Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Mt 21,1-11: Đức Giêsu Vào Thành Jerusalem

BTT OFMVN 01
2024-03-17 07:10 UTC+7 495
Đức Giêsu đã đứng ra tổ chức cuộc tiến vào Jerusalem. Như thế, không phải là Người đã “hớ hênh” để rồi bị bắt và đưa đi xử tử. Chính cách thức Người chọn (ngồi trên lưng lừa, không có quân lính tiền hô hậu ủng) cho hiểu rằng, Người là Đấng Messiah thuộc nhà David, nhưng không như Đấng Messiah dân Israel hằng mong đợi

Mt 21,1-11: Đức Giêsu Vào Thành Jerusalem

Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.

 

Bản Văn Tin Mừng: Mt 21,1-11 [1]

Khi thầy trò đến gần thành Giê-ru-sa-lem và tới làng Bết-pha-ghê, phía núi Ô-liu, Đức Giê-su sai hai môn đệ và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay”. Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ: ‘Hãy bảo thiếu nữ Xi-on: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ.

Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền. Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên. Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. Dân chúng, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời.

10 Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?”. 11 Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy”.

***

1. – Ngữ cảnh

Theo bố cục của Tin Mừng Matthew, sự kiện được tường thuật lại đây là mở đầu cho tuần lễ cuối cùng của cuộc sống Đức Giêsu trên trần thế. Kể từ biến cố Đức Giêsu vào Jerusalem cho đến bữa tối cuối cùng rồi Người bị bắt, bị xử, bị đóng đinh, và sống lại, tác giả Tin Mừng Matthew theo chính xác thứ tự của Tin Mừng Marco, ngoại trừ truyện cây vả được sắp xếp lại một chút (x. 21,18-22 = Mc 11,22-26)[2] Trong Tin Mừng Matthew, cuộc tiến vào “khải hoàn” và việc “thanh tẩy” Đền Thờ xảy ra trong cùng một ngày, đó là ngày thứ nhất Đức Giêsu ở lại Jerusalem; trong Tin Mừng Marco, các sự việc ấy được tách ra đặt vào hai ngày khác nhau. Tin Mừng Matthew giữ lại tất cả chất liệu của Tin Mừng Marco ngoại trừ bài học từ câu truyện đồng xu của bà góa (x. Mc 12,41-44)[3]

Cuộc tiến vào Jerusalem trong bầu khí khải hoàn trên một con lừa là hình ảnh đối lại với cuộc tiến lên Núi Sọ (Golgotha), dưới khối nặng của thập giá. Hội Thánh đang nhớ lại cuộc Thương Khó của Chúa, nhưng cũng báo trước vinh quang Phục Sinh (hosanna). Đây là cuộc tỏ mình công khai của Đức Giêsu cho quốc gia nên hẳn cũng là một đề nghị mà Hội Thánh sơ khai một lần nữa ngỏ với các thành viên Hội Đường để họ chấp nhận Đấng Messiah thuộc dòng dõi vua David (x. Mt 23,37-39)[4]

2. – Bố cục

    Bản văn có thể chia thành hai phần:

          1) Đức Giêsu tổ chức cuộc rước (21,1-7);

          2) Đức Giêsu tỏ mình (21,8-11).

3. – Vài điểm chú giải

– Jerusalem (1): Đây là kinh đô của miền Judea, cũng là Sion, trung tâm tôn giáo của dân Do Thái, vì có Đền Thờ.

– Chúa (3): Sự hiểu biết và quyền chúa tể của Đức Giêsu được tác giả Tin Mừng Matthew nhấn mạnh đặc biệt ở đây.

– Đức Giêsu cưỡi lên (7): Dịch sát là “cưỡi lên chúng (= hai con lừa)”; đây là một hình ảnh khó mà hình dung được. Người ta có thể tránh khó khăn này bằng cách coi “chúng” đây là các “áo choàng”. Bản dịch Thánh Kinh của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh[5] cho một lời giải thích hợp lý: “Đơn giản nhất có lẽ là tác giả Tin Mừng Matthew muốn đưa lời Zacharias (thật sự chỉ nhấn mạnh tới con lừa con mà thôi) cho hợp với trường hợp của Chúa Giêsu (thật sự có hai con lừa), mà không quan tâm tới chuyện trục trặc”.

– Hosanna (9): Từ ngữ Hipri hosý‘ah-nna’, hay hosha‘-na, có nghĩa là “xin trợ giúp (hay xin cứu độ), con cầu nguyện”. Đây là một phần trích từ câu Tv 118,25-26,[6] sau này thành một lời tung hô.

– Náo động (10): Động từ “eseisthé” (động từ “seiò” được dùng 3 lần trong Tin Mừng Matthew) diễn tả những hiện tượng đi theo việc khai mở thời đại cánh chung. Ở Tin Mừng Matthew 27,51,[7] động từ này loan báo hiện tượng động đất đi theo cái chết của Đức Giêsu. Ở Mt 28,4,[8] động từ này diễn tả nỗi kinh hoàng đến nỗi ra như chết của những người lính canh vào lúc Đức Giêsu sống lại (x. Mt 2,3-7)[9]

4. – Ý nghĩa của bản văn

* Đức Giêsu tổ chức cuộc rước (1-7)

Tác giả ghi nhận rằng, chính Đức Giêsu muốn có cuộc diễu hành này, và Người đã lên kế hoạch thực hiện. Điều này cho hiểu là Đức Giêsu ý thức Người là Đấng Messiah; Người làm chủ tình hình; Người có uy thế hơn các đối thủ của Người. Quả thế, tác giả Tin Mừng Matthew nêu bật rằng, các môn đệ làm theo “lời Đức Giêsu đã truyền” (câu 6). Ngoài ra, vâng phục Đức Giêsu là nét tiêu biểu của người môn đệ. Lời tự xưng Đức Giêsu nói với hai môn đệ khi gửi họ đi (“Chúa”: câu 3) nhắc nhớ tới đức tin của Hội Thánh vào Đức Kitô Phục Sinh. Trong khi cộng đoàn nhắc lại một sự kiện đầy ý nghĩa thuộc về Đức Kitô lịch sử, cộng đoàn lại loan báo sự hiệp thông của mình với Đức Kitô Phục Sinh (“Chúa”). Quang cảnh sắp được kể tự nó đã khá rõ, nhưng tác giả theo thói quen thấy cần minh họa bằng hai câu trích Kinh Thánh: “Hãy bảo thiếu nữ Sion” (Is 62,11) và “nói về Đức Vua Hòa Bình” (Dcr 9,9).

“Thiếu nữ Sion” trong truyền thống ngôn sứ là Israel cánh chung được nhân cách hóa, ở đây là dân cư Jerusalem. Ở Dcr 9,9, vị ngôn sứ nói: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ”, Tin Mừng Matthew tránh lời mở đầu này bằng cách dùng công thức của Is 62,11. Ông không cảm thấy sẵn sàng mời thành thánh vui lên khi mà chẳng bao lâu nữa ông sẽ phải lên án thành này. Bản văn Isaia có giọng kiên quyết “Hãy bảo” nhằm nhắc nhở dân Thiên Chúa. Bản văn của Zacharias thì chi tiết hơn, nhưng Tin Mừng Matthew chỉ nhắc đến những chi tiết nào phù hợp với đề tài tác giả đang bàn. Tác giả chủ ý bỏ những tên gọi “Đấng Công Chính” và “Đấng Toàn Thắng” để tránh làm cho người ta nghĩ đến một chiến binh hay một nhà chinh phục.

Jerusalem là thành vua David, nhưng từ lâu đã phải quy phục Dân Ngoại; nay thành thấy tái xuất hiện bên trong vòng tường thành vị vua của chính mình, đã được Thiên Chúa hứa ban từ thời xa xưa (x. 2Sm 7,14)[10] Tuy nhiên, để dân chúng đừng hiểu lầm Đức Giêsu đến trong tình trạng khiêm nhu hiền hậu, chịu suy phục, mà Người là Đức Vua của các “anawým” (những người nghèo), hơn là vua của những “ghibborým” (những người mạnh) vẫn chầu quanh vua David (x. 2Sm 1,19. 21)[11]

* Đức Giêsu tỏ mình tỏ mình (7-11)

Ý nghĩa thiên sai của cuộc biểu dương lại còn được nêu bật bởi con số đông đảo dân chúng tham gia (chỉ Tin Mừng Matthew ghi nhận điểm này), bởi những cử chỉ họ làm (trải áo và vẫy các cành lá) và bởi các lời tung hô. Khi trải áo của mình trên con lừa và trên đường, các môn đệ và đám đông chỉ làm một điều là xác nhận phẩm cách của Người (x. 2V 9,13)[12] Khi ghi nhận rằng, người ta “chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi” (khác với Lc 19,35-36 và Mc 11,8),[13] tác giả Tin Mừng Matthew muốn nhắc lại Tv 118,25-26 trong đó gợi tới những nghi thức người ta làm trong dịp Lễ Lều: dân chúng đi rước lên Đền thờ, tay vừa phất các cành lá linh thánh (lubab) vừa hát các câu tung hô rút từ Tv 118 (xem thêm: 2Mcb 1,9; 10,6)[14] Lễ Lều nhắc lại thời gian sống trong sa mạc, nên cũng gợi đến cuộc xuất hành và giải phóng khỏi Ai Cập; do đó, cuộc cử hành Lễ Lều làm thức tỉnh lại những nỗi niềm chờ mong Đấng Messiah cả nơi dân chúng lẫn cấp lãnh đạo. Trong khung cảnh này, bài tường thuật việc Đức Giêsu vào Thành Thánh là một sứ điệp rất khéo bố trí mà tác giả Tin Mừng Matthew gửi đến cho cộng đồng Israel.

Các lời tung hô xác nhận ý nghĩa của cuộc diễu hành đang diễn tiến. Tiếng hò la là một thể văn thuộc về nghi thức các cuộc tôn vương (x. 1V 1,39)[15] Lời cầu chúc của đám đông được diễn tả lặp đi lặp lại bằng từ ngữ Hipri hosý‘ah-nna’, hay hosha‘-na (Hy Lạp “hosanna”) cũng rút từ Tv 118,25, ghép với danh xưng “con vua David” không có trong Thánh Vịnh. Lúc đầu, “hosanna” là một tiếng kêu khẩn cầu và nài van (“xin ban ơn cứu độ”), nhưng với thời gian đã trở thành một lời diễn tả niềm vui và sự chờ đợi Đấng Messiah. Tên gọi “con vua David” được làm giảm nhẹ và được sửa chữa bởi câu diễn giải của Tv 118,21: “Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa”. Để tránh mọi hiểu lầm, tác giả Tin Mừng Matthew đã bỏ bản văn Tin Mừng Marco 11,10: “Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua David, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời”. Đức Giêsu là con vua David, nhưng triều đại Người không thuộc về thế gian này (x. Ga 18,36)[16] Câu cuối cùng “Hoan hô trên cõi trời cao” xác nhận mối bận tâm này. Cuộc diễu hành rất có thể trở thành một cuộc duyệt binh, nhưng thật ra là một cuộc rước mang tính phụng vụ, trong đó người ta khẩn khoản thỉnh cầu Thiên Chúa thực hiện những lời hứa ban ơn cứu độ. Đấng Messiah là một sứ giả của Thiên Chúa, sẽ mang đến cho loài người không phải là các của cải trần gian nhưng là các phúc lành của trời cao.

Đám đông tham dự vào cuộc rước dường như là đoàn người đã đi lên với Đức Giêsu từ Jericho (Mt 20,29. 34)[17] Tác giả Tin Mừng Matthew phân biệt họ với dân cư Jerusalem đang lãnh đạm chứng kiến sự kiện. Phản ứng của dân chúng Jerusalem (“cả thành” là một lời phóng đại, nhưng nói lên ý muốn kéo toàn thể khối đông dân chúng vào việc loại trừ Đấng Messiah) được diễn tả bằng những từ ngữ đầy kịch tính (“náo động”). Sự rúng động này không phải là về thiên nhiên nhưng về tinh thần. Tất cả Jerusalem biết rằng, họ đang ở vào khoảnh khắc cuối cùng của lịch sử và đang ở trước một biến cố lạ lùng: gặp gỡ với “Đấng Cứu Độ” hoặc “Đấng Thẩm Phán” của họ. Câu hỏi họ đặt ra cho đoàn người đang tiến đi chứng tỏ điều này. Đám đông đang đi rước đã làm chứng, nhưng chứng từ của họ quá nghèo nàn: “Ngôn sứ Giêsu, người Nazareth, miền Galilee đấy”. Danh xưng “ngôn sứ” thì không rõ ràng gì mấy, bởi vì Gioan Tẩy Giả cũng được gọi như thế (Mt 11,9; 14,5; 21,26; x. Mt 16,14; 21,11; 21,46),[18] và lại còn là một ngôn sứ cao cả (Mt 11,9)[19] Lời nhắc đến Nazareth và Galilee chỉ càng khiến cho người ta bớt tín nhiệm Đức Giêsu (Mt 13,57; x. Mt 23,37; Ga 1,46)[20] Ngoại trừ ở Mt 2,23, vốn để dùng Kinh Thánh biện minh cho xuất xứ của Đức Giêsu,[21] cũng vẫn tránh gọi Đức Giêsu là người Nazareth hoặc Galilee; nếu tên ấy có trở lại, là trên môi miệng các đối thủ Đức Giêsu (Mt 26,69)[22] Tuy nhiên, ở đây, tác giả Tin Mừng Matthew vẫn để cho đám đông nhắc đến: “Vị ngôn sứ Nazareth”, đối tượng khiến người Jerusalem phải ngạc nhiên hay gai chướng, cũng chính là con cháu vua David vừa mới được hoan hô.

+ Kết luận

Cuộc biểu dương này ngay tại trụ sở của Do Thái giáo chính thức là bằng chứng tối hậu Đức Giêsu cung cấp cho quốc gia Do Thái. Tại tòa án Rôma, chính Pontius Pilate đã giới thiệu Đức Kitô – vua của người Do Thái Jerusalem (x. Ga 19,14)[23] Còn ở đây lại chính là những người Do Thái bán ngoại giáo của miền Galilee làm công việc đó. Cả hai lần giới thiệu đó đều được kết thúc bằng một sự phủ nhận, nhưng lịch sử dân Do Thái không thể xóa bỏ quang cảnh này đi được nữa. Chỉ khi Israel cũng tham gia vào cuộc khải hoàn của Đấng Messiah Nazareth, họ mới có thể được thừa hưởng ơn cứu độ (x. Mt 23,39).

5. – Gợi ý suy niệm

1. Đức Giêsu đã đứng ra tổ chức cuộc tiến vào Jerusalem. Như thế, không phải là Người đã “hớ hênh” để rồi bị bắt và đưa đi xử tử. Chính cách thức Người chọn (ngồi trên lưng lừa, không có quân lính tiền hô hậu ủng) cho hiểu rằng, Người là Đấng Messiah thuộc nhà David, nhưng không như Đấng Messiah dân Israel hằng mong đợi.

2. Vũ khí của Người là sự hiền hậu; với vũ khí này, Người sẽ đánh bại sự ngạo mạn của những kẻ tội lỗi và nhất là ban sự tin tưởng lại cho những người yếu thế (x. Mt 18,1-6),[24] cho những người nghèo (x. Mt 5,3-4; 11,28-30),[25] những người bị áp bức. Con vật Người cưỡi phù hợp với sứ mạng này. Đấng Messiah đã đi vào Jerusalem, không phải như một nhà giải phóng quốc gia, nhưng như một “Đức Vua Hòa Bình”. Đức Giêsu là “Đức Vua Thiên Sai” được ngôn sứ loan báo, nhưng ngược lại với các nỗi niềm chờ mong; Người không đến ban tặng cho dân cư Jerusalem chiến thắng trên quân thù, nhưng ban tặng ơn cứu độ và tình bằng hữu của Thiên Chúa.

3. Hôm nay, chúng ta thấy mình ở trong đám đông nào? Đoàn người đi theo Đức Giêsu từ Jericho hay dân cư Jerusalem? Chúng ta thấy mình được tượng trưng bởi đoàn người vẫn đang đi theo Đức Giêsu: đây là Hội Thánh lữ hành đang tiến đi mà loan báo cho cả người Do Thái (các câu 10-11) lẫn Dân ngoại (x. Mt 28,19)[26] biết Đức Giêsu là “con cháu vua David”, là “Đấng Cứu Độ” nhân loại. Chúng ta mời gọi mọi người đón tiếp một Đấng Messiah nghèo hèn và khiêm nhường.

 

 

 

 

[1] Bản Thánh Kinh Việt ngữ của nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh

[2]x. Mt 21,18-22: 18 Sáng sớm, khi trở vào thành, Người cảm thấy đói. 19 Trông thấy cây vả ở bên đường, Người lại gần nhưng không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi. Nên Người nói: “Từ nay, không bao giờ mày có trái nữa!”. Cây vả chết khô ngay lập tức. 20 Thấy vậy, các môn đệ ngạc nhiên nói: “Sao cây vả lại chết khô ngay lập tức như thế?”. 21 Đức Giê-su trả lời: “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan, thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả, mà hơn nữa, anh em có bảo núi này: “Dời chỗ đi, nhào xuống biển!”, thì sự việc sẽ xảy ra như thế. 22 Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được”.

x. Mc 11,22-26: 22 Đức Giê-su nói với các ông: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. 23 Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: ‘Dời chỗ đi, nhào xuống biển!’, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. 24 Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. 25 Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. 26 Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em)”.

[3]x. Mc 12,41-44: 41 Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. 42 Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma. 43 Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. 44 Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình”.

[4]x. Mt 23,37-39: 37 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu. 38 Thì này, nhà các ngươi sẽ bị bỏ hoang mặc cho các ngươi. 39 Thật vậy, Ta nói cho các ngươi hay, từ nay các ngươi sẽ không còn thấy Ta nữa, cho đến khi các ngươi nói: Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa!”.

[5]Bốn sách Tin Mừng, Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh chuyển ngữ, tr. 95.

[6]Tv 118,25-26: 25 Lạy CHÚA, xin ban ơn cứu độ, lạy CHÚA, xin thương giúp thành công. 26 Nguyện xin Chúa tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh CHÚA. Từ nhà CHÚA, chúng tôi chúc lành cho anh em.

[7] Mt 27,51: 51 Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ.

[8]Mt 28,4: Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi.

[9]x. Mt 2,3-7: Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu. Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: ‘Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời”. Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện.

[10]x. 2Sm 7,14: 14 Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người.

[11]x. 2Sm 1,19.21: 19 “Hỡi Ít-ra-en, trên các đồi của ngươi, những người con ưu tú đã bỏ mình. Than ôi! Anh hùng nay ngã gục! 21 Hỡi núi đồi Ghin-bô-a, ước gì trên các ngươi chẳng còn mưa rơi sương đọng, chẳng còn những cánh đồng phì nhiêu, vì tại đó khiên thuẫn các anh hùng đã bị vứt bỏ! Khiên thuẫn của Sa-un không được bôi dầu.

[12]x. 2V 9,13: 13 Họ vội vàng lấy áo choàng trải lên đầu thềm cấp, dưới chân ông. Họ thổi tù và, rồi hô lên: “Giê-hu làm vua!”.

[13]Lc 19,35-36: 35 Các ông dắt lừa về cho Đức Giê-su, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp Người cỡi lên. 36 Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường.

Mc 11,8: Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải.

[14]Xem thêm: 2Mcb 1,9; 10,6: Vậy giờ đây, xin anh em cử hành các ngày lễ Lều trong tháng Kít-lêu. Thư đề năm một trăm tám mươi tám. 10 Họ hân hoan mừng lễ tám ngày liền, như mừng lễ Lều, để nhớ lại lễ Lều họ đã mừng trước đó ít lâu, khi họ còn phải sống trên rừng núi, trong hang sâu như loài dã thú.

[15]x. 1V 1,39: 39 Tư tế Xa-đốc lấy sừng đựng dầu từ Nhà Lều và xức cho Sa-lô-môn. Người ta đã rúc tù và; toàn dân hô: “Vua Sa-lô-môn muôn năm!”.

[16]x. Ga 18,36: 36 Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này”.

[17]Mt 20,29.34: 29 Khi Đức Giê-su và môn đệ ra khỏi thành Giê-ri-khô, dân chúng lũ lượt đi theo Người. 34 Đức Giê-su chạnh lòng thương, sờ vào mắt họ; tức khắc, họ nhìn thấy được và đi theo Người.

[18]Mt 11,9; 14,5; 21,26: Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. 14 Vua muốn giết ông Gio-an, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. 21 26 Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ”.

x. Mt 16,14; 21,11; 21,46: 14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. 21 11 Dân chúng trả lời: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy”. 46 Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.

[19]Mt 11,9: Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa.

[20]Mt 13,57: 57 Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi”.

x. Mt 23,37: 37 “Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem! Ngươi giết các ngôn sứ và ném đá những kẻ được sai đến cùng ngươi! Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu.

Ga 1,46: 46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem!”.

[21]Mt 2,23: 23 và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.

[22]Mt 26,69: 69 Lúc đó ông Phê-rô đang ngồi ngoài sân. Một người đầy tớ gái đến bên ông và nói: “Cả bác nữa, bác cũng đã ở với ông Giê-su, người Ga-li-lê đó chứ gì?”.

[23]x. Ga 19,14: 14 Hôm ấy là ngày áp lễ Vượt Qua, vào khoảng mười hai giờ trưa. Ông Phi-la-tô nói với người Do-thái: “Đây là vua các người!”.

[24]x. Mt 18,1-6: Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”. Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy. Nhưng ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn.

[25]x. Mt 5,3-4; 11,28-30: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. 11 28 “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng”.

[26]x. Mt 28,19: 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

=======

CÁC BÀI CHÚ GIẢI KHÁC CÙNG TÁC GIẢ

Mt 1,18-24: Khởi Đầu Mới Phát Xuất Từ Thiên Chúa

Mt 2,1-12: Dân Ngoại Đứng Trước Đức Vua Của Người Do Thái

Mt 3,1-12: Lời Loan Báo Của Gioan Tẩy Giả

Mt 4,1-11: Cám Dỗ Tại Hoang Địa

Mt 4,12-23: Chương Trình Hoạt Động Của Đức Giêsu

Mt 5,1-12a: Đức Giêsu Loan Báo Các Mối Phúc

Mt 5,13-16: Nhiệm Vụ Của Người Môn Đệ

Mt 5,17-37: Thứ Bậc Các Giá Trị Theo Đức Giêsu

Mt 5,38-48: Yêu Thương Tha Nhân Không Giới Hạn

Mt 11,2-11: Thầy Có Thật Là Đấng Phải Đến Không?

Mt 11,25-30: Thiên Chúa Mặc Khải Cho Những Người Bé Mọn

Mt 13,1-23: Dụ Ngôn Người Gieo Giống

Mt 13, 24 – 43: Hiểu Biết Và Kiên Nhẫn

 Mt 13,44-52: Giá Trị Vô Vong

Mt 14,13-21: Đức Giêsu Chữa Bệnh Và Nuôi Đám Đông Dân Chúng

Mt 14,22-33: Đức Giêsu Đi Trên Mặt Biển Hồ

Mt 15,21-28: Người Phụ Nữ Cannaan

Mt 16,13-20: Đức Giêsu Kitô Và Thánh Phêrô

Mt 16,21-27: Đức Giêsu Tiên Báo Cuộc Khổ Nạn Lần Thứ 2

Mt 17,1-9: Đức Giêsu Biến Đổi Hình Dạng

Mt 18,15-20: Kỷ Luật Của Giáo Hội Và Sự Hiện Diện Của Đức Kitô

Mt 20,1-16a: Tự Do Và Lòng Nhân Lành Của Thiên Chúa

 

 


Chia sẻ