Skip to content
Main Banner
Thánh Grêgôriô (03/09) - Thánh Gioan Kim Khẩu (13/09) - Suy tôn Thánh Giá (14/09) - Thánh lễ TRUYỀN CHỨC (15/09) - Thánh Cornêliô và Thánh Cyprian (16/09) - Thánh Phanxicô in 5 dấu - Thánh Lễ Khấn Trọng (17/09) - Thánh Giuse Côpetinô (18/09) - Thánh Andre Kim, Phaolô Chung (20/09) - Thánh Mátthêu (21/09) - Thánh Piô Piêtrenchina (PS) (23/09) - Thánh Vinhsơn Phaolô (27/09) - Thánh Têrêsa Hài Đồng (01/10) - Các Thiên Thần Hộ Thủ (02/10) - Tưởng niệm giờ Cha Thánh Phanxicô lâm chung (03/10) - Đại lễ Cha Thánh Phanxicô (04/10)
Ngôn ngữ

Chứng từ của “Celanense Corpus” về các dấu thánh của thánh Phanxicô

BTT OFMVN 00
2024-08-27 21:25 UTC+7 607
Xin giới thiệu đến quý độc giả một số bài nghiên cứu và thuyết trình tiếp theo của cha Rino Bartolini, OFM, về các dấu thánh của thánh Phanxicô, được cha FX. Đinh Trọng Đệ, OFM, biên dịch.

Giới thiệu chung

Trước hết chúng ta gặp phải khó khăn là Vị Thánh Nghèo Thành Assisi không bao giờ để rò rỉ, cả trong lời nói lẫn trong hành động, ngay trong trong các bản văn của mình về các dấu thánh hay kinh nghiệm ngài đã có được như thế nào trong khoảng hai năm cuối đời. Do đó:

- Những gì Celano đã nói với chúng ta về trải nghiệm của thánh Phan-xi-cô tại nguyện đường S. Damiano là vô cùng có giá trị:

“Phanxicô cảm thấy có sự biến đổi huyền nhiệm trong tâm hồn, nhưng không thể diễn tả được. Vì vậy, tốt hơn là chúng ta cũng không nên nói gì. Từ giây phút ấy niềm cảm thương đối với Đấng Chịu Đóng Đinh in sâu vào cõi lòng thánh thiện của chàng; và chúng ta có quyền tin rằng, cũng từ đó, năm dấu tích của Cuộc Khổ Nạn đã được in rất sâu trong tâm hồn, dầu chưa được ghi trên thân thể”  (2Cel 10).

- Mặt khác, ai cũng biết rằng tất cả các nhà thần bí đều gặp khó khăn trong việc diễn tả thành lời về kinh nghiệm mà họ có được bằng ngôn ngữ con người; Hơn nữa chúng ta làm sao có thể biết về kinh nghiệm của Phan-xi-cô khi ngài luôn cố gắng “giữ bí mật của nhà vua”.

- Những chứng từ mà chúng tôi trình bày, đối với chúng tôi là “cecuzienti” (những điều kín đáo), nên không gì khác hơn chúng chỉ là những cái thoáng qua của ánh sáng đến với chúng ta qua những vết thương trên thân thể của Thánh Phan-xi-cô. Một hình ảnh mà chúng ta tìm thấy trong cuộc đời của một vị thánh phan sinh khác đã được Phan-xi-cô gọi là: “Giám mục của tôi”, đó chính là Thánh An-tô Pa-do-va, câu chuyện về thần bí của ngài sẽ giúp chúng ta giải thích rõ hơn về điều mà chúng ta muốn nói. Thật vậy, truyện kể rằng: “Một lần kia khi đến một thành phố để rao giảng, An-tôn được một người dân địa phương đón tiếp và dành riêng cho ngài một một căn phòng riêng biệt với một nơi yên tĩnh để ngài có thể thinh lặng nghiên cứu và suy ngẫm. Trong khi An-tôn đang cầu nguyện một mình trong căn phòng yên tĩnh ấy, ông chủ nhà đến và để làm việc nhà. Trong khi ông ta nhìn về phía căn phòng của thánh An-tôn với lòng sùng kính và trân trọng trong lúc An-tôn đang cầu nguyện một mình. Lén nhìn qua cửa sổ, ông  thấy xuất hiện trong vòng tay của thánh Anthony một Hài Nhi xinh đẹp và vui tươi. Thánh nhân ôm lấy và hôn Hài Nhi cách sốt mến và chiêm ngưỡng khuôn mặt của Hài Nhi với lòng cảm mến không nguôi…” Cũng thế, ở đây, ngay cả những người bạn đồng hành với Thánh Phan-xi-cô, những người viết tiểu sử cổ xưa, cũng gần như cố gắng “nhìn trộm, do thám”, xuyên qua “vết nứt của Dấu thánh”, xuyên qua linh hồn của Vị Thánh Nghèo, qua trái tim của ngài để thông truyền lại cho chúng ta những gì họ có thể nắm bắt được và thưởng thức được nơi “bí tích của Dấu thánh” này.

- Chúng ta, những người đang sống cách xa tám thế kỷ, tin chắc chắn các sự kiện lịch sử phải được kiểm chứng cẩn thận khoa học, nhưng ý nghĩa của các dấu thánh buộc phải cần đến trung gian “đã được gẫm suy” bởi những nhân chứng cội nguồn. Do đó, chúng ta gặp nhau nơi cách giải thích mà cả Celano và Bonaventura cùng nhau đưa ra những chứng từ về sự kiện này.

- Thật may mắn cho chúng ta, những “vị trung gian” này là những người lành mạnh, thánh thiện, có học thức và nắm giữ chuẩn mực những phạm trù tâm linh và thần học phổ quát, cũng như có khả năng truyền tải đến chúng ta mùi hương của các dấu thánh thiêng liêng của Người nghèo thành Assisi. Tạ ơn Chúa tốt lành đã ban cho chúng ta có những anh em lúc ấy, đã ý thức ngay lập tức vieech thu thập và truyền lại cho chúng ta những điều mới mẻ nhất về những sự việc đã xảy ra.

Giờ đây chúng ta cùng tập trung vào những chứng tá của nguồn Celeno về năm dấu thánh của Cha Thánh Chí Ái.

1.     Đôi nét về Tomamaso da Celano

Tommaso da Celano, với nền giáo dục văn học và chú giải vững chắc, anh đã được chính Phan-xi-cô đón nhận giữa các anh em. Chúng ta thấy anh được sai đi truyền giáo nhiều nơi ở nước Đức. Có lẽ, anh đã vắng mặt ở Assisi khi Thánh Phan-xi-cô qua đời ngày 3 tháng 10 năm 1226. Nhận được sự quý trọng lớn lao từ Đức Giáo Hoàng Gregory IX cũng như từ anh Ê-li-a (Đại Diện Dòng): anh đã được ủy thác trách nhiệm thu thập các lời chứng về cuộc đời của vị Thánh Thành Assisi. Thật vậy, để phong thánh cho Phan-xi-cô (sẽ diễn ra năm 1228), cần phải có một tiểu sử về ngài. Do đó, anh Tô-ma đã chịu trách nhiệm viết về Đời sống của Đấng Chân phước Phan-xi-cô (hay còn gọi là Vita Prima) và chính tác phẩm này sẽ vẫn là cơ sở cho tất cả các tiểu sử sẽ viết tiếp sau này. Khoảng những năm 1247-1248, được sự ủy nhiệm của Anh Tổng Phục Vụ, Tô-ma, ngoài những gì đã trình ở quyển I, viết tiếp một quyển khác với những chứng từ mới, những chứng tá mới, bằng chứng mới về những phép lạ phong phú nhờ lời chuyển cầu của Thánh Nhân không chỉ nơi mộ của ngài mà hầu như đã lan ra khắp cả Châu Âu. Như thế, Tô-ma đã viết một tác phẩm mới với tựa đề: Memoriale nel desiderio dell’anima (hay Vita Seconda). Tiếp theo (khoảng năm 1250) anh Tô-ma đã viết quyển thứ 3 với tựa đề Khảo luận về các phép lạ.

Điều lưu ý là Anh Tô-ma đã nói về  các dấu thánh trong cả ba tác phẩm của mình. Với bối cảnh ra đời của ba tác phẩm này phần nào giúp chúng ta hiểu tốt hơn ý nghĩa của sự kiện thánh Phan-xi-cô được in năm dấu thánh.

2.     Từ Vita Prima của Tommaso da Celano

1Cel cho ta thấy có một sự phân phối ăn khớp giữ các phần với nhau. Trong phần đầu (quan trọng nhất) từ số 1-87, Tô-ma nhớ lại cuộc đời hoán cải, tường thuật các tình tiết, câu nói, lời dạy của Người Cha Chí Ái cho đến và bao gồm cả Cảnh Chúa giáng sinh tại Greccio. Phần thứ hai (số 88-118), anh tường thuật bối cảnh về việc Cha Thánh lãnh nhận Dấu Thánh: sự rút lui của Thánh Nhân tại ẩn viện La Verna, việc mở Phúc Âm về cuộc khổ nạn của Chúa Giê-su,  thị kiến về một con người trong hình dạng thiên thần Seraphim, hình tượng về các dấu thánh khi Phan-xi-cô cẩn thận giấu chúng, bệnh về mắt... cho đến khi trở về Porziuncola, cái chết của Phan-xi-cô, nước mắt của anh em và niềm vui khi nhìn thấy các Dấu Thánh, ý thức về dấu thánh, tình cảm của Thánh Phan-xi-cô dành cho Chúa Giê-su, việc chuyển thi hài Phan-xi-cô vềthành phố Assisi, điểm dừng ở San Damiano và việc an táng tại nhà thờ S. Giorgio. Phần thứ ba (số 119-151), nhiều tài liệu nhắc lại tiến trình phong thánh, việc phong thánh với tập hợp nhiều phép lạ (cả khi Phan-xi-cô còn sống hoặc sau khi chết), xảy ra qua trung gian của các dấu thánh.

2.1/ Một giấc mơ bừng cháy

Tô-ma có điểm xuất phát từ rất xa cho biến cố trọng đại năm dấu thánh. Thật vậy, lần đầu tiên anh đã đề cập đến các dấu thánh trong Vita Prima (Chương XXII, số 57). Phan-xi-cô lên đường đến Syria để loan báo Tin Mừng cho Quốc VươngHồi Giáo, được thúc đẩy bởi “niềm khát khao cháy bỏng” là được tử vì đạo. Phan-xi-cô đã không được chịu tử đạo, phải quay trở lại Ý. Phan-xi-cô không biết tương lai của mình, nhưng được hướng dẫn bởi đức tin và  bởi “mơ ước cháy bỏng”hiến mạng sống mình cho Chúa: “Tuy nhiên ngài không tìm thấy bình an bao lâu chưa thực hiện được nguyện ước thánh thiện của tâm hồn mình. Thế nên, vào năm thứ mười ba sau ngày trở lại, ngài lại xuống tàu đi Syria, nơi hằng ngày vẫn còn đang diễn ra cuộc chiến ác liệt và kéo dài giữa người Ki-tô hữu và người ngoại giáo. Ngài đem theo một bạn đồng hành và không ngần ngại lên đường đến trình diện vị Sultan của người Saracen.

Nhưng ai có khả năng để mô tả lòng vững vàng của thánh nhân khi đứng trước vị Sultan, cách ngài nói năng dũng cảm với ông ấy, cách đối đáp tự tin và đầy thuyết phục với những kẻ lăng nhục đạo Chúa Ki-tô? Thực vậy, lúc đầu trước khi gặp được quốc vương Hồi Giáo, ngài đã bị lính canh bắt giữ; chúng đánh đập, mạ lị ngài, song ngài không run sợ. Chúng dọa đem giết ngài, song ngài không nao núng; chúng dọa dùng cực hình tra tấn ngài song ngài không sờn lòng. Tuy bị nhiều con người có óc thù nghịch và thái độ chống đối hành hạ, nhưng ngài lại được quốc vương Hồi Giáo tiếp đón rất nồng hậu. Vị Sultan hết sức trọng vọng, ban nhiều phẩm vật cho ngài, qua đó cũng thử làm cho tâm hồn ngài hướng về của cải thế gian. Nhưng thấy ngài cương quyết khước từ tất cả, nhà vua hết sức thán phục và nhìn nhận ngài là một nhân vật phi thường. Nhà vua được các lời của thánh nhân đánh động và thích thú nghe lời ngài giảng. Nhưng cả đến lúc này Chúa cũng không cho thánh nhân được thoả lòng ước nguyện vì muốn dành cho ngài một đặc ân độc nhất vô nhị” (1Cel57).

2.2/ Đức Giêsu - Thiên Chúa trở thành con người

Tô-ma đứng trước tập phim Greccio và Verna với một lời giới thiệu rất quan trọng, đóng vai trò chìa khóa để hiểu của hai sự kiện này. Chúng là những từ đóng vai trò như một bản lề giữa cảnh Chúa giáng sinh (kết thúc phần đầu tiên của Vita Prima) và các dấu thánh (với sự mở ra phần thứ hai của Vita Prima).

-  “Ước nguyện cao cả nhất, mong muốn mãnh liệt và ý hướng lớn lao nhất của ngài là tuân giữ thánh Phúc Âm  trong mọi sự và mọi hoàn cảnh, sống theo lời dạy, và đi theo vết chân của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta cách trọn vẹn với tất cả nỗ lực, tất cả chú tâm, tất cả sự khao khát của tâm trí và nhiệt tình của trái tim. Ngài tưởng nhớ đến các lời Chúa dạy qua siêng năng suy gẫm, ôn lại các việc Chúa làm bằng chiêm nghiệm rất tinh tế. Đặc biệt sự khiêm nhường Chúa tỏ bày trong việc Nhập Thể và tình yêu Chúa tỏ bày trong cuộc khổ nạn thường chiếm tâm hồn ngài cách trọn vẹn đến mức khiến ngài hầu như không muốn nghĩ đến chuyện nào khác” (1Cel 84).

2.3/ Greccio và La Verna

Sự kết nối giữa Greccio và Verna được Tô-ma trình bày cho chúng ta có chủ ý gì? Sự suy niệm về Mầu Nhiệm Nhập Thể và Khổ Nạn của Chúa Giê-su không chỉ liên quan đến niềm tin vào nhân tính thánh thiện của Chúa Giê-su, nhưng trong Phan-xi-cô việc chiêm ngưỡng Trẻ Thơ Bê-lem liên quan đến cảm xúc dâng trào của ngài. Như thế, niềm tin này là nền tảng của con đường tâm linh mới mẻ được xác định và được thực hiện bởi Vị Thánh Nghèo thành Assisi. Khía cạnh này sẽ ngày càng trở nên trung tâm trong linh đạo Ki-tô Giáo Tây Phương. Thật vậy, Celano rất nhanh chóng, sau khi mô tả về bức chân dung thể chất và đạo đức của Phan-xi-cô, liền chuyển sang ngay mô tả những phẩm chất tâm hồn của Phan-xi-cô: những khao khát, những tình cảm của ngài. Đây chính là bối cảnh mà trong đó việc thiết lập nên cảnh máng cỏđược thuật lại. Cần lưu ý rằng ngay sau đó, Celano bắt đầu kể lại câu chuyện về năm dấu thánh:

-       “Vì vậy cần thành kính ghi nhớ việc ngài đã làm ở Greccio nhân ngày lễ Giáng Sinh, ba năm trước khi qua đời. Trong vùng ấy có một người tên là Gio-an, danh tiếng đã tốt, mà đời sống lại còn tốt hơn. Đấng vinh phúc Phan-xi-cô rất quí mến ông vì tuy dòng dõi quí tộc và rất có thế giá trong xã hội loài người, nhưng ông đã đạp dưới chân địa vị quí tộc theo xác thịt, và chỉ ao ước đạt được sự cao quí của tâm hồn. Như vẫn quen làm, chừng nửa tháng trước lễ Giáng Sinh, đấng vinh phúc Phan-xi-cô cho mời ông đến. Ngài nói với ông: “Nếu ngài muốn chúng ta cử hành thánh lễ mừng Chúa Giáng Sinh sắp tới tại Greccio, ngài nên mau đi trước chuẩn bị và cẩn thận những điều tôi dặn đây. Tôi ao ước diễn lại kỷ niệm về hài nhi sinh ra ở Bêlem và lấy đôi mắt trần của tôi nhìn xem đến mức tối đa các nỗi khó khăn túng thiếu của con trẻ, cảnh em bé nằm trong máng cỏ, ngủ trên cỏ khô, giữa một con bò và một con lừa”. Nghe xong các lời dặn dò, con người tốt lành và trung thành ấy, vội vã ra đi chuẩn bị mọi sự tại làng trên theo ý của thánh nhân” (1Cel 84)

-       “Ngày vui đã tới, thời gian hân hoan bắt đầu. Các anh em ở nhiều nơi khác được gọi đến tham dự. Dân chúng địa phương, cả nam lẫn nữ, nô nức như trong ngày hội, mỗi người chuẩn bị đuốc và nến tùy khả năng, để thắp sáng đêm ấy, là đêm đã được thấy mọc lên Ngôi Sao rực rỡ sáng soi mọi ngày mọi đêm. Thánh nhân tới, thấy mọi việc chu tất thì rất mừng. Người ta đã đặt một máng cỏ với cỏ khô, đã dắt đến một con bò và một con lừa. Tại đấy, đức đơn sơ được tôn vinh, đức khó nghèo được tán dương, và Greciô đã gần như trở thành một Bêlem mới. Đêm đen sáng tỏ như ban ngày, khiến cả loài người lẫn loài vật được hạnh phúc. Dân chúng từng đoàn lũ lượt kéo đến, và tâm hồn họ hớn hở một niềm vui mới trước mầu nhiệm mới. Rừng cây vang dội tiếng hoan ca, đồi núi vọng lại lời vinh chúc. Các anh em cất lời ca, dâng lên Chúa những lời ngợi khen xứng danh Người, và đêm ấy là đêm tràn đầy hoan lạc. Thánh nhân đứng trước máng cỏ, không ngớt thổn thức, lòng bồi hồi thương cảm, đồng thời chứa chan niềm vui khôn tả. Các nghi thức long trọng của thánh lễ được cử hành bên trên máng cỏ, và vị linh mục chủ tế được hưởng một niềm an ủi mới mẻ” (1Cel 85).

-       “Đấng thánh của Thiên Chúa mặc phẩm phục phó tế vì đã nhận chức ấy. Ngài cất tiếng sang sảng hát bài Phúc Âm. Giọng ngài mạnh mẽ, truyền cảm, rõ ràng, vang dội, mời gọi cộng đoàn mở rộng tâm hồn đón nhận ân huệ cao cả nhất. Rồi ngài giảng cho dân chúng đứng chung quanh, tuôn những lời ngọt ngào như mật ong để nói về biến cố Giáng Sinh của đức Vua nghèo khó và làng Bê-lem bé nhỏ. Nhiều lần thánh nhân gọi Chúa Ki-tô là “Hài nhi Bê-lem” với tấm lòng cháy lửa tình yêu nồng nàn. Ngài phát âm hai chữ “Bêlem” theo cách chiên kêu be be. Khi ấy miệng ngài đầy âm thanh, nhưng còn đầy tình âu yếm hơn nữa. Có vẻ như ngài đưa lưỡi liếm môi mỗi khi nói đến tên “Giê-su” hoặc “Hài nhi Bê-lem”, vui mừng thưởng thức trong cổ và nuốt lấy vị ngọt toát ra từ những chữ ấy.

Đấng Toàn Năng tuôn đổ nhiều ơn xuống nơi ấy, và một người đạo đức đã được Chúa ban cho một linh kiến lạ lùng. Ông thấy một hài nhi nằm bất động trong máng cỏ, rồi thấy thánh nhân tới gần đánh thức hài nhi đang ngủ li bì. Linh kiến ấy thật phù hợp, bởi vì Hài Nhi Giê-su đã bị chìm vào quên lãng trong lòng nhiều người. Nay, do tác động của ơn thánh, Người lại được đánh thức và ghi khắc vào ký ức trìu mến của họ, thông qua tôi tớ thánh thiện của Người là Phan-xi-cô. Đại lễ đêm Giáng Sinh bế mạc, mọi người ra về hân hoan” (1Cel 86).

2.4/ Sự “minh triết” của thánh Phan-xi-cô

Cảnh Chúa giáng sinh ở Greccio bắt nguồn từ lễ Giáng Sinh năm 1223, sự kiện La Verna bắt nguồn từ tháng 9 năm 1224: 10 tháng sau. Con đường tâm linh của Phan-xi-cô tiếp tục bận tâm tìm kiếm sự hoàn thiện Phúc Âm.

Trong các đoạn trình thuật sau đây có một số yếu tố đánh dấu đậm nét cấu thành một cách rõ ràng sự “minh triết của Thánh Phan-xi-cô”: “Lòng chứa chan tình yêu nồng nàn, ngài đã quyết dõi theo con đường hoàn hảo, cố vươn lên đến đỉnh cao của sự thánh thiện trọn lành, và đã thấy được cùng đích của mọi toàn hảo” (1Cel 90).

Trong hành trình tìm kiếm, Phan-xi-cô luôn được hướng dẫn bởi một tình yêu mãnh liệt “và đây luôn là sự minh triết duy nhất của ngài” (1Cel 91):

-       “Ở đó một thời gian, qua cầu nguyện và chiêm niệm không ngừng, ngài đã có thể sống thân mật với Thiên Chúa ở mức khôn tả. Ngài ước ao được biết những gì đã hoặc có thể làm đẹp lòng Đức Vua muôn thuở hơn cả, nơi bản thân và trong cuộc sống của mình. Ngài đem hết trí khôn tìm kiếm và đem hết tâm hồn sốt sắng để biết xem bằng cách nào, bằng con đường nào, và với lòng ao ước ra sao, ngài có thể gắn bó trọn vẹn hơn với Chúa, theo như ý Chúa định. Suốt cuộc đời của ngài, minh triết tối thượng là thế, nguyện ước tột bậc nung nấu con tim ngài là thế. Ngài bàn hỏi người thông thái lẫn người ít học, người toàn thiện lẫn kẻ bất toàn, để tìm ra con đường chân lý, và đạt đến mục đích cao cả ngài đã nhắm (1Cel 91).

-       “Mặc dù là người hoàn thiện nhất trong những người hoàn thiện, ngài vẫn không nghĩ mình đã hoàn thiện, lại còn tự coi mình là kẻ bất toàn nhất. Quả vậy, ngài đã được nghiệm xem Thiên Chúa Israel tốt lành, ngọt ngào, êm dịu biết mấy đối với những ai có lòng ngay thẳng và kiếm tìm Người với một trái tim đơn sơ và trong sạch.

Thánh nhân đã cảm nhận được một sự ngọt ngào và vui thỏa từ trời cao tuôn đổ xuống tâm hồn mình, một cảm nhận ít khi ban cho ngay cả một số ít. Lòng ngài tràn ngập niềm hân hoan đến mức ngài khao khát bằng mọi cách làm sao được đến ở hẳn nơi mà ngài mới chỉ đến được trong khoảnh khắc xuất thần. Được Thánh Thần Chúa thúc đẩy, con người ấy sẵn sàng đón nhận mọi đau đớn trong tâm trí, mọi cực hình ngoài thân thể, miễn là được thấy thánh ý Cha trên trời thể hiện nơi mình.

Vì thế, một hôm ngài đến trước bàn thờ trong ẩn viện ngài đang cư ngụ, cầm lấy quyển sách chép các bài đọc Phúc Âm cung kính đặt lên đó. Rồi ngài phủ phục cầu nguyện cùng Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót và là Đấng ban phát mọi niềm an ủi, nài xin Chúa khấng tỏ bày thánh ý qua lần mở sách Phúc Âm đầu tiên. Thánh nhân khẩn khoản xin Thiên Chúa cho biết phải làm gì để hoàn tất công cuộc đã khởi sự cách đơn sơ và nhiệt thành. Trong việc này ngài làm theo tinh thần của những con người thánh thiện và đạo đức, vì như chúng ta đọc thấy, các vị ấy cũng đã hành động tương tự với lòng sốt mến chân thành trong nguyện ước nên thánh (1Cel 92).

-       “Cầu nguyện xong, ngài đứng lên, làm dấu Thánh Giá với lòng khiêm cung và thống hối, rồi đỡ quyển Phúc Âm xuống, cung kính mở ra. Đoạn đầu tiên ngài gặp là bài Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta. Chỉ một điều này đã cho biết ngài sẽ phải chịu đau khổ. Tuy nhiên, để ta khỏi nghĩ rằng sự chỉ dẫn ấy là do ngẫu nhiên, ngài mở sách lần thứ hai, rồi lần thứ ba, cả ba lần đều gặp đúng đoạn ấy hoặc đoạn khác có ý nghĩa tương tự. Lúc ấy con người đầy thần khí của Thiên Chúa hiểu rằng ngài chỉ được vào Nước Trời sau khi kinh qua nhiều thử thách, gian truân và chiến đấu. Người chiến sĩ anh dũng không hề nao núng trước các trận chiến gần kề, cũng không hề nản chí vì phải giao tranh trong các cuộc chiến của Chúa  giữa thế gian.

Ngài không sợ phải thua kẻ địch vì đã từng đấu tranh lâu dài quá sức chịu đựng loài người để khắc phục bản năng. Tâm hồn ngài hăng say đến mức, nếu trong những thời trước có thể tìm thấy một người có quyết tâm lớn như ngài, nhưng ước ao mãnh liệt thì không có ai hơn. Đối với ngài, thực hành dễ hơn là nói về điều trọn hảo. Ngài luôn chứng tỏ lòng nhiệt thành và quyết tâm bằng những việc thánh thiện, chứ không bằng nói suông, vì lời nói chỉ nêu lên chứ không thực hiện điều tốt lành. Do đó ngài thanh thản và vui tươi, trong lòng vang lên những khúc hoan ca, hát cho chính mình và cho Thiên Chúa. Bởi vì ngài đã sung sướng như vậy khi được một mặc khải bé nhỏ, nên đã đáng được Chúa ban cho một mặc khải lớn lao hơn, y như người tôi tớ đã trung thành trong các việc nhỏ nên đã được chủ trao phó cho những việc lớn lao hơn” (1Cel 93).

2.5/ “Bí tích” các Dấu Thánh

Tiến gần đến thời điểm Phan-xi-cô nhận được ghi năm Dấu Thánh, Celano giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của biến cố nàybằng cách nhắc nhớ chúng ta rằng, sự kiện nói chung và các dấu thánh riêng vẫn là “misterium-sacramentum”. Đây là mộtthuật ngữ lấy từ Thư gửi tín hữu Ê-phê-sô 5,32 khi thánh Tông Đồ Phao-lô nói về sự kết hợp vợ chồng như một “bí tích”. Ngôn ngữ này định hướng chúng ta hiểu biết về sự kiện  và các dấu thánh theo hướng “hôn nhân thần bí” mà sau Phan-xi-cô, các nhà thần bí sẽ dùng và mô tả trải nghiệm thần bí trong đời sống tâm linh. Cách so sánh này đã được Phan-xi-cô dùng khi viết trong Thư gửi tất cả các tín hữu: “… Gửi tới tất cả những ai... Những anh chị em nào thực hành như thế và kiên trì đến cùng, thì Thánh Khí Chúa sẽ ngự xuống trên họ và biến họ thành ngôi nhà và chốn cư ngụ của Người.  Họ sẽ là con cái của Cha trên trời và thực hiện công việc của Người. Họ là bạn trăm năm, là anh chị em và là mẹ của Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta là bạn trăm năm, khi linh hồn đầy đức tin của chúng ta được Chúa Thánh Thần liên kết với Chúa Giê-su Ki-tô” (2TTH 51-52).

Đối với Đức Phan-xi-cô, “hôn ước” (sự kết hợp sâu thẳm và chân thật) giữa tâm hồn của chúng ta với Chúa Ki-tô luôn được chủ trì bởi chính Chúa Thánh Thần: đến mức mà Vị Thánh Nghèo thành Assisi diễn tả chúng một cách không do dự rằng chúng ta là người phối ngẫu “của Chúa Ki-tô” hay “của Chúa Thánh Thần”. Dấu hiệu của Cuộc Khổ Nạn chứng tỏ sự cao cả và đặc quyền của tình yêu mà người phối ngẫu là Thiên Chúa thực hiện bản thiết kế huyền nhiệm của Ngườitrên

Phan-xi-cô: một thiết kế vượt qua chính tự bản thân Phan-xi-cô: “Cuộc đời ngài tỏ lộ một cách sáng ngời hơn sự hoàn hảo của các thánh thời trước. Cuộc Khổ Nạn của Đức Giê-su Ki-tô và cây Thánh Giá của Người cho thấy rõ điều ấy. Quả vậy, Cha Thánh vinh hiển của chúng ta được ghi dấu Cuộc Khổ Nạn và cây Thánh Giá trên năm phần của thân thể, y như ngài đã chịu đóng đinh vào thập tự giá cùng với Con Thiên Chúa. Mầu nhiệm này thật lớn lao, và chứng tỏ sự cao cả của một tình yêu đặc biệt (sacramentum hoc magnum est et praerogativae dilectionis indicat maistatem). Nhưng ở đây cũng có ẩn chứa một bí mật, một mầu nhiệm đáng sợ, mà chúng tôi nghĩ chỉ mình Thiên Chúa biết, tuy cũng đã được thánh nhân hé mở phần nào cho một người duy nhất. Vì vậy, ra sức ca ngợi ngài là điều vô ích, bởi vì ngài đã được tôn vinh bởi chính Đấng là nguồn gốc và vinh dự của mọi người, Đấng ban các ân huệ ánh sáng. Chúc tụng Thiên Chúa chí thánh, chân thật và vinh hiển. Bây giờ chúng ta hãy trở lại với câu chuyện của chúng ta” (1Cel 90).

2.6/ Tường thuật về một sự kiện tuyệt vời

Trong phần đầu của bản văn được trình bày dưới đây, Celano nhấn mạnh đến những “yếu tố thần bí”, những cảm xúc tại thời điểm xảy ra biến cố được in năm dấu thánh mà Vị Thánh Nghèo phải trải qua: niềm vui và nỗi cay đắng đan xen với nhau. Niềm vui đến từ việc Thiên Chúa đối xử quá tốt lành và thương xót (benigno et gratioso respectu) và đến từ “vẻ đẹp vô giá” (pulchritudo inaestimabilis nimis) của Chúa Ki-tô. Nhưng Phan-xi-cô cũng trải qua nỗi “kinh hoàng, hoang mang tinh thần” trước Đấng Chịu Đóng Đinh và từ Cuộc Khổ Nạn đầy cay đắng của Chúa.

Trong phần thứ hai của bản văn, Tô-ma tập trung mô tả về Dấu Thánh và phần thứ ba, anh nói với chúng ta về mong muốn “bảo vệ bí mật của nhà vua” của thánh Phan-xi-cô.

-       “Khi đang trú ngụ tại ẩn viện, gọi theo địa danh là ẩn viện La Verna, hai năm trước khi linh hồn về trời, trong một linh kiến của Thiên Chúa, ngài thấy một người, giống như thiên thần Sốt Mến có sáu cánh, hiện ra trên không trung trước mặt ngài, hai tay dang ngang, hai chân chụm lại, trong tư thế bị đóng đinh. Hai cánh đưa cao trên đầu,hai cánh dang rộng để bay, hai cánh cuối cùng phủ kín thân thể. Thấy cảnh tượng ấy, lòng người tôi tớ của Đấng Tối Cao rất đỗi ngưỡng mộ cảm phục, nhưng không hiểu điều này muốn nói gì với mình. Ngài rất vui mừng và sung sướng thấy Thiên Thần Sốt Mến đang nhìn mình bằng đôi mắt hiền từ và trìu mến. Thiên Thần Sốt Mến có một vẻ đẹp phi thường, nhưng cảnh thiên thần bị đóng đinh và đang phải đau đớn quằn quại làm cho ngài kinh hoàng. Thánh nhân chỗi dậy, vừa buồn vừa vui, đau đớn và vui mừng nối tiếp nhau trong lòng ngài. Ngài lo lắng suy nghĩ xem linh kiến muốn nói gì với mình, và tâm trí ngài bồn chồn muốn hiểu ý nghĩa.

Trong khi trí khôn vẫn chưa hiểu được điều gì rõ ràng, và tâm hồn còn choáng ngợp vì linh kiến mới lạ đó, trên hai tay hai chân ngài đã bắt đầu hiện lên những dấu đinh, giống như ngài mới thấy trên thân thể của con người chịu đóng đinh (1Cel94).

-       “Bàn tay bàn chân của ngài tựa hồ bị đinh đâm thâu ngay chính giữa, đầu đinh nổi rõ trên lòng bàn tay và mu bàn chân, mũi đinh xuyên qua bên kia. Các dấu đinh trong lòng bàn tay thì tròn, nhưng trên mu bàn tay thì hình bầu dục, nhô lên trên phần thịt chung quanh, giống như mũi đinh bị đóng gập xuống. Trên hai bàn chân, các dấu đinh cũng hiện lên như vậy, nổi lên trên phần thịt chung quanh. Bên cạnh sườn phải, có một vết sẹo dài, giống như bị lưỡi đòng đâm thủng. Máu từ đó thường rỉ ra, làm cho áo ngoài và áo trong thấm máu châu báu của ngài.

Suốt thời gian người tôi tớ chịu đóng đinh của Chúa Giê-su chịu đóng đinh còn tại thế, tiếc thay chỉ có một số ít người được diễm phúc xem thấy vết thương linh thiêng bên cạnh sườn. Phúc cho anh Ê-li-a, đã tìm được cách để xứng đáng nhìn thấy vết thương, khi thánh nhân còn sống. Anh Rufino cũng may mắn không kém vì là người tận tay chạm đến.Ngày kia, trong khi xoa bóp trên ngực thánh nhân, anh tuột tay và vô tình chạm vào vết thương quí trọng ở bên cạnh sườn phải. Ngay khi anh chạm đến, thánh nhân nhói đau và đẩy tay anh ra, miệng kêu cầu xin Thiên Chúa tha cho mình.

Ngài rất thận trọng che dấu các thương tích, đối với anh em cũng như đối với người ngoài. Chẳng thế mà chính những anh em thân cận cũng như các môn đệ thân tín nhất của ngài, mãi về sau mới biết.

Mặc dầu thấy mình được gắn vào mình những biểu chương qúi giá như bảo ngọc, và được ban tặng vinh quang và danh dự vượt trên mọi người khác, tâm hồn người tôi tớ cũng là người bạn của Đấng Tối Cao chẳng hề kiêu hãnh. Ngài không hề khoe khoang ân huệ ấy với bất cứ ai do ham muốn hư danh. Trái lại ngài tìm mọi cách để che các dấu ấy đi, sợ rằng nếu được thế gian khâm phục thì sẽ mất ân sủng Chúa ban cho mình” (1Cel 95).

-       “Thực vậy, ngài không bao giờ hoặc ít khi cho ai biết những bí mật quan trọng của mình. Ngài sợ rằng do sự tiết lộ của những người bạn thân thiết, mà những người được ưu ái thường hay làm như thế, ngài sẽ mất đi một phần nào ân huệ Chúa đã ban cho mình. Thánh nhân luôn tâm niệm trong lòng và thường nhắc ngoài miệng câu Thánh vịnh: Lời Chúa hứa, lòng con ấp ủ - Để con không bao giờ bội nghĩa bất trung.

Hễ khi nào có người thế gian đến gặp mà ngài không muốn trò truyện, ngài ước định với anh em: hễ thấy ngài đọc câu thánh vịnh ấy thì anh em tìm cách lịch sự tiễn khách ra về. Qua kinh nghiệm của bản thân, ngài biết rằng đem mọi sự mà tiết lộ cho mọi người là điều rất tai hại, và ngài hiểu rằng kẻ nào không có những điều bí ẩn bên trong tâm hồn sâu sắc hơn và nhiều hơn những điều thấy được ngoài mặt, kẻ nào mà người đời có thể đánh giá bất cứ cách nào theo sắc diện, kẻ ấy không thể là người thiêng liêng. Ngài đã gặp một số người, bề ngoài thì tán thành nhưng trong bụng lại phản đối, trước mặt thì hoan hô nhưng sau lưng lại nhạo cười. Những người ấy chuốc lấy án phạt cho mình  và làm cho những người ngay chính cũng một cách nào đó trở thành đáng ngờ. Sự nham hiểm quả hay tìm cách bôi nhọ lòng chân thành và bởi chưng tật gian dối đã trở nên phổ biến trong xã hội, thế nên dẫu gặp một thiểu số người chân thật, người ta cũng không tin” (1Cel 96).

2.7/ Giờ lâm chung hồng phúc của người nghèo được in năm dấu thánh

Vào lúc lìa trần,  các dấu thánh hiển hiện với mọi người như vị Thánh thành Assisi đã đạt được “một sự Ki-tô hóa” đầy đủ. Đám đông tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi

về những gì Người đã thực hiện, đồng thời cũng tràn đầy hân hoan vì nơi Phan-xi-cô đã đạt được sự hợp tác trọn vẹn với ân sủng của Thiên Chúa: và điều này trở thành niềm hy vọng cho mọi tín hữu. Celano “trưng bày” trước mọi người thi thể của Phan-xi-cô với sự linh hoạt của một đứa trẻ đang ngủ và với  các dấu thánh vẫn còn sống, từ nơi thân xác này, đưa mọi người trở lại với việc tháo xác Chúa Giê-su trên thập giá xuống.

-       “Khi Thánh Phanxicô qua đời, thiên hạ tuôn đến rất đông, người người chúc tụng Thiên Chúa và nói:Lạy Chúa, ngợi khen và chúc tụng Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì mặc dù chúng con bất xứng, Chúa đã ban chúng con một của châu báu quí giá dường ấy! Xin dâng lên Chúa lời chúc tụng và ngợi khen, lạy Thiên Chúa Ba Ngôi nhiệm mầu!” Toàn thành Assisi đồng loạt kéo xuống và dân trong cả vùng đổ xô đến để chiêm ngắm các kỳ công mà Thiên Chúa là Đấng Chủ Tể oai phong rạng rỡ đã thực hiện nơi tôi tớ của Người. Niềm vui trong lòng mỗi người bật lên thành bài hoan ca. Họ cất lời chúc tụng Đấng Cứu Độ toàn năng vì đã được thỏa nguyện. Nhưng con cái của thánh nhân thì đau buồn vì mất một người cha cao cả như vậy. Tấm lòng thảo hiếu biểu lộ qua lời than và nước mắt.

Tuy nhiên, nỗi sầu thương được một niềm vui phi thường làm vơi dịu! Một phép lạ mới làm cho lòng trí họ sững sờ. Lời than vãn biến thành lời ca, tiếng khóc thương biến thành tiếng reo mừng. Họ chưa hề nghe nói đến, chưa hề đọc thấy trong Sách Thánh điều mắt họ đã có thể nhìn thấy: họ sẽ khó lòng chấp nhận nếu không thấy bằng chứng hiển nhiên như vậy. Thực vậy, nơi thân mình đấng thánh hiện rõ hình dạng cây Thánh Giá và cuộc Khổ nạn của Chiên Con vô tì tích  đã rửa sạch tội ác trần gian. Tưởng đâu như xác ngài vừa được tháo từ thập giá xuống, tay chân bị đinh đâm thủng, sườn hữu như bị lưỡi giáo đâm thâu qua.

Họ nhìn xem thi thể của ngài thì thấy trước đây nước da đen sạm bây giờ trắng ngời, và qua vẻ đẹp ấy, báo trước phần thưởng hồng phúc sống lại. Họ thấy khuôn mặt ngài giống khuôn mặt của một thiên sứ, như thể ngài đang còn sống chứ chưa chết. Tứ chi lại trở nên mềm mại như chân tay trẻ thơ vô tội. Gân không co rút như thường tình đối với người chết, da không khô, khớp xương không cứng, người ta có thể co duỗi chân tay của ngài cách dễ dàng” (1Cel 112).

-       “Mọi người đều thấy thân xác ngài bây giờ ngời sáng một vẻ đẹp lạ lùng và da thịt trắng hơn lúc trước. Nhưng kỳ diệu hơn nữa là họ được nhìn thấy ở giữa hai tay và hai chân ngài không chỉ là các lỗ đinh, mà là chính những cây đinh kết tạo bằng các thớ thịt của ngài, màu nâu sẫm như sắt, và cạnh sườn phải của ngài nhuốm máu đỏ. Các dấu chứng tử đạo ấy không làm cho người xem kinh sợ, trái lại tạo nên một vẻ đẹp và thu hút lớn lao, giống như những viên huyền ngọc cẩn trên nền đá trắng.

Anh em và con cái ngài chạy đến bên ngài, nước mắt đầm đìa, hôn kính tay, chân và cạnh sườn phải của người cha đã đi xa. Vết thương này khiến anh em nhớ tới Đấng đã đổ máu và nước từ chính cạnh sườn mình để giao hòa loài người với Chúa Cha. Được nhận cho hôn kính, thậm chí chỉ cần được nhìn thấy các dấu thánh của Chúa Giê-su Ki-tô mà Thánh Phan-xi-cô mang trên mình, đối với dân chúng đã là một hồng phúc lớn lao.

Trước quang cảnh này, xin hỏi ai là người lại khóc lóc chứ không hân hoan? Và nếu có khóc thì chẳng phải vì sung sướng hơn là vì sầu thương sao? Có trái tim đồng tim sắt nào lại không xúc động? Có trái tim chai đá nào lại không vỡ ra vì thống hối, không cháy bừng lửa yêu mến của Thiên Chúa, hay không được củng cố trong thiện chí? Ai có thể chậm trí hoặc u mê đến nỗi không nhận ra sự thật hiển nhiên? Một đấng thánh, khi còn tại thế đã được vinh dự Thiên Chúa ban cho đặc ân độc nhất như vậy, tất phải được hưởng vinh quang huy hoàng khôn tả trên trời (1Cel 113).

2.8/ Bài ca tụng các dấu thánh

Trong bài thánh ca này, Celano thể hiện sự hiểu biết sâu sắc nhất của mình ý nghĩa của “bí tích” trong  các dấu thánh của Người Nghèo thành Assisi: nó là một thể loại kinh cầu để tôn kính các Dấu Thánh. Chúng là những “vũ khí” vinh quang của Chúa Ki-tô; là “bí tích tuyệt diệu”. Trong phần cuối của văn bản, Celano phác thảo một giải thích về sáu cánh của Seraphim, và điều này sẽ được phát triển hơn nữa bởi những người viết tiểu sử khác, đặc biệt là thánh Bonaventura. “Ôi Phan-xi-cô! Ôi ân huệ độc nhất! Ôi dấu chỉ một lòng yêu thương đặc biệt!  “... những chiếc lông trên đôi cánh tình yêu của Chúa, Đấng đã yêu ngài”...

Chúng tôi xin trích những đoạn văn về lời cầu nguyện của Celano tới Phan-xi-cô năm dấu và đoạn nói về sức mạnh chuyển cầu của Cha Thánh nhờ các Dấu Thánh.

Cuối cùng, Celano giới thiệu cho chúng ta con đường phong thánh long trọng cho Vị Thánh Nghèo thành Assisi.

-       “Ôi ân huệ độc nhất! Ôi dấu chỉ một lòng yêu thương đặc biệt! Người chiến sĩ được trao tặng những huy hiệu vinh quang mà chỉ một mình Đức Vua uy quyền mới được mang! Ôi phép lạ đáng được loài người mãi mãi ghi nhớ! Ôi dấu tích thần thiêng chúng ta phải không ngớt tôn kính! Dấu lạ này tái hiện cho con mắt đức tin mầu nhiệm máu của Chiên Con không tì ố  đã tuôn tràn ra từ năm dấu thánh để xóa tội trần gian. Ôi vẻ đẹp cao vời của cây Thánh Giá hằng sinh, có sức làm cho kẻ chết sống lại! Sức nặng của cây Thánh Giá lại đè lên cách nhẹ nhàng và êm ái đến mức khiến xác thịt đã chết được phục sinh, tinh thần yếu đuối được vững mạnh. Thánh Giá đem lại vinh quang rực rỡ biết bao cho con người đã hết lòng yêu mến Thánh Giá!

Xin tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa, là Đấng duy nhất khôn ngoan. Người luôn ban những dấu lạ mới và thực hiện những điềm thiêng mới để an ủi tâm hồn yếu đuối bằng những mặc khải và lấy những việc kỳ diệu nhãn tiền để nâng tâm hồn họ lên cao, cho họ biết yêu mến những sự vô hình. Ôi sự sắp đặt của Thiên Chúa kỳ diệu và đáng mến biết bao! Để ta không nghi ngờ chút nào về phép lạ mới mẻ này, trước hết Người đã cho hiển hiện nơi Đấng bởi trời, rồi sau đó thể hiện cách lạ lùng nơi con người sống ở trần gian. Chúa Cha nhân từ muốn cho ta thấy phần thưởng xứng đáng Người dành cho ai ra sức yêu mến Người hết lòng. Người ấy xứng đáng được đặt gần kề bên Người, thuộc phẩm trật cao nhất giữa các thiên thần.

Chắc chắn chúng ta cũng sẽ có thể lên đến những đỉnh cao đó nếu chúng ta, như các thiên thần Sốt Mến, dang hai cánh trên đầu, nghĩa là biết noi gương Thánh Phan-xi-cô giữ ý hướng trong sáng và cách cư xử ngay chính trong mọi việc lành, và qui hướng các việc lành ấy về Thiên Chúa, không ngừng ra sức làm đẹp lòng một mình Người trong mọi sự. Hai cánh ấy tất phải chắp lại để che đầu, bởi chưng Thiên Chúa là Cha mọi nguồn ánh sáng sẽ không chấp nhận việc làm của chúng ta là ngay chính nếu không có ý hướng trong sáng. Người đã phán dạy: “Nếu mắt ngươi trong sạch thì toàn thân ngươi sáng láng; nhưng nếu mắt người xấu xa thì toàn thân ngươi sẽ ở trong tối tăm”Mắt không trong sạch nếu nó không thấy điều phải thấy, vì khi ấy nó không biết sự thật, hoặc nhìn xem điều chẳng nên xem, vì khi ấy nó không có ý hướng trong sáng. Một tâm trí cởi mở tất nhận thấy rằng trong trường hợp thứ nhất, mắt không trong sạch, mắt bị lòa, trong trường hợp thứ hai, mắt xấu xa. Lông vũ của cặp cánh này là tình yêu đối với Chúa Cha, đấng nhân từ cứu độ loài người, và lòng kính sợ đối với Đấng Thẩm Phán uy nghi. Hai cánh ấy giúp cho kẻ được tuyển chọn vươn lên trên hết mọi sự thế gian, kềm chế các tư tưởng gian tà và ổn định các tình cảm thanh khiết.

Hai cánh dang ra để bay là hai mặt của đức ái đối với tha nhân, tức là bồi bổ tâm hồn họ bằng Lời Chúa, và nuôi dưỡng thân thể họ bằng các sự giúp đỡ vật chất. Đôi cánh này rất ít khi chắp lại, bởi chưng một người khó có thể chu toàn được cả hai việc trên. Lông vũ của cặp cánh là những việc cần làm để khuyên nhủ và giúp đỡ tha nhân.

Hai cánh cuối cùng dùng để che tấm thân không có công trạng. Mỗi khi phạm tội, thân xác bị lột trần, nhưng lại được mặc lấy sự vô tội qua lòng thống hối và việc xưng tội. Lông vũ của cặp cánh là những tâm tình phát sinh từ việc chê ghét sự tội và khao khát sự công chính” (1Cel 114).

-       “Tất cả những điều nói trên, Thánh Phan-xi-cô đã thực thi trọn vẹn. Ngài đồng hình và đồng dạng với thiên thần Sốt Mến và gắn chặt vào cây Thánh Giá, ngài xứng đáng được nâng lên tới tận hàng ngũ cao nhất giữa các vị thần thiêng. Quả vậy, ngài luôn ở trên Thánh Giá, không tránh né bất cứ nỗi khổ đau khốn cực nào, nên có thể chu toàn tất cả những gì Chúa nơi ngài và về ngài” (1Cel 115).

-       “Giờ đây, lạy Cha rất thánh và đầy ơn phúc, con đã dùng những lời khen ngợi tuy còn thiếu nhưng chính đáng và phải lẽ để nói về Cha, tạm ghi lại các việc công đức của cha. Cúi xin Cha khấng ban cho con là kẻ hèn mọn này ơn được đi theo Cha cách xứng đáng ở đời này, hầu được Thiên Chúa từ bi cho gặp Cha đời sau.

Ôi Cha nhân lành, xin hãy nhớ đến đoàn con đáng thương. Cha là nơi nương tựa độc nhất của chúng con. Vắng Cha, giờ đây chúng con khó mà còn nguồn an ủi khác. Bởi chưng, trong khi Cha được gia nhập ca đoàn các thiên thần và được đặt ngự trên ngai vinh quang cùng với các thánh Tông Đồ, đoàn con Cha vẫn còn nằm trong chốn bùn nhơ, bị giam cầm trong ngục tù tăm tối. Chúng con khóc lóc kêu lên: “Lạy Cha, xin Cha hãy nêu lên trước toà Chúa Giê-su Ki-tô, Con Chúa Cha tối cao, năm dấu thánh của Người mà Cha mang trên mình; xin Cha hãy nêu lên các dấu ấn của cây Thánh Giá trên hai tay, hai chân và cạnh sườn của Cha, để chính Người cũng đoái thương mà nêu các vết thương của Người cho Chúa Cha, ngõ hầu khi thấy các vết thương ấy, Chúa Cha luôn mãi tỏ lòng thương xót chúng con trong cơn gian nan khốn khó. Amen! Xin được như vậy! Xin được như vậy!” (1Cel 118).

-       “Cha Thánh Phanxicô vinh hiển của chúng ta đã về trời, hai mươi năm sau ngày hoán cải. Ngài đã khởi đầu tốt đẹp, và kết thúc còn tốt đẹp hơn nữa. Ở trên trời, ngài lãnh nhận triều thiên vinh quang và danh dự, và được ban cho một chỗ giữa những tảng đá hỏa hào. Ngài đứng cạnh ngai tòa Thiên Chúa, quan tâm giúp đỡ cách hữu hiệu cho đoàn con để lại dưới thế. Thiên Chúa có thể từ chối ngài điều gì? Được in năm dấu thánh, ngài phản chiếu hình ảnh của Con Một Duy nhất, Đấng ngang hàng với Chúa Cha, Đấng ngự bên hữu Thiên Chúa uy phong chốn trời cao, Đấng là ánh rạng ngời của vinh quang Thiên Chúa, là hình ảnh của bản tính thần linh, Đấng đã rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi. Lẽ nào Thiên Chúa không nhậm lời một người đã đồng hình đồng dạng với Đức Kitô Giêsu trong sự chết nhờ thông phần những đau khổ của Người, và đã được mang năm vết thương chí thánh trên tay, chân, cạnh sườn?

Thánh nhân làm cho trần thế hân hoan vì một nguồn vui mới, và đem lại cho mọi người các lợi ích của ơn cứu độ chân chính. Các phép lạ ngài làm chiếu toả rực rỡ khắp trần gian và ngài soi sáng toàn cõi đất bằng ánh rạng ngời của một vị sao đích thực. Trước đây thế giới đã khóc than khi ngài lìa trần, và thấy mình như bị bóng tối phủ lấp khi vầng thái dương ấy lặn xuống chân trời. Nhưng nay, khi nguồn sáng mới mọc lên, thế gian cảm thấy thoát khỏi bóng tối phủ kín khắp nơi và được những tia sáng rạng ngời chiếu soi như lúc mặt trời chính ngọ. Bây giờ, tạ ơn Chúa, mọi tiếng than khóc đã dứt.

Mỗi ngày, ở khắp mọi nơi, người ta lại vui mừng vì nhận được tràn trề những ân huệ thánh đức từ nơi ngài. Từ Đông sang Tây, từ Bắc chí Nam họ cùng nhau kéo đến:  những ai được ngài cứu giúp đến để làm chứng về các sự việc ấy như những chứng nhân cho sự thật. Lúc còn sống trong thể xác, ngài chỉ mộ mến những sự trên trời, và không coi một sự vật nào ở trần gian là của riêng ngõ hầu có thể sở hữu điều tốt lành cao quí nhất cách trọn vẹn và vui sướng. Vì thế bây giờ ngài đã có tất cả những gì mà xưa kia, dù một mảnh nhỏ, ngài cũng chẳng muốn làm chủ. Ngài đã đem thời gian đổi lấy vĩnh cửu. Bất cứ ai, ở bất cứ đâu, cũng được ngài giúp đỡ. Ngài gần gũi với bất cứ ai, ở bất cứ đâu. Tuy quan tâm đến nhiều người nhưng không vì thế mà đấng yêu chuộng sự hiệp nhất lại bị phân chia” (1Cel 119).

-       “Chúng tôi đã kể lại một ít phép lạ của Cha Thánh Phan-xi-cô chúng ta và đã bỏ qua rất nhiều. Chúng tôi kể lại để khuyến khích những ai ước ao bước đi theo vết chân ngài, cho họ thêm lòng háo hức tìm kiếm ân huệ của những phúc lành mới. Như thế đấng đã dùng lời nói và gương lành, dùng nếp sống và lời dạy dỗ, mà canh tân toàn thể thế giới một cách lạ lùng, sẽ luôn khấng tưới gội linh hồn của những ai yêu mến Danh Thánh Chúa bằng những trận mưa ân huệ mới bởi trời.

Vì lòng mến đối với đấng Nghèo Khó Chịu Đóng Đinh, và nhân danh các Dấu linh thiêng mà Cha Thánh Phan-xi-cô mang trên mình, tôi cầu mong tất cả những ai sẽ đọc hoặc nghe đọc những hàng chữ này, trước mặt Thiên Chúa xin thương nhớ đến tôi, là kẻ tội lỗi. Amen” (1Cel 151).

16-1724768713.jpg
Chia sẻ