Scotus và khoa Kitô-Nhân-học: Một vài hậu quả Kitô-nhân-học Phan-sinh rút ra từ đạo lý của John Duns Scotus về vị-trí ưu đẳng của Đức Ki-tô
SCOTUS VÀ KHOA KITÔ-NHÂN-HỌC:
Một vài hậu quả Kitô-nhân-học Phan-sinh rút ra từ đạo lý của John Duns Scotus về vị-trí ưu đẳng của Đức Ki-tô
Seamus Mullholand, OFM
Franciscan Center, Cantebury, England
Trong lược đồ cơ bản trình bày những đường nét chính yếu trong đạo lý của Scotus về vị trí ưu đẳng của Đức Ki-tô, chúng ta đã thấy động lực phía sau chính là Tình yêu. Nhưng đó là tình yêu đạt tới mức cao nhất, vì mức độ cao nhất là tình yêu mà Thiên-Chúa yêu Bản thân mình.
Đạo lý của Scotus về Thiên-Chúa Ba ngôi làm nổi bật ý tưởng là không có gì được thêm vào Tình yêu cao cả nhất: Tình yêu ấy là Yếu tính thần linh trong Thiên-Chúa, Đấng đang yêu bên ngoài Bản thân mình. Nếu có gì được thêm vào, thì đã có sự bất toàn hay một sự thiếu thốn gì nơi Thần tính. Tất nhiên là không phải như vậy. Chúng ta cũng đã ghi nhận là Thiên-Chúa muốn có một Ai khác bên ngoài Mình có thể yêu Mình với tình yêu cao cả nhất, nghĩa là Tình yêu mà Thiên-Chúa có đối với Mình và Tình yêu ấy là chính Mình.Cái ở bên ngoài Thiên-Chúa thì được tạo dựng. Cái được tạo dựng thì vô cùng thấp hơn cái vô cùng của Đấng Tạo hoá.
Khi thực hiện việc tạo dựng, Thiên-Chúa không yêu, rồi hành động: vì nếu vậy, thì có việc này tiếp nối việc kia; nhưng đúng hơn, Thiên-Chúa YÊU, vì Ngài là tình yêu, và bản chất của tình yêu là “lan toả”; bởi vậy tạo thành là hậu quả của tình yêu lan toả, thứ tình yêu mà Thiên-Chúa yêu Mình. Nhưng điều đó không xảy ra một cách tình cờ hay là được thực hiện theo ngẫu hứng, vì Thiên-Chúa yêu thương theo một phương cách hết sức trật tự: nếu Thiên-Chúa muốn được yêu bởi một Ai khác ngoài Mình với tình yêu cao cả nhất, thì hành vi muốn ấy tự nó là một hành vi tự do. Như vậy hành động, muốn và yêu mến, tất cả đều là tự do trong Thần tính.
Vậy: đâu là điều mà Thiên-Chúa muốn? Ngài muốn cái cùng đích của những gì Ngài dựng nên. Cùng đích ấy là gì? Đó là vinh quang của tạo thành cùng với Vinh quang, vì Vinh quang là Thần tính. Làm thế nào thực hiện điều đó? Ân sủng. Ân sủng đó là gì? Việc Nhập thể. Bởi vậy Nhập thể liên hệ tới việc Ngôi Lời kết hợp với bản tính được tạo dựng của thụ-tạo Giê-su. Đó là ân sủng mà Thiên-Chúa thấy trước. Bởi vì Ngài yêu thương trong trật tự, cho nên khởi đầu là Ngài thấy trước cùng đích. Cùng đích là việc chính Mình kết hiệp với một thụ tạo. Không phải là bất cứ thụ-tạo nào, nhưng là thụ tạo Giê-su.
Như vậy là Thiên-Chúa muốn, một cách tự do, kết hiệp một cách hoàn toàn bản thân Mình cùng với một bản tính nhân loại. Chúng ta cần dừng lại ở đây một thời gian, để suy nghĩ về hậu quả quyết định đó của Thiên-Chúa, từ quan điểm của chúng ta là những thụ tạo.
Trong Diễn-từ 1.39 Scotus lý luận rằng bất cứ điều gì được dựng nên thì không tất yếu, và bởi vậy có giới hạn. Nhưng tác giả không liên kết điều này với nhân tính của Đức Giê-su. Nhân tính của Đức Giê-su, vì không tất yếu và có giới hạn, nên không thể được xem là thụ tạo hoàn hảo nhất. Chính vũ trụ này là không tất yếu và có giới hạn, cho nên nhân tính của Đức Giê-su là hoàn hảo nhất so với phần còn lại của tạo thành. Đức Giê-su, trong bản tính nhân loại của mình, chiếm vị trí ưu đẳng, nhưng đó là một ưu thế tương đối, nghĩa là trong tương quan với thụ tạo không tất yếu khác. Chúng ta không phải là những thụ tạo tất yếu, cho nên ưu thế của Đức Giê-su có liên hệ đến bạn và đến tôi với tư cách là những thụ tạo. Như vậy ưu thế của Đức Giê-su nằm trong trật tự tạo dựng và không thể là tuyệt đối.
Ưu thế ấy không thể là tuyệt đối, vì bất cứ điều gì không tất yếu và có giới hạn, thì không thể là tuyệt đối. Đây còn là trường hợp khi chúng ta hiểu rằng Thiên-Chúa có thể dựng nên điều gì đó hoàn hảo hơn bất cứ thụ tạo nào hiện đang có, chính bởi vì các thụ tạo hiện đang có đó là điều không cần thiết. Chúng có thể được trở nên hoàn hảo hơn. Thiên-Chúa đã có thể dựng nên một bản tính nhân loại hoàn hảo hơn bản tính nhân loại của Đức Giê-su. Thiên-Chúa đã có thể chọn lựa nhiều phương cách khác. Nhân tính của Đức Giê-su chỉ là một phương cách. Nhưng Thiên-Chúa đã không chọn phương cách nào khác. Và sự kiện ấy lại càng làm nổi bật hơn ưu thế của Đức Giê-su trong vũ trụ. Chính sự kiện nhân tính hoàn hảo của Đức Giê-su là một hồng ân tự do, đã trở nên cần thiết do ý muốn của Thiên-Chúa. Tính tuyệt đối nơi ưu thế của Đức Giê-su là một sự tuyệt đối trong trật tự tạo thành.
Điều đó ảnh hưởng thế nào tới vị trí của chúng ta trên bình diện nhân-học?
Tôi nghĩ là không cần phải nhắc lại tất cả các chi tiết về ý nghĩa thần học của đạo lý mà Scotus đã trình bày. Nhiều tác giả đã làm điều đó trong nhiều tác phẩm. Nhưng ý nghĩa nhân học thì còn ít được đề cập tới. Đức Ki-tô của Scotus chiếm vị trí ưu đẳng giữa tất cả các thụ tạo, [vì thế chúng ta có thể nói tới một khoa Kitô-nhân-học], bao hàm cuộc hiện sinh mà bạn và tôi đang được hưởng bây giờ. Cuộc hiện sinh của chúng ta được quy hướng về Đức Ki-tô; chúng ta không phải là những sự cố xảy ra do tình cờ.
Một trong những tư tưởng chìa khoá của Scotus đó là Thiên-Chúa đã muốn có tất cả mọi thụ tạo khác vì vinh quang của Đức Ki-tô. Điều đó có nghĩa là bất cứ điều gì hiện hữu, thì đều hiện hữu vì Đức Ki-tô.Người là mẫu mực cho tất cả những gì hiện hữu. Từ đó chúng ta cần nhìn vào cuộc sống chúng ta và đặt vị trí cho nó theo cách nhìn của Scotus. Nếu Đức Ki-tô đứng đầu tất cả tạo thành như là “công trình cao cả nhất của Thiên-Chúa” (summum opus Dei), thì nhất thiết chúng ta phải đánh giá lại cách thức chúng ta quan niệm dự phóng nhân loại. Đức Ki-tô hiện diện trong vũ trụ do một hành vi yêu thương của Đấng Tạo hoá, và điều đó nằm ngoài mọi xem xét liên hệ đến sự kiện con người đã phạm tội. Nắm vững điều này là rất quan trọng. Sự tốt đẹp toàn vẹn tiềm tàng nơi bản tính nhân loại được Thiên-Chúa thấy trước như là sự tốt đẹp cao nhất mà Người tạo dựng. Sự sa ngã gây ảnh hưởng trên toàn vũ trụ và chính vũ trụ lại được tiền định để đón nhận vinh quang và ân sủng, theo “ý nghĩ” của Thiên-Chúa. Sự kết hiệp giữa Thiên-Chúa với một bản tính nhân loại trong mầu nhiệm Nhập thể khôi phục toàn thể vũ trụ.
Việc Nhập thể không chỉ là một thực tại liên hệ đến loài người, mà còn liên hệ đến vũ trụ. Trong mầu nhiệm Nhập thể tình yêu là trung tâm, là tác nhân quyết định, là lý do cơ bản. Thiên-Chúa hành động, nhưng hành động ấy không phải thiếu “logich” và vô trật tự. Ý hướng của Thiên-Chúa không chỉ là “khôi phục” một yếu tố của tạo thành đã đánh mất đi vinh-quang dành cho nó, nhưng là khôi phục toàn thể tạo thành.
Chúng ta có thể thấy điều đó rõ ràng, khi chúng ta trở lại với ý niệm ưu thế của Đức Ki-tô như là một ưu thế giữa các loài thụ tạo. Đức Ki-tô chiếm vị trí ưu đẳng trong tạo thành. Tạo thành là một hồng ân phát xuất từ hành động. Đó là điều xảy ra khi tình yêu là Thiên-Chúa, tình yêu mà Thiên-Chúa yêu bản thân Mình, tình yêu được chia sẻ cho nhau trong Ba Ngôi, phải, khi tình yêu ấy tự lan toả. Tạo thành là hoa trái của tình yêu Thiên-Chúa, hay nói theo ngôn ngữ của Bonaventura, nó phát xuất từ sự sung mãn, từ sinh-tính của Thiên-Chúa . Tạo thành không phải là cái gì xảy ra sau hành-vi yêu thương; nó là hậu quả của hành vi yêu thương mà Thiên-Chúa, trong sự tự do của Ngài, muốn có, vì Thiên-Chúa yêu thương một cách tự do.
Hậu quả là con người, một trong những thụ tạo của Thiên-Chúa, được triển nở một cách đầy đủ nhất và trọn vẹn nhất nơi nhân tính hoàn hảo của Đức Giê-su. Một khoa nhân-học phan-sinh, được diễn tả theo quan niệm của Scotus về ưu thế của Đức Ki-tô trong vũ trụ, phải dựa trên một số nguyên tắc cơ bản hướng dẫn hoàn cảnh nhân sinh.
Nguyên tắc đầu tiên là sự kiện này: trong Đức Ki-tô, tất cả tạo thành cùng yêu mến [Chúa Cha] và cùng hưởng thừa tự là vinh quang đã được dành cho Đức Ki-tô. Trong sự tiền định dành cho Ngài, tất cả tạo thành cũng được Thiên-Chúa tiền định cho hưởng cùng một vinh quang như Ngài, và Ngài là ân sủng nhờ đó sự tiền định được thực hiện. Hành vi Nhập thể là chính hành vi Cứu chuộc. Cứu chuộc là một phần trong chương trình của Thiên-Chúa, chứ không phải là tất cả: chính Đức Ki-tô chiếm toàn bộ chương trình ấy. Sự Nhập thể của Thiên-Chúa là PHẦN CHÍNH. Đó là công trình cao cả nhất và đó là một sự kiện, vì Nhập thể là một sự kiện. Điều đó đã xảy ra [và đang tiếp tục xảy ra]. Đó là SỰ THIỆN TỐI CAO do Đấng là chính SỰ THIỆN TỐI CAO và là chính TÌNH YÊU muốn vậy. Bởi thế Nhập thể bắt nguồn từ tình yêu của Thiên-Chúa.
Đạo lý của Scotus về vị trí ưu đẳng đặt chúng ta đối diện với một sự chọn lựa rất thực tế và rất mạnh mẽ: nếu Nhập thể là sự thiện cao cả nhất do Đấng là sự Thiện Tối Cao muốn như vậy bên ngoài bản thân mình, và ý muốn ấy có nghĩa là Yếu tính Thần linh (Yếu tính ấy là chính tình yêu) muốn được yêu bởi một ai khác bên ngoài mình, vậy thì thực tại ngoài bản thân mình đó vô cùng thấp kém hơn là thực tại thần linh này, vì thực tại kia chỉ là một thụ tạo; thụ tạo ấy là bản tính nhân loại của Đức Giê-su. Thụ tạo ấy được Thiên-Chúa, trong hành vi tự yêu bản thân mình, muốn là thụ tạo có thể yêu Thiên-Chúa với tình yêu mà Ngài yêu Mình một cách hoàn hảo.
Ki-tô-học và Cứu-độ-học cổ truyền yêu cầu người ta tin nhận rằng thụ tạo này (Đức Giê-su) có mặt đó, vì đã được đưa vào trong tạo thành để điều chỉnh một sự sai lầm mà một yếu tố khác của tạo thành đã gây ra: một sự sai lầm tệ hại đến độ nó làm sai lệch cùng đích của tạo thành mà Thiên-Chúa đã làm ra; một sự sai lầm khủng khiếp đến độ nó đòi hỏi Thiên-Chúa phải kết hiệp với thụ tạo ấy, rồi chết đi để giải thoát nó và khôi phục cho nó vinh quang mà nó đã có với Thiên-Chúa lúc khởi đầu. Người ta yêu cầu chúng ta phải tin nhận rằng sở dĩ có Đức Ki-tô là vì có tội lỗi. Tội mạnh mẽ và quyền năng đến mức nó đòi hỏi, như một sự đáp trả, là Đấng vô tội, Đấng là chính Tình yêu, Đấng là Sự Thiện Tối Cao bị thúc đẩy hoạt động bởi cái tự nó chẳng có sự hiện hữu ngoài cái hiện hữu mà một bản tính thụ tạo (bản tính nhân loại) tạo ra cho nó. Như vậy là chúng ta phải đối diện với một trong những nguyên lý cơ bản điều hành hoàn cảnh nhân sinh của chúng ta: cái KHÔNG CÓ lại có thể tạo ra cái CÓ, cái NHỎ HƠN lại có thể điều khiển cái LỚN HƠN. Cái xấu và hậu quả của nó lại có thể đòi hỏi cái tốt phải hoạt động.
Tuy nhiên chúng tôi nhấn mạnh đến sự tự do của Thiên-Chúa. Chúng tôi nhấn mạnh tới việc Thiên-Chúa, một cách hoàn toàn và tuyệt đối tự do, muốn điều Ngài làm và làm điều Ngài muốn.Trong khoa Cứu độ học và Thần học Nhập thể cổ truyền điều được nêu ra cho chúng ta suy nghĩ, đó là chức năng duy nhất của Đức Ki-tô là đền bù tội lỗi chúng ta; hay là chuộc chúng ta về cho Thiên-Chúa, vì chúng ta đã trở nên xa lạ đối với Người, và điều đó được thực hiện nhờ cái chết của Đức Giê-su.
Thiên-Chúa ban cho chúng ta sự tự do, và một cách tự do chúng ta chọn lựa sự tội. Nhưng điều được nêu ra cho chúng ta đó là chúng ta đã thể hiện sự tự do theo một phương cách không phù hợp với mục đích của nó, và điều đó chi phối phương cách hoath động của Thiên-Chúa trong sự tự do của Người. Tội là hậu quả của việc chúng ta không thể hiện ý muốn một cách đúng đắn, và chỉ một mình Thiên-Chúa có thể cứu chúng ta khỏi hậu quả của tội lỗi. Chúng ta cần phải được cứu chuộc.
Nhưng việc chúng ta cần được cứu độ là một SỰ THIỆN NHỎ HƠN; mầu nhiệm Nhập thể mới là SỰ THIệN CAO CẢ NHẤT trong trật tự tạo dựng. Người ta không thể tưởng tượng được rằng sự thiện cao cả nhất trong vũ trụ mà Thiên-Chúa, từ thuở đời đời, đã muốn đặt làm cùng đích theo đó Ngài muốn cho tạo thành đạt tới vinh quang với Ngài, lại bị điều phối, bị khống chế bởi sự tội, lại trở thành sự thiện nhỏ hơn sự thiện nhỏ hơn, tức là cái nhu cầu được cứu chuộc.
Khoa nhân học ki-tô-giáo cổ truyền đặt hoàn cảnh sa ngã của con người làm trung tâm của vũ trụ. Khoa nhân học phan-sinh của Scotus đặt Đức Ki-tô làm trung tâm của vũ trụ, bởi vì “công trình cao cả nhất của Thiên-Chúa” là nguyên mẫu cho tất cả mọi sự khác hiện hữu ngoài Thiên-Chúa. Khoa nhân học phan-sinh quan niệm rằng cứu chuộc là một sự kiện đứng sau Nhập thể, vì Nhập thể được Thiên-Chúa muốn như là cùng đích, chứ không phải như phương tiện để giải thoát chúng ta khỏi sự tội. Theo khoa nhân-học phan-sinh, cái nhìn về hoàn cảnh con người và của vũ trụ không khởi đi từ một thực tại nhỏ hơn sự thiện cao cả nhất [sự tội], nhưng từ sự thiện cao cả nhất [việc Nhập thể, hiểu như là sự thiện gần nhất với cùng đích mà Thiên-Chúa muốn cho toàn thể tạo thành]. Bởi thế một khoa nhân-học phan-sinh, theo quan điểm của Scotus, là một khoa Kitô-nhân-học bởi vì Đức Ki-tô là nguyên mẫu của mọi bản tính khác. Thiên-Chúa, một cách rất tự do, đã muốn dựng nên các bản tính này, để chúng được thông phần vào tình yêu thần-linh, một tình yêu không ngừng lan toả, và ý muốn và tình yêu này được thể hiện một cách trật tự. Khi đã đặt Đức Ki-tô vào vị trí ưu đẳng, chúng ta có thể vạch ra lược đồ sau đây để gợi ý cho thấy khoa nhân-học phan-sinh là một khoa Kitô-nhân-học; một khoa nhân-học như thế không bị điều phối bởi nhu cầu được cứu chuộc khỏi sự tội.
Chúng ta bắt đầu với những mệnh đề cơ bản sau đây:
a) Nếu A-đam không phạm tội, thì Đức Ki-tô vẫn đến.
b) Trước khi sự tội xảy ra, Thiên-Chúa đã muốn có việc Nhập-thể, vì Nhập thể là sự thiện cao cả nhất;
c)Cho dẫu sự tội đã được Thiên-Chúa thấy trước, tuy nhiên Nhập thể xảy ra không phải để đáp ứng sự tội và nhu cầu được cứu độ của nhân loại.
d)Nhập thể là một hành vi tự do của tình yêu Thiên-Chúa: Ngài muốn tiền định cho thụ tạo Kitô tràn đầy ân sủng và vinh quang trước cả khi nhân loại sa ngã,
e) và như vậy là tiền định cho mọi thụ tạo được hưởng ân sủng và vinh quang.
f) bởi vì chính Đức Ki-tô là nguyên mẫu cho mọi thụ tạo sống ngoài Thiên-Chúa.
g) Thiên-Chúa thấy trước sự sa ngã, và tiền định cho Đức Ki-tô làm Đấng cứu độ
h) Nhưng sự tiền định này là thứ yếu so với sự tiền định về vinh quang.
Scotus sử dụng một cách hoàn hảo phương pháp lý luận quen thuộc tại đại học Oxford, khi ngài nêu ra các mệnh đề sau:
1. Trong một hành động được sắp xếp thứ tự, thì cùng đích được nhắm tới trước các phương tiện [Op.Ox.III, d.7. a.3, n.3].
2. Trong một hành động được sắp xếp thứ tự, sự thiện lớn hơn được nhắm tới trước sự thiện nhỏ hơn [Sách đã dẫn].
Từ đó Scotus xây dựng một cấu trúc Kitô-nhân-học để suy nghĩ về đường lối hoạt động của Thiên-Chúa .
a) Thiên-Chúa tiền định cho linh hồn Đức Ki-tô được hưởng vinh quang;
b) Người tiền định cho nhân tính của Đức Ki-tô lệ thuộc vào Ngôi Lời;
c) Người tiền định cho mọi thụ tạo khác được hưởng vinh quang;
d) Người thấy trước sự sa ngã của A-đam;
e) Người tiền định cho Đức ki-tô cứu chuộc nhân loại sa ngã.
Ngay lập tức chúng ta phải thấy rõ hai điều: bản tính nhân loại của Đức Ki-tô được tiền định trước tất cả những bản tính khác. Đúng vậy, bởi vì vinh quang của nhân tính nơi Đức Ki-tô là sự thiện lớn hơn vinh quang của bất cứ thụ tạo nào hoặc của tất cả các thụ tạo. Bởi vậy sự thiện lớn nhất, tức là nhân tính của Đức Giê-su, được nhắm tới trước hết. Thứ hai là cùng đích được nhắm tới trước các phương tiện [theo nguyên tắc1 đã nêu], như vậy linh hồn của thụ tạo Giê-su được tiền định hưởng vinh quang trước khi bản tính nhân loại được tiền định kết hợp với ngôi vị Lời.
Sự kết hiệp theo ngôi vị Lời là một sự thiện lớn hơn vinh quang của tất cả mọi thụ tạo khác, bởi vậy, dựa theo nguyên tắc là trong một hành động có trật tự một sự thiện lớn hơn thì được nhắm tới trước một sự thiện nhỏ hơn, nên Thiên-Chúa tiền định cho nhân tính của Đức Giê-su kết hiệp với Ngôi Lời trước khi tiền định cho cho mọi thụ tạo khác được hưởng vinh quang [Rep. Par.III, d.7, a.4, n.4]. Theo Kitô-nhân-học phan-sinh điều đó có ý nghĩa gì?
Trước hết chúng ta hãy nhắc lại lời khẳng định của Scotus là trong một hành động có trật tự một sự thiện lớn hơn được nhắm tới trước một sự thiện nhỏ hơn. Sự thiện lớn hơn là việc tiền định cho bản tính nhân loại của Đức Ki-tô [và tất cả các bản tính khác] được hưởng vinh quang, sự thiện nhỏ hơn là việc cứu chuộc. Như vậy việc tiền định cho bản tính nhân loại của Đức Ki-tô được hưởng vinh quang không thể phát sinh do sự sa ngã của con người. Sau nữa việc Thiên-Chúa quyết định cứu chuộc nhân loại là một hành vi tự do và hành vi tự do đó được nhắm tới sau một hành vi tự do khác, đó là muốn cho mọi thụ tạo được hưởng vinh quang. Việc cứu chuộc là phương thế Thiên-Chúa dùng để đưa loài người đến vinh quang, và bởi vì cùng đích thì được nhắm tới trước các phương thế, cho nên việc cứu chuộc được nhắm tới sau cùng đích.
Như vậy nói theo quan điểm nhân-học, nhân loại cao cả hơn trong “con mắt” của Thiên-Chúa trước sự sa ngã, trong sự sa ngã và sau sự sa ngã, bởi vì với tư cách là thụ tạo, nhân loại đã , đang và sẽ tiếp tục được Thiên-Chúa tiền định cho hưởng vinh quang: đó là cùng đích mà Thiên-Chúa muốn. Ân sủng đưa tới cùng đích đó là Nhập thể. Điều này đưa tới một kết luận rất có ý nghĩa và rất quan trọng trong khoa nhân-học phan sinh: Nhập thể là hậu quả của tình yêu và là ân sủng lớn lao nhất mà Thiên-Chúa có thể dành cho một thụ tạo và ban xuống cho một thụ tạo.
Bởi vậy, đối với Scotus, ưu thế của Đức Ki-tô, hiểu như là ưu thế giữa mọi loài thụ tạo, là ân sủng lớn lao nhất, và bởi vì cùng đích được nhắm tới trước những phương thế đưa tới cùng đích và sự thiện lớn hơn thì được nhắm tới trước sự thiện nhỏ hơn, cho nên Nhập thể là sự thiện lớn lao nhất và là ân sủng cao cả nhất. Nhập thể không phải là phương tiện để thực hiện việc cứu độ con người; nhập thể chính là việc cứu độ rồi. Nhập thể tự nó là cùng đích. Điều này chắc còn làm cho một số ki-tô-hữu đặt ra những câu hỏi như sự tội và sự cứu chuộc. Phải chăng đạo lý của Scotus quá yếu ớt, quá duy lý, đến nỗi người ta phải xem đó như là một cách trí-thức-hoá đạo lý ki-tô-giáo? Phải chăng Đức Ki-tô theo quan niệm của Scotus chỉ là một ý niệm trừu tượng đến nỗi tội-lỗi và sự cứu chuộc không còn chỗ đứng hay chỉ chiếm một chỗ nhỏ bé?
Chúng ta đã nêu lên ý tưởng là, theo quan niệm của Scotus, nhu cầu cứu chuộc con người khỏi tội lỗi không thể là nguyên nhân của Nhập thể, bởi vì sự thiện lớn lao hơn [tức là việc tiền định cho Đức Ki-tô hửng vinh quang] không thể lệ thuộc vào sự thiện nhỏ bé hơn [tức là vinh quang của linh hồn những người được cứu chuộc]. Hơn nữa nếu sự tiền định cho cho linh hồn của Đức Ki-tô được hưởng vinh quang tuỳ thuộc vào sự cứu chuộc những kẻ khác, thì như vậy sự tiền định ấy lại lệ thuộc vào sự sa ngã; vì cứu chuộc [1] đi theo sau sự tội [Rep. Par.III, d.76, q.4].
Nhưng điều ấy sẽ là một chuyện lạ lùng và làm dấy lên những câu hỏi cơ bản về bản chất tình yêu của Thiên-Chúa đối với bản thân Mình và việc Ngài muốn cho tình yêu ấy được chia sẻ bởi những thụ tạo ở bên ngoài Mình, và việc Ngài tiền định cho linh hồn Đức Ki-tô được hưởng vinh quang (việc tiền định này là hành vi cao cả nhất của tình yêu, được Ngài muốn một cách tự do), bởi vì ý muốn đó lại bị chi phối bởi một thực tại vô cùng bé nhỏ hơn là Ý muốn thần thiêng của Ngài và chống lại Ý muôn đó. Đối với Scotus, rõ ràng chúng ta đã giới hạn tầm nhìn nếu đặt một tương quan nhân quả giữa sự thiện cao cả hơn [công trình lớn lao nhất của Thiên-Chúa, sự Nhập thể] và sự thiện bé nhỏ hơn [nhu cầu cứu chuộc].Nếu trường hợp là như vậy thì kết luận không thể tránh được là công trình cao cả nhất của Thiên-Chúa hiểu như là hành vi cao cả nhất của Thiên-Chúa vô cùng tốt lành trong vũ trụ lại lệ thuộc vào một hành vi xấu xa hữu hạn, tức là sự tội. Không thể như vậy được.
Scotus lý luận như sau: nếu sự sa-ngã là nguyên nhân của việc tiền định Đức Ki-tô, thì Nhập thể là một “tuỳ thể”, và vinh quang của mọi loài sẽ lớn hơn vinh quang của Đức Ki-tô, và nếu vậy thì Thiên-Chúa đã có thể loại bỏ một công trình lớn lao như vậy [Nhập thể] vì lợi ích của Ađam, nếu Ađam không phạm tội. Scotus kết luận rằng điều đó thật phi lý [Rep.Par.III, d.7, q.4]. Nhập thể không thể tuỳ thuộc vào, hay bị chi phối bởi bất cứ điều gì khác, và chắc chắn là không thể tuỳ thuộc vào một điều gì vô cùng nhỏ bé hơn sự Tốt lành cao cả của Thiên-Chúa, Đấng là tình yêu thể hiện mình ra trong một hành vi rất tự do của tình yêu. Nếu mà như vậy, thì bản chất của ưu thế của Đức Ki-tô là gì? Vì chắc chắn đó không phải là một ưu thế trong tạo thành. Tuy nhiên, nếu không có tương quan nhân quả giữa Nhập thể và sự sa ngã, thì vấn nạn về lý do của Nhập thể vẫn còn phải được giải quyết.
SỰ CỨU CHUỘC
Đối với Scotus lý do (của Nhập thể)[2] chỉ có thể là sự tự do và tình yêu. Và đó là lý do duy nhất của việc tiền định cho chúng ta được hưởng vinh quang trong Đức Ki-tô, bởi vì đó là cùng đích của chúng ta mà Thiên-Chúa đã nhắm tới trước cả khi Ngài thấy trước tội lỗi mà chúng ta có thể phạm.Việc Cứu chuộc là một hành vi tình yêu của Thiên-Chúa. Thiên-Chúa đã muốn điều đó một cách tự do và muốn một cách tự do trong sự công chính của Người; bởi vậy cứu chuộc là một hành vi công chính. Nếu cùng đích được nhắm tới trước các phương tiện, và cùng đích là sự kết hiệp với Thiên-Chúa, thì Cứu chuộc là phương tiện đưa tới vinh quang [nếu vinh quang là Phúc-Kiến]. Bởi vậy Cứu chuộc không phải là nguyên nhân của Nhập thể. Nhưng Cứu chuộc còn là một nhu cầu, và chúng ta biết rằng Cứu chuộc đã xảy ra. Vậy tội và sự Cứu chuộc chiếm vị trí nào trong cấu trúc Kitô-nhân-học toàn bộ của Scotus và Cứu chuộc có cần thiết không?
Khởi điểm của chúng ta để hiểu được thái độ của Scotus về Cứu chuộc không thể là nhu cầu được cứu chuộc khỏi sự tội [nếu người ta hiểu nhu cầu (need) như là một sự cần thiết (necessity)]. Scotus đã giải thích một cách rất rõ ràng quan niệm của ngài về chương trình của Thiên-Chúa. Theo khoa Kitô-nhân-học của Scotus, trung tâm của chương trình ấy là Đức Ki-tô và chương trình ấy khởi sự bằng tình yêu và kết thúc bằng tình yêu. Sự tiền định, việc Thiên-Chúa muốn được yêu mến bởi một ai khác ngoài bản thân mình, Nhập thể và Cứu chuộc, tất cả những kiểu nói ấy đều đồng nghĩa với Tình yêu. Và đó là chìa khoá để mở cánh cửa Ki-tô-học, Nhân-học, Luân-lý của Scotus. Đúng là Scotus xây dựng cấu trúc thần học của ngài trên nền tảng vững chắc của một lý luận và kết cấu siêu hình danh tiếng, nhưng chính tình yêu là nền đá dưới cùng. Và nếu Đức Ki-tô được tiền định để hưởng vinh quang và ân sủng bởi một quyết định rất tự do của Thiên-Chúa, thì đó chính là ý muốn chiếm ưu thế nơi Thiên-Chúa, bởi vì ý muốn ấy luôn luôn nhắm tới sự thiện cao cả nhất, và sự thiện cao cả nhất là tình yêu.
Theo Kitô-nhân-học của Scotus, cứu chuộc là việc khôi phục lại tình thân ái giữa Thiên-Chúa với tạo thành, và như vậy có liên hệ nội-tại với chương trình của Thiên-Chúa. Nòng cốt chương trình của Thiên-Chúa là việc Thiên-Chúa muốn được yêu mến bởi những kẻ khác ngoài bản thân mình. Yêu mến bao hàm hai chiều: tình yêu trao ban được đáp trả lại; đó là một năng động chia sẻ, và ở đâu có hơn một ngôi vị thì tình yêu bao hàm “sự hiệp thông”, một cộng đoàn trong đó tình yêu có đi có lại. Sự hiệp thông cơ bản tạo nên năng động tương-tác yêu thương, đó là Ba Ngôi; bởi vì tình yêu phải đi trở về cùng Ba Ngôi có nghĩa là tình yêu ấy phải được chia sẻ giữa những hữu-thể có khả năng trao trả lại tình yêu đã được trao ban cách tự do kia. Đó là ý muốn của Thiên-Chúa và Cứu chuộc được thể hiện ở mức độ nhân-học nơi sự kết hiệp của Ngôi Lời với thụ tạo Giê-su và những thực tại của đời sống lịch sử của Ngài trong thời gian. Nhưng đời sống của Đức Giê-su Na-da-rét được thể hiện nơi cách Ngài đảm nhận vai trò, vị trí và sứ mạng của Ngài: “Lương thực của Ta [ điều nâng đỡ Ta, điều hướng dẫn Ta, điều thúc đẩy Ta] đó là thi hành ý muốn của Cha Ta”.
Ý muốn của Chúa Cha là Đức Giê-su làm cho Danh Cha được mọi người biết tới, ý muốn của Đức Giê-su là thi hành ý muốn của Chúa Cha; bởi vậy Cứu chuộc là tất cả cuộc đời của Đức Giê-su Na-da-ret, Đấng muốn thi hành thánh ý của Chúa Cha trong cuộc sống tình yêu của Ngài. Cứu chuộc không phải là biến cố khắc nghiệt, kinh hoàng, đã được ấn định rồi và không thể nào thoát khỏi của Nhập thể; Cứu chuộc thể hiện điều mà Đức Giê-su sống “theo như Cha muốn, chứ không phải theo Con muốn”. Cứu chuộc không phải là hậu quả không thể tránh nổi của một biến cố lịch sử rời rạc, tách biệt trong cuộc sống của Đức Giê-su; đó là hậu quả của việc Đức Giê-su đặt ý mình theo ý của Chúa Cha. Bởi thế theo quan điểm của Scotus, Cứu chuộc chủ yếu biểu lộ việc Đức Giê-su yêu và muốn điều mà Chúa Cha yêu và muốn, chứ không phải sự đau khổ.
Nhưng ở đây chúng ta gặp một vấn đề mà người ta luôn luôn nêu rađộng. Nếu vấn Scotus: tạo thành cần phải được cứu chuộc, bởi vậy cứu chuộc là việc tất yếu.Bởi vì chỉ một mình Thiên-Chúa có thể cứu chuộc tạo thành, nên nhất thiết là Thiên-Chúa phải hành động.Nếu như tội không xảy ra, thì đã không cần có sự cứu chuộc, và bởi vì việc cứu chuộc đã được thực hiện do việc Đức Ki-tô đổ máu ra, nên cái chết của Đức Giê-su là cần thiết cho việc cứu chuộc. Như vậy, bởi vì Thiên-Chúa đã thấy trước tội lỗi, và đã cung cấp “thuốc chữa”, như vậy Nhập thể đã xảy ra để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi.
Scotus đã phác hoạ chương trình của Thiên-Chúa và ý muốn của Người là được những kẻ khác ở bên ngoài Người yêu mến.Bởi vậy, một cách rất tự do, Người muốn tiền định cho mọi thụ tạo được hưởng vinh quang và ân sủng. Người thấy trước sự sa ngã của chúng, và đưa ra một giải pháp cho sự sa ngã nơi cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giê-su. Nếu chương trình của Thiên-Chúa phải thành công, và nếu một giải pháp cho sự sa ngã không có sự cứu chuộc, thì chương trình của Thiên-Chúa không thể hoàn thành. Nhưng cái nhìn này đã bỏ qua một lời khẳng định cơ bản của Scotus: sự tuân phục của Đức Giê-su được Ba Ngôi đón nhận như là đầy đủ để phủ lấp việc tạo thành không yêu mến.Vì thế Đức Giê-su đã hoàn tất chương trình của Thiên-Chúa qua sự tuân phục đầy tình yêu mến, vì Đức Giê-su là thụ tạo duy nhất đã dâng về cho Thiên-Chúa tình yêu qua đó Thiên-Chúa yêu bản thân mình, và đó là tình yêu mà Thiên-Chúa muốn nhận được từ một ai khác ngoài Mình, và như vậy thụ tạo ấy đã nhận được một sự kết hiệp hoàn hảo với Thiên-Chúa.
Scotus còn nói rằng sự đau khổ và sự chết của Đức Giê-su không cần thiết, bởi vì, để cứu chuộc tạo thành, Thiên-Chúa đã có thể chọn một phương cách khác với sự chết, bởi vì ý muốn của Thiên-Chúa không bị gò ép hay chi phối bởi những điều không tất yếu (x.Op.Oxon III, d.20). Việc Thiên-Chúa thấy trước sự sa ngã và cung ứng giải pháp không có nghĩa là về phía Thiên-Chúa cứu chuộc là điều cần thiết. Điều mà chương trình của Thiên-Chúa nhắm tới là việc Người kết hiệp với tạo thành, và chọn lựa một cách tự do thụ tạo duy nhất này giữa các thụ tạo khác để thực hiện sự kết hiệp ấy một cách toàn diện và sung mãn qua hành vi Ngôi-hiệp, và qua sự chọn lựa rất tự do đó chương trình của Thiên-Chúa hoàn toàn được thực hiện.
Đây chính là trường hợp khi chúng ta ý thức rằng Thiên-Chúa trước hết muốn cùng đích, sau đó tiên liệu những phương tiện để đạt tới cùng đích ấy. Thiên-Chúa đã muốn có sự Nhập thể trước khi thấy sự sa ngã của các thụ tạo; Thiên-Chúa muốn kết hiệp với các thụ tạo, đó là ý hướng tiên khởi nơi ý muốn của Thiên-Chúa ( ý muốn được yêu mến bởi một kẻ khác ngoài bản thân mình): đó là điều đã xảy ra rồi (trước khi con người phạm tội).Quan niệm rằng cứu chuộc cũng cần thiết như là ý muốn của Thiên-Chúa và xem đó như là cùng đích tự tại, tức là cho rằng cứu chuộc là hậu quả của một sự việc ít giá trị hơn sự thiện tối thượng, theo đó Thiên-Chúa phải thay đổi ý hướng ban đầu để đối phó với một sự kiện bất ngờ, quan niệm như vậy thì thật là phi lý. Quan niệm như thế là đặt sự tự do cao cả của Thiên-Chúa lệ thuộc vào những hậu quả hỗn độn phát xuất từ những thực tại phụ thuộc và gán cho sự tội một thực chất mà nó không có; nó chỉ là một thực chất, vì chúng ta gán cho nó một thực chất trong cuộc sống của riêng chúng ta.
Bởi vậy theo quan niệm kitô-nhân-học của Scotus, cứu chuộc có tầm vóc lớn hơn là việc cứu vớt các thụ tạo. Đó là cách diễn tả đầy đủ nhất, hoàn hảo nhất của tình yêu viên mãn mà Đức Giê-su quy về Thiên-Chúa. Cái chết của Đức Giê-su không phải là một biến cố lịch sử rùng rợn, hậu quả của một loạt quyết định thiếu vững vàng trong cuộc sống; đúng hơn đó là một sự hiến thân mà không lùi lại của một tình yêu không giữ lại điều gì làm của riêng[3] nơi cá nhân Ngài. Đó là hành vi sine proprio (không giữ lại điều gì làm của riêng), vì Đức Giê-su không níu lại điều gì: Thiên-Chúa, thần tính của mình, sự an toàn hay sự giảm nhẹ đau khổ.Thực vậy, điều cuối cùng mà Đức Giê-su sở hữu, điều thuộc về Ngài một cách riêng tư nhất, đó là hơi thở cuối cùng, và sách Tin Mừng nói rằng Đức Giê-su trao hơi thở ấy về cho Thiên-Chúa như hành vi nhân loại cuối cùng của Ngài: “Lạy Cha, con xin phó linh hồn con trong tay Cha, và sau khi nói câu ấy, Ngài trút hơi thở cuối cùng”. Cứu chuộc chỉ là một thời điểm trong một toàn bộ hành vi yêu thương được thực hiện bởi vị Thiên-Chúa “không có của riêng” (sine proprio)—vị này, ngay trong yếu tính thần linh của mình là tình yêu, một cách tự do, đã muốn chia sẻ tình yêu cho những kẻ khác vô cùng thấp bé hơn sự Tốt lành vô cùng của mình.
Trên nền tảng này, Scotus cung cấp cho ta một cái nhìn về con người trong vũ trụ, một cái nhìn tràn đầy hy vọng đến ngợp thở. Trong cái nhìn này, toàn thể tạo thành là một bí tích của Thiên-Chúa, một dấu chỉ tình yêu và sự thánh thiện của Ngài, hữu hình và sờ mó được. Toàn thể tạo thành mang nặng những hậu quả phát xuất từ ý hướng của Ý muốn thần linh. Scotus nêu ra cho chúng ta một quang cảnh mà trung-tâm-điểm là Đức Ki-tô, người yêu hoàn hảo nhất của Ba Ngôi và là nguyên mẫu của mọi loài hiện hữu; các thụ tạo này, vì có Đức Ki-tô, cùng trở thành với Ngài những kẻ yêu mến Ba Ngôi. Bởi vậy với câu hỏi nhân tính có hoàn hảo không, chúng ta có thể trả lời: có, nhân tính hoàn hảo nơi Đức Ki-tô. Ngay cả trước khi sự sa ngã xảy ra, Ngài đã được đặt lên và được nhắm tới như là sự hoàn hảo của một tạo thành được tiền định để hưởng vinh quang và ân sủng nơi Ngài.
Đó là điều mà tôi gọi là yếu tính của khoa nhân-học phan-sinh: một cái nhìn về toàn thể tạo thành có nguồn cội trong chính yếu tính của Thiên-Chúa là Tình yêu, được thông phần với Đấng Đang Hiện-hữu là Tình yêu, được nhào nặn, hình thành và đưa vào hiện hữu trong Tình yêu và nhờ Tình yêu là chính Bản thân Ngài. Ý hướng ấy không thể bị phá hoại bởi sự tội, và sự tội cũng không thể điều phối tác động của Ý muốn Thần-linh – Ý muốn này tuyệt đối và hoàn toàn tự do.
Đó là cái nhìn nhân-học mà chúng ta, với tư cách là Phan-sinh, chúng ta cần chia sẻ cho thế giới trong khi giảng dạy, trong các công tác mục vụ, trong các cộng đoàn chúng ta, trong các bài viết, trong cách chúng ta suy tư thần học và triết học. Những ai làm công tác giảng thuyết, hãy giảng sứ điệp hy vọng này; những ai làm những công tác tông đồ khác, hãy chu toàn với ý thức sine proprio (không sở hữu gì riêng) như Đức Giê-su; những ai là giáo sư, hãy dạy điều đó. Scotus là một luồng ánh sáng chói lọi trong lịch sử ki-tô-hữu, nhưng ngài là người anh em Phan-sinh của chúng ta: tư tưởng và những suy nghĩ của ngài không thể là lãnh vực dành riêng cho một số ít người học thức được tuyển chọn. Vì thế những ai trong chúng ta là học-giả hay giáo-sư cần tìm ra một ngôn ngữ mới, một ngôn ngữ hiện đại, để giúp cho mọi người tiếp cận được, đọc được và hiểu được Scotus và tư tưởng của ngài.
Hãy đưa Scotus vào trong lời cầu nguyện của chúng ta, hãy cử hành ngày lễ của ngài, hãy tổ chức nhiều buổi hội thảo hơn và mời các học giả, các giáo sư, các cảm-tình-viên đến chia sẻ quan điểm của họ. Và khi chia sẻ những suy nghĩ của chúng ta, thì hãy chia sẻ trong Tình yêu: trước khi tạo dựng thế giới Thiên-Chúa Tình yêu đã muốn chúng ta trở nên thánh thiện, không có gì đáng trách, trước mặt Ngài; Tình yêu đã tiền định cho chúng ta hiện hữu trong Đức Ki-tô, Tình yêu đã muốn cho chúng ta có một cùng đích ngay cả trước khi chúng ta nghĩ tới việc tự huỷ chính mình trong sự tội; Tình yêu là Thiên-Chúa , Cha, Con và Thánh thần; Tình yêu liên kết chúng ta với Ngài như là anh, chị, em của toàn thể tạo thành trong người Anh Cả là Đức Giê-su: Đức Giê-su là Đấng được Thiên-Chúa muốn như là sự Hoàn-hảo của mọi loài, một sự Hoàn-hảo mà Thiên-Chúa có thể quan niệm được ở bên ngoài Mình, Đấng hoàn hảo nhất trong những ai có thể yêu mến Mình.Ngài là Chúa của chúng ta, người Thầy, người Bạn, vị Cứu tinh, người Anh của chúng ta: xin dâng lên Ngài vinh quang, lời ca tụng và vinh dự, để Danh rất thánh của Ngài được cả sáng và để Ba Ngôi cực thánh được tôn vinh.
(Nobert Khanh, OFM)
Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM tổng hợp & biên soạn
1. THẦN HỌC VỀ BA NGÔI THEO Th PHANXICÔ: BỐI CẢNH CHO NỀN THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO CỦA THÁNH BONAVENTURA
2. THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO NHẬP THỂ CỦA THÁNH BONAVENTURA
3. BONAVENTURA VÀ LỘ TRÌNH ĐI VÀO THIÊN CHÚA: CỨU CÁNH LUẬN ĐI LÊN
4. THẦN HỌC VỀ CHÚA BA NGÔI CỦA THÁNH BONAVENTURA: VÀI ỨNG DỤNG THỰC TẾ
5. SIÊU HÌNH HỌC CỦA THÁNH BONAVENTURA: MỘT SIÊU HÌNH HỌC MANG TÍNH THẦN HỌC
6. DUNS SCOTUS VÀ MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA
7. SCOTUS VÀ KHOA KITÔ-NHÂN-HỌC: Một vài hậu quả Kitô-nhân-học Phan-sinh rút ra từ đạo lý của Duns Scotus về vị-trí ưu đẳng của Đức Ki-tô
8. DUNS SCOTUS NHÀ THẦN BÍ: Lời kinh mở đầu của cuốn LUẬN VỀ THIÊN CHÚA NGUYÊN NHÂN ĐỆ NHẤT
[1] Câu văn trong Anh-ngữ không rõ lắm: “If the predestination of the soul of Jesus to glory was for the redemption of others, then that predestination would have to depend on the Fall anh the sin (
sic!) that was consequent of it”.
[2] Người dịch thêm các từ trong vòng đơn cho rõ nghĩa, dựa trên câu cuối của đoạn trên.
[3] Kiểu nói rất khó diễn tả của tác giả : “the sine proprio point of Love’s no return”!