Skip to content
Main Banner

Tính Hiện Đại Của Chân Phước John Duns Scotus

BTT OFMVN 01
2024-02-06 14:26 UTC+7 87
John Duns Scotus là một trong những triết - thần học gia quan trọng nhất của thời kỳ cao trào Trung cổ. Khi “xoáy” suy tư của mình trên tình yêu nhưng không và tự do tuyệt đối của Thiên Chúa, Scotus khám phá ra chiều kích lạc quan của chương trình của Người: tội của con người không phải là trung tâm của lịch sử nhân loại, nhưng, chính Đức Kitô mới là trung tâm của lịch sử và của vũ trụ.

JOHN DUNS SCOTUS (1226-1308)

 

Fr. Alexis Trần Đức Hải, Ofm

 

+   Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus

+   Cuộc đời – Con người và sự nghiệp

+   Trật tự ý hướng

+   Tính ngẫu nhiên

+   Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus

+   Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

+   “Vô Nhiễm Thai”

+   Tạo dựng – Con người

+   Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện

=============================

 

TÍNH HIỆN ĐẠI CỦA CHÂN PHƯỚC JOHN DUNS SCOTUS

John Duns Scotus là một trong những triết - thần học gia quan trọng nhất của thời kỳ cao trào Trung cổ. Khi “xoáy” suy tư của mình trên tình yêu nhưng không và tự do tuyệt đối của Thiên Chúa, Scotus khám phá ra chiều kích lạc quan của chương trình của Người: tội của con người không phải là trung tâm của lịch sử nhân loại, nhưng, chính Đức Kitô mới là trung tâm của lịch sử và của vũ trụ. Theo Scotus, cần có một cái nhìn hai chiều kích bổ túc cho nhau về mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa và hành động của Người trong thế giới: “Vì loài người chúng tôi, và để cứu rỗi chúng tôi” (Công đồng Nicea).

Như thế, các học giả Kitô giáo có thể triển khai một nền thần học về missio Dei, ước muốn yêu thương của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Kế đến là nền thần học về missio Ecclesiae: đem sự hiện diện yêu thương và giải phóng của Thiên Chúa đến cho mọi người. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể quan niệm lại sự tự do của con người: tự do là để cho Thiên Chúa, cho điều tốt lành.

Ngày 20/03/1993, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nâng tu sĩ John Duns Scotus, Ofm (1226-1308) lên bậc Chân Phước và mô tả ngài như “người ca hát về Lời Nhập Thể và người bảo vệ tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội.” Qua sự kiện này, Giáo hội công khai khẳng định sự thánh thiện của “người tôi tớ của Thiên Chúa”, cũng như tính chính thống của học thuyết của ngài. Trong thực tế, năm sáu mươi năm trở lại đây, các học giả hiện đại chú ý nhiều đến Duns Scotus.

 

Các lý do:

Ấn bản phê bình của Ủy ban quốc tế về Duns Scotus đã giúp người ta có thể tiếp cận một cách khách quan những tác phẩm đích thực của ngài. Vì thế, người ta biết đến một hình ảnh mới mẻ về vị “Tiến sĩ tinh tế”, - (Doctor Subtilis, Scotus thường được gọi như vậy)-, không giống như hình ảnh nổi bậc trước kia mà người ta thường gán cho ngài: “người chủ truơng duy ý chí”. Thật vậy, hiện nay, người ta trình bày Scotus như một nhà tư tưởng sâu xa, luôn tìm cách “đối thoại” với những vấn đề triết học ở thời đại ngài. Các tác phẩm của ngài cho thấy một biện chứng giữa triết học và thần học qua đó lý trí luôn tìm kiếm chân lý. Ngài từng nói: “Trong quá trình tiến bộ của nhân loại, khái niệm chân lý luôn phát triển.” Paul Vignaux, một chuyên viên về lịch sử triết học, đã nhận định: “Chúng ta đứng trước một nhà nghiên cứu.”

Scotus nhấn mạnh đến khả thể tính (potentiality) của thực tại, cho phép người ta rộng đường hơn trong nghiên cứu và suy tư: đây là điểm thu hút nhiều chú ý của các học giả, kể cả các khoa học gia.

“Với Duns Scotus, siêu hình học đạt được một biên độ không thể hoài nghi, trong mức độ nó được giải thoát khỏi tính ngẫu nhiên của các sự vật, một tính chất có nguy cơ hạn chế chúng quá đáng: hữu thể, với Duns Scotus, thay vì bị giản lược vào “cái hiện hữu” (ce qui est), từ nay, nói về cái “có thể”, cái không bị ngăn trở hiện hữu. Từ hữu thể thực tế (factuel) đến hữu thể thực (réel) được nghĩ đến trong trạng thái có thể của nó (pensé dans sa possibilité), Scotus đã thực hiện một chuyển dịch mà hậu quả là đưa siêu hình học ra khỏi khoa vật lý của Aristote là khoa giới hạn phạm vi nghiên cứu các sự vật ngẫu nhiên mà thôi (être contingent). Nói cách khác, Scotus đã có công đem lại cho khoa siêu hình một biên độ mà cho đến nay không ai nghĩ tới.”

Ngoài ra, không chỉ quan điểm luân lý của ngài về sự tự do và sự thiện luân lý gây hứng thú cho nhiều học giả, lập trường của ngài về tri thức luận, luận lý, thần học còn là tiêu điểm của nhiều hội nghị quốc tế và các chuyên khảo gần đây. Nói cách khác, người ta coi trọng giá trị nội tại và tính chất đương đại của tư tưởng của Scotus, chẳng hạn như tính ưu tiên (ưu việt) của tình yêu trên sự hiểu biết; sự tự do như một giá trị toàn mỹ của ý chí; sự chấp nhận cả hai loại tri thức: trừu tượng và trực tiếp; lý thuyết của ngài về một bản chất chung như nền tảng cho một lối tiếp cận vấn đề các “phổ hữu thể” cách hiện thực hơn; việc chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa rất chặt chẽ từ góc độ siêu hình qua tính đơn nghĩa của hữu thể; việc nhìn nhận các giới hạn của lý trí con người trong việc chứng minh một số đạo lý biết được trước tiên do mạc khải Kitô giáo, như sự bất tử của linh hồn, cùng đích của con người; quan niệm của ngài về thần học như một khoa học thực tiễn dẫn đến tình yêu Thiên Chúa– Đấng mà ngài quan niệm như là Tình Yêu, do tự bản tính của Người; học thuyết của ngài về tính ưu việt tối thượng của Đức Kitô, Lời nhập thể mà đối với ngài, đó là Khởi Nguyên và Cùng Tận, là lý do đầu tiên và tối hậu của tạo dựng; lý do của việc Nhập thể: sự nhập thể của Đức Kitô đã được quyết định từ muôn đời và tách rời khỏi việc cứu chuộc; đây là sự biểu lộ cao độ nhất của tình yêu của Thiên Chúa đối với con người; sự việc Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội: Đức Maria đã được tiên liệu trước (pre-ordained) cùng với Đức Kitô, và Mẹ đã được miễn khỏi nhiễm tội tổ tông truyền do công lao của Con của Mẹ là Vị trung gian và cứu chuộc duy nhất; tình yêu của Đức Kitô được đặc biệt tỏ bày trên cây thập giá và trong bí tích Thánh Thể “mà nếu không có bí tích này mọi sùng kính trong Giáo hội, cũng như sự phụng tự Thiên Chúa đều vô ích, uổng công.”

Sự hồi sinh của triết học về tôn giáo: suy tư về hoạt động thần linh, về tương quan giữa thần linh và sự tự do lựa chọn của con người. Kết quả của sự hồi sinh này là sự nghiên cứu thoáng rộng hơn về các tư tưởng gia thời kỳ Trung cổ, những vị được xem như những khuôn mặt quan trọng trong lịch sử triết học. Nỗ lực nghiên cứu nghiêm túc hơn nữa sự hình thành tư tưởng hiện đại và các căn rễ tiền hiện đại của nó của các học giả này đã làm phát sinh lại sự hứng thú tìm hiểu về Duns Scotus, do bởi các tư tưởng được xem như hiện đại của ngài: sự nhấn mạnh của ngài trên sự tự do trong lãnh vực khoa học cũng như trong vấn đề tôn giáo, trên sự phân khai giữa thế giới khách quan và tư tưởng, hoạt động tự tại của chủ thể suy tư, phẩm cách và giá trị của con người.

Với Vaticanô II (1962-1965), cộng đồng công giáo có nhiều tự do hơn trong việc theo ý kiến riêng của mình, đặc biệt trong lãnh vực triết học, miễn là không trái ngược với bất kỳ giáo lý mạc khải nào được giáo huấn giáo hội phê chuẩn. Lưu ý là vào thế kỷ thứ 18, ở Âu châu, học thuyết Tôma và học thuyết Scotus bị coi nhẹ. Qua thế kỷ thứ 19, để làm sống lại thuyết kinh viện, các lãnh đạo của phong trào này tập trung các nỗ lực của họ trên việc phục hồi triết học trường phái Tôma, nhằm trình bày cho thế giới một hệ thống tư duy nhất quán, mạch lạc. Sự kiện này giải thích phần nào việc các thẩm quyền công giáo nhấn mạnh nhiều đến học thuyết của Tôma, và hậu quả đi kèm là sự lơ là của các học giả công giáo đối với học thuyết của Scotus.

 

Các vị Giáo hoàng gần đây không ngừng đề cao đức tính thánh thiện và giáo lý của Duns Scotus:

Phaolô VI: “Lý tưởng hoàn hảo đẹp nhất và sự nhiệt tình của lòng yêu mến của thánh Phanxicô Assisi được hiện thân và bùng sáng lên trong tác phẩm của Scotus.” x. “Alma Parens” (July 14, 1966)

Gioan Phaolô II: “Một bậc thầy tư tưởng và đời sống”, đối với Giáo hội, ngài là gương mẫu của lòng trung thành với chân lý mạc khải, của đối thoại nghiêm chỉnh, có hiệu năng, trong ước muốn tìm kiếm sự hiệp nhất.”

Benêđictô XVI: “Sự đóng góp to lớn mà Duns Scotus cống hiến cho lịch sử thần học là: a/ Cái nhìn quy tâm Kitô: Đức Kitô là trung tâm của lịch sử và của vũ trụ; b/ Vô nhiễm nguyên tội: Đức Maria chí thánh được thoát khỏi tội nguyên tổ ngay từ giây phút đầu tiên Mẹ được cưu mang; c/ một chú ý tập trung trên vấn đề tự do của con người.”

“Chân phước Duns Scotus chỉ dạy cho chúng ta biết điều quan trọng nhất trong đời sống của chúng ta là Thiên Chúa ở gần chúng ta, Người yêu chúng ta trong Đức Kitô, và vì thế, chúng ta hãy nuôi dưỡng một tình yêu sâu đậm đối với Người và với Giáo hội của Người. Trên Trái đất này, chúng ta là những nhân chứng của tình yêu này.”

 

Những nhận định về John Duns Scotus

Đó là: -- Tiến sĩ tế vi, tiến sĩ của Đức Maria.

-- Đầu tiên và trên hết, ngài là nhà thần học chuyên nghiệp (ex professo), một triết gia kinh viện. (Wolter)

-- Cùng với thánh Tôma, ngài có lẽ là nhà thần học vĩ đại nhất trong các nhà thần học thời Trung cổ, và chắc chắn là một người đã gây hứng cho nhiều thế kỷ sau khi qua đời. (Felix Alluntis, Wolter, Vos, R. Cross)

-- Có lẽ là một trong những nhà kiến trúc lớn nhất trong quá trình hình thành bộ môn siêu hình học thâm thúy nhất từ trước đến nay. (Pierce)

-- Nhà làm luật của Thiên Chúa (légiste de Dieu) (Friedrich Heer)

-- Đại lực sĩ (Hercules) trong số những người theo phe giáo hoàng.

-- Một nhà tư tưởng lớn của dòng Phan sinh, vừa trí thức vừa thần bí (Heer)

-- Một nhà nghiên cứu (Vignaux)

-- Scotus được xem như nhà thần học đầu tiên trong lịch sử tư tưởng Kitô giáo thành công trong việc phát huy một khung tư duy nhất quán cho xác tín sau là: cả Thiên Chúa lẫn con người thì thiết yếu tự do.”(Vos) “Scotus chống lại cái nhìn tất yếu về thế giới xuất phát từ các triết gia Arập, và đồng thời bảo vệ tính chất trọng yếu của tự do, lẫn của Thiên Chúa và của con người, như là nền tảng của cái nhìn Kitô giáo về thực tại.”(Ingham, The harmony of goodness, xi)

-- “Scotus đã thành công cách hiệu quả trong việc xét lại mối tương quan giữa triết học và thần học trong ánh sáng của một sự hiểu biết sâu đậm hơn về Aristotle, cũng như của một mối ưu tư bảo vệ cách an toàn các yếu tố căn bản của mạc khải Kitô giáo: tính khả thể của sự tự do lựa chọn trong ý chí, tính ngẫu nhiên của tạo thành và giá trị của thần học xét như một bộ môn khoa học.” (Ingham, -nt-)

-- “Tôi xin gởi gắm, nhờ anh thương giúp người anh em của chúng ta trong Đức Kitô, linh mục John Scotus, gương mẫu đạo đức, thông minh hơn người, một trí óc bén nhạy và tinh tế, cùng các phẩm tính nổi bậc khác mà tôi biết rất rõ, nhờ đã ở lâu với anh, cũng như đã nghe nhiều người nói tốt về anh, để tên anh ấy được thường kỳ giới thiệu ở đầu danh sách, sau anh Giles.” (Tổng Phục vụ Gonsalve d’Espagne, trong lá thư đề ngày 18/11/1304 ở Ascoli, gởi cho giám tỉnh Pháp.)

-- …Hãy noi gương Duns Scotus, nơi ngài không hề có chuyện tranh cãi gay gắt, không có tham vọng chiến thắng. Ngài luôn có thái độ lễ độ, lịch sự và không có thiên kiến. - (Một tác giả dòng Đaminh, Jean de St. Thomas)

-- Một cái tháp thiêng liêng của đức tin. Đức Gioan Phaolô II đã muốn khẳng định cách long trọng như thế về ngài, trong ngày phong ngài lên bậc chân phước, 20/ 03/ 1993, mô tả ngài như “người ca hát về Lời Nhập Thể và người bảo vệ tín điều Vô nhiễm nguyên tội.”

-- “Duns Scotus, với giáo thuyết sắc sảo của ngài về quyền tối thượng của Đức Kitô, về đặc ân Vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria, về giá trị hàng đầu của mạc khải…về khả năng của lý trí con người có thể phần nào đạt tới những chân lý cao cả của đức tin, về việc minh chứng ở đó không có gì là mâu thuẫn trái ngược nhau, cho đến ngày nay, vẫn mãi là một trụ cột của nền thần học công giáo, một vị thầy độc đáo có nhiều ý tưởng phong phú, nhiều gợi ý để tiến tới một sự hiểu biết ngày càng đầy đủ hơn về các mầu nhiệm đức tin.” Gioan Phaolô II, Diễn từ With lively joy. Vatican, 16th February 2002.

--Ý kiến cá nhân: Đầu tiên và trên hết, Duns Scotus là một tu sĩ Phan sinh, với các đặc tính trí thức sau: một nhà tư tưởng thâm thúy, một trí óc độc đáo, một nhà phê bình sắc sảo, một người triệt để khoa học, không thành kiến cá nhân, tiến hành cách khách quan, xác lập học thuyết của riêng mình với khiêm tốn và với một sự dè dặt nhất định. (qc. Paul VI)

 

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM. Triết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021

Bài I. Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus

Bài II. Cuộc đời – Con người và sự nghiệp

Bài III. Trật tự ý hướng

Bài IV. Tính ngẫu nhiên

Bài V. Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus

Bài VI. Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

Bài VII. “Vô Nhiễm Thai”

Bài VIII. Tạo dựng – Con người

Bài IX. Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện


Chia sẻ