Skip to content
Main Banner

Thánh Phanxicô ảnh hưởng thế nào trên tư tưởng của Duns Scotus?

BTT OFMVN 01
2024-01-24 17:47 UTC+7 908
cuộc đời cụ thể của Thánh Phanxicô đã gây ảnh hưởng trên mọi anh em trong Dòng, trong đó tất nhiên có những anh em là thần học gia, triết gia v.v. Đó là một cuộc đời trong đó Chúa Kitô hoàn toàn chiếm vị trí trọng tâm
pxc-dscotus-1706100345.jpg

Tôi có vàì suy nghĩ về vấn đề trên như sau.

1. Một cách tổng quát, cuộc đời cụ thể của Thánh Phanxicô đã gây ảnh hưởng trên mọi anh em trong Dòng, trong đó tất nhiên có những anh em là thần học gia, triết gia v.v. Đó là một cuộc đời trong đó Chúa Kitô hoàn toàn chiếm vị trí trọng tâm: Phanxicô đã hiến toàn thân cho Chúa Kitô, bước theo Người một cách khăng khít đến nỗi thân xác mình đã hoàn toàn nên giống thân xác của Thầy mình. Và trong cuộc đời của Chúa Kitô, của Ngôi Lời nhập thể, thì chính mầu nhiệm Nhập thể và mầu nhiệm Khổ nạn đã đánh động Phanxicô hơn cả và trở thành những đề tài suy niệm thường xuyên của người .

Từ đó, mầu nhiệm Nhập thể cũng sẽ là một đề tài lớn trong suy tư của Duns Scotus.

Thực ra, vào thế kỷ XII, thánh An-xen-mô đã nêu ra một vấn đề hệ trọng : “ Tại sao Thiên Chúa làm người ?” (Cur Deus homo?).Và nhà thần học này đã nêu ra một câu trả lời hoàn toàn mang tính cách pháp lý: con người phạm tội đã làm mất danh dự của Thiên Chúa (Chúa Cha), cho nên Con Thiên Chúa phải làm người để “đền bù” (satisfac- ere) danh dự cho Chúa Cha. Qua cách sống đơn sơ và những câu nói chất phác và cụ thể của Phanxicô người ta thấy ngay đối với vị Thánh Nghèo này, mầu nhiệm Nhập thể hoàn toàn là mầu nhiệm Tình Yêu, và đó cũng chính là hướng suy tư của D.Scotus, khác xa với chiều hướng suy tư của An-xen-mô (đã trở thành cổ truyền).

2. Trong các tư tưởng của Thánh Phanxicô, tôi nghĩ tới hai đoạn văn trong quyển Tác Phẩm đã có thể gây ảnh hưởng trên D.Scotus:

a. Huấn ngôn 5,1: trong đó Phanxicô nói là Thiên Chúa đã “tạo dựng và nắn đúc con người theo hình ảnh Con của Người về phần xác, và theo sự tương đồng với Con của Người về phần hồn”.

Con người về phần xác và phần hồn được dựng nên theo hình ảnh Con Thiên Chúa: thì Con Thiên Chúa ở đây là Ngôi Lời nhập thể rồi . Như vậy, khi dựng nên con người, Chúa Cha đã nghĩ đến Ngôi Lời nhập thể như nguyên mẫu của con người . Từ đó D.Scotus có thể khẳng định: mầu nhiệm Nhập thể đã nằm trong ý định của Thiên Chúa trước khi có con người, và tất nhiên không lệ thuộc vào sự kiện con người đã phạm tội như An-xen-mô khẳng định.

b. Lksc 23,5:

Khi cả tạo thành không xứng đáng kêu cầu Danh Thiên Chúa , thì Chúa Kitô là “Con yêu dấu của Cha, Đấng làm vui lòng Cha hết mực”. Nếu trong tạo thành không có Ngôi lời nhập thể hiện diện, thì tạo thành cũng chẳng mang lại vinh quang gì cho Thiên Chúa. Dựa theo hướng suy tư này, D.Scotus sẽ tiến tới lời khẳng định: khi dựng nên vạn vật và loài người, Chúa Cha (mà bản tính là Tình yêu) muốn có một Ai đó, từ “phía ngoài”, đáp trả tình yêu của Người như Con của Người : vì thế Chúa Cha đã tiên liệu có mầu nhiệm Nhập thể, để, từ phía tạo thành, người Con nhập thể, sẽ đại diện tạo thành mà yêu mến và tôn thờ Người .

3. Triết gia Etienne Gilson cho rằng ý tưởng “Thiên Chúa là Tình yêu và là Sự Thiện cao cả” mà Thánh Phanxicô thường nhắc tới, gây ảnh hưởng rất lớn trên Thánh Bônaventura và D.Scotus, nhưng hai thần học gia này khai triển theo hai hướng khác nhau .

Kinh Thánh đã nói Thiên Chúa là Tình Yêu. Khi nhắc tới câu Kinh Thánh này, người ta thường chỉ nghĩ đơn giản Thiên Chúa là nguyên nhân đầu tiên của tình yêu, đồng thời là cùng đích mà mọi hình thức tình yêu hướng tới. Những suy nghĩ ấy đều đúng cả.

Nhưng Scotus còn đi sâu xa hơn: Thiên Chúa theo bản tính là tình yêu. Đây là một suy tư về bản tính của Thiên Chúa. Là tình yêu và đồng thời là Sự Thiện cao cả (summum bonum), cho nên nhất thiết Thiên Chúa tự yêu mình.

Tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu vô biên, vượt ra khỏi chính mình và tuôn trào ra “phía ngoài”. Theo Scotus nguồn gốc sâu xa của việc sáng tạo là tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu bản thân mình, và Người muốn mọi thụ tạo, nhất là loài người, phải yêu Người, vì Người là sự thiện cao cả: như vậy Người sẽ yêu bản thân mình trong loài người.

Nhưng làm sao giữa loài người lại có được một người có thể yêu Thiên Chúa với một tình yêu vô biên, để đáp trả tình yêu vô biên của Người, nếu người ấy không phải là một vị Thiên Chúa ? Hậu quả trực tiếp là Người Con của Thiên Chúa sẽ nhập thể, để người Con ấy, từ phía tạo thành, sẽ yêu Chúa Cha với một tình yêu vô biên. Như vậy mầu nhiệm Nhập thể đã được tiên liệu trước khi con người đầu tiên phạm tội: Ngôi Lời nhập thể là đối tượng đầu tiên mà Chúa Cha nhắm tới khi dựng nên vạn vật; Người chiếm vị trí ưu đẳng trong công trình của Chúa Cha.

(trích trong BÁO CHIA SẺ số 407-2023)

Chia sẻ