Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Các bạn đồng hành của thánh Phanxicô: các chứng từ thuộc khối “Corpus Sociorum”

BTT OFMVN 00
2024-09-07 20:25 UTC+7 1031
Xin giới thiệu đến quý độc giả một số bài nghiên cứu và thuyết trình tiếp theo của cha Rino Bartolini, OFM, về các dấu thánh của thánh Phanxicô, được cha FX. Đinh Trọng Đệ, OFM, biên dịch.

Chúng tôi sẽ trình bày lại dưới những tên của những người liên quan đến những chứng từ về Dấu Thánh, nói cách khác đó là tên của những người bạn đồng hành của Người Cha Thánh Chí Ái. Phần lớn các chứng từ của khối tài liệu này đã được Vita Seconda của Celano sử dụng; một phần khác được tổng hợp trong khối của S. Bonaventura; còn lại một số trong đó truyền đến với chúng ta cách độc lập. Sự thật về  các dấu thánh được truyền đến chúng ta bởi những “người bạn”, “người thân thiết” và “rất trung thành” với Phan-xi-cô. Trong số này, anh Lê-ô là nổi bật hơn cả vì anh vừa là “bạn thân nghĩa”, cha giải tội, thư ký của Phan-xi-cô và là nhân chứng với tuổi thọ cao nhất: gần 50 năm kể từ sau cái chết của Cha Thánh.

1.  Ba người bạn đồng hành từ Greccio

Tổng Tu nghị Anh Em Hèn mọn tại Genoa năm 1244 yêu cầu tất cả anh em hãy gửi những kỷ niệm của họ về Người Nghèo thành Assisi cho Anh Tổng Phục Vụ lúc bấy giờ là Crescenzo da Jesi. Trong số những người bạn đồng hành đầu tiên, có khoảng hai mươi anh em đang quy tụ tại Greccio và cùng nhau ghi lại những ký ức của họ về Cha Thánh. Truyện Ba Người Bạn - Legenda dei Tre Compagni - (1248-1247) được gán cho nhóm bạn này (Socii) ngay cả khi đã có chữ ký cách rõ ràng là chỉ ba người bạn gần gũi nhất với Thánh Nhân cho đến cuối đời, đó là Anh Lê-ô, An-gê-lô và Ru-fi-nô. Đặc biệt, họ đã cũng cho thấy có nhiều thắc mắc rất thực tại của các Dấu Thánh là họ là người được trực tiếp chứng kiến và tường thuật.

1.1.  San Damiano

Chúng tôi nhận thấy rằng việc anh em đề cập ngay ở phần đầu trong lá thư của mình (Thư Ba Người Bạn gởi từ Greccio - TBnb), là sự hoán cải của Người Cha Chí Ái, vào thời điểm gặp gỡ với Đấng Chịu Đóng Đinh trên cây thánh giá tại San Damiano. Ba người bạn đồng hành nêu bật “ký ức” về Cuộc Khổ Nạn của Chúa sẽ không thể xóa nhòa và sẽ không bao giờ bị quên lãng nói thánh Phan-xi-cô. Sự hiện diện của những  các dấu thánh vô hình đó bắt đầu từ trái tim, sau này chúng cũng sẽ được hiển hiện rõ ràng nơi thân xác của ngài. Niềm vui rạng ngời mà Phan-xi-cô được lãnh nhận nơi biến cố đầu tiên này sẽ là người bạn đồng hành với ngài trong suốt cả cuộc đời.

-       “Một ngày nọ, trong khi Thánh Phan-xi-cô đang khẩn thiết cầu xin lòng thương xót của Chúa, Chúa đã làm cho ngài hiểu rằng Người sẽ sớm tiết lộ cho ngài những gì sẽ phải làm...”. Ít ngày sau, khi đang đi ngang qua nhà thờSan Damiano, ngài bỗng được linh hứng để bước vào đó. Ngài bắt đầu cầu nguyện cách sốt mến trước hình ảnh Đấng Chịu Đóng Đinh, tượng chịu nạn bắt đầu cử động và nói với ngài với lòng nhân ái: “Phan-xi-cô, con không thấy sao? Nhà của Ta sắp đổ sập? Vậy hãy đi tu sửa lại nó cho Ta!” Run rẩy và kinh ngạc, Chàng trả lời: “Con rất vui lòng thi hành điều đó, thưa Ngài, lạy Chúa!”. Tuy nhiên, chàng đã hiểu lầm: chàng nghĩ là phải tu sửa chính ngôi nhà thờ này, do nó đã cũ  kỹ và có nguy cơ sụp đổ. Vì những lời đó của Chúa Ki-tô khiến chàng vô cùng hạnh phúc và rạng rỡ; cảm thấy trong tâm hồn mình rằng thực sự chính Đấng Bị Đóng Đinh đã gửi thông điệp cho chàng. Sau khi rời khỏi nhà thờ, chàng tìm thấy một linh mục ngồi gần đó, đút tay vào túi chàng đưa tiền cho vị linh mục này và nói: “Kính thưa cha, xin cha hãy dùng tiền này mua dầu thắp một ngọn đèn trước tượng thánh giá. Khi số tiền này hết, con sẽ gởi thêm cho cha nếu cần” (TBnb 13).

-       “Mỗi khi chiêm ngắm hình ảnh này, lòng Phan-xi-cô quặn đau như bị tổn thương trong tim mình vậy (vulneratum cor eius), khi tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn của Chúa. Chừng nào ngài còn sống, ngài luôn có trong trái tim mìnhcác dấu thánh của Chúa Giê-su được thể hiện một cách kỳ diệu sau này, khi các vết thương

(các dấu thánh) của Đấng Chịu Đóng Đinh được biểu lộ một cách rõ ràng trên thân thể ngài (TBnb 14).

1.2. Ấn tượng về các dấu thánh

Câu chuyện về dấu thánh rất ngắn gọn vì khi Ba Người Bạn viết về những ký ức của họ thì họ cũng biết rằng sự thật về các dấu thánh đã được biết đến rộng rãi. Một chủ đề nhanh chóng được tiếp tục kể đó là biến cố Thánh Phan-xi-cô qua đời. Người nhanh ý sẽ hiểu ngay tường thuật này nhằm trả lời cho những “kẻ thù” thắc mắc hoặc nghi ngờ, chống đối về các dấu thánh nên chứng minh chúng không giống như những mụn, nốt hay là những vết thương tích đơn giản, nhưng được hình thành từ chính những chiếc đinh, những chiếc đinh làm bằng thịt; như “bẩm sinh” tự chính nó là bằng thịt. Tính từ cuối cùng “bẩm sinh” (et eidem carne innatos) được dịch ở đây đi cùng với từ “nở hoa”: Vì đối với Ba Người Bạn,  các dấu thánh bắt nguồn từ Đấng Chịu Đóng Đinh có cánh, đã đóng dấu ấn bên ngoài đối với cuộc đời chịu đóng đinh của Thánh Phan-xi-cô ngay từ lúc khởi đầu tại nguyện đường S. Damiano và tiếp tục trải dài trong suốt cuộc đời của ngài. Các dấu thánh giống như những bông hoa nở rộ trên đỉnh La Verna mà gốc rễ của nó có nguồn gốc từ rất xa trước đó. Đối với Lá Thư của Ba Người Bạn, điều kỳ diệu của các Dấu Thánh, chính là Thiên Chúa đã gỡ bỏ tấm màn che mà Phan-xi-cô, với quá nhiều quan tâm, nên đã giấu đi trước mắt mọi người ngọn lửa tình yêu đốt cháy tâm hồn ngài, một “tình yêu rực cháy”, một niềm say mê khiến ngài ngỡ ngàng mỗi khi suy nghĩ về Cuộc Khổ Nạn của Chúa và giúp ngài đón nhận ân sủng của các Dấu Thánh.

-        “Hai mươi năm đã trôi qua kể từ khi Thánh Phan-xi-cô, con người tông đồ, được đã gắn bó cách hoàn toàn với Chúa Ki-tô, bằng việc  tuân theo cuộc đời và bước theo dấu chân của các tông đồ. Năm thứ 1226 của Chúa Nhập Thể, ngày Chúa Nhật mùng 4 tháng 10, ngài vui vẻ tiến về với Chúa Ki-tô, chiếm hữu được sự yên nghỉ vĩnh cửu sau nhiều khó khăn của hành trình trần thế và đã trình diện mình một cách xứng đáng trước mặt Thiên Chúa của mình... (TBnb 68).

-       “Tình yêu cháy bỏng này, ký ức không ngừng về cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô mà ngài từng giấu kín trong lòng, nhưng nay Chúa đã muốn cho cả thế giới thấy thông qua sự kỳ diệu mà Người đã đặc biệt ban cho ngài ngay khi còn đang sống trong xác thịt. Một buổi sáng ngài cảm thấy được xuất thần, tâm hồn  hướng lên Thiên Chúa vớilòng sốt mến cháy bỏng của các Sê-ra-phim (seraphicis massimorum ardoribus sursum ageretur in Deum), khi suy niệm về lòng say mến dịu dàng đã biến đổi Đấng vì quá yêu thương, đã muốn bị đóng đinh. Đó là vào dịp lễ Suy Tôn Thánh Giá, hai năm trước khi ngài qua đời. Phan-xi-cô đang đắm mình cầu nguyện trên sườn núi La Vernabỗng xuất hiện một thiên thần Sê-ra-phim có sáu cánh và giữa hai cánh nổi lên hình một người đàn ông xinh đẹp bị đóng đinh (pulcherrimi hominis crucifixi), có tay và chân duỗi thẳng trên thập tự giá, các đặc điểm của vị thiên thần này rõ ràng là của Chúa Giê-su Ki-tô, với hai cánh ngài che đầu, hai cánh hạ xuống che thân và hai cánh duỗi thẳng để bay. Khi thị kiến biến mất, tâm hồn Phan-xi-cô vẫn cháy bừng lửa tình yêu, và từ trong xác thịt ngài các dấu thánh của Chúa Giê-su Ki-tô đã được tạo ra. Người của Chúa đã cố giấu chúng hết mức có thể, cho đến khi qua đời vì không muốn làm lộ bí mật của Chúa. Nhưng ngài đã không thể che giấu hoàn toàn điều kỳ diệu này, vì ít nhất nó đã được những người bạn thân thiết của ngài phát hiện ra khi ngài còn sống (TBnb 69).

-       “Sau cuộc lâm chung diễm phúc, tất cả anh em có mặt trong tang lễ đều rất xúc động, số giáo dân nhìn thấy thân xác ngài được trang điểm bằng các  các dấu thánh của Chúa Ki-tô. Họ có thể quan sát ở bàn tay và bàn chân của ngài không phải là những vết đinh mà là những chiếc đinh được hình thành từ thịt và từ chính thịt của ngài như thể chúng đang nở hoa từ thịt của ngài, và chúng có màu sẫm của sắt. Ngực bên phải giống như đã bị một ngọn giáo đâm thủng, nó bị xẻ đôi bởi vết sẹo đỏ của một ngọn giáo rất thật và vết thương rất rõ ràng; và trong khi Thánh Nhẫn vẫn còn sống, máu thường chảy ra từ đó. Sự thật không thể chối cãi về những dấu tích này đã được khẳng định không chỉ khi ngài còn sống mà còn ngay cả khi ngài đã qua đời, điều này có thể được nhìn thấy và chạm vào. Sau lễ an táng, Thiên Chúa còn muốn công bố một các rõ ràng hơn nữa khi xác thực các dấu thánh bằng rất nhiều phép lạ đã xảy ra ở nhiều nơi khác nhau trên toàn thế giới. Phép lạ đã làm biến đổi trái tim của nhiều người, những người không hiểu Thánh Nhân nên đã đặt câu hỏi về sự thật của các dấu thánh. Họ đã đi đến sự chắc chắn rằng, nhờ lòng nhân từ của Chúa và được thúc ép bởi bằng chứng thực tế, từ những người gièm pha đã trở thành những người ngưỡng mộ trung tín với Phan-xi-cô và trở thành những người truyền bá vinh quang của ngài” (TBnb70).

2.  Khuyết danh Perugia

Truyện ký này thường được biết đến với “incipit” là: Thời Khởi đầu hay nền móng của Dòng và các việc làm của  số Anh Em Hèn Mọn đầu tiên đi theo Đấng Vinh Phúc Phan-xi-cô trong đời sống tu trì. Tài liệu này có niên đại từ những năm 1240-1242: do đó nó là một văn bản cổ hơn Truyện Ba Người Bạn hay Vita Seconda của Tommaso da Celano. Anh Giovanni, tác giả và cũng là bạn đồng hành của Chân Phước Ê-gi-đi-ô, là công dân thành Assisi, người đã biết đến Phan-xi-cô ngay từ lúc còn trẻ và lối sống “hiến dânng cho Thiên Chúa” mà Vị Thánh Nghèo khởi xướng: nhiệt tình đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Mà ở đây, các dấu thánh là thể hiện cao độ tình yêu mà Thiên Chúa dành cho Phan-xi-cô.

-       “Hai mươi năm sau khi đấng vinh phúc Phan-xi-cô đi theo con đường trọn lành Phúc Âm, Thiên Chúa là đấng hằng thương xót đã muốn cho ngài được nghỉ ngơi, không còn phải khó nhọc, vì thực sự ngài đã vất vả nhiều trong các giờ kinh khuya, trong cầu nguyện, trong trai tịnh, trong khẩn cầu, trong giảng dạy, trong các chuyến đi xa, trong các mối lo âu, và cảm thông với đồng loại. Ngài đã dâng hiến tất cả trái tim cho Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng nên ngài. Ngài đã yêu mến Thiên Chúa với tất cả trái tim, tất cả linh hồn và tất cả lòng dạ của mình. Ngài mang Thiên Chúa trong lòng, ca ngợi Thiên Chúa trên miệng lưỡi, tôn vinh Thiên Chúa trong mọi việc làm của mình.

Nếu có ai nhắc đến Danh Thiên Chúa, ngài thường nói: Khi nghe danh thánh Chúa, cả trời đất đều phải cung kính cúi mình”. Thiên Chúa muốn cho thấy lòng thương mến của Người đối với đấng vinh phúc nên Người đã in trên chân tay và cạnh sườn Phan-xi-cô các dấu thánh của Con rất yêu dấu Người. Và bởi vì người tôi tớ Chúa là Phan-xi-cô ước ao được vào nhà Chúa ngự, vào nơi cung điện vinh quang của Người, Thiên Chúa đã gọi Phan-xi-cô đến với Người. Và như thế là Phan-xi-cô đã về với Chúa trong vinh quang.

Sau khi ngài qua đời, có nhiều dấu lạ và điềm thiêng xuất hiện trong dân chúng, khiến cho tâm hồn nhiều kẻ trước đây vẫn cứng lòng không tin những gì Chúa tỏ bày nơi người tôi tớ của Người, nay thay đổi và nhận rằng: Chúng tôi ngu xuẩn biết bao khi coi lối sống của ngài là điên khùng và cái chết của ngài là nhục nhã. Nay hãy coi ngài được kể vào số con cái Thiên Chúa và được chung phần với các thánh nhân” (KDP 46).

3. Truyện ký Perugia

Tác phẩm này còn có tên là Compilatio Assisiensis bao gồm rất nhiều nguồn liệu mà Tommaso da Celano nhận được và không phải lúc nào cũng được sử dụng. Chẳng hạn nguồn liệu chủ yếu của truyện ký này chủ yếu đến từ anh Lê-ô. Tác phẩm này không thuộc về các nguồn tiểu sử chính thức phải loại bỏ tại Tổng Tu Nghị Paris năm 1266, nhờ đó nó vẫn tồn tại cùng với các truyện ký chính thức của Thánh Bonaventura. Liên quan đến các Dấu Thánh, tác phẩm này đã cung cấp cho chúng ta một phép lạ mới (có lẽ nhờ lòng hảo tâm của Phan-xi-cô khi vẫn còn sống) đó là dùng nước mà Phan-xi-cô đã dùng để rửa đôi bàn tay đã được in các dấu thánh.

-       “Cũng vào thời ấy, khi đấng vinh phúc Phan-xi-cô đang cư ngụ tại ẩn viện Thánh Phan-xi-cô ở Fonte Colombo, bổng bùng phát một căn bệnh gia súc thường gọi là bệnh basabove, lây ra khắp đàn bò tại thị trấn Sant’Elia, cách ẩn viện không xa. Thường súc vật đã mắc bệnh này khó lòng sống sót, tất cả đàn bò ở đấy mắc bệnh rồi bắt đầu chết dần.

Một đêm kia, một người đạo đức trong thị trấn nghe có tiếng nói trong một linh kiến: “Hãy đến ẩn viện nơi đấng vinh phúc Phan-xi-cô đang cư ngụ, lấy nước ngài đã dùng rửa chân tay, đem về rảy trên tất cả đàn bò. Chúng sẽ tức khắc khỏe lại”. Người ấy trỗi dậy từ sáng sớm, đi đến ẩn viện, rồi thưa tất cả những điều ấy cho các người bạn đồng hành của đấng vinh phúc Phan-xi-cô.

Vào giờ ăn, các anh em này lấy một cái chậu hứng nước ngài rửa tay, và chiều đến, họ xin ngài để cho ho rửa chân, nhưng không nói năng gì về ý định. Sau đó họ lấy nước đấng vinh phúc Phan-xi-cô đã rửa chân tay, đưa cho người đến xin. Ông ta lấy nước đem về. Rảy như rảy nước thánh lên những con bò gần chết đang nằm la liệt trên mặt đất. Ông cũng rảy trên tất cả những con khác. Ngay lập tức, nhờ ơn Chúa và nhờ công nghiệp của đấng vinh phúc Phan-xi-cô, cả đàn bò đều được chữa lành. Lúc ấy đấng vinh phúc Phan-xi-cô đã mang những vết sẹo trên tay, trên chân và ở bên hông” (STAs 94).

4.  Gương trọn lành

Được cho là ra đời  khoảng năm 1318, tác phẩm này chứa đựng những  nguồn tài liệu có từ thời Anh Lê-ô. Là thư ký và là cha giải tội của Thánh Phan-xi-cô, Anh Lê-ô cho chúng ta thấy rằng các  các dấu thánh đối với thánh Phan-xi-cô là nguồn gốc của cuộc chịu “bách hại” và chiến đấu cả bên trong lẫn bên ngoài như là một sự liên kết với cuộc chiến của Đức Ki-tô.

-       “Trong thời gian thánh Phanxicô lưu lại tại tu viện Đức Mẹ Maria, một cơn cám dỗ nặng nề xảy đến trong tâm trí ngài để linh hồn ngài được tấn tới. Và do đó, ngài phải đau đớn nhiều về tinh thần cũng như thể xác. Phải nhiều lần tránh tiếp xúc với anh em bởi vì ngài không thể cùng họ tỏ ra vui vẻ như thường lệ. Tuy nhiên, ngài phạt mình bằng cách nhịn ăn, nhịn uống, kiêng nói, người cầu nguyện chuyên cần hơn, đổ nước mắt nhiều hơn để Thiên Chúa thương ban cho ngài một linh dược hiệu nghiệm trong cơn đau khổ lớn lao đó.

Khi Phan-xi-cô đã chịu đau đớn như vậy hơn hai năm, một hôm đang lúc ngài cầu nguyện ở nhà thờ Đức Mẹ, thì được phán trong trí lời Phúc Âm này: “Nếu con có đức tin lớn bằng hạt cải và nếu con bảo núi kia hãy rời đi nơi khác thì sẽ xảy ra như vậy”.

Thánh Phan-xi-cô liền trả lời: “Lạy Chúa, trái núi đó là núi nào?”. Và có tiếng nói cùng ngài: “Núi đó là cơn cám dỗ của con”. Thánh Phan-xi-cô thưa: “Vậy, lạy Chúa, ước gì con được như lời Chúa đã phán”. Và tức thời, ngài hoàn toàn được giải phóng như thể người chưa bao giờ bị cám dỗ.

Cũng thế, trên núi Alverna trong thời gian Phan-xi-cô nhận các dấu đanh Chúa trên thân thể mình, ngài đã chịu bao nhiêu là cơn cám dỗ và nỗi thống khổ bởi tay ma quỷ đến nỗi ngài không thể tỏ ra vui vẻ như thường lệ. Thật vậy, ngài đã nói với bạn ngài rằng: “Nếu anh em biết ma quỷ đã làm cho cha phiền muộn và thống khổ biết là bao và đến mức độ nào, thì sẽ không có ai mà không động lòng trắc ẩn và thương xót đối với cha” (GTL 99).

MỘT SỐ LƯU Ý

Anh Lê-ô (chúng ta nói về anh để nói về những chứng từ được tường thuật lại nơi khối Lê-ô: Corpus Sociorum) trình bày về  các dấu thánh, đặc biệt là trong Gương trọn lành được gắn chặt vào kinh nghiệm thần bí Ki-tô giáo mang tính rộng lớn hơn nhiều so với những gì mà Vị Thánh Nghèo đã sống: chúng đồng thời giống như một cao trào và một sự khởi đầu của một cuộc sống mãnh liệt hơn khi tham gia vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa. Nói cách khác:  các dấu thánh giúp nhận ra trongPhan-xi-cô niềm khao khát, ý chí và tiếng “xin vâng” của ngài chảy tràn trong thân xác và trong tâm hồn đối với cuộc Khổ Nạn mà Chúa Ki-tô Đấng ngài yêu mến đã phải chịu để cứu rỗi nhân loại. Trên thực tế, ngay sau khi miêu tả về việc được in các dấu thánh, Celano cũng đã lưu ý chúng ta rằng: “Trong cùng thời gian đó, thân thể ngài bắt đầu bị hành hạ bởi nhiều bệnh tật thể chất và cả sự hành hạ. Thật vậy, ngài đã phải chịu nhiều bệnh tật do hậu quả của việc đền tội khắc nghiệt mà ngài đã phải chịu đựng trong thân xác mình nhiều năm qua” (1Cel 97). … Quả thực, vì ngài đã chưa hoàn tất nơi xác thịt của mình những gì còn thiếu trong cuộc Khổ Nạn của Chúa Ki-tô, mặc dù mang  các dấu thánh trong cơ thể, ngài vẫn mắc phải một căn bệnh về mắt rất nghiêm trọng, như thể Chúa sẽ gửi cho ngài một dấu chỉ mới về lòng thương xót của Người…” (1Cel 98).

Anh Lê-ô, cũng là cha giải tội của Phan-xi-cô, biết rõ những đau khổ mà Cha Thánh đã trải qua “khi ngài sống ở Santa Maria... ‘cũng như’ trên ngọn núi thiêng La Verna…”. Trạng từ ‘similiter’ cho chúng ta ý tưởng về sự thống nhất và liên tục của toàn bộ cuộc sống của Cha Thánh được hình thành từ việc tham dự vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa.

Nói tóm lại,  các dấu thánh không phải là những viên đá quý hay đồ trang sức để cho người khác xem thấy mà là một phương thế của một cơn bách hại giúp Thánh Phan-xi-cô tham dự trọn vẹn vào Cuộc Khổ Nạn của Chúa.

Khuyết Danh Perugia dường như rất chú ý đến việc ‘thánh hiến’ của Phan-xi-cô. Trong đời sống tu trì, ngài đã biến cuộc đời mình thành một “của lễ” đẹp lòng Thiên Chúa.

-       “Hai mươi năm sau khi đấng vinh phúc Phan-xi-cô đi theo con đường trọn lành Phúc Âm, Thiên Chúa là đấng hằng thương xót đã muốn cho ngài được nghỉ ngơi, không còn phải khó nhọc mệt, vì thực sự ngài đã vất vả nhiều trong các giờ kinh khuya, trong cầu nguyện, trong trai tịnh, trong khẩn cầu, trong giảng dạy, trong các chuyến đi xa, trong các mối lo âu, và cảm thông với đồng loại. Ngài đã dâng hiến tất cả trái tim cho Thiên Chúa, đấng Tạo Dựng nên ngài. Ngài đã yêu mến Thiên Chúa với tất cả trái tim, tất cả linh hồn và tất cả lòng dạ của mình. Ngài mang Thiên Chúa trong lòng, ca ngợi Thiên Chúa trên miệng lưỡi, tôn vinh Thiên Chúa trong mọi việc làm của mình... Thiên Chúa muốn cho thấy lòng thương mến của Người đối với đấng vinh phúc nên Người đã in trên chân tay và cạnh sườn Phan-xi-cô các dấu thánh của Con rất yêu dấu Người. Và bởi vì người tôi tớ Chúa là Phan-xi-cô ước ao được vào nhà Chúa ngự, vào nơi cung điện vinh quang của Người, Thiên Chúa đã gọi Phan-xi-cô đến với Người. Và như thế là Phan-xi-cô đã về với Chúa trong vinh quang” (KDP 12).

Mong muốn này được thực hiện bằng chính trái tim của người như một “của lễ” và một sự bận tâm luôn làm sao để đẹp lòng Chúa là một biểu hiện của việc thực thi “chức tư tế cộng đồng” của các tín hữu cũng như nơi tâm hồn của Phan-xi-cô. Trong các tác phẩm của ngài, chúng ta đã thấy rất nhiều những chỉ dẫn của Cha Thánh về vấn đề này cho anh em mình.

Các Bạn Đồng Hành là những người có cơ hội “quan sát, để ý” kỹ càng hơn những người khác, đã thấy một ngọn lửa vĩ đại đã bùng cháy trong trái tim của Phan-xi-cô đối với “Christus Patiens”. Họ có lẽ đã được nghe những tường thuật“bừng cháy” của Cha Thánh. Nhưng từ những gì họ tường thuật lại tựu trung lại là điều gì đó rất căn bản và giản đơn, một sự cân bằng tuyệt vời giữa lòng sùng kính của Thánh Phan-xi-cô đối với Đấng Chịu Đóng Đinh, trong khi Vị Thánh Nghèo dường như không được tôn cao. Đức tin mang tính thần học của ngài đã đi sâu vào trung tâm của Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô: chiêm ngưỡng mầu nhiệm Khiêm Nhường của Chúa Ki-tô trong Nhập Thể (Greccio), Tình Yêu của Chúa Ki-tô trong Cuộc Khổ nạn (La Verna), mà dường như ngài đã không đề cập đến, hay mô tả hoặc giảng dạy gì về các chi tiết của việc Chúa chịu đóng đinh. Thật vậy, chẳng hạn nhiều nhà thần bí qua các thời đại, họ sẽ dừng lại để xem xét số lần bị đánh đập và sự ngã xuống đất của Đấng Chúa dưới cây thánh giá, việc Chúa đội mão gai như thế nào... Trái lại, Phan-xi-cô, với sự đơn sơ, đã đi vào tâm điểm của mầu nhiệm: sự khiêm hạ và tình yêu của Thiên Chúa. Đường lối chiêm niệmgiản đơn và thiết yếu này chúng ta sẽ tìm thấy một cách đầy đủ trong các tác phẩm của ngài, ở đó luôn đề cập đến Cuộc Khổ Nạn không bao giờ được xem là đủ bởi các sách Tin Mừng. Phan-xi-cô đã dùng rất nhiều hình ảnh “diễn tả sự tự hủycủa Chúa Giê-su: Đấng rửa chân, ... Người Tôi Tớ đau khổ, ... Chúa Ki-tô người ăn xin và người hành hương, ... Chúa Ki-tô là Con Sâu, ... Chúa Ki-tô là Con Chiên, ... Chúa Ki-tô là Đấng Chăn Chiên Tốt Lành...

Từ toàn bộ nền linh đạo Phan sinh, trong sự phát triển lâu đời của nó, có thể nói rằng Phan-xi-cô đã để cho các con mình được tự do chiêm ngưỡng Đấng Chịu Đóng Đinh, bắt đầu từ bất kỳ nguyên tố nào do Chúa Quan Phòng ban cho, nhưng đối với Cha Thánh một điều rõ ràng là mỗi cuộc chiêm ngưỡng về Cuộc Khổ Nạn đều phải dẫn tới cội nguồn là Sự Khiêm Hạ và Tình Yêu của Thiên Chúa. Do đó một đời sống mang tính hy tế phải đòi hỏi một sự gắn bó cách quảng đại với Chúa Ki-tô, Đấng đã quảng đại yêu thương chúng ta trước, nếu không sẽ gặp rủi ro và bị cuốn vào những động lực khác khiến cho cho người ta không được thỏa mãn cũng như không cảm thấy hạnh phúc.

Thánh Phan-xi-cô là một con người bị đóng đinh đã hát lên niềm vui khi được tham gia mật thiết vào Cuộc Thương Khó của Chúa: vài tháng sau khi được lãnh nhân các dấu thánh, chúng ta thấy ngài ở S. Damiano, nơi đó ngài sẽ sáng tác Bài ca các thụ tạo[1].



[1] Hy vọng anh em trong Tỉnh Dòng sẽ có dịp để học hỏi và đào sâu trong năm tới!

st-francis-738f51753d07b2899f8bceae2f2a05a4-1725715468.jpg
Chia sẻ