò của Chúa Thánh Linh trong tâm hồn mỗi người .Và mức độ đức tin ấy, không phải tất cả anh em đều đã có.
Tới đây chúng ta có thể nêu ra vài kết luận như sau:
1. Nguồn cảm hứng của Phanxicô hoàn toàn ở trong Phúc âm. Nó bắt nguồn từ hình ảnh một Đức Giêsu Kitô là vị Thầy độc nhất đã hạ mình làm tôi tớ rửa chân cho các môn đệ, là vị mục tử nhân lành đã hi sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.
Chính vì muốn sống tinh thần Phúc âm đó cách triệt để mà thánh nhân đã tỏ ra độc đáo và mới mẻ trong hoàn cảnh một xã hội phong kiến đương thời: độc đáo về ngôn ngữ (từ chối một số danh từ như prior, magister, và thích dùng một số danh từ như minister, servus, custos ), độc đáo về tinh thần và cách tổ chức ( một Tổng phụ trách cho toàn dòng, và là người tôi tớ, người anh và nhất là người mẹ hiền của tất cả các anh em khác).
2.Trong quan niệm về trách nhiệm của các anh phục vụ, về mối tương giao giữa các anh ấy và các anh em khác, Phanxicô đã đặc biệt lưu tâm đến sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là Bề trên Cả thực sự của Hội Dòng (2 Cel 193). Quyền bính là để giúp mọi anh em thực hiện một cách cụ thể lời mời gọi của Chúa Thánh Thần trong đời sống hằng ngày của cộng đoàn cũng như mỗi cá nhân; vì thế mối ưu tư của Phanxicô là làm sao đừng để chức quyền làm cản trở hành động của Chúa Thánh Thần trong lương tâm mỗi người.
Quả thật là ý nghĩa khi ta thấy Phanxicô, trong Luật có sắc chỉ (chương 10), sau khi đã khẳng định bổn phận của các anh Phục vụ và các anh em dưới quyền, liền nói thêm cho cả đôi bên : "Anh em hãy chăm lo điều này là trên hết mọi sự, ao ước được Thần Linh của Chúa hiện diện và tác động nơi mình" .
Trong tâm trí của Phanxicô, quyền bính và vâng lời là hai thực tại phải luôn luôn tương ứng với nhau và nối kết với nhau trong Chúa Thánh Thần, là nguồn mạch của sự tự do chân thật. Vì thế, đối với thánh nhân, chẳng có gì thảm hại cho bằng một kẻ có quyền không biết suy nghĩ để nghe tiếng Chúa và một kẻ dưới quyền không biết vâng phục. Ngài nói : "Quyền bính là gì nơi một bề trên thiếu suy nghĩ nếu không phải là một thanh gươm trong tay người điên ? Và có gì đáng thất vọng hơn là một tu sĩ khinh rẻ việc vâng lời ? " (2 Cel 153).
Fr. Norberto Nguyễn-Văn-Khanh