Skip to content
Main Banner
Thánh Grêgôriô (03/09) - Thánh Gioan Kim Khẩu (13/09) - Suy tôn Thánh Giá (14/09) - Thánh lễ TRUYỀN CHỨC (15/09) - Thánh Cornêliô và Thánh Cyprian (16/09) - Thánh Phanxicô in 5 dấu - Thánh Lễ Khấn Trọng (17/09) - Thánh Giuse Côpetinô (18/09) - Thánh Andre Kim, Phaolô Chung (20/09) - Thánh Mátthêu (21/09) - Thánh Piô Piêtrenchina (PS) (23/09) - Thánh Vinhsơn Phaolô (27/09) - Thánh Têrêsa Hài Đồng (01/10) - Các Thiên Thần Hộ Thủ (02/10) - Tưởng niệm giờ Cha Thánh Phanxicô lâm chung (03/10) - Đại lễ Cha Thánh Phanxicô (04/10)
Ngôn ngữ

Những Vị Thánh Này Đã Mang Dấu Thánh Những Dấu Tích Của Đức Giêsu

BTT OFMVN 00
2024-08-29 08:11 UTC+7 689
Người Công giáo xưa nay vẫn tin rằng thánh Phanxicô Assisi là vị thánh đầu tiên được nhận năm dấu thánh. Tuy nhiên, có trường phái tư tưởng khác lại ngược dòng thời gian đến tận thánh Phaolô và cho rằng vị Tông đồ dân ngoại đã nhận các dấu thánh khi ngài nói: “Tôi mang nơi mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu” (Gl 6,17).

Trong chương trình truyền hình nhiều tập và kèm theo quyển sách có tựa là Civilisation, Kenneth Clark đã bàn đến “những kinh nghiệm hiếm hoi nhất: cuộc xuất thần thiêng liêng”. Sự xuất thần thiêng liêng quả thật rất hiếm, cùng với những hiện tượng khác là sự phân thân và lơ lửng trên không, cũng thật khó hiểu, bởi vì chúng không được quan sát hay chia sẻ. Việc xuất thần thiêng liêng liên quan đến linh hồn, còn các dấu thánh liên quan đến thân thể.

Người Công giáo xưa nay vẫn tin rằng thánh Phanxicô Assisi là vị thánh đầu tiên được nhận năm dấu thánh. Tuy nhiên, có trường phái tư tưởng khác lại ngược dòng thời gian đến tận thánh Phaolô và cho rằng vị Tông đồ dân ngoại đã nhận các dấu thánh khi ngài nói: “Tôi mang nơi mình tôi những dấu tích của Đức Giêsu” (Gl 6,17). Giáo hội và những nhà chú giải Kinh Thánh không bàn luận gì về việc thánh Phaolô là người mang dấu thánh, mặc dù ngôn ngữ của ngài xem ra rõ ràng và dễ hiểu. Tôi không chắc điều thánh Phaolô viết có nghĩa gì khác không, ngoại trừ ngài đang muốn nói cách bóng bẩy; mà ngài rất thường làm thế trong tư cách là người viết thư không biết mỏi mệt và là sứ giả của Tin Mừng.

Mãi đến mười một thế kỷ sau thì thánh Phanxicô (1182-1226) mới là người được nhận các dấu thánh (vào tháng 9 năm 1224) và được người đương thời chứng thực. Người ta có thể đọc được những trang tiểu sử tuyệt vời được viết bởi G.K. Chesterton và được ngắm những bức họa của Giotto và Van Eyck mô tả dấu chỉ bí nhiệm mà lại rõ ràng nơi cuộc đời sinh động của người đi theo Chúa Kitô.

Những thương tích nơi tay, chân và cạnh sườn của thánh Phanxicô đã trở thành, nếu không phải là một mẫu mực, thì ít nhất cũng là một khởi điểm được chứng thực dành cho nhiều người khác, những người cũng được mang những vết thương của Đức Kitô.

Sau đó, trong vòng một thế kỷ, đã xuất hiện hai vị được mang dấu thánh.

Thánh Catarina Siêna (1347-1380), thánh nữ tiến sĩ đầu tiên của Hội Thánh, được chúc phúc với năm dấu thánh, nhưng những dấu thánh của ngài không được tỏ lộ mãi cho tới khi ngài qua đời. Cũng thế, thánh nữ Lutgardis (1182-1246), một nữ tu Biển Đức, đã bị chảy máu trên đầu như thể ngài mang mão gai của Đức Giêsu. Thánh nhân có thể là người mang dấu thánh ngay sau thánh Phanxicô, mặc dù chúng ta có quá ít thông tin về ngài so với thánh Catarina.

Ngay sau thánh Catarina là thánh Rita Cascia (1381-1457), vị thánh được chọn Bổn mạng của Điều Không Thể. Ngài là nữ tu Dòng thánh Augustinô và đã nhận một vết thương rất đau đớn trên trán, giống Lutgardis, để gợi nhớ vết thương trên đầu của Đấng Cứu thế.

Tiếp theo là thánh Catarina Ricci (1522-1590) cũng là nữ tu Đaminh như thánh Catarina Siêna. Vị này đã chọn cho mình tên của thánh Catarina là sứ giả vĩ đại của hòa bình. Bà cũng là người được mang thương tích thánh và được ghi nhận là thánh nhân đã chảy máu “cách tự nhiên”.

Sau nữa có thánh Gemma Galgani (1880-1903) là nữ tu dòng Thương Khó Chúa Giêsu, và tên gọi của dòng ngài chắc chắn phù hợp với đời sống của thánh nhân, khi ngài cũng mang thương tích với những vết thương huyền nhiệm của Đức Kitô Chịu Đóng đinh.

Nhưng có lẽ người mang dấu thánh nổi bật nhất, ít là vào thời đại của chúng ta, đó là thánh Pio Pietrelcina, hay như ngài thường được gọi là Cha Pi-ô (Padre Pio). Một phần của ân ban dấu thánh nơi ngài được để cho mọi người xem thấy, đó là đôi bàn tay của ngài có chảy máu (nhưng đã được băng lại), và ngài đã sống với những người thời đại chúng ta. Ngài qua đời năm 1968.

Một vị thánh khác sống vào thế kỷ XX và có dấu thánh được in trên người là thánh Mariam Thresia (1876-1926), vị sáng lập tu hội Holy Family. Giống như hầu hết tất cả những người mang dấu thánh được chứng thực đã nói đến ở trên, ngài đã làm mọi cách để che giấu những vết thương của ngài.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là không phải những người mang dấu thánh đều là thành viên của tu hội hay hội dòng nào đó. Có vị mới được phong thánh gần đây là thánh Marguerite Bays, người Thụy Sĩ và là một giáo dân thuộc dòng Ba Phan sinh của thế kỷ XIX. Vị này cũng mang vết thương nơi tay, chân và cạnh sườn.

Chúng ta phải hiểu thế nào về hiện tượng tâm linh-siêu nhiên này? Đây là hiện tượng không thể bác bỏ nhưng lại được nhìn nhận một cách ngờ vực ngay cả theo tiêu chuẩn của chính Giáo hội phẩm trật, vốn rất dè dặt trong việc công nhận người người được mang dấu thánh. Như người ta thường nói là phải chờ Giáo hội đến hàng thế kỷ!

Michael Freze, S.F.O., đã viết 350 trang sách để trả lời cho câu hỏi trên đây, và tôi sẽ không cần làm điều ấy ở đây. Cuốn sách của ông, They Bore the Wounds of Christ: The Mystery of the Sacred Stigmata (Họ mang những thương tích của Đức Ki-tô: Bí nhiệm của các Dấu Thánh), vừa có tính cách xây dựng lại vừa có tính cách thông tin, vừa quân bình lại vừa chất chứa niềm tin. Chúng ta cần thiết phải nhận ra điều này: Các dấu thánh được ban cho chúng ta để nâng đỡ đức tin vốn luôn luôn và hay bị giao động của chúng ta. Đây chính là đức tin mà chúng ta đã xin khi chịu phép Rửa.

Trong khi nhiều vị mang dấu thánh được nói đến ở trên thật sự là những nhà thần bí nổi tiếng, (ở đây Freze còn kể đến thánh Têrêsa Avila như người được mang dấu thánh), thì nhiều người đã không thực sự “thần bí” theo cách chúng ta thường hiểu. Cha Piô (Padre Pio) đã luôn cầu xin cho ngài đơn giản chỉ là “một người anh em hèn mọn, người chỉ thích cầu nguyện”. Thánh Rita Cascia đã sống như một người vợ chịu đau khổ lâu ngày với một người chồng phóng đãng trước khi mang vết thương trên trán. Thánh Mariam Thresia, như đã nói ở trên, lập một hội dòng mới trong thời hiện đại và đã trải qua thời gian dài với bao nhiêu thủ tục hành chính cùng với những thách thức làm đau đầu trước một dự phóng rất đáng trân trọng. Ngay cả một vị thánh lớn nhờ các tác phẩm thần bí của bà là thánh Têrêsa Avila, thì vẫn phải rất vất vả trong việc cải cách hội dòng Cát Minh.

Và chắc chắn là không phải tất cả các nhà thần bí đều được chúc phúc với các dấu thánh. Với một vài vị được kể ra ở đây như thánh Gioan Thánh Giá, thánh Bonaventura, thánh Eprem Phó tế và thánh Alberto Cả thì sao?

Bây giờ, chúng ta trở lại với chính thánh Phaolô, đấng đã cho chúng ta hiểu rằng mọi người chúng ta đều mang thương tích của Đức Kitô, nếu hiểu theo cách thế cao hơn. Khi chính Đức Giêsu nói với chúng ta rằng hãy vác thập giá của mình và đi theo Người, thì chúng ta chắc chắn không được ngạc nhiên vì thấy chính mình cũng được mang thương tích như Người.

*****

Tác giả bài viết: Kevin Di Camillo. Người chuyển ngữ: Pet. Lê Đình Trị, OFM

 https://www.ncregister.com/blog/these-saints-bore-the-stigmata-the-marks-of-jesus

cac-vi-thanh-nay-mang-dau-tich-cua-chua-giesu-1724893843.png
Chia sẻ