Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Sự Thật Về Việc Được In Năm Dấu Thánh Của Thánh Phanxicô (Stimmata)

BTT OFMVN 00
2024-08-25 09:08 UTC+7 954
Xin giới thiệu đến quý độc giả một số bài nghiên cứu và thuyết trình của cha Rino Bartolini, OFM, về các dấu thánh của thánh Phanxicô, được cha FX. Đinh Trọng Đệ, OFM, biên dịch.

Trong phần này chúng ta sẽ cùng xem xét sơ lược những vấn đề đã xảy ra xung quanh dấu thánh: - việc công bố về Dấu thánh; - Ủy Ban Bồi Thẩm Đoàn bên ngoài; - Các Ủy Ban Bồi Thẩm nội bộ (anh em); - Clara và các chị em; - Những người đặt nghi ngờ; - Ủy ban Hồng y; - những hình ảnh và dịp lễ kính năm dấu - Phụng vụ về các dấu tích thánh; - tiếng tăm lừng lẫy “finibus terrae” và những tin giả (fake-news)

1.     Việc công bố về “stimmata” của thánh Phan-xi-cô

Anh Ê-li-a, người đại diện của Dòng Anh Em Hèn Mọn, ngay sau sau cái chết của thánh Phan-xi-cô (xảy ra tại Porziuncola vào lúc xế chiều, thứ Bảy ngày 3 tháng 10 năm 1226), đã viết một lá thư luân lưu gửi đến tất cả các anh em, Dòng Ba và các chị em thánh Clara, trong đó ngài thông báo về sự chuyển tiếp (transitus) đầy hồng phúc từ thế giới này lên thiên đàng của Vị Thánh Nghèo tại Assisi. Ngoài nỗi đau thật sự, Anh  Ê-li-a còn thông báo đến tất cả mọi người một sự hiểu biết cái chết của “Người Cha thiên thần” (Padre Serafico) mà chỉ những người có mặt mới có thể nhìn thấy và chạm đến: “… và bây giờ tôi thông báo cho các bạn một niềm vui lớn lao và một phép lạ phi thường. Trên thế giới chưa bao giờ nghe thấy một điềm lạ tương tự, ngoại trừ nơi Con Thiên Chúa, là Chúa Ki-tô. Không bao lâu trước khi qua đời, Người Cha và người anh em của chúng ta, Phan-xi-cô, đã xuất hiện dấu ấn của người bị đóng đinh trên thân thể. Người mang dấu vết  thương, đó thực sự là  các dấu thánh của Chúa Ki-tô. Thực vậy, tay chân của người đã bị đâm thủng như bị đinh đâm vào hai bên và có vết sẹo đen của hình mũi đinh. Bên hông người có vẻ như bị mũi giáo đâm thủng, và thường xuyên có máu tươi chảy ra...”.

Anh Ê-li-a và các anh em có mặt vào lúc Thánh Nhân qua đời, ngay lập tức đã có một nhận thức về tầm quan trọng của những gì đang xảy ra trước mắt họ. Họ cũng biết rằng họ sẽ có ít thời gian để có được số lượng lớn nhất các tín hữu có thể nhìn thấy và chứng kiến ​​phép lạ của các vết thánh; có lẽ họ chỉ có không quá hai mươi giờ: đó sẽ là khoảng thời gian di chuyển Cha Thánh từ  Porziuncola, qua San Damiano đến an táng tại nhà thờ thánh Giorgio tại Assisi vào ngày hôm sau. Nghĩa là  từ lúc mặt trời lặn ngày thứ Bảy Ngày 3 tháng 10 sang Chủ nhật ngày 4 tháng 10 năm 1226). Các anh em đã hiểu họ đang ở trong một thời điểm lịch sử quan trọng và những gì đang xảy ra là phải truyền lại sự kiện này một cách có trách nhiệm cho cả những anh em vắng mặt lúc đó và cho các thế hệ tương lai mai sau (nghĩa là đối với chúng ta hôm nay). Chắc chắn họ cũng đang nghĩ tới việc phong thánh cho Người Cha của họ, dù sao đi nữa họ tin rằng vinh quang của Thiên Chúa sẽ còn được thể hiện hơn nữa nơi Thánh Phan-xi-cô.

Vào lúc đó, đã có ít nhất năm mươi anh em đã tập trung tại Porziuncola: tất cả đều dự phần vào thời điểm Cha Thánh quađời, một số tham gia phục vụ trật tự, một số tham gia phụng vụ ngợi khen Chúa.

2.     Ủy Ban Bồi Thẩm “bên ngoài”

Anh Tổng Đại Diện của Dòng, Anh Ê-li-a, đã quan tâm thành lập ra ngay lập tức những gì mà ngày nay chúng ta gọi là một ủy ban gồm các Bồi Thẩm Đoàn “bên ngoài”, nghĩa là ủy ban này bao gồm những thành viên được hình thành“không phải từ phía anh em”, nhưng gồm những người nổi tiếng lúc đó, có thẩm quyền và là chuyên gia, những người có thể trực tiếp nhìn thấy, chạm vào các dấu thánh và phải thề trên Phúc Âm. Ủy ban “bên ngoài’ này đã soạn thảo một báo cáo mà trong đó bao gồm chủ đề, lời tuyên thề và tên cùng chữ ký của một số nhân chứng. Đây là nội dung bản báo cáo:

 “Nhân danh Chúa. Amen.

- Đây là tên của những người đã nhìn thấy những  các dấu thánh trên da thịt của Đâng Vinh Phúc Phan-xi-cô khi còn sống và sau khi chết[1]: Giovanni Simone; Bonaccursio di Ugo di Leto; Giovanni di Diotaiuti; Ông Giacomo, giáo sĩ của tòa giám mục, người đã nhìn thấy  các dấu thánh của vị thánh này khi người còn sống và công chứng viên Alberico.

- Đây là những người đã nhìn thấy những vết thương của Phan-xi-cô sau khi người đã qua đời: Ông Tommaso di Ranerio, người sau này ông là thị trưởng của thành phố; Ông Gerolamo; Ông Giovanni di Garnieri, Offreduccio, Scalla, công chứng viên Alberico, ông Masseo, Andrea de Preite, Bartolo della Signora Fantina, Giovanni di Guidottolo, Baliero, Giovanni di Greccio.

Những dấu thương này (của Dấu thánh) có hình tròn ở bên trong lòng bàn tay, thuôn dài ở bên ngoài và nó trông giống như một khối thịt mọc lên và trông giống như đầu đinh bị cong và móc sắt nhô ra ngoài da thịt. Dấu đinh cũng được in trên bàn chân và chúng nổi bật so với phần thịt còn lại. Cạnh sườn bên phải như vết thương đã được chữa lành, do bị đâm thủng từ một ngọn giáo và thường xuyên rỉ máu, đến nỗi áo dài của người dù rất dày cũng thẫm đẫm máu tươi cùng với đồ lót của người. Giovanni di Magnolo, Giáo Sư Giacomo di Pellipario của Margherita di Norcia”[2].

Ủy Ban này cũng bao gồm một số ít người dân sẵn sàng la lên ngay lập tức; “Đây là phép lạ”.

Chẳng hạn, Thánh Bonaventura đã nói với chúng ta về vấn đề này như sau: “Một người trong số họ, một hiệp sĩ có học và khôn ngoan, tên là Hieronimo, một người danh tiếng và vị vọng, trong lòng vẫn nghi ngờ về các  các dấu thánh ấy và giống như Tôma, ông không tin. Trước mặt các anh em tu sĩ và các công dân, với lòng nhiệt thành và táo bạo ông không ngần ngại cầm lay các cây đinh và đưa tay chạm vào hai tay, hai chân và cạnh sườn thánh nhân. Trong khi ông đang lấy tay xem xét các dấu tích chân chính thể hiện các vết thương của Chúa Ki-tô thì vết thương nghi ngờ trong lòng ông và trong lòng nhiều người khác đã được chữa khỏi. Nhờ vậy, về sau, cùng với nhiều người khác, ông trở thành nhân chứng cho sự thực mà ông đã được biết cách chắc chắn và quả quyết bằng lời thề đặt tay trên Phúc Âm” (ĐT  XV,4).

3.     Ủy Ban Bồi Thẩm Đoàn “nội bộ”

Tài liệu về  các dấu thánh cho chúng ta biết tên của một số anh em đã được báo trước và mang tính ngôn sứ, ngay từ đầu cuộc đời hoán cải của Thánh Nhân đến thời điểm tương lai khi Cha Thánh được in các dấu thánh đó là các anh Silvestro, Monaldo và Pacifico. Một số tên của anh em chăm sóc Phan-xi-cô bên cạnh giường bệnh và khi người hấp hối, trong số này có tên của những anh em bạn đồng hành với Phan-xi-cô như: Elia, Bernardo, Leone, Egidio, Rizerio e frate Iacopa con ‘i figlioli’ . Và chúng ta cũng được truyền lại tên của các anh em thường xuyên ở cạnh Phan-xi-cô trong khoảng hai năm trước khi người qua đời, lãnh nhận được Dấu Thánh, trong số này có tên của các anh: Leone, Illuminato, Rufino, Pacifico, frate Elia, Bonizio, Tommaso da Celano… (Tommaso da Eccleston 92).

Ngay vào thời điểm Phan-xi-cô lâm chung, một “ủy ban” đặc biệt cũng đã được thành lập gọi là “Bồi Thẩm Đoàn nội bộ” (tức là được hình thành từ trong số anh em), để có thể thay mặt anh em xác minh và tuyên thệ sự thật về các Dấu Thánh. Có thể được suy ra từ những gì được Tommaso da Celano chứng thực trong tư cách là người viết tiểu sử đầu tiên vềThánh Nhân. Trong truyện ký chính thức mình (được gọi là Vita Prima) và trong Khảo Luận về các phép lạ, Tô-ma đãviết về quang cảnh lễ phong thánh cho Phan-xi-cô (diễn ra vào năm 1228, chỉ hai năm sau cái chết của Thánh Phan-xi-cô, “Người Cha thiên thần”), Tô-ma chứng thực: “Cuối cùng, sau thời gian hai năm, qua một kết thúc diễm phúc, ngài đã đổi thung lũng khốn khổ này lấy quê hương vinh hiển trên trời. Khi hiện tượng phi thường này được loan báo đến tai dân chúng, cả thành phố sôi động và đám đông đổ xô đến, ca tụng và tôn vinh danh Chúa. Cả thành Assisi cùng nhau về từng đoàn và dân chúng khắp vùng lũ lượt kéo đến, khao khát được thấy cảnh tượng mới lạ mà Thiên Chúa vừa mới tác thành trên thế giới. Phép lạ chưa từng nghe nói tới này biến than khóc thành hoan lạc và từ những điều mắt thấy, đưa người ta lên đến say sưa và ngất trí. Dân chúng thấy thân thể Đấng Vinh Phúc được in các dấu thánh của Chúa  Ki-tô. Trên hai tay hai chân, không phải là viết thương do các mũi đinh gây ra, nhưng là chính các cây đinh, được quyền năng Thiên Chúa tạo nên cách kỳ diệu từ thịt của thánh nhân, hoặc đúng hơn nữa là làm cho phát sinh từ chính thịt của ngài. Khi ấn vào bất cứ phía nào, các dấu đinh ấy lại trồi ra phía bên kia, giống như là một khối cơ liền lạc. Người ta cũng thấy cạnh sườn thấm máu đỏ.

Chúng tôi, những người đang thuật lại sự việc, chúng tôi đã tự mắt thấy sự việc. Tự tay chúng tôi đã chạm đến điều chúng tôi đang lấy tay viết lại. Tự hai mắt đẫm lệ, chúng tôi đã nhìn thấy những điều chúng tôi đang dùng miệng lưỡi để tuyên xưng. Chúng tôi đã chạm đến các vết thương rất thánh ấy và chúng tôi làm chứng trong mọi lúc về những gì chúng tôi đã một lần thề trước khi nói lên. Nhiều anh em đã cùng thấy với chúng tôi trong lúc thánh nhân còn sinh thời. Khi ngài qua đời, hơn năm mươi anh em đã được kính bái cùng với vô số người thế gian. Xin đừng ai e ngại, đừng ai nghi ngờ Chúa đã ban ân huệ vĩnh cửu này! Mong sao nhờ tình yêu sốt mến ấy, nhiều chi thể được gắn liền với đầu là Chúa Ki-tô, để nhờ Người, họ xứng được được trang bị cùng một khiên giáp trong cuộc chiến và được nâng lên cùng một địa vị trong nước trời. Ai là người có trí khôn lành mạnh lại không nói rằng điều này không quy về vinh quang Chúa Ki-tô? Nhưng ngay từ bây giờ, chớ gì hình phạt dành cho kẻ bất tin cùng giáng xuống kẻ thiếu lòng sùng mộ và giúp cho những người sùng mộ thêm vững vàng” (3Cel 5-6).

Tô-ma đã sử dụng động từ chia ở số nhiều: “Chúng tôi đã chạm đến các vết thương rất thánh ấy”,

và điều này cho thấy rằng lời thề được thực hiện bởi toàn bộ “năm mươi” anh em nhân chứng mà chúng tôi gọi là “Ủy Ban Nội Bộ”: các nhân chứng là chính anh em. Đó là một lời thề long trọng như trong thực tế người ta vẫn thường làm khi tuyên thề: “Chúng tôi đã thề bằng cách chạm vào các dấu thánh” như đặt trên Phúc Âm, bàn thờ...

Cũng vậy,  Bonaventura trong Đại truyện (XIII,8) đã chứng thực rằng: “Khi ngài qua đời, hơn năm mươi anh em cùng với Clara và các chị em bà, cũng như vô số ngời giáo dân khác cũng được thấy các dấu thánh. Vì lòng sùng mộ, nhiều người còn hôn và lấy tay chạm vào các dấu ấy để có thể làm chứng cho thêm chắc chắn, như chúng tôi sẽ kể lại ở chỗ thích hợp”.

Cũng phải nói rằng nếu so sánh nội dung lời tuyên thệ của hai Ủy Ban thì không có những khác biệt đáng kể.

4.     Clara và các chị em: những nhân chứng đặc biệt

Truyện ký PerugiaGương trọn lành mang đến cho chúng ta những chi tiết khác: “Trong tuần lễ Đấng Vinh Phúc Phan-xi-cô qua đời, Bà Clara lâm bệnh nặng... Bà sợ mình chết mà không gặp được Đấng Vinh Phúc. Bà khóc lóc thảm thiết, không sao an ủi được, vì nghĩ mình trước khi chết sẽ không gặp được người cha duy nhất của bà sau Thiên Chúa, tức là đấng vinh phúc Phan-xi-cô, đồng thời cũng là đấng an ủi bà cả về phần xác lẫn phần hồn và là đấng đầu tiên đã thiết lập bà trong ơn nghĩa với Thiên Chúa. Và vì thế bà nhờ một anh em nhắn tin cho đấng vinh phúc Phan-xi-cô. Khi nghe biết điều này, đấng vinh phúc động lòng thương, vì ngài yêu mến bà và các chị em của bà bằng một tấm lòng người cha, do lối sống thánh thiện của họ và đặc biệt do việc, ít năm sau khi ngài có anh em, bà đã quy hướng đời sống về với Chúa qua lời  khuyên của ngài cùng với tác động của ơn Chúa... Nhưng thấy việc bà mong muốn, tức là được gặp ngài, không thể thực hiện được bởi vì hai đấng đều đau ốm nặng nên để an ủi bà, đấng vinh phúc Phan-xi-cô đã viết thư gởi lời chúc phúc cho bà và còn tha thứ cho bà mọi lỗi lầm nếu có, liên quan đến các lệnh truyền và ước muốn của ngài hoặc các lệnh truyền và ước muốn của con Thiên Chúa. Hơn thế nữa, để bà khỏi mọi ưu phiền và được an ủi trong Chúa, ngài đã nói, hay đúng là là Thánh Thần của Chúa nói qua ngài, với người anh em bà nhờ mang thư đến: ‘Nhờ anh cầm lá thư này đem đến cho viện mẫu Clara và nói với bà thôi đừng có buồn phiền gì vì bây giờ không gặp được tôi. Nói với bà ấy cứ vững tâm, thế nào trước khi chết, bà ấy và các chị em của bà cũng sẽ gặp được tôi và sẽ nhận được từ nơi tôi một nguồn an ủi lớn lao.

Xảy ra sau đó ít lâu, đấng vinh phúc Phan-xi-cô qua đời lúc đêm. Sáng hôm sau, toàn thể dân thành Assisi, cả đàn ông lẫn đàn bà, cùng toàn thể các giáo sĩ, đến nơi ngài qua đời để tiếp rước xác thánh. Miệng hát thánh ca và lời vinh tụng, tay cầm cành lá, họ khiêng ngài đến đan viện San Damiano theo ý của Chúa để lời Chúa qua miệng vị thánh của Người được ứng nghiệm và cho những người con gái và nữ tì của Người được an ủi.”

Cũng vậy,  Bonaventura trong LM XIII,8, vào khoảng những năm ’60, sau khi thu thập thông tin từ các anh Leone, Egidio, Illuminato và nhiều người bạn đồng hành của Clara khi bà còn sống, tất cả chứng thực rằng: “Hơn năm mươi anh em, cùng với Clara, người trinh nữ hoàn toàn tận hiến cho Thiên Chúa, và các chị em bà, cũng như vô số người giáo dân khác cũng được thấy các  các dấu thánh sau khi ngài qua đời. Vì lòng sùng mộ, nhiều người còn hôn và lấy tay chạm vào các dấu ấy để có thể làm chứng cho thêm chắc chắn, như chúng tôi sẽ kể lại ở chỗ thích hợp”.

Anh Jacopone da Todi là người đầu tiên cho chúng ta thấy Clara đã cố gắng nhổ - bằng răng - một chiếc đinh nơi  các dấu thánh từ bàn tay của thánh Phan-xi-cô khi ngài đã chết, nhưng vô ích, vì chiếc đinh đã cắm sâu trong xác thịt bị đâm thủng của ngài. Trong Bài ca với tựa đề: Ôi Thánh Phan-xi-cô nghèo khó! (câu 43-46), nhà thần bí của chúng ta hát lên bằng thơ rằng: “Trong số những người khác, Thánh Clara/ vâng đã dùng răng cắn chặt nó / bám chặt với kho báu này / ngài cùng với người khác / nhưng chúng chẳng có giá trị gì,/ vì những chiếc đinh được làm bằng thịt / chúng giống như sắt,/ cứng và bị bẩm sinh”.

Anh Bartolomeo da Pisa, thu thập những lời chứng của các chị Clara, đã kể cho chúng ta trong De conformitate (vol. V, p 379.410)  rằng: “Thánh Nữ Clara đã nhìn thấy  các dấu thánh của Đấng Vinh Phúc Phan-xi-cô, khi ngài còn sống và chính Clara đã làm thuốc đắp vết thương ở bên sườn cho thánh nhân như ngày nay chúng ta thấy nó được lưu giữ trong đan việnS. Chiara ở Assisi”.

Chính tác giả này cũng cho chúng ta biết rằng Clara đã có thể nhìn thấy thánh Phan-xi-cô “Khi thi hài của chân phước Phan-xi-cô được mang từ Santa Maria degli Angeli về Assisi để chôn cất. Trên thực tế, các anh em, nhờ ơn Chúa linh ứng, đã đi theo con đường nói trên và họ khiêng thi thể của Đấng Vinh Phúc Phan-xi-cô, được đánh dấu bằng những viên ngọc trai của  các dấu thánh Chúa Ki-tô, cho thánh nữ Clara và các chị em của ngài sau khi tấm song sắt được tháo ra để ngài chạm vào và hôn kính. Và rồi thánh nữ Clara, như người ta đã nói, đã cố gắng xé mũi đinh khỏi bàn tay của Cha Thánh, nhưng không cách nào có thể làm được”.

Anh Bartolomeo nói thêm: “Phép lạ thứ mười (trong Đoản khúc về các dấu thánh) rằng các mũi đinh mặc dù sinh động, nhưng không thể rút chúng ra khỏi tay hoặc chân  của phan-xi-cô mặc dù, Clara và nhiều người khác đã cố gắng làm như vậy”.

Chị Battista Alfani đã viết trong Vita et Leggenda della seraphica vergine sancta Chiara,  vào khoảng năm 1490, tường thuật lại từ những tài liệu rất cổ xưa, trong đó có nói về việc Clara đã khóc vì  các dấu thánh của thánh Phan-xi-cô như sau: “Nhưng trên hết là Mẹ Thánh Clara rất phiền muộn, nước mắt tuôn đổ rất nhiều, không muốn rời khỏi thân xác thánh thiện với những dấu thánh, giờ này qua giờ khác, không ngừng hôn lên những dấu thánh. Và cuối cùng với lòng cảm động và sùng kính lớn lao, ngài đã cố gắng tháo một chiếc đinh khỏi tay Thánh Phan-xi-cô, nhưng không thể”.

5.     Những sự nghi ngờ về dấu thánh

Bản thân Tommaso da Celano  đã nói bóng gió về sự tồn tại của những người nghi ngờ với những gì họ đã nghe về dấu thánh: “… Xin đừng ai e ngại, đừng ai nghi ngờ Chúa đã ban ân huệ vĩnh cửu này! Mong sao nhờ tình yêu sốt mến ấy, nhiều chi thể được gắn liền với đầu là Chúa Ki-tô, để nhờ Người, họ xứng đáng được trang bị cùng một khiên giáp trong cuộc chiến và được nâng lễ cùng một địa vị trong Nước Trời. Ai là người có trí khôn lành mạnh không nói rằng điều này không quay về vinh quan của chúa Ki-tô? Nhưng ngay bây giờ, chớ gì hình phạt dành cho kẻ bất tín cũng giáng xuống kẻ thiếu lòng sùng mộ và giúp cho những người sùng mộ thêm vững vàng (3Cel 5).

Ba Người Bạn cũng kể cho chúng ta biết: “Sự thật không thể phủ nhận của các  các dấu thánh không những đã tỏ hiện cách rất rõ ràng qua việc mắt thấy và tay chạm trong thời gian thánh nhân còn sống và lúc mới qua đời, mà sau này Thiên Chúa còn làm sáng tỏ hơn nữa qua nhiều phép lạ thể hiện khắp nơi trên thế giới. Nhờ những phép lạ ấy, tâm hồn nhiều kẻ vốn không có thiện cảm với người của Thiên Chúa và đã hoài nghi về các dấu thánh, nay đổi thành xác tín mạnh mẽ. Những kẻ xưa kia vốn bài xích ngài, nay nhờ lòng nhân từ của Chúa tác động và nhờ sức thuyết phục không thể chối cãi của sự thật hiển nhiên, đã trở nên những người ca ngợi và truyền bá danh tiếng của ngài trung thành nhất (BNB 70).

Trong khi Celano ám chỉ đến một số “hình phạt dành cho những người không tin”, thì ở đây chúng ta có nhiều hơn thếkhông chỉ những “kẻ nghi ngờ” mà còn của những “kẻ gièm pha”. Nghiên cứu các Nguồn Phan Sinh, chúng ta dường như hiểu rằng ngay cả trong những thập kỷ sau khi phong thánh cho vị Cha Thánh, vẫn có những người nghi ngờ và gièm phacách “cứng cỏi” khi đối diện với sự thật vềt dấu thánh. Tại sao vậy? Có lẽ những người ngày đã bị ngăn chặn bởi một vài khó khăn:

- Trước hết là kinh nghiệm thần bí về dấu thánh, ngoại trừ hiện tượng thần bí được thánh tông đồ Phao-lô tường thuật cho chúng ta trong Gal 6,14-18 là hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử của Giáo Hội, và một số người cảm thấy việc dừng lại cảm nhận của họ thì khôn ngoan hơn là đưa ra những  nhận định phán xét.

- Hơn nữa, trong cùng những thập kỷ với Đấng Thánh Chí Ái, nhiều hiện tượng thần bí cũng đã xuất hiện khiến người ta hoang mang. Chẳng hạn, Công Đồng Oxford năm 1222 đã kết án hầu tước Montferrand ông Robert d’ Auvergne (+1234), có lẽ là một người đàn ông xuất chúng, người có  các dấu thánh của Cuộc Khổ Nạn, nhưng vì ông ta đã tự gây ra cho mình: ​​không phải vì sự giả dối hay bất cứ điều gì khác, mà là muốn tham gia mạnh mẽ hơn vào cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô. Đức Hồng Y Giacomo da Vitry cũng nói cho chúng ta hiện tượng thần bí của bà Maria d’Oignies (+ 1213), trong thời gian xuất thần, bà đã nhìn thấy một Seraph bên cạnh mình, và đã được gia tăng một tình yêu lớn lao đối với những đau khổ của Chúa Ki-tô, nên với một con dao bà đã gây ra vết tích mình. Những thông tin này, một mặt đã nêu bậtý chí khao khát khổ hạnh của con người nhưng mặt khác lại gây ra nhiều nghi ngờ, hoang mang.

- Vì vậy, những người thắc mắc: những  các dấu thánh này “là một ân ban từ lòng tốt lành vĩnh cửu của Thiên Chúa” hay chúng đến từ nguồn một nguồn  nào khác không? Chúng là nhân tạo, chúng có bản chất tự nhiên, siêu nhiên hay ma quỷ?

- Những người khác, đặc biệt các tu sĩ của một số Dòng Tu, có lẽ hơi ghen tị với tốc độ gia tăng và thành quả hoạt độngcủa gia đình phan sinh (ra đời chỉ khoảng 15 năm trước khi Phan-xi-cô nhận được những dấu thánh). Họ đặt câu hỏi về cả sự thánh thiện của đấng sáng lập cũng như sự thánh thiện trong những gì ngài đã chọn lựa. Ít nhất họ có ý định chờ xem mọi chuyện sẽ kéo dài được bao lâu.

- Hơn nữa, một số người đã nhìn thấy  các dấu thánh từ bàn tay và bàn chân khi Phan-xi-cô còn sống lại không có mặt vào lúc Phan-xi-cô qua đời, họ đã không thể được nhìn thấy thân xác của ngài được nằm trần trịu trên mặt đất. Có lẽ điều này đặt ra hai câu hỏi:

* Vào lúc chết, các dấu thánh còn tồn tại hay đã biến mất?

* Ngoài ra, vết thương ở bên hông có thực sự tồn tại không?

Điều thắc mắc thứ hai (liên quan đến vết thương ở bên hông) dường như cũng là mối nghi ngờ đối với chính bản thân của Đức Giáo Hoàng Gregory IX: mặc dù đã đích thân nhìn thấy những vết thương ở tay và chân của Phan-xi-cô, bây giờ, trước khi được phong thánh, vị Giáo Hoàng này vẫn suy tư về vết thương ở cạnh sườn (LM I,2). Chính một thị kiến trong một giấc mơ về Thánh Phan-xi-cô đã xua tan khó khăn này đối với Đức Thánh Cha. Chính ngài, cùng với những nhân vật khác như Hồng y Tommaso di Capua, Hồng y Raniero Capocci và nhiều vị giám chức cấp cao nhờ đã biết rõ về thánh Phan-xi-cô, sẽ trở thành một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất và là những người bảo vệ những các dấu thánh thiêng liêng này.

6.     Hội đồng Hồng y

Có lẽ đối với một số người đã nảy sinh nghi ngờ khi cho rằng tại sao “Những dấu thánh” hoàn toàn không được đề cập một tí gì trong sắc lệnh phong thánh cho người nghèo thành Assisi?

Phải nói rằng sắc lệnh Mira circa nos, chắc chắn không nhắm trực tiếp cả về  các  các dấu thánh lẫn các phép lạ không được nêu rõ trong sắc lệnh phong thánh (vì một sắc lệnh khi công bố nó tương đương với một lời tuyên bố gần như giáo điều về những hiện tượng thần bí, hay những mạc khải tư, v.v.); và bởi vì Giáo Hội quan tâm trước hết là các nhân đức mà vị thánh ấy đã sống một cách anh hùng. Những người bạn đồng hành của Thánh Phan-xi-cô đã biết rõ điều này. Trong Lá thư từ Greccio gửi Tổng Phục Vụ Crescenzio da Iesi, các anh đã viết thế này: “Chúng tôi không hài lòng với việc chỉ kể lại những phép lạ, những điều này đã hiển nhiên nhưng lại không làm nên sự thánh thiện. Mục đích của chúng tôi là muốn cho tường thuật những khía cạnh nổi bật về đời sống thánh thiện ngài và ý định của Thiên Chúa, nhằm ca ngợi và tôn vinh Thiên Chúa tối cao và Cha Thánh Phan-xi-cô, cũng như muốn soi sáng cho những ai muốn noi gương ngài” (LTG)

Sắc lệnh phong thánh không đề cập đến các dấu thánh của Phan-xi-cô cũng vì một lý do thực tế khác là các dấu thánh cùng với các phép lạ phải được ủy ban hồng y chịu trách nhiệm kiểm tra một cách kỹ lưỡng. Chính trong sắc lệnh này Đức Giáo Hoàng đã tuyên bố: “Vì vậy, vì những đặc điểm kỳ diệu nhất của cuộc đời huy hoàng ngài; vì sự thân quen của ngài đối với chúng tôi khi chúng tôi còn làm một chức vụ nhỏ, và về sự huy hoàng của các phép lạ, chúng tôi đã có được niềm tin trọn vẹn nhờ những nhân chứng thích hợp, tin tưởng rằng chúng tôi và đoàn chiên được giao phó cho chúng tôinhờ sự chuyển cầu của ngài giúp đỡ mà chúng ta có một đấng bảo trợ trên thiên đường, người đã làm bạn của chúng ta trên trái đất; Hội Đồng của anh em chúng tôi [hồng y], sau khi họp nhau và cùng đồng ý cách nhất quán, chúng tôi quyết định ghi tên ngài vào danh sách các thánh trên trời để được tôn kính muôn đời” (Mira circa nos, 8).

Như thế, tất cả sự quan tâm cần thiết đã được đề cập trong việc phong thánh cho Phan-xi-cô (và đã không xảy ra một sự “giận dữ phổ quát” nào). Điều này được chứng thực bởi một nguồn tiểu sử của thánh Clara. Truyện ký thánh Clara (Codice Thennenbach 4), đã kể cho chúng ta nghe về “cuộc tuyệt thực” của Clara: “… Chuyện xảy ra là trong tổng tu nghị tiếp theo (1227),  các anh em đã thỉnh cầu với Giáo Hoàng Gregory IX, phong thánh cho Phan-xi-cô. Nhưng họ không nhận được phản hồi từ vị giáo hoàng này. Sau đó Đức Thánh Cha đến Assisi cầu nguyện với Đức Mẹ và đến thăm Mẹ Thánh Clara tại tu viện San Damiano như ngài vẫn thường xuyên làm. Và trong khi Clara gặp gỡ Đức Thánh Cha,trong số nhiều điều thưa với Đức Thánh Cha, Mẹ Thánh Clara thỉnh cầu cùng Đức Thánh Cha: “Lạy Đức Thánh Cha, ngài biết rõ sự thánh thiện của Cha Thánh Phan-xi-cô, và không chỉ riêng ngài, mà còn hơn thế nữa là cả thế giới... vì điều này việc phong thánh cho Phan-xi-cô là điều xứng đáng và chính đáng. ... Tuy nhiên, Giáo Hoàng Gregory, đã lắng nghe lời cầu xin này mà cũng không đưa bất cứ phản hồi tích cực nào...  Và khi Giáo Hoàng đã đi khỏi… và đã đến lúc phải ăn … Clara triệu tập tất cả các chị em của mình và trước sự chứng kiến ​​​​của các anh em là thành viên của đan viện và là những người luôn ở gần ngài, Clara nói: “Tôi ra lệnh cho tất cả các chị em, người khỏe mạnh và người đau bệnh, hôm naykhông được ăn gì, không được uống gì ngoài việc ăn chay và cầu nguyện để gõ cửa lòng thương xót của Chúa. Lạy Chúa, xin Ngài thương mở rộng lòng xót thương ghé tai nghe tiếng tôi tới của Ngài mà thực hiện điều con mong ước”. Các anh em liền chạy đi thuật lại cho Đức Thánh Cha những gì họ đã nghe được. “Họ gặp thấy Đức Giáo Hoàng tại bàn và họ đã nói với ngài những điều ấy... Đức Giáo Hoàng nghe thấy điều này và nói: “Điều gì vậy? Tôi có thực sự cảm thấy Clara đang đau khổ không?”

Ngài liền ra lệnh chuẩn bị ngựa và vội vã chạy vào đan viện để gặp Clara và hỏi: “Các con đã ăn gì chưa?” Clara trả lời: “Thưa Đức Thánh Cha, chúng con đã ăn nhiều lần rồi”. Rồi Đức Thánh Cha nói: “Tôi không ngờ các con đã làm điều này”. Thế rồi, Clara trả lời: “Thưa Đức Thánh Cha, đối với con điều ngạc nhiên hơn nhiều khi Cha Phan-xi-cô thánh thiện và đáng kính của chúng con đã muốn chúng sống như thế là tốt và chính ngài biết rất rõ về sự thánh thiện của Phan-xi-côvà làm chứng cho điều đó. Tuy nhiên, sao ngài lại quá khắc khe với Phan-xi-cô?”. Ngay lúc ấy, Đức Giáo Hoàng nói với Clara với lòng nhân từ lớn lao: “Clara, con gái yêu quý nhất của cha, cha sẽ thực hiện mọi điều con khao khát và cầu xin. Con biết rõ rằng Phan-xi-cô là người bạn đặc biệt và thân yêu nhất của cha. Vì cha không muốn cả thế giới phải la lên và nói rằng rằng cha đã làm điều này với phan-xi-cô vì tình bạn hữu thân thiết”. Và không bao lâu sau, Đức Giáo Hoàng đã phái những sứ giả đáng kính và lương thiện đến điều tra các phép lạ và những dấu hiệu mà Thiên Chúa đã làm qua Vị Thánh Nghèo và ra lệnh cho những hồng y đó họ chọn thời gian thuận lợi cho việc phong thánh cho Phan-xi-cô…Và sau khi họ đã tra cứu cẩn thận, tất cả họ đều nhất trí, và Đức Thánh Cha đã ghi tên Phan-xi-cô vào sổ các vị thánh.”

Tác giả cuốn Cuộc đời của Giáo Hoàng Gregory nhấn mạnh đến tính nghiêm túc của việc phân tích các phép lạ dưới góc độ của cuộc phong thánh cho Phan-xi-cô: “Đấng Vinh Phúc Phan-xi-cô tựa như một ngôi sao mới từ thành Assisi đã tỏa sáng sự vững chắc của Giáo Hội qua các phép lạ. Đức Thánh Cha Gregory đã ra lệnh phải kỹ lưỡng điều tra về chúng và dựa trên báo cáo trung thực của các nhân chứng, đã chấp thuận các phép lạ này. Sau khi lắng nghe theo lời khuyên của các anh em hồng y, ngài đã đến Assisi (từ Perugia nơi ngài ở). Đó là ngày 4 tháng 10 năm thứ hai triều đại giáo hoàng của ngài. …. Các phép lạ đã được đọc công khai. Cuối cùng Đức Thánh Cha trong nước mắt đã ra tuyên bố rằng đấng vinh phúc Phan-xi-cô, trong khi còn sống là tôi tớ của Đấng Chịu Đóng Đinh và đã mang trong trái tim và thể xác mình những dấu tích của thập giá, nên đáng được ghi tên vào sổ các Thánh”.

Một ủy ban hồng y do Đức Giáo Hoàng thành lập, gồm những hồng y đối nghịch, chống lại Phan-xi-cô và các dấu thánh. Các vị này đã làm việc từ đầu cho đến cuối cách cật lực để chắc chắn về tính xác thực của  các dấu thánh nơi thân thể của Phan-xi-cô trước khi phong thánh. Trong số các hồng y này người ta nhắc đến viện phụ Alberto, thuộc đan viện S. Maria di Stade, lúc ấy đang theo phục vụ Đức Gregorio IX. Ông đã viết vào năm 1228, trước khi Phan-xi-cô được phong thánh, với những lời như sau: “Đức Giáo Hoàng cùng với rất nhiều vị hồng y khác và với các giám mục đã mở quan tài đựng xác Phan-xi-cô, mặc dù ngay cả chỉ để thỏa mãn ước muốn của các hồng y và của những người khác nữa, họ đều được thấy trên thân thể không bị hư hoại của ngài các  các dấu thánh tuyệt đẹp của Đức Giê-su Ki-tô” (Bullarium Franciscanum). Hai năm sau khi Phan-xi-cô qua đời, chúng ta thấy mình đứng trước một thi thể vẫn còn nguyên vẹn, và vẫn còn dấu hiệu của các dấu thánh.

7.     Những hình ảnh và lễ kính các Dấu Thánh

Trong suốt ba mươi năm sau cái chết của Thánh Phan-xi-cô trong Bullarium Franciscanum người ta thấy  có những sự can thiệp liên tục của các giáo hoàng được nhắc đến, một mặt để xác nhận sự thật về các dấu thánh, mặt khác, lại phải đối mặt với một khó khăn mới nảy sinh: việc miêu tả về đấng vinh phúc Phan-xi-cô với những dấu thánh.

Vì có rất nhiều các phép lạ đã xảy ra nhờ các “dấu thánh” cho những người đã tiếp xúc với các  các dấu thánh hoặc nhờ sự chuyển cầu trực tiếp các dấu thánh (x. 3C 6-10). Lòng đạo đức của dân Chúa yêu mến được trông thấy  hình ảnh của Phan-xi-cô được mô tả cách công khai với các dấu hiệu của Đấng Cứu Chuộc chúng ta. Vậy điều này có hợp pháp không? Đã có rất nhiều sự phản đối và cả bạo lực nữa, trước hết là đến từ các giáo sỹ, từ một số giáo sư đại học và từ các dòng hành khất khác.

Các Anh Em Hèn Mọn đã phải nhiều lần xin sự can thiệp của các đức giáo hoàng.

Trong sắc lệnh Non-minus dolentes accepimus (11 tháng 3 năm 1237) Gregory IX tuyên bố không thể chấp nhận được rằng một anh em thuyết giáo chính thức tại Oppava (ở Moravia), cụ thể là anh Evecardo, một trong số các anh em thuyết giáo, đã phản đối lại sự tồn tại của  các dấu thánh khi tuyên bố rằng: “Trong cơ thể của đấng vinh phúc Phan-xi-cô chưa bao giờ có  các dấu thánh cả!”… là “chống lại chính chúng tôi” (Đức Giáo Hoàng nói) vì chúng tôi đặc biệt chú ý đến phép lạ này và vì lý do này mà chúng tôi đã ghi ngài vào sổ của các Thánh. … người này phải bị rút phép thông công… và đình chỉ mọi chức vụ rao giảng” (BF, I, p. 213).

Trong những ngày tiếp theo (5 tháng 4 năm 1237), chính Đức Giáo Hoàng lại viết một thư gởi toàn thể Ki-tô hữu: Confessor Domini gloriosus beatus Franciscus, trong đó, Đức Thánh Cha chứng thực cả về sự thật của các  các dấu thánh cả về sự quan tâm mà các chứng nhân đã xác minh (BF, I, p. 214).

Cũng trong sắc lệnh Usque ad terminos Orbis (cùng năm 1237) đã quở trách giám mục Frederick xứ Olomuc (ở Moravia), Gregory IX  chứng thực: “...Hiền huynh đã gửi nhiều lá thư đi khắp nơi trong đó nói rằng chúng dường như chứa đựng những thứ có hại cho sự cứu rỗi. Hiền huynh còn khẳng định: sự thật là chỉ có Con của Đức Chúa Cha hằng hữu bị đóng đinh để cứu rỗi chúng ta. Ki-tô Giáo chỉ được phép tôn thờ những vết thương của Đức Ki-tô với lòng sùng kính và do đó trong Giáo Hội thánh thiện, không cần thiết phải vẽ Chân Phước Phan-xi-cô hay bất kỳ vị thánh nào với các vết thánh; và bất cứ ai khẳng định điều ngược lại sẽ phạm tội; và rằng anh ta nên bị coi là kẻ thù của đức tin…” (BF, I, p.211).

Ngay cả Đức Giáo Hoàng Alexander IV (Rainaldo, Bá tước Segni, vị hồng y bảo trợ Dòng Phan Sinh lâu năm), cũng đã có nhiều biện pháp can thiệp để chống lại “những kẻ gièm pha” đối với các dấu thánh. Trong năm 1255, Đức Giáo Hoàngđã buộc phải viết thư cho giám mục Genoa đòi buộc phải trao nộp cho ngài những  người đã có ác ý xóa (deleverunt) các các dấu thánh khỏi hình ảnh của Thánh Phan-xi-cô tại nhà thờ S. Maria delle Vigne và ở tu viện thánh Sisto (x.BF, I, p. 213, ghi chú c).

Trong bức thư Benigna operatio ngày 29 tháng 10 năm 1255, Đức Alexander ra lệnh cho các giám mục thúc đẩy và phổ biến lòng sùng kính đối với các  các dấu thánh của Thánh Phan-xi-cô như một dịp kỷ niệm thường niên. Ngài viết: “Chúng tôi thực sự muốn cho các bạn thấy các  các dấu thánh nên được ghi nhớ ngày càng nhiều hơn, làm sao để càng chuyên cần và mộ mến hơn nữa, đặc biệt là những biểu tượng vẻ vang của cuộc khổ nạn của Chúa được in dấu trên chính thân xác của vị thánh do bởi bàn tay thiên quốc”. Đức Thánh Cha tiếp tục khẳng định rằng: “Chúng tôi không theo những câu chuyện cổ tích, hay sự mê sảng của bất kỳ ai, bởi vì chính thực tế của sự việc đã làm cho chúng tôi mạnh mẽ hơn trong đức tin khi được phục vụ cách hèn mọn (từ  khi với tư cách là hồng y). Nhờ ân sủng thiêng liêng, chúng tôi đã trực tiếp biết được điều đó”. Ngài nói thêm “…do đó, chúng tôi cầu nguyện, chúng tôi cảnh báo, chúng tôi khuyến khích tất cả anh em, ra lệnh cho anh em bằng bản văn tông truyền này, để công lao quý giá của chính các cha giải tội, với việc cử hành hàng năm, và với việc thường xuyên rao giảng... giúp phát triển ký ức về ân sủng thánh thiêng giữa các thần dân của anh em thông qua sự sùng mộ với thánh Phan-xi-cô”.

Có thể thấy, trong lá thư này Đức Thánh Cha tái khẳng định trước hết rằng ngài đã nhìn thấy và cảm nhận được  các dấu thánh và một cách rõ ràng, chúng không được tạo ra một cách giả tạo (non inflicta humanitus). Dấu hiệu đó cùng với “lễ kỷ niệm hàng năm” (Celebritateannua) không kể đến lễ Thánh Phan-xi-cô được cử hành vào ngày 4 tháng 10 như đã được thiết lập, nhưng muốn kể đến một ngày lễ cụ thể hơn để kính các dấu thánh, ngay cả khi ở đây không có ngày cụ thể nào được chỉ định.

Với bức thư Grande etsinglele năm 1256 (BF, II 169), Chính Vị Giáo Hoàng này đã khuyến khích các tín hữu làm sao để trau dồi lòng sùng kính đối với các  các dấu thánh và không nghe theo những lời gièm pha. Ngoài ra với bức thư này, một cách minh nhiên, nhắm mục đích thúc đẩy cách mạnh mẽ hướng tới lễ kỷ niệm “hàng năm” đối với các dấu thánh.

Có lẽ bức thư đầy đủ nhất của Đức Giáo Hoàng, nó tóm tắt các vấn đề khác nhau, đó chính là sắc chỉ: Quia longum essetmà chính Alexander IV đã gửi vào tháng 7 năm 1259 tới tất cả mọi người, tổng giám mục và giám mục của vương quốc Castile và Leon. Trong lá thư này, ngài khuyên nên chuyên chăm suy ngẫm nơi Phan-xi-cô “các dấu thánh Cuộc Khổ Nạn của Chúa”. Sau đó, Đức Giáo Hoàng tái khẳng định rằng  ngài đã nhìn thấy chúng, sờ nắn chúng; mô tả các tính năng của chúng; nói rõ về những điều mà Thánh Nhân khi còn sống đã dấu không nói ra; Ngài đề nghị chủ đề của lễ kỷ niệm hàng năm các  các dấu thánh đó là: “Để có một ký ức lành thánh”. Cuối cùng, ngài ngăm đe những người nói rằng đây là những câu chuyện cổ tích bịa đặt và nhạo báng sự tôn kính này khi lên tiếng phản đối nó, cả công khai lẫn riêng tư (quandoque in publico, frequenter in occulto), khi dám nói rằng: thánh Phan-xi-cô chưa bao giờ có các  các dấu thánh (quod idem Confessor non habuerit Stigmata memorata). “… Ngài còn nói thêm, những người đã đạt đến mức vô nghĩa khi nói rằng nếu bất cứ khi nào họ nhìn thấy hình ảnh Thánh Phan-xi-cô với các dấu thánh, họ sẽ xóa chúng đi (damnabiliter abolent) hay yêu cầu xóa bỏ chúng; và họ cấm các họa sĩ vẽ chân dung Phan-xi-cô với các dấu thánh...”. Những người này sẽ bị vạ tuyệt thông với hình thức vạ tuyệt thông dành riêng cho Tòa Thánh và bị phế truất khỏi phận vụ của họ “dù họ là tiến sĩ thần học hay là người gảng dạy Thần học, hoặc trong bất kỳ phân khoa nào... cả nhà thuyết giáo và các vị giải tôi sẽ bị loại khỏi phận vụ của họ ngay lập tức” (BF,

II, tr. 357-60).

Đến đây, chúng ta biết rõ ràng rằng ngay cả trong các trường đại học người ta cũng đã nói chuyện và thảo luận về vị thánh thành Assisi và các dấu thánh của ngài. Cần nhớ rằng đây chính là thời kỳ cánh tay hà khắc, sắt đá giữa các giáo sĩ đại học đối với các Dòng tu hành khất.

Chúng tôi có một số lá thư của cùng một vị giáo hoàng gửi đến hoặc liên quan đến linh địa La Verna (BF, II, p. 142. 238. 421): cũng vẫn là sự quan tâm lớn lao của Đức Thánh Cha đối với vị trí của  các  các dấu thánh và gợi ý một ngày lễ cụ thể, ít nhất là lễ kỷ niệm các  các dấu thánh phải được tổ chức hàng năm.

Những bức thư khác của Alexander IV và các  các dấu thánh vẫn còn bị thất lạc. Sự tồn tại và sự phản kháng của những người gièm pha các dấu thánh, đặc biệt là đối với những người sao chép các hình ảnh. Điều này tiếp tục đi xa hơn, và vào năm 1279 chúng ta sẽ có một sắc chỉ khác là: Littera Felicis, và vào năm 1291 Quasdam litas và một lần nữa là Tenorem quorumdam. …

Như người ta có thể đã nhận thấy, cuộc tranh luận đã chuyển từ sự thật về các dấu thánh sang tính hợp pháp của các thánh tượng liên quan đến các dấu thánh. Vấn đề cuối cùng này nên được đóng khung trong bối cảnh rộng hơn về khoảng cáchnghệ thuật thánh giữa Đông Phương (Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp) và Tây Phương: sự miêu tả nghệ thuật thánh bằng Icone có rất nhiều khác biệt. Ví dụ, chỉ cần so sánh các đặc điểm của cây thánh giá S. Damiano hay thánh giá của Nhà thờ Spoleto (theo quan niệm thuần túy Đông Phương) với những quan niệm về Chúa Ki-tô của Giunta Pisano hiện đang lưu giữ tại bảo tàng Porziuncola (nơi chịu ảnh hưởng của cảm thức mới mẻ của tinh thần phan sinh).

Hình ảnh cuối cùng này “có một tầm quan trọng không thể chối cãi trong lịch sử nghệ thuật biểu tượng (iconografia) Ki-tô Giáo đối với những gì được cho là mô tả cổ xưa nhất về sự “nhẫn nhục” của Đấng Chịu Đóng Đinh trên thập giá vinh quang. Bức tranh của Pisano mô tả Chúa Ki-tô đang chuyển động trên thập giá và mời gọi tập trung nhiều hơn vào nhân tính của Chúa Ki-tô với các chi tiết về cuộc khổ nạn của Người.

Ngày nay, ngay cả việc mô tả hình ảnh các dấu thánh cũng thường thu hút ánh nhìn của những người đang chiêm ngưỡng về hình ảnh các dấu thánh chứ không thu hút người ta nhìn vào khuôn mặt của vị thánh, nơi phản ánh ánh sáng và vinh quang của Thiên Chúa, cũng như trên các chi tiết cụ thể về cuộc đời của vị thánh.

Tôi dường như hiểu rằng người ta cho rằng những lá thư của các giáo hoàng, tất cả đều ủng hộ hình tượng của thánh Phan-xi-cô chịu năm dấu thánh. Chúng phải được đóng khung tại đây vì không bàn đến lịch sử nghệ thuật thánh (trên hếtlà nghệ thuật Umbrian-Italian), nhưng trong tất cả linh đạo Ki-tô Giáo, một điều không thể chối cãi, người ta tìm thấy nơi Thánh Phan-xi-cô, người ca sĩ hát về nhân tính thánh thiện của Đức Giê-su.

8.     Phụng vụ về việc tôn kính các dấu thánh

Sắc lệnh mà Đức Giáo Hoàng Gregory IX tuyên dương Người Nghèo ở Assisi vào sổ các vị thánh được chuẩn bị trước và được cử hành cách long trọng, nghĩa là với hai giờ kinh trọng thể. Nó bắt đầu vào giờ kinh chiều của ngày trước lễ và kết thúc bằng giờ kinh chiều cùng ngày”. Kể từ lúc này, việc sùng kính, tôn vinh Thánh Phan-xi-cô trở thành chính thức cho toàn thể Giáo Hội. Vì lý do này, ngoài tiểu sử chính thức của vị thánh, cần phải có các văn bản phụng vụ chính thức dành riêng cho việc tôn kính này.

Tommaso da Celano, ngoài Vita Prima, vào thời điểm phong thánh, còn được giao phó nhiệm vụ chuẩn bị Legenda ad usum chori: một tiểu sử ngắn gọn về cuộc thánh Phan-xi-cô, nhưng luôn đầy đủ và trang nghiêm, vì nó giúp nuôi dưỡng đời sống phụng vụ (dĩ nhiên là cả đức tin) của hàng giáo sĩ, tu sĩ và các tín hữu trên toàn thế giới Công Giáo. Và chính nhờ phụng vụ mà toàn thể Giáo Hội đạt tới một sự hiểu biết về các  các dấu thánh cách đầy đủ nhất. Trong Lectio thứ mười một của Legenda ad usum chori, Celano tường thuật ngắn gọn câu chuyện về sự kiện được gọi là các dấu thánh: “signacula summi Regis”.

Anh Giuliano da Spira đã góp công rất lớn vào việc truyền bá sự hiểu biết về các dấu thánh vì anh là bậc thầy về ca hát trong ca tòa của triều đình vua nước Pháp. Chính anh là người đã sáng tác Vita Sancti vào khoảng năm 1232. Trong đócác  dấu thánh của thánh Phan-xi-cô được nói đến rất nhiều. Cũng chính anh, cùng một thời điểm, đã sáng tác Officium Ritmicum: một hình thức bản văn phụng vụ trọng thể, được sáng tác bằng thơ, và do đó dễ nhớ, có thể hát được, và được truyền tụng từ thế kỷ này qua thế kỷ kia. Trong việc soạn thảo một số phần của bản văn phụng vụ chính thức này, các giáo hoàng và hồng y “muốn dệt nên bản văn chính thức bằng lời nói, những chữ viết của mình, để ca ngợi  các dấu thánh qua thể loại văn xuôi, thánh thi và điệp ca có vần điệu mà họ để tôn vinh thánh Phan-xi-cô” (LM, 8). Sự can thiệp của các ngài(của Gregory IX, của Hồng y Thomas thành Capua, của hồng y Raniero Capocci) chẳng hạn, chúng tôi thấy chúng được tổng hợp tất cả có trong Officium Ritmicum. Raniero Capocci trong Thánh thi Kinh Sáng, khi hát: “Vili contenctus tegmine/ Sancto calescens flamine/ Vicit

algore, caumata,/ Christi dum gestat dấu thánh…”; và trong điệp ca Benedictus: ““O martyr desiderio, Francisce... Tu contuens in aere/ Seraph in cruce positum/ ex tunc in palmis, latere/et pedibus effigiem/ fers plagarum Christi…”

Anh Salimbene de Adam (+ 1288) trong cuốn Biên niên sử của mình ghi nhớ: “Trong thời gian tôi ở lại tại La Verna, tôi đã viếng thăm tất cả những nơi linh thiêng ở đó... Tại La Verna tôi nhận thấy điều này: khi tôi và các anh em tưởng nhớ Đấng Vinh Phúc Phan-xi-cô, anh em luôn luôn hát câu ‘Ôi khát vọng tử đạo!’ và Celorum candor (Vẻ huy hoàng của trờicao) vào giờ kinh chiều, vì lý do hai điệp ca này đều có đề cập đến sự hiện ra của thiên thần Seraphim và luôn luôn, khi bắt đầu hai điệp ca này, các anh em đều quỳ gối”.

J. Dalarun đã tìm thấy và xuất bản cuốn Cuộc đời được khám phá lại của đấng vô cùng vinh phúc Phan-xi-cô. Đây là một bản văn mà chính Tommaso da Celano phải tóm tắt Vita Prima của mình sao cho tốt nhất nhằm truyền bá những thông tinvề sự thánh thiện của Phan-xi-cô và ở đây cũng có một không gian rộng lớn dành cho việc tường thuật lại các dấu thánh (nn. 70-74).

Trong số rất nhiều lời chứng liên quan đến các  các dấu thánh trong những năm đầu tiên kể từ sau khi phong thánh có Truyện ký bằng thơ (Legenda versificata) của Erico di Avranches, được soạn thảo vào khoảng năm 1228-1230. Trong cuốn XII, tác giả mô tả ấn tượng về các dấu thánh (FFL, tr. 1197, câu 20-65). Đây chính xác sẽ là truyện ký, do được viết bằng thơ nên, đã góp phần không nhỏ vào việc ghi nhớ và truyền bá, đặc biệt ở cấp độ bình dân về cuộc đời của Thánh Phan-xi-cô.

Và sau này người ta cũng sẽ hát bài Laudi của Jacopone da Todi và các bài thánh ca của Dante Alighieri. Và không ai bỏ qua tầm quan trọng của Đại TruyệnTiểu truyện của anh Bonaventura da Bagnoregio: cả hai bắt đầu từ năm 1266 nhằm phổ biến cuộc đời của Thánh Phan-xi-cô Assisi. Ngay cả nghệ thuật phần lớn cũng được truyền cảm hứng từ hai tác phẩm này.

Trên hết, cuốn Tiểu Truyện (ad Usum chori), được soạn cho cử hành phụng vụ trong toàn thể Giáo Hội, cho phép chúng tabiến sự kiện các dấu thánh thành lời cầu nguyện. Trong số 63 bài đọc (‘lectiones’ ), dành để đọc trong tuần bát nhật (thường cửu nhật) kính Thánh Phan-xi-cô vào giờ kinh khai nhật (’Ufficio di Mattutino) có tám bài đọc trong đó chương thứ VI, tường thuật các dấu thánh, được dùng để đọc vào ngày thứ 6.  

9.     Âm vang đến “finibus terrae” và... vấn đề một số tin giả

Sự thật về các dấu thánh được lan truyền nhanh chóng: những lá thư tương tự của các đức giáo hoàng được gửi tới Phương Đông và Phương Tây, và phải công nhận rằng trong toàn thế giới Ki-tô Giáo, không có gì khác được nói đến ngoài các dấu thánh của Thánh Phan-xi-cô Assisi.

Cũng đã xảy ra trường hợp thông tin về các  các dấu thánh khi được truyền đến đây đến đó, đã bị bóp méo hoặc thêm thắt cùng với tin đồn. Chẳng hạn trường hợp trong quyển Biên niên sử về tu viện Saint Alban ở Anh Quốc, trong đó Roger ofVendower và Matteo Paris, các đan sĩ của cùng một đan viện, đã viết về Phan-xi-cô với nhiều nguồn tin đồn hơn là nguồn chính xác về lịch sử. Ruggero viết như sau: “Bấy giờ, mười lăm ngày trước khi qua đời, những vết thương xuất hiện trên cơ thể ngài (Phan-xi-cô), máu chảy liên tục ở tay và chân, giống như người ta đã thấy Đấng Cứu Chuộc thế gian khi bị treo trên cây khi những người Do Thái đóng đinh Người. Và người ta cũng có thể thấy bên sườn phải của ngài thường hở ra và rỉ máu. Một vết thương để lộ rõ ​​ những phần kín đáo và ẩn giấu nhất của lồng ngực. Do đó, không mấy ngạc nhiênnhiên khi có rất nhiều người đã tuôn đến với lòng ngưỡng mộ một con người với ân sủng khác thường như vậy.

Nhiều hồng y cũng đến gặp ngài và nhất quyết muốn biết ý nghĩa của hiện tượng trông thấy này. Phan-xi-cô trả lời: “Hiện tượng này đã xuất hiện trong tôi, đã được biểu lộ cho các ngài, cho những người mà tôi đã rao giảng về mầu nhiệm Thập Giá để mọi người tin vào Đấng đã dùng thập giá cứu thế gian. Tôi đã mang thập giá và các vết thương như các ngài đang thấy bây giờ, và cũng để các ngài biết rằng tôi là tôi tớ của Đấng mà tôi đã loan báo, đó là Đấng đã bị đóng đinh, đã chết và đã sống lại. Nhưng để tránh xa mọi sự mơ hồ và để các ngài kiên trì trong đức tin kiên định cho đến cùng, những vết thương mà giờ đây các ngài thấy đang hở ra và máu chảy trong da thịt tôi, ngay khi tôi chết, chúng sẽ có vẻ lành lặn và khép kín, đến nỗi chúng sẽ trông hoàn toàn giống với phần còn lại của da thịt tôi”. Và ngay sau đó, khi không còn bất kỳđau khổ về thể xác và không bị hành hạ nào của xác thịt, được giải thoát khỏi thể xác, linh hồn của Phan-xi-cô đã trở vềvới Đấng Sáng Tạo. Khi ngài qua đời, không có dấu hiệu nào của vết thánh nói trên ở cạnh sườn, tay hoặc ở bàn chânnữa” (FF, 2293-2294).

Những thông tin không chính xác về thời gian được in năm dấu thánh như: mười lăm ngày trước khi qua đời; câu hỏi của các hồng y về ý nghĩa của dấu thánh;  việc Phan-xi-cô giới thiệu về chính ngài (một điều không có gì ghê tởm hơn đối với Vị Thánh Nghèo); sự biến mất của  các dấu thánh sau khi chết, tất cả chúng chỉ là những tưởng tượng (chính xác hơn đó là tin giả) không được bất kỳ nguồn lịch sử nào khác cho biết.

Matteo Paris, người kế nhiệm Ruggero và như một phóng viên, đã đưa ra và làm vận hành một tin tức giả mạo nổi tiếng khác liên quan đến thời điểm phê duyệt luật Dòng của thánh Phan-xi-cô bởi Đức Innocent III: “Đức Giáo Hoàng, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng một mặt cho rằng người này trong bộ tu phục kỳ lạ, với khuôn mặt đáng khinh, bộ râu dài, mái tóc bù xù, lông mày đen và vẻ mặt khắc khổ; mặt khác là lời thỉnh cầu mà anh ta trình bày, quá khó và không thể thực hiện được theo quy định phán quyết thông thường, trong lòng đầy khinh bỉ, ngài nói với Phan-xi-cô: “Này anh bạn, hãy đi tìm những con lợn, ở đó anh bạn sẽ được tương xứng hơn là với những con người. Nào, hãy lăn mình xuống bùn cùng chúngvà thánh hiến chúng bằng lời giảng thuyết của anh bạn và hãy chỉ dạy chúng bằng bản luật mà anh bạn đã soạn thảo” (FF,2285).

Trong khi đó, các dấu thánh cũng đã trở thành vũ khí chống lại những kẻ dị giáo, một điều thay vì là một trò đùa đối với họ. Vào năm 1231, một nhà biên niên sử và nhà sử học tên là Luca di Tuy, giám mục thành Leon ở Castile, đã chống lại sự chế nhạo của người Albigensian bằng cách viết thư cho họ rằng: “Những gì đã được khẳng định trong truyện ký của Celano là hoàn toàn đúng sự thật. Khoảng năm mươi năm trước, nhiều tu sĩ, giáo sĩ, giáo dân, người thế tục, đã thật may mắn khi được chính tay mình cầm nắm, được tận mắt chứng kiến ​​và được làm nhân chứng về  các dấu thánh của đâng vinh phúc Phan-xi-cô” (BF, I, p. 213, note c).

Một tác phẩm có tầm quan trọng to lớn đối với việc truyền bá việc sùng kính các dấu thánh vào thời đó, qua nhiều thế kỷ và cả sau này nữa là Legenda Aurea của một anh em Đa Minh: Jacopo da Varazze (hay da Voragine). Anh đã tóm tắt cuộc đời của Phan-xi-cô cách vô cùng tráng lệ trong trọn chương thứ một trăm bốn mươi chín:

“Trong một thị kiến, người tôi tớ của Thiên Chúa là Phan-xi-cô nhìn thấy thiên thần Seraphim bị đóng đinh, người đã in các dấu của sự đóng đinh lên thân thể ngài... (tiếp đến là mô tả về các dấu thánh) rằng các dấu thánh này là tính xác thực được thể hiện rõ ràng qua nhiều phép lạ xảy ra sau khi người qua đời; ở đây thế là đủ để ghi nhớ....”

Cần lưu ý rằng Jacopo là người anh em Đa Minh và được thông tin đầy đủ về Dòng Phan-xi-cô: họ là hai Dòng tu song sinh giúp đỡ lẫn nhau ngay cả trong những vấn đề tranh cãi khác, đặc biệt là ở trường đại học.

Chúng tôi xin kết thúc phần công việc này bằng cách tuyên bố rằng sự kiện về các dấu thánh được ghi chép rất tốt về mặt lịch sử. Nếu sự kiện đó gây xôn xao như vậy vào thời điểm đó là vì các dấu thánh, và ngay lập tức đặt cuộc đời của Người Nghèo thành Assisi lên đỉnh cao của một nền linh đạo mới: đó là việc đến gần Thiên Chúa bằng tình cảm hướng tới nhân tính thánh thiện của Đức Giê-su.

Điều này cần một sự quan tâm cách đặc biệt đối với việc đọc lại các nguồn phan sinh cũng như từ các bậc thầy về đời sống tâm linh, những người mà đã từng bước, từng bước truyền cảm hứng cho vị thánh thành Assisi. Các dấu thánh xuất hiện như dấu ấn của Đấng Hằng Sống (Sigillo del Dio vivente)  trên lộ trình mới được nhập thể nơi Serafico, Vị Thánh Bổn Mạng của thành Assisi.



[1] Tên các vị này xin được giữ nguyên bằng tiếng Ý.

[2] Các nhà nghiên cứu cho rằng  trong tài liệu gốc này, ở đoạn này có một đoạn nào đó còn thiếu.

8-1724551246.jpg
19-1724551604.jpg
18-1724551630.jpg
Chia sẻ