Skip to content
Main Banner

Thánh Bonaventura (Lm. Trần Phổ, OFM)

BTT OFMVN 01
2024-02-09 07:57 UTC+7 925

THÁNH BONAVENTURA (1221-1274)

Lm. Trần Phổ, OFM

 

A. TỔNG LƯỢC VỀ TH. BONAVENTURA [1]

Thánh Bonaventura là một vị tiến sĩ rất có uy tín trong Giáo hội. Các vị Giáo Hoàng, trước như Sixtô IV, Sixtô V, sau như Leo XIII, cũng như các thánh như Phanxicô Salesio, đều hết lời tuyên dương ngài. Tư tưởng của ngài đã ảnh hưởng nhiều trên bảy Công Đồng liên tiếp, từ Lyon (1274) đến Latran (1512), kể cả Công Đồng Trente và Công Đồng Vatican I. Trong các Đại học của Châu Âu Công giáo đều có chương trình học về ngài bên cạnh thánh Albertô Cả, thánh Tôma Aquinô, Alexandre de Halès, Chân phước Duns Scot. Dòng Phan sinh vẫn luôn gắn bó với ngài, tuy đã công nhận rằng Duns Scot vượt qua ngài và bổ túc cho ngài về thần học Nhập Thể và triết học tri thức. Anh em trong Dòng vẫn tiếp tục học về ngài và đã có những môn đệ xuất sắc, như Giáo Hoàng Sixtô V, đấng đã phong ngài lên bậc tiến sĩ Hội thánh, và đem ngài vào chương trình học ở Học viện Mười Hai Thánh Tông Đồ tại Roma. Anh em Lúp Dài vẫn tôn ngài là vị tiến sĩ của chi nhánh.

Thánh Bonaventura trước được tuyên dương như một trong số các nhà triết học sâu sắc nhất của Trường phái Phan sinh, nhưng sau lại bị quên lãng. Triết học càng thiên về suy lý có tính ngôn từ và khái niệm hơn là kiến thức thực tế và có sự sống, thánh Bonaventura và vị thầy của ngài là thánh Âu Tinh lại càng có ít người biết đến. Tuy nhiên, ngày nay, khi thuyết duy lý qua con đường hư ảo đã đi đến một cùng đích trống rỗng, và sự cố gắng chung đã phục hồi được sự sống trong tư duy, người ta nhận thấy rằng thánh Bonaventura, cũng như thánh Âu Tinh và còn hơn thánh Âu Tinh, quả thực là vị Tiền hô của triết học gọi là hiện sinh.

Có người cho rằng thánh Bonaventura đi xuống cũng song song với thánh Tôma Aquinô đi lên, lý do là ngài không theo Aristote như thánh Tôma. Các sử gia triết học hiện đại đã bác bỏ luận cứ này. Ngài đã rất ý thức khi ngài chủ trương không theo Aristote. Không theo Aristote không có nghĩa là theo Platon. Ngài đã xa Platon, bởi ngài trung thành với Đức Kitô. Ngài biết rõ về Aristote. Alexandre de Halès đã dạy ngài về thuyết tiêu dao của Aristote. Ngài đã trích dẫn Aristote nhiều. Ngài đã sử dụng nơi Aristote những gì có thể giúp hoàn thành hệ thống tư tưởng của ngài, giúp cho phương pháp luận lý, cho bố cục các tư tưởng được hài hoà cân đối, cho diễn đạt các công thức được gãy gọn và sáng sủa.

Ngài viết: “Trong các triết gia, Platon nhận được lời của Khôn ngoan, Aristote nhận được lời của Khoa học. Vị trước xem trọng các lý lẽ thượng tầng, vị sau, các lý lẽ hạ tầng. Nhưng lời của Khôn ngoan cũng như của Khoa học đã được Chúa Thánh Thần ban dồi dào cho thánh Âu Tinh, như ta đã thấy trong các tác phẩm của ngài, bởi ngài là vị chú giải hàng đầu của Thánh Kinh.” (hiểu là Mặc khải). Đoạn văn trên có nghĩa là trong tri thức, suy lý chưa đủ, phải có mặc khải. Thánh Bonaventura thường thiên về các luận đề Âu Tinh, bởi các luận đề ấy phổ thông, tuy nhiên nếu không có căn cứ, ngài sẽ không theo.

Ngài có thể tuyên dương Platon, hơn Aristote, là vị minh triết khôn ngoan. Ngài trách Aristote quá gắn bó với trật tự có thể cảm thức. Ngài chê Platon ngược lại chủ trương có thể hiểu biết được những gì là khả niệm, khả tri. Aristote cho rằng tri thức phát xuất từ con đường cảm quan, từ ký ức, từ kinh nghiệm.

Thánh Bonaventura không viết sách triết lý. Nhưng vẫn có triết lý trong các tác phẩm của ngài, khi ngài đưa ra các châm ngôn triết lý trong nghiên cứu các vấn đề thần học. Theo ngài, triết lý rất hữu ích. Triết lý là một kỷ luật của trí tuệ. Triết lý phải dựa trên thực tại, nếu không sẽ chỉ bắt được cái bóng hoặc sẽ sai lầm. Triết lý là một kỷ luật không thể thiếu, nhưng phải giữ nó lại trong vai trò, trong giới hạn của nó, nếu không sẽ rơi vào cái cường điệu thái quá của biện chứng, của duy lý, hoặc bị tràn ngập bởi một lãnh vực không phải là của ngài.

Ngài có lý do của ngài, và lý do ấy là tư tưởng và cuộc sống luôn trung thành với Đức Kitô. Có thể được không? Có phù hợp không với thực tế cụ thể, lịch sử, khi suy nghĩ và sống nhưng không quan tâm đến sự kiện Kitô giáo? Không kể đến toàn bộ vĩ đại đồ sộ các ý tưởng, các khái niệm các tập quán tâm linh, tâm trí đã thấm nhuần sâu đậm lên nền văn hoá tây phương? Chủ trương không biết đến các lý lẽ giải thích của sự kiện ấy về con người, về bản chất, về định mệnh của con người, cũng như về thiên nhiên, về giá trị của thế giới và về bản tính cũng như hành động của Thiên Chúa? Và nhất là không có được sự thông hiểu do sự kiện ấy thông đạt từ Thiên Chúa, sự thông hiểu từ truyền thống, từ kinh nghiệm. Đây không phải chỉ là sự kiện Kitô giáo, ảnh hưởng trên tư tưởng và đời sống con người, mà còn là một sự kiện lịch sử. Không thể nói đến triết học, nói chuyện triết học, mà không biết đến sự kiện Kitô giáo và các ảnh hưởng của sự kiện ấy. Sự kiện ấy cũng giống như sự kiện hồi giáo lan tràn trên các nước miền nam và miền đông Địa Trung Hải.

 

TƯ TƯỞNG

Thánh nhân ghi nhận sự phân biệt giữa triết học và thần học. Triết gia không biết chắc chắn điều mình biết hơn là người giáo hữu đối với các tín điều. Có những chân lý vượt khỏi tầm hiểu biết của lý trí. Nên chỉ có Đức tin mới thấu đáo bằng một niềm tin mến. Tuy nhiên, vai trò của triết học cũng thiết thực: người tín hữu muốn hiểu biết rõ những điều mình mến mộ… Vì thế, tuy phân biệt với thần học, nhưng triết học vẫn bổ túc thần học. Thánh nhân kể tư tưởng của Ngài như một lộ trình đưa tâm hồn tới Thiên Chúa. Giai đoạn “hiểu điều mình tin” chỉ là một chặng đường đưa tới sự chiêm ngưỡng và kết hợp. Nếu vũ trụ theo Aristote và các đồ đệ của ông, chỉ là một tổng số hiện tượng, cần được con người quan sát và can thiệp vào, để hành động, thì trái lại, đối với Bonaventura, vũ trụ là con đường đưa tới Thiên Chúa. Cũng như đời sống con người hiện thế là một cuộc hành hương về Đất hứa. Do đó, vũ trụ có một giá trị biểu tượng: vũ trụ là một cuốn sách to lớn ghi nhận những điều liên hệ đến Thiên Chúa.

 

Lộ trình đến Thiên Chúa.

Thánh Bonaventura chia lộ trình đến Thiên Chúa làm ba giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: Con người tìm gặp những dấu vết của Thiên Chúa trong vũ trụ. Tìm kiếm dấu vết của Thiên Chúa trong vũ trụ, tức là khảo cứu những dấu chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, thánh nhân không chú trọng đến cách trình bày mạch lạc các lý chứng, nhưng là cố gắng nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện trong vũ trụ. Bởi lẽ, ngài không quên lưu ý rằng: Một tâm hồn thanh bạch dễ nhận thấy Người trong bất cứ vật gì trong vũ trụ.

Giai đoạn thứ hai: Con người có thể tìm gặp chính hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn mình. Vì thế, thánh nhân đón nhận lý chứng của thánh Anselmô, mà đem lại cho lý chứng ấy một sắc thái đặc biệt: không phải chúng ta đã biết Thiên Chúa, mới nhận ra sự hiện diện của Người; trái lại, vì Người hiện diện trong chúng ta, nên chúng ta mới nhận biết Người. Nhưng thánh nhân cũng nói rõ thêm: nhận biết Thiên Chúa hiện diện trong chúng ta, không có nghĩa là chúng ta đã hiểu thấu bản tính của Người. Thánh nhân đã biết rõ những vấn nạn của thánh Thomas về lý chứng của thánh Anselmô. Nhưng ngài không phục lý.

Giai đoạn thứ ba: Con người vượt lên trên mọi thụ tạo để say mê Thiên Chúa. Theo thánh nhân, đây là do hồng ân Thiên Chúa; chớ không phải chỉ do nỗ lực cá nhân mà thôi.


Vũ trụ quan: Vũ trụ đưa con người tới Thiên Chúa. Nhưng tác giả phủ nhận giả thuyết về vũ trụ hằng hữu. Mạc khải cho biết thế giới đã bắt đầu có. Hơn nữa, giả thuyết trên không hợp lý. Cho rằng vũ trụ được tạo dựng ab aeterno, tức là công nhận một vũ trụ hiện hữu, không từ một khởi điểm thời gian nào, và phải trải qua một thời gian vô hạn cho tới hiện thời! Điều vô lý: không khác nào quả quyết rằng: con số vô cực có thể gia tăng với một số nhỏ khác.

Nếu tìm hiểu cơ cấu vũ trụ, chúng ta thấy rằng mọi sự vật đều được cấu tạo bằng hai nguyên tố: chất thể (materia) và mô thể (forma). Cả Thiên thần cũng như nhân hồn đều theo công lệ này. Do đó, hai sự vật khác nhau, không do chất thể, mà do sự liên hợp giữa hai nguyên tố cấu tạo (nguyên lý cá biệt). Về điểm này, thánh Bonaventura không đồng quan điểm với thánh Thomas. Thiên thần cũng gồm những cá thể như trong nhân giới. Tác giả lại đồng quan điểm với học giả Avencebrol về thuyết đa mô thể. Một sự vật đều gồm hai mô thể: mô thể chính và một mô thể bổ túc. Cảm hứng theo thánh Augustin, tác giả còn chấp nhận lý thuyết chủ trương rằng: thuở đầu, có những mầm nguyên thủy (rationes seminales) Các mầm này nảy nở để cấu tạo sự vật. Mầm nguyên thủy phát nguồn từ Thiên Chúa.

Nhân sinh quan: Khác với quan điểm của thánh Thomas, tác giả cho rằng hồn là một bản thể hoàn bị, tuy tạm thuộc vào thể xác, nhưng có thể lưu tồn. Bonaventura dung hòa quan điểm của Aristote; tính cách thụ động của cảm giác quan, với quan điểm của thánh Augustin: cảm giác là tác động của hồn.

Nhờ khả năng trừu tượng, con người nhận thức sự vật và tư tưởng. Tuy nhiên, khả năng ấy chỉ hoạt động, khi tâm trí hướng về vật chất mà thôi. Khi con người hướng lên lãnh vực cao hơn, khả năng hết hoạt động. Hồn lãnh nhận trực tiếp nơi Thiên Chúa những “ý tưởng” để đạt tới những chân lý cần thiết.

Linh hồn chiếm vị trí trung gian, nhờ ánh sáng của Thiên Chúa, con người nhận thức được những chân lý trường cửu. Nhưng kiến thức chưa hoàn hảo, vì trong hiện tình, con người ở gần sự vật hơn Thiên Chúa. Chỉ có một kiến thức tương đối về thụ tạo. Nhưng nhờ tính hướng thượng, linh hồn nhận được những chân lý tất yếu. Thể theo hướng tu đức của thánh Bênađô, thánh nhân quả quyết: con người chỉ cần tri giác để biết những điều thuộc lãnh vực tự nhiên mà thôi. Trong thế giới vô hình, chúng ta đạt tới chân lý bất diệt nhờ và trong Thiên Chúa.

Đối chiếu với thánh Thomas, chúng ta thấy thánh Bonaventura có khuynh hướng tư tưởng của thánh Augustin, và không theo truyền thống Aristote đang thịnh hành, nhờ công trình và ảnh hưởng của các học giả Arập và Do thái. Có học giả nhận thấy chiều hướng duy bẩm sinh. Nhưng quan điểm của Bonaventura tế nhị hơn, phù hợp với khuynh hướng thần bí của ngài. Người ta ghi nhận đặc điểm như mối thân mật giữa Thiên Chúa và thụ tạo; thái độ Phanxicô đối với Thiên Chúa. Các học giả Trung cổ đặt cho Bonaventura danh hiệu …

 

Một Triết học Duy Thực

Người Kitô giáo thời thánh Bonaventura sống trong một thế giới được tạo dựng bởi Đức Kitô và cho Đức Kitô, một thế giới trong đó thực tại hữu hình che giấu và cho biết thực tại vô hình. Cần phải luôn luôn và khắp nơi lưu ý đến thực tại bí mật nhưng lại hoạt động ấy. Được mặc khải cho biết các Kitô hữu ấy tin và nhờ đức tin soi sáng họ kiểm tra bằng kinh nghiệm. Họ biết rằng lý trí của họ có thể biết rõ ràng một số chân lý, nhưng không phải tất cả các chân lý mà lý trí có quyền đạt tới, và biết nhưng cũng có những sai lầm lẫn lộn. Và rằng có những chân lý hoàn toàn vượt ra ngoài tầm hiểu biết của họ. Cho nên, lý trí cần được bổ sung tiếp sức. Lịch sử các hệ thống đã cho biết về khả năng và sự bất lực này của lý trí, và về điều kiện phải có bổ sung thuộc trật tự trí tuệ. Đức tin giúp khám phá ra lý do tại sao con người không còn ở trong trạng thái như lúc vừa mới sinh. Trong trật tự tinh thần cũng thế, sự tự do ý chí có những uy lực, những bất lực tương đối, tuyệt đối và cần có tiếp sức bổ sung.

Các bổ sung này được Thiên Chúa ban nhưng không, để giúp hiểu biết và hành động, được gọi là ân sủng. Vì chúng ta đang sống lệ thuộc vào mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Chuộc. Ân sủng không cấu thành ánh sáng tự nhiên của lý trí, nhưng trong trạng thái hiện tại và lịch sử của nhân loại, ân sủng là điều kiện chủ yếu để sử dụng tốt ánh sáng ấy và ngay từ đầu. Ân sủng phụ giúp cho các hoạt động của linh hồn và đưa đến hoàn thành. Nhờ Mặc khải chúng ta mới biết được các khả năng và các bất lực của chúng ta. Thiên Chúa can thiệp đến cũng là để chúng ta hiểu biết được.

Trong hoàn cảnh ấy, một triết lý thuần tuý, công trình của lý trí thuần túy, là một ảo tưởng hão huyền. Triết lý ấy có thể dùng biện chứng cấu tạo nên, nhưng đối với sự sống, nó chỉ có giá trị khi nó mượn giá trị ấy ở thực tại mà nó không biết đến.

 

Chống lại học thuyết Averoes

Avéroès (1126 – 1198) là một triết gia A-rập, một nhà chú giải Aristote, thiên về thuyết duy vật và thuyết đa thần. Nhờ uy tín của Aristote, học thuyết của Avéroès xâm nhập vào Đại học Paris. Thánh Bonaventura đã đứng lên biện bác, cho rằng hệ thống triết học ấy sai, không đầy đủ và nguy hại cho thần học, vì nó loại trừ yếu tố chủ yếu của thần học là sức sống và siêu việt tính. Nó làm cái việc mà từ đó người ta gọi là tục hoá.

Đối với thánh Bonaventura, một triết học thuần duy lý là không thể được, không chính đáng và không hiệu quả. Cũng thế, một triết học thuần suy lý là vô ích, là không chính đáng. Vì đối tượng của thần học không phải là sự hiểu biết trừu tượng các chân lý mặc khải, cũng không phải là sự hiểu biết về Chân Lý Tối Thượng Đấng Mặc Khải, nhưng đối tượng là một sự nắm bắt thực nghiệm về Thiên Chúa – Đó là sứ điệp của Đức Kitô gửi cho nhân loại và là chức vụ của Người giữa nhân loại.

Từ lúc lên ngồi ghế giáo sư thần học, thánh Bonaventura đã lên tiếng bài bác học thuyết này. Lên giữ chức Tổng Phục vụ Dòng, ngài không ngừng động viên các tiến sĩ của Dòng, nhất là Jean Peckham biện bác học thuyết này. Một số bài giảng buổi chiều ở Đại học Paris, nhan đề là Hexaemeron (Sáu Ngày) đều nhằm về mục đích này. Ngài đã đề xuất được với Etienne Tempier, Giám mục Paris, lên án học thuyết này.

 

Thánh Bonaventura và Thánh Tôma

Tuy là hai vị tài đức ngang nhau, có thể là bằng hữu với nhau, nhưng nếu thánh Tôma có luận đề nào trình bày không có cơ sở vững, thánh Bonaventura vẫn không ngại biện bác. Đây không phải là ganh tị, là ác tâm, là nhỏ nhặt riêng tư giữa hai vị đại thánh, hai vị đại tiến sĩ. Hai vị thường đồng quan điểm về các nguyên tắc, về các kết luận chủ yếu, bởi cả hai vị đều là Kitô hữu. Tuy nhiên, vẫn có bất đồng ý kiến, khi giải thích một thực tại nào đó. Vị này theo trật tự khái niệm, vị kia từ chối không từ bỏ trật tự thực tế, lịch sử, cụ thể, nơi mà Đức Giêsu Kitô là trung gian. Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, Trung tâm duy nhất và phổ quát.

Sự khác biệt giữa hai vị có thể thu gọn vào hai câu ngắn như sau: Thánh Tôma là một triết gia Kitô giáo; thánh Bonaventura là một người Kitô giáo triết gia.

Thánh Tôma là triết gia. Kitô giáo chỉ là phần phụ thêm. Ngài bàn chuyện triết học và hoàn toàn đến độ triết học của ngài đứng vững cho dẫu Kitô giáo là sai. Ta có thể theo học thuyết của thánh Tôma mà không là Kitô giáo – Kitô giáo không sai. Kitô giáo chẳng làm vướng bận gì thánh Tôma Triết gia.

Thánh Bonaventura là một người Kitô giáo, học triết học, để có ý thức hơn, để được là một người Kitô giáo có ý thức hơn để, theo lời khuyên của thánh Phanxicô, nên người “Kitô hữu tốt hơn”. Triết lý của ngài là một đức tin tự tìm hiểu. Do đó ngài không đặt giả thuyết Kitô giáo là sai, vì nếu tư tưởng ngài, đời sống ngài thiếu Đức Kitô, thì đối với ngài tất cả sẽ sụp đổ tan tành.

Học thuyết Tôma đặt Đức Kitô giữa thần học, không đặt Đức Kitô giữa triết học. Còn thánh Bonaventura đặt Đức Kitô giữa tất cả: ngữ pháp, lý học, toán học, luân lý học, chính trị học, siêu hình học, thần học. Ngài không tự xưng là triết gia, là thần học gia, ngài tự nghĩ ngài là một nhà thần bí. Ngài không quan tâm đến triết học, thần học. Ngài chỉ lưu ý đến thực tại, đến toàn bộ thực tại, thực tại có thể cảm nhận được, thực tại cụ thể, đã được suy nghĩ, có lý tính, được mặc khải, đã được thực nghiệm. Ở đây là đi tận gốc rễ. Học thuyết của ngài tuyệt đối liên đới với cuộc sống của ngài, đã được kiểm tra bằng thực nghiệm, đã được xác nhận bằng thực nghiệm. Sách Hành Trình Tâm Hồn đi lên Thiên Chúa là một lời tâm sự của ngài. Ở đó ngài kể lại ngài đã gặp gỡ Chúa thế nào. Ngài biết rằng được gặp gỡ như thế không phải là một đặc sủng cá nhân, nhưng tất cả các Kitô hữu đều có khả năng, và xứng đáng được mời gọi đến gặp gỡ Thiên Chúa. Ngài viết với mục đích thông truyền chia sẻ lòng mộ mến ước ao, các phương pháp và vạch ra một con đường.

Aristote đã không đưa ra được một giải thích đầy đủ và chính xác về một thực tại mà ông không biết được hết toàn bộ. Ông đã không biết Đức Kitô. Còn chúng ta, chúng ta theo thánh Phaolô, thánh Gioan, Thánh Âu Tinh, và như các ngài chúng ta gặp gỡ Đức Kitô và qua Đức Kitô gặp gỡ Thiên Chúa Ba Ngôi.

 

Dung hòa hai học thuyết

Không nên nghĩ rằng sự đối lập giữa hai học thuyết của hai thánh Tôma và Bonaventura là không thể giải hoà được. Giáo Hội đã luôn luôn liên kết tên tuổi, sự thánh thiện và uy tín của hai vị với nhau. Tính ưu việt Giáo Hội nhận thấy nơi thánh Tôma trong thần học suy lý đã không che khuất giá trị của thánh Bonaventura. Tuy hai vị có con đường, có tư duy, có phương pháp khác nhau, nhưng cùng đích vẫn là một, hướng về Đức Kitô.

Đức Lêô XIII, trong sắc chỉ Aeterni Patris, tuyên dương vinh quang thánh Tôma, đã lấy lại lời Đức Sixtô V nói trong ngày phong thánh vị Tiến sĩ Chí ái: “Hai vị là hai cây ô liu, hai cây đèn sáng chói trong nhà Thiên Chúa. Giữa hai vị đã có tương tự, có liên kết về nhân đức, về thánh thiện, về học thuyết, về công tác… Hai vị đã làm vẻ vang nền thần học Kinh viện, do hai vị khởi xướng với thiên tài tuyệt vời với công tác kiên trì, với nghiên cứu sâu rộng, với suy tư cao xa của hai vị. Hai vị là hai ông hoàng thần học.” Trong thư gửi Tổng Phục vụ Dòng Anh Em Hèn Mọn, ngày 13-12-1885, Đức Lêô XIII nhấn mạnh đến sự cần thiết phải liên kết việc học hỏi giáo thuyết của hai vị, để mọi người biết đến những gì là đẹp, là hay, là hữu ích thời Trung Cổ đã để lại. Ngài khuyên sinh viên triết học, thần học, tương lai của Giáo Hội, nên đồng thời nghiên cứu học thuyết của hai vị, như là gươm giáo cung tên chống lại kẻ thù đáng sợ đang tấn công Giáo hội và xã hội.

 

Ảnh hưởng của Thánh Phanxicô

Thánh Bonaventura tìm đến triết học là để củng cố đức tin, vì đức tin tự bản chất vẫn chỉ là một phương tiện để hiểu biết và không thuộc về mặc khải. Ngài tìm đến thần học, vì ngài cần đến thần học để hướng dẫn đà vươn lên với Chúa của tâm hồn, vì thần học là một khoa học chủ yếu thuộc cảm tính, nghĩa là năng động và thực tiễn, cùng đích là làm cho chúng ta trở thành tốt hơn, và dẫn chúng ta đến Tình Yêu.

Mặc khải đã hướng dẫn tư tưởng của Thánh Bonaventura – Ngài sử dụng tất cả các qui luật, ngài vay mượn tất cả các hệ thống. Ngài không nô lệ một qui luật, một hệ thống nào. Ngài bắt lệ thuộc vào tư tưởng đầy ắp Đức Kitô của ngài.

Ngài đã có một vị thầy thiêng liêng là Đức Kitô – Đức Kitô là trung tâm. Đức Kitô nói lên tính duy nhất của cuộc đời cũng như của học thuyết ngài. Ngài cũng có một vị thầy nhân loại. Ở đâu và thời nào, câu tục ngữ “Không thầy đố mày làm nên” vẫn đúng. Alexandre de Halès là thầy của ngài. Nhưng còn hơn, một vị thầy nữa, tài cao đức cả hơn. Đó là thánh Phanxicô, một vị rất thiên về hiện thực. Thánh Phanxicô đã thông truyền hướng dẫn thánh Bonaventura. Không thể nói rằng thánh Bonaventura đã thừa hưởng tất cả từ thánh Phanxicô, nhưng phải công nhận rằng nhờ thánh Phanxicô, thánh Bonaventura mới có được các gương sáng, các bài học, tính tình hiền hoà, lòng khiêm nhường tùng phục Giáo Hội, cũng như lòng kính trọng uy tín của các nhà thần học. Thánh Bonaventura cũng có được phong cách văn chương bình dị, hàm súc và trong sáng. Và trên hết cả là tinh thần chiêm ngưỡng, đã vươn cao lên Thiên Chúa, lên Chân Thiện Mỹ, lên Tình Yêu, biết gặp gỡ Thiên Chúa nơi các dấu vết Người để lại nơi thiên nhiên. Thánh Phanxicô có lời than thở: Deus meus et omnia (Thiên Chúa của tôi và tất cả). Cũng một ý ấy thánh Bonaventura than thở theo cách của ngài: Deus causa essendi, motio intelligendi, ordo vivendi (Thiên Chúa nguyên nhân để hiện hữu, lý do để hiểu biết, trật tự để sinh sống). Thánh Bonaventura nữa cũng xứng đáng được mệnh danh là Chí Ái, Tiến sĩ Chí ái, cũng như thánh Phanxicô, Cha chí ái.

 

Nhà Thần Bí

Thánh Bonaventura là thần học gia hơn là triết gia. Ngài là nhà thần bí hơn là thần học gia. Trước lúc bàn về giá trị của lời nhận định trên, thiết tưởng nên tìm hiểu tổng quát về khoa thần bí. Thần bí (mystique) có hai nghĩa: - những gì có tương quan liên hệ đến các mầu nhiệm diệu huyền, các bí ẩn thần thiêng; - người am hiểu sâu sắc các mầu nhiệm diệu huyền và có kinh nghiệm về Thiên Chúa qua mầu nhịêm đã mặc khải Người cho chúng ta, hoặc qua các mầu nhiệm, các dấu chỉ Thiên Chúa ban cho chúng ta. Nghĩa rộng là tất cả các kinh nghiệm sâu kín, riêng tư trong lòng về Thiên Chúa và tất cả các giáo thuyết liên quan tới những kinh nghiệm ấy.

Trở lại với nhận định trên. Nhận định muốn nói, thánh Bonaventura chủ trương rằng các qui luật triết học, thần học không tạo nên, không cung cấp đối tượng. Đối tượng tự tỏ mình ra trong một cuộc gặp gỡ sống động. Học thuyết này rất đáng tin tưởng. Chúng ta tán thành sự tìm kiếm trong mục đích, trong phương pháp của nó, kể cả trong các điều kiện nó đòi hỏi những ai miệt mài trong đó. Thánh Bonaventura nói: “Bạn không thể hiểu được thánh Phaolô Tông đồ, nếu bạn không có tinh thần thánh Phaolô Tông đồ.” Ta có thể thêm, nếu bạn không có trái tim thánh Phaolô Tông đồ.

Phương pháp tổng thể này, đi từ toàn bộ hữu thể, toàn bộ con người đến chân lý, khác với phương pháp biện chứng, có thể nói là Kinh viện. Đó cũng có thể là một định nghĩa của thần bí. Kinh viện phái tìm cách tiếp cận với Thiên Chúa, như là đối tượng của khoa học qua suy nghĩ, suy luận. Sau khi đã hiểu biết rồi mới yêu mến.

Nhà thần bí không tự cho mình là thần thiêng, nhưng là một con người có cảm xúc, cảm động, có tính dễ xúc động trong đó có ý chí tự do, có xu hướng về hạnh phúc. Nhà thần bí nhận thấy trong thực tế tình yêu, tư tưởng và hành động đều phụ họa vào nhau, tương trợ lẫn nhau – Người ấy không thể vô tình hờ hững trước Đối Tượng của bản thân, mà trí tuệ cho biết là vô cùng khả ái, vì là vô cùng chân thật. Người ấy tìm cách hiệp nhất với Đối Tượng, với tất cả khả năng, quyền năng và quan năng của bản thân. Người ấy cảm thấy chỉ có tình yêu mới đưa đến hiệp nhất, và rằng tình yêu hướng dẫn tất cả các đường đi nước bước cũng như mọi hành vi sinh hoạt của mình. Người ấy tìm khắp nơi các dấu vết Thiên Chúa để lại nơi các sáng tạo của Người.

Thánh Bonaventura phân biệt rõ suy lý và chiêm ngưỡng, chiêm ngưỡng trí tuệ và chiêm ngưỡng khôn ngoan, sự đồng quan (contuition) và sự trực quan (intuition). Trong Itinérarium và Triplici via, ngài luận giải rất rõ các điểm này. Ngài đã được mệnh danh là ông hoàng các nhà thần bí. Ngài đã có nhiều ảnh hưởng trên các nhà thần bí các thế hệ sau như thánh Gioan Thánh Giá…

 

Nguyên mẫu

Theo từ nguyên mẫu là cái khuôn để đúc vật dụng. Cũng có thể hiểu được là mẫu mực để mọi người noi theo. Thần học của thánh Bonaventura xứng đáng được gọi là nguyên mẫu luận. Thần học của ngài ở mức cao nhất và về bản chất là một khoa học về Thiên Chúa. Thiên Chúa là khuôn vàng thước ngọc.

Trong phần đầu của sách Soliloquim (Độc thoại), thánh Bonaventura viết rằng lúc khởi đầu làm mọi việc tốt lành, phải khẩn cầu Đấng là nguyên lai, từ Người bắt nguồn mọi điều thiện hảo; Đấng là khuôn mẫu, qua Người mọi điều thiện hảo đều được làm ra; Đấng là cùng đích, tất cả các điều thiện hảo đều qui về Người.

Ba từ ngữ hay ba lời lẽ trên, là những gì ngài tâm đắc nhất, những gì, trong tư tưởng của ngài, nói xa nói gần đến sự lập hữu của Thiên Chúa Duy Nhất Ba Ngôi, đồng thời cũng biểu lộ lòng đạo đức khiêm hạ dịu dàng của ngài, và tổng lược những cái nhìn cao xa sâu thẳm của ngài về bản chất và công việc của Thiên Chúa.

Ngài đã suy gẫm cao vời sâu thẳm về Thiên Chúa, với tư cách là Hữu Thể và với tư cách là Thiên Chúa, theo hai định nghĩa Mặc Khải đã cho: “Hằng Có là tên Ta” (Xh 3,14) và “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,7). Ngài thấy sự Thiện Hảo chủ yếu nảy nở ra thành Ba Ngôi. Tuy nhiên chiêm ngưỡng của ngài thường là trong nín lặng.

Ngài đề xuất với việc tìm hiểu học hỏi của chúng ta đối tượng thần linh này như là Căn Nguyên Sơ Thuỷ: Đối với loài thụ tạo Thiên Chúa là nguyên nhân của hữu thể, là lý do để hiểu biết, là trật tự để sinh sống.

Vạn vật có cái hữu thể, cái chân lý, cái lý do của mình nơi Thiên Chúa, không phải nơi bản thân. Ngài không phủ nhận, không nghi ngờ giá trị của vạn vật về hữu thể, về chân lý, về sự sống, ngài còn nói rằng những gì loài thụ tạo có được như thế đó là do Ơn Ban của Thiên Chúa. Và được như thế là nhờ tham dự vào Thiên Chúa qua Ngôi Lời của Người. Ngài nói, không thể hiểu rõ sự vật, nếu không biết sự vật có được nguồn gốc, hình dáng và chỗ đứng là trong Ngôi Lời như thế nào, và như thế nào Thiên Chúa tự mặc khải Người qua các sự vật.

Chúng ta đã bắt gặp một trong các yếu tố căn bản của thần học thánh Bonaventura, Nguyên mẫu luận. Nguyên mẫu luận này ở trung tâm điểm siêu hình học của thánh Bonaventura. Không lưu ý đến sẽ có thể hiểu sai, hoặc không có thể hiểu được học thuyết tu đức của thánh Bonaventura. Quả thế, đây là tương quan giữa loài thụ tạo với Thiên Chúa. Đây là sự hiểu biết về Thiên Chúa, mà loài thụ tạo có thể đưa chúng ta vào. Học thuyết này quan trọng, bởi sự hiểu biết được bao hàm trong tất cả các sinh hoạt của chúng ta, như là bộ máy điều hoà, tổ chức và lượng giá.

Ba Ngôi sáng tạo vạn vật đã ký tên lên công trình của Người, bằng cách in lên các loài thụ tạo một tính cách có thể nhận thấy và ít hay nhiều biểu cảm tùy theo vị trí loài thụ tạo ấy giữ trong hệ thống muôn loài và tùy khái niệm về Thiên Chúa mà loài thụ tạo ấy có khả năng biểu thị. Mỗi thụ tạo biểu thị Thiên Chúa một cách, hoặc là phản ánh, hoặc là dấu vết, hoặc là hình ảnh. Phản ánh, vì là phản ánh, nên lờ mờ không rõ. Dấu vết rõ ràng hơn biểu thị được Thiên Chúa như là Đấng Sáng Tạo uy quyền, khôn ngoan và thiện hảo. Một hình ảnh, và đây là nói đến các thụ tạo thiêng liêng, một hình ảnh nói lên được rõ ràng về Thiên Chúa, nếu tự nó có được tham dự vào Uy quyền, sự Khôn Ngoan và sự Thiện Hảo chủ yếu của Thiên Chúa. Do đó, thật là một thiếu sót không gì bù đắp được, khi tìm hiểu về Mô phạm thần thiêng mà bỏ quên Đấng đã muốn nhận lấy thân phận thụ tạo, Đấng đã từ Thiên Chúa xuất phát ra. Đấng không phải là một bản sao, nhưng là Bản Mẫu. Qua Đấng ấy Thiên Chúa biết rõ, tạo dựng ra, soi sáng và cầm quyền cai trị các loài thụ tạo khác. Đấng ấy là Ngôi Lời vô tạo, nhập thể, được linh ứng, Đấng có tên, như loài người, là Giêsu Kitô, Trung Gian duy nhất và phổ quát.

 

Nguyên Mẫu và Biểu tượng

Để hiểu thêm về Nguyên mẫu, ta hãy so sánh mô phạm với biểu tượng. Nguyên mẫu và biểu tượng có một điểm chung: đối với cả hai đối tượng hữu hình không phải là quan trọng hơn. Cái đáng kể là giá trị bí mật, giấu kín, thần bí, mà nó là dấu chỉ. Đối với biểu tượng, đối tượng hữu hình, thực tại, là một ý nghĩa thầm kín, một giấu tên và sự giấu tên này có giá trị ở cái thầm kín đàng sau cái tên.

Theo Nguyên mẫu luận, trái lại, sự vật là một dấu chỉ. Tuy nhiên nó vẫn giữ giá trị của thực tại. Giá trị giấu kín, giá trị của dấu chỉ sẽ vượt qua giá trị của nó, và không làm tiêu tan nó. Ở đây có thể nói thêm, theo nghĩa của thánh Bonaventura, thực tại hữu hình đã được bí tích hoá, như bánh thánh thể: sự vật trong trật tự tự nhiên, dấu chỉ trong trật tự siêu việt. Vạn vật là như một bí tích, nơi Thiên Chúa tự ban cho loài người để hiểu biết Người và gặp gỡ Người.

Đức Kitô: trung tâm duy nhất và phổ quát

Đức Kitô không phải là ở giữa Thiên Chúa và thế giới, vì Người vừa là ở trong Thiên Chúa vừa là trong thế gian: Người là trung tâm.

Trong bài giảng thứ nhất về Sáu Ngày (Hexameron) thánh Bonaventura đã giải thích rõ Đức Kitô là trung tâm cách nào. Ta hãy nghe ngài nói:

Trung tâm của bản thể trong sự Phát Sinh Vĩnh Hằng,

Trung tâm của thiên nhiên trong Nhập Thể,

Trung tâm của tầm rộng trong Khổ Nạn,

Trung tâm của học thuyết trong Phục Sinh,

Trung tâm của sự tự chủ trong Thăng Thiên,

Trung tâm của công bình trong Phán xét chung.

Trung tâm của hoà hợp trong phúc thật vô cùng vô tận.

“Toàn bộ Kinh Thánh đều quan tâm đến Đức Kitô vì lý do trung tâm dưới bảy hình thức. Cựu Ước luận về Thiên Chúa và về Ngôi Lời nhập thể. Toàn bộ Tân Ước luận về Thiên Chúa nhập thể. Trong Cựu Ước Ngôi Lời Thiên Chúa là phương tiện kết hợp các bản tính, nghĩa là thiên tính và nhân tính. Trong Tân Ước Ngôi Lời Thiên Chúa là trung tâm các bản tính khi đã kết hiệp với nhau.”

Ngài nói thêm: Đức Kitô trung tâm có bảy cách:

của bản thể: đối tượng của siêu hình học,

của thiên nhiên: đối tượng của lý học,

của chiều rộng: đối tượng của toán học,

của học thuyết: đối tượng của biện chứng pháp,

của điều độ: đối tượng của luân lý,

của công lý: đối tượng của chính trị,

của hoà hợp: đối tượng của thần học.

Những cái nhìn tinh vi và sâu rộng trên nói lên nỗi bận tâm của thánh Bonaventura về việc nối liền tất cả vào Đức Kitô, đặt nền tảng trên Người, bắt tất cả phải phục tùng ảnh hưởng và quyền hành vương quốc của Người.

 

Thiên Chúa Ba Ngôi

Thời thánh Bonaventura đã có nhiều thảo luận về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Ngài đã có một tổng hợp tuyệt vời về mầu nhiệm này như sau: “Chúa Cha sinh ra Chúa Con, và bởi Chúa Con, với Chúa Con, Người sinh ra Chúa Thánh Thần. Vậy bởi Chúa Con và với Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa là căn nguyên của mọi loài thụ tạo. Nếu Người không sinh ra Chúa Con và Chúa Thánh Thần từ vĩnh hằng, Người sẽ không thể bởi Chúa Con và Chúa Thánh Thần sinh ra trong thời gian. Vì sự phát sinh này, nên thật là hợp lý khi tuyên xưng Người là nguyên lý của sự sống. Bởi Người có sự sống trong Người, nên Người đã cho Chúa Con có sự sống trong Người. Vậy sự sống vĩnh hằng là sự sống duy nhất, cho nên linh hồn có lý trí, bắt nguồn từ Ba Ngôi diễm phúc và là hình ảnh của Ba Ngôi, trong một vòng tròn khả tri, nhờ ký ức, trí tuệ và ý chí cũng như hình ảnh giống Thiên Chúa vinh quang, sẽ trở về với Ba Ngôi diễm phúc.”

Dựa trên các Giáo Phụ Hy Lạp và kinh nghiệm thần bí của Cha Thánh Phanxicô, thánh Bonaventura nhìn Thiên Chúa dưới tước hiệu “Thiện Hảo” (Bonum), như được mặc khải trong Tin mừng. Sự Thiện là Chân lý cao cả, là Tình Yêu cao cả. Tình Yêu cũng là một tước hiệu của Thiên Chúa được mặc khải trong Kinh Thánh.

Thánh Bonaventura dựa trên câu nói của Pseudo-Denys để suy tư: “Sự Thiện tự nó lan toả ra” nghĩa là theo khuynh hướng tự nhiên, sự Thiện luôn luôn hiến thân mình. Và nếu có sự Thiện Hảo tuyệt đỉnh, thì “sự lan toả” ấy cũng sẽ tuyệt đỉnh, tức là sự chuyển thông hữu thể của mình. Chính đó là sự nhiệm xuất các Ngôi Vị thần linh: Chúa Cha, khi sinh ra Chúa Con, thì thông ban cho Người tất cả hữu thể và tất cả khả năng hoạt động của mình. Và bởi vì bản tính thần linh thì tuyệt đối hoàn hảo và đơn giản, nên Chúa Cha thông ban cho Chúa Con bản tính của mình, sở hữu cùng một bản tính duy nhất. Chúa Thánh Thần phát xuất từ Cha và Con vì Cha ban cho Con quyền “thở ra” (spirer) Thánh Khí. Khí là hơi thở ra. Vì thế Thánh Khí cũng đồng bản tính với Cha và Con. Như vậy sự Thiện tuyệt đỉnh được thông truyền một cách chan chứa mà vẫn là duy nhất, mặc dầu được sở hữu bởi cả Ba Ngôi. Đó là ý nghĩa của lời khẳng định đức tin một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi.

Đối với thánh Bonaventura, Thiên Chúa không phải là một thực tại trừu tượng, nhưng cụ thể là Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Khí. Vì vị Thiên Chúa mà thánh Bonaventura giải thích là Đấng mà ngài tiếp xúc trong kinh nghiệm tôn giáo hằng ngày. Bởi thế khi nói rằng “sự Thiện Hảo tự mình lan toả”, thánh Bonaventura nghĩ đến Chúa Cha, vì Người là nguồn gốc tuyệt đối của mọi sự thiện. Và chính ý niệm nguồn gốc sẽ giúp thánh Bonaventura phân biệt các ngôi vị trong Thiên Chúa. Xét về bản tính, thì các Ngôi Vị thần linh hoàn toàn bằng nhau, cùng hiện hữu một cách vĩnh hằng và cũng toàn năng như nhau. Chính nguồn gốc tạo ra sự khác biệt.

Trước thánh Bonaventura, Richard de Saint-Victor đã nhấn mạnh tới đặc điểm của Chúa Cha là “Đấng không do ai sinh thành”. Từ đó thánh Bonaventura đưa ra ý niệm “nguồn gốc” như là đặc điểm của Chúa Cha. Ý niệm này không những có nghĩa là Chúa Cha không lệ thuộc vào một nguyên lý nào, mà còn có nghĩa là “nguồn mạch chan chứa” là “sự phong phú tạo ra các ngôi vị” trong Thiên Chúa.

Đối với thánh Bonaventura, Chúa Cha là “nguyên lý tự nhiên” làm phát xuất Chúa Con. Sự nhiệm xuất thứ nhất được thể hiện “theo phương cách tự nhiên”, nghĩa là theo bản tính, chứ không phải theo phương cách của lý trí.

Theo thánh Bonaventura, bởi Thiên Chúa là “sự Thiện tự lan toả ra”, nên trong Thiên Chúa có hai phương cách phát xuất: phát xuất tự nhiên và phát xuất theo ý chí. Chúa Con phát xuất theo phương cách tự nhiên, nghĩa là theo bản tính của Chúa Cha. Khi Cha sinh ra Con thì thông truyền cho Con sự sống từ bản tính của mình. Còn Thánh Khí thì phát xuất theo đường ý chí. Thánh Khí phát xuất chủ yếu và trực tiếp từ Cha và một cách gián tiếp từ Con, nghĩa là Cha là nguyên lý tiên khởi, còn Con lãnh nhận từ Cha quyền được trở thành nguyên lý làm phát xuất Thánh Khí. Về điểm này nữa, Bonaventura rất gần với các Giáo Phụ Hy Lạp, khi các ngài nhấn mạnh tới uy quyền của Chúa Cha và khẳng định được rằng Thánh Khí phát xuất “bởi Chúa Cha qua Chúa Con”. Bởi vì Chúa Cha được xem là nguyên lý tuyệt đối của sự sống, nên người ta không thể quan niệm cuộc sống của thế giới tách biệt với Người. Như vậy thánh Bonaventura, hơn bất cứ đại diện nào của Kinh Viện thời đầu, đã đặt ra những điểm mốc cho một đạo lý về Ba Ngôi được xây dựng một cách cụ thể theo trục chính là lịch sử cứu độ” (x. Nguyễn Văn Khanh – Thiên Chúa Ba Ngôi, tr. 205-209).

 

Ars Patris.

Đối với công trình của Thiên Chúa được mô phạm luận hệ thống hoá như trên, Đức Kitô là “Ars Patris”, nghĩa là Người Thợ Thủ Công, là Dụng Cụ, là Kiểu Mẫu, do đó, theo đó, và vì đó Thiên Chúa tác tạo. Đó là nguồn gốc, là phương thức, là lý do, có thể nói là nguyên nhân tác thành, nguyên nhân mô phạm, nguyên nhân mô thức, và nguyên nhân cứu cánh. Đức Kitô là mô phạm theo ba cách: trước hết Người là ý niệm hay là tri thức mà Thiên Chúa có về các thực thể; sau đó là cũng ý niệm ấy biểu lộ ra trong các thực thể được gọi để hiện hữu, để tồn tại, và tự biểu lộ nơi các thực thể ấy; sau cùng là cũng ý niệm ấy biểu lộ qua các hữu thể mà sự hoàn hảo gồm ở sự thực thi hoàn toàn ý niệm ấy bằng cách thuận theo ý niệm ấy và tự nguyện nếu có tự do.


[1] Xin xem Thánh Bonaventura. Maria Antôn Trần Phổ, OFM. Học Viện Phanxicô 2005.

Chia sẻ