Skip to content
Main Banner
Ngôn ngữ

Thánh Phanxicô Assisi và tinh thần Phan Sinh

BTT OFMVN 00
2024-07-07 10:39 UTC+7 1337
Động cơ thúc đẩy mọi hành động của thánh Phanxicô là ước muốn làm hài lòng Chúa Kitô và trở nên giống Người. Chúng ta có thể nói rằng đây chính là nền tảng của tinh thần phan sinh, và mọi nhân đức được thánh Phanxicô và các môn đệ của ngài thực hành phải được giải thích từ quan điểm này. Thánh Phanxicô đã được chính Chúa Giêsu mời gọi hoán cải; trên đường đến Spolêtô cũng như ở San-Đamianô, chính Chúa Giêsu đã nói chuyện với ngài một cách cụ thể.

Gắn bó với Chúa Kitô 

Động cơ thúc đẩy mọi hành động của thánh Phanxicô là ước muốn làm hài lòng Chúa Kitô và trở nên giống Người. Chúng ta có thể nói rằng đây chính là nền tảng của tinh thần phan sinh, và mọi nhân đức được thánh Phanxicô và các môn đệ của ngài thực hành phải được giải thích từ quan điểm này. Thánh Phanxicô đã được chính Chúa Giêsu mời gọi hoán cải; trên đường đến Spolêtô cũng như ở San-Đamianô, chính Chúa Giêsu đã nói chuyện với ngài một cách cụ thể. Và từ lúc được Chúa Kitô chiếm hữu, ngài không tìm kiếm một vị thầy nào khác để dạy mình về đời sống thiêng liêng. Ngài nói trong di chúc: “Không ai chỉ bảo cho tôi phải làm gì, nhưng chính Đấng Tối Cao đã mạc khải cho tôi biết phải sống theo mẫu mực thánh Phúc Âm”.

Khi Chúa gởi các anh em đến với ngài, ngài muốn truyền đạt cho họ chính niềm đam mê đối với người Con của Thiên Chúa này. Ngoài ra, ngài cũng không thấy trước rằng hội dòng của ngài sẽ là một hội dòng đặc biệt hoạt động hoặc chiêm niệm, chuyên tâm vào việc rao giảng hoặc các công việc bác ái; tất cả những điều này hòa nhập vào đó mà không tự mình khẳng định đây như một nhiệm vụ thiết yếu. Người tu sĩ Phan sinh trước tiên là người nhìn và lắng nghe Chúa Giêsu, tuân theo lối sống và lời của Người. Cha Gratien viết: “Hội Dòng mà thánh Phanxicô muốn thiết lập là một hội dòng của những người bắt chước Chúa Kitô hơn là một hội dòng giảng thuyết. » Bản luật năm 1221 rất rõ ràng về điểm này: “Luật và đời sống các anh em này là: sống vâng phục, khiết tịnh và không có của riêng và đi theo giáo huấn và những dấu chân của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.” Đấng sáng lập đã do dự rất lâu trước khi quyết định loan báo cho con người Nước Thiên Chúa, và nhiều người trong số các bạn đồng hành của ngài đã chọn cuộc sống ẩn dật; chính ngài, trong khoảng thời gian giữa các chiến dịch tông đồ của mình, đã đi tìm sự tĩnh lặng trong những hang động hoang dã ở Carceri – trên sườn Subasiô hoặc thung lũng Rieti; nếu ngài quyết định rao giảng bằng lời nói như vậy, thì đó là vì ngài quan tâm đến việc trở nên giống Ngôi Lời là Đấng, thay vì duy trì mối phúc mà Người nếm hưởng trong lòng Chúa Cha, lại đã mang lấy bản chất con người để làm cho chúng ta biết con đường cứu rỗi. 

Lòng nhiệt thành bước theo Chúa Giêsu từng bước một này không phải là một cái gì liều lĩnh hay tự phụ. Trên thực tế, Phanxicô đã tuân theo lý tưởng của mình một cách tuyệt vời đến mức ngài xứng đáng được một vị đại giáo hoàng gọi là “bản sao hoàn hảo nhất của Chúa Kitô”. Và kết quả này không chỉ đạt được do nỗ lực cá nhân của ngài, nhưng chính Thiên Chúa đã phê chuẩn các nguyện ước của ngài bằng cách ban cho ngài, lần đầu tiên trong lịch sử thần bí, ơn được in năm dấu thánh. Những người đương thời đã không nhầm, và tất cả các nhà biên niên sử đều ngưỡng mộ ghi nhận sự giống nhau đáng kinh ngạc này giữa “Thầy và trò”: Theo Tôma Cêlanô, đây là “tấm gương thánh thiện nhất thể hiện sự thánh thiện của Thầy”. Có thể là sự giống nhau này đôi khi đã bị phóng đại, và Bartôlômêô thành Pisa, trong cuốn “Sách về các điểm tương đồng” của mình, đã trở thành người truyền bá một sự song song nghiêm ngặt nào đó vốn đã tồn tại giữa Đức Giêsu và Phanxicô, đến độ nhân cách của người thứ hai dường như là bị xóa. Chúng ta đừng đổ lỗi cho người cha vì sự thiếu thận trọng của một trong những đứa con của mình; và chúng ta đừng lấy làm vấp phạm việc các tu sĩ Phan sinh đầu tiên đã chiêm ngưỡng Con Người-Thiên Chúa nơi con người của Thiên Chúa. Chính thánh tông đồ Phaolô đã gửi lời mời gọi này đến các Kitô hữu: “Hãy bắt chước tôi như chính tôi bắt chước Đức Kitô. »

​Tuy nhiên, ý chí đòi hỏi khắt khe của thánh Phanxicô không thể được thỏa mãn với một Chúa Kitô thuần túy lịch sử; lòng trung thành của ngài với Đấng Cứu Thế dựa trên hai thực tại hiện thực có khả năng làm cho Chúa Kitô sống động trong con người: Tin Mừng và Bí tích Thánh Thể. Tin Mừng là hiến chương duy nhất của Phanxicô và, cùng với huấn quyền của Giáo hoàng, là thẩm quyền duy nhất mà ngài muốn nại đến. Ơn gọi mà Chúa Kitô đã đích thân mạc khải cho ngài, ngài đã khám phá ra ý nghĩa trọn vẹn của nó khi đọc Tin Mừng Lễ Thánh Mathias. Quy luật trong Hội dòng của ngài bao gồm việc tuân giữ Thánh Phúc âm Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và mọi giới luật trong đó được ngài dựa vào lời Chúa mà thôi. Tất cả những đấu tranh mà ngài phải tiến hành để chống lại các vị phục vụ đều xuất phát từ sự cố chấp của ngài trong việc tuân thủ trọn vẹn thánh Phúc âm. Chính vì sự không khoan nhượng của Phúc âm mà ngài đã không khoan nhượng, vì sự nhu mì theo Phúc âm mà ngài đã nhu mì; ngài tìm thấy ở đó câu trả lời cho mọi mong muốn và mọi câu hỏi của những người tìm kiếm sự hoàn hảo, và không cho phép họ thêm một lời bình luận nào dù là nhỏ nhất. 

Tình yêu đối với Thánh Thể của ngài tỏ ra không kém phần mãnh liệt. Người ta có thể tìm thấy sự thể hiện của tình yêu này trong tất cả những bức thư tuyệt vời của ngài, và đã có thể tập hợp một số bức thư có phạm vi nhỏ hơn của ngài dưới tên gọi Các thư Thánh Thể; Theo lời chứng của Cêlanô, Bản Luật ban đầu bao gồm những lời khuyến khích và các quy định rất đặc biệt liên quan đến Lễ Tưởng Niệm của Chúa. Sự tôn trọng mà ngài dành cho các linh mục thì rất lớn. “Tôi muốn,” ngài khẳng định trong di chúc của mình, “kính sợ, yêu mến và quý trọng các ngài cũng như tất cả các linh mục khác như là tôn chủ của tôi.Tôi không muốn xem xét tội lỗi của các ngài vì tôi nhìn thấy Con Thiên Chúa hiện diện nơi các ngài.... Tôi hành động như thế vì tôi không thấy có gì cụ thể trong thế gian này về Người Con Tối cao của Thiên Chúa, ngoài Mình và Máu rất thánh của Người, mà chính các ngài nhận lấy và chỉ các ngài mới được ban phát cho kẻ khác. » Việc tập hợp lại các văn bản này và giọng điệu nhiệt thành mà chúng chứa đựng khiến Cha Hilarin de Lucerne nói: “Thánh Phanxicô muốn các con cái của ngài có mặt trong thế giới, nói đúng ra, như là những nhà truyền giáo của Bí tích Thánh Thể. Đây là điều hoàn toàn xưa nay chưa từng có. »

Chúng ta có thể mở rộng sự nhận xét này sang việc sùng kính Con Người-Thiên Chúa. Thánh Phanxicô chắc chắn là vị thánh đầu tiên thể hiện, cả trong cuộc đời lẫn trong công việc của mình, lòng nhiệt thành noi gương Chúa Kitô; đến nỗi tất cả lòng đạo đức của ngài, khi ngài thực hành và truyền đạt nó cho các anh em của ngài, đều là lòng đạo đức lấy Chúa Kitô làm trung tâm. Không có nhân đức nào được ngài thực hành vì bất kỳ mục đích nào khác ngoài việc trở nên giống Đấng Cứu Thế và tuân theo giới răn của Người; do đó không có gì kém triết lý hơn thần học của ngài, ít tính toán hơn chủ nghĩa khổ hạnh của ngài, ít khắc kỷ hơn sự nghèo khó của ngài. Cuộc đời và lời giảng dạy của ngài không nhằm mục đích nào khác hơn là gắn bó với Chúa Kitô hằng sống và lôi kéo cả thế giới vào sự gắn bó này.


Tinh thần yêu thương

Tất cả các vị thánh đều đã yêu; mọi linh đạo Kitô giáo đều thấm đẫm tình yêu. Vì vậy, chúng ta không có gì mới khi nói rằng tinh thần Phanxicô là tinh thần yêu thương. Tuy nhiên, đây lại là nét  đặc trưng của nó.

Tình yêu sốt mến theo nghĩa đặc biệt của nó, giống như trong học thuyết Augustinô, là động cơ của hành động và là nền tảng của các nhân đức; việc thánh Phanxicô Assisi và các môn đệ đầu tiên của ngài gán cho tình yêu tính ưu việt trong đời sống thực tiễn đã được các nhà thần học và triết gia của dòng chấp nhận như một nguyên tắc của đời sống thiêng liêng, dù đó là đời sống thần linh hay đời sống con người. Ngoài ra, tình yêu sốt mến là tình yêu tự phát, tự do, nồng nàn, điên cuồng. Nó không để bị giam giữ trong các phương pháp, những công thức và các lời giải thích. Nó thì phi lý và không thể biện minh, bởi vì, đối với Phanxicô, chính Chúa Giêsu đã tỏ ra như thế. Thực ra, tình yêu của Chúa Giêsu là sự biện minh duy nhất của tình yêu sốt mến này. Đó chính là sự bắt chước mà lời dạy của thánh Gioan đưa ra cho chúng ta: “Chúng ta hãy yêu thương nhau, vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước. » Lời cầu nguyện nhiệt thành trước khi nhận lãnh các dấu thánh không có ý nghĩa nào khác: Phanxicô tuyên bố rằng đó là một ân huệ không gì có thể so sánh khi cảm nhận được tình yêu giống như Chúa Kitô đã cảm nhận lúc Người hy sinh chính Người cho chúng ta. Và niềm khao khát tình yêu này được thể hiện trong cuộc đời của thánh Phanxicô một cách tràn trề mà không gì có thể kìm hãm nó được. Cêlanô nói với chúng ta rằng khi ngài nói về Người yêu dấu của mình, ngài đã biến hình; sắc mặt ngài đổi màu, và một cảm giác hồi hộp chạy khắp cơ thể ngài.

​Một sự nhiệt tình như thế đã đưa Phanxicô tới mức độ chiêm niệm cao nhất. Ngài thực sự là một nhà thần bí vĩ đại, người mà thánh Bonaventura có thể nói rằng ngài cảm thấy sự hiện diện thường xuyên của Đấng Cứu Thế ở bên cạnh mình. Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người cùng thời với ngài so sánh ngài với các Thiên thần sốt mến, những vị thần cao nhất trong hệ thống trật tự trên trời, những người nhìn thấy Thiên Chúa mặt đối mặt và không ngừng tuyên xưng sự thánh thiện của Người. Nếu tên tuổi của ngài không nổi tiếng trong lĩnh vực này như thánh Gioan Thánh Giá hay thánh Catarina Siêna, đó là bởi vì, ngoài các bài viết về luật pháp và mục vụ, vị thánh Assisi chưa bao giờ cố gắng thực hiện công việc giáo huấn; ngài sống niềm vui và niềm đam mê của mình ngày này qua ngày khác, không phân tích các kinh nghiệm tâm linh của mình, không nhìn lại tâm trạng của mình, không cố gắng tính toán những ân huệ ngài nhận được từ Chúa. Nếu chỉ một lần, trong Di chúc của mình, ngài ghi lại những biến đổi mà ân sủng đã thực hiện nơi ngài, thì đó là để làm chứng trước khi chết về nguồn gốc thiêng liêng của tổ chức của ngài; thánh Phaolô cũng đã không hành động gì khác khi ngài biện minh cho mình trước người Côrintô. Trong gia đình Phan sinh cũng vậy; chúng ta có thể ngạc nhiên khi thấy rằng một dòng tu, trong suốt bảy thế kỷ, vẫn là dòng đông đảo nhất và luôn đầy những nhà chiêm niệm vĩ đại, lại để lại một số lượng nhỏ các tác phẩm thần bí như vậy; thánh Bonaventura, nhà giảng giải vĩ đại về thần bí, là một trường hợp hoàn toàn ngoại lệ. Hai nhà thần bí độc đáo nhất của dòng chắc chắn là Angela xứ Fôlignô và Veronica Juliani; nếu các vị có viết lại các tự truyện tâm linh của mình, thì đó là vì họ buộc phải vâng lời vị linh hướng của họ - điều thường xuyên xảy ra ở các đan sĩ phải cung cấp cho vị linh hướng một báo cáo chi tiết về đời sống nội tâm của họ.

Vì thế, tình yêu Thiên Chúa nơi người Phan sinh sẽ rất nhạy cảm; anh ta sẽ không ngại, vì khiêm tốn hoặc do thận trọng, để nó tuôn tràn; nhưng sau đó, anh ta sẽ không còn đắm chìm trong ân huệ quá khứ nữa, thay vào đó, sử dụng vào những công việc thực tế lòng nhiệt thành mà sự chiêm niệm sẽ đốt cháy tâm hồn anh ta. Những người viết tiểu sử về thánh Phanxicô cho chúng ta thấy ngài từ bỏ chính mình không chút dè dặt trước bất kỳ sự chạm nhẹ nào của Chúa Thánh Thần, và do đó chìm vào sự thân mật thiêng liêng, bất kể ở đâu và vào lúc nào. Sau đó, ngài lên đường rao giảng Nước Thiên Chúa. Vì thế, ơn gọi Phan Sinh mãi mãi vẫn là một ơn gọi chiêm niệm, bởi vì chính trong cầu nguyện mà tâm hồn yêu thương gặp được Thiên Chúa của mình; nhưng đồng thời, noi gương Chúa Kitô, Đấng đã không chỉ bằng lòng với phần việc của Mađalêna, nhưng cũng đã rảo chân trên các con đường ở Palestine để chữa lành những người phung cùi và loan báo Lời Chúa – như thế, người con của thánh Phanxicô đã chuyển tình yêu của mình, một cách hữu hiệu, hướng về những người mà Chúa Giêsu đã cứu chuộc.

Ở đây, một lần nữa, tình yêu này thì nhiệt tình, dịu dàng, chứng thực. Và để tôn trọng trật tự bác ái, tình yêu này áp dụng trước tiên cho người thân cận đầu tiên, nghĩa là cho những anh em hiện tại. Phanxicô không muốn người tu sĩ của mình là gì khác ngoài là người anh em, anh em hèn mọn, và ngài yêu cầu mọi người phải mang danh hiệu này, kể cả các bề trên. Chúng ta tìm thấy, trong các bản văn của người sáng lập, những đoạn cảm động về tình yêu thương huynh đệ. Chương thứ mười một của Bản Luật đầu tiên được dành riêng cho điều này. “Anh em hãy yêu thương nhau…Anh em hãy bày tỏ tình thương đối với nhau bằng việc làm… Anh em hãy ăn ở khiêm tốn, tỏ lòng nhân hậu với mọi người.” Người cha tỏ ra thường xuyên quan tâm đến tất cả các con cái của mình. Lời khuyên chính mà ngài đưa ra cho các bề trên là hãy có, đối với các tu sĩ của họ, tâm tình của người mẹ. Và bản thân ngài, trong nhiều trường hợp, tỏ ra cho chúng ta thấy ngài là một người mẹ tuyệt vời. Ngài biết cách, thông qua những điều tế nhị nhất, có thể đoán trước được những ước muốn của các người con mình. Ngài viết cho một vị phục vụ: “Chính điều này làm tôi biết được anh có yêu mến Chúa và yêu mến tôi, người tôi tớ của Người và của anh hay không, đó là không một anh em nào trên đời đã phạm mọi thứ tội có thể phạm được, mà sau khi đã gặp mặt anh để xin thương xót, lại ra đi mà không được anh thương xót.”

Sự bình an trong tâm hồn mà thôi thì chưa đủ: nó phải được lan tỏa ra trong cộng đoàn.  Do đó, tình yêu cộng đoàn tốt hơn sự cô độc. Nhưng hòa bình trong tu viện vẫn chưa đủ: nó phải được mở rộng ra toàn thế giới. Tôma thành Spalatô kể lại rằng mối quan tâm lớn nhất của Phanxicô là dập tắt hận thù và mang lại sự hòa hợp cho các thị trấn mà ngài đi qua; ngài đã truyền cảm hứng cho Hiến chương vĩ đại của Assisi tuyên bố về sự kết hợp thân tình giữa các tầng lớp xã hội; mối quan tâm này đã theo đuổi ngài ngay cả trên giường hấp hối, để rồi, từ nơi đó ngài đã gửi thông điệp hòa giải hiệu quả đến ông thị trưởng và vị giám mục sở tại: “Lạy Chúa, xin ngợi khen Chúa vì những ai tha thứ do bởi tình yêu dành cho Chúa. »


Tinh thần trẻ thơ  

Tình yêu phan sinh thì bộc phát. Nhưng đây cũng là toàn bộ cách cư xử của Phanxicô và của các anh em của ngài. Các vị thánh đều phi thường, dù chỉ xét về nhân đức; nhưng sẽ khó tìm được một vị nào khác độc đáo hơn thánh Phanxicô. Điều đặc biệt làm chúng tôi ngạc nhiên về ngài và đồng thời làm chúng tôi băn khoăn, đó là trí tưởng tượng và tính trẻ con của ngài. Ngài cử anh Rufinô đi thuyết giảng trong bộ đồ lót, ở giữa nhà thờ Assisi, và sau đó lại ăn mặc giống như anh để trừng phạt bản thân mình vì một mệnh lệnh chuyên chế như vậy; một ngày nọ, ngài ăn thịt gà và, để mọi người biết điều này, ngài đã lệnh cho một người anh em kéo đi trên đường với một sợi dây tròng quanh cổ và tuyên bố đây là kẻ háu ăn; khi Lêô bất tỉnh trên đường vì đói, ngài đã vào vườn nho để hái nho cho anh ăn và bị người chủ dùng gậy đánh. Các đệ tử không khác thầy của họ; Gioan Đơn sơ  bắt chước từng cử chỉ của thánh Phanxicô, ho khi ngài ho, thở dài khi ngài thở dài; Giuniphêrô chặt chân một con lợn còn sống để nấu món ăn cho một người anh em bị bệnh và giật những chiếc chuông bằng bạc của vương cung thánh đường để tặng cho người nghèo; Giourdain de Giano vào phòng của Giáo hoàng mà không được phép và kéo chân ngài ra khỏi chăn để hôn với vẻ tôn kính. Người ta sẽ không bao giờ ngừng liệt kê những cử chỉ mà, về phía người sáng lập và những người theo ngài, đã vượt quá sự thận trọng các tác giả viết về đời sống đan tu.

Nguyên nhân của tất cả những điều này là vì Phanxicô có một tâm hồn của trẻ thơ. Hãy để chúng tôi giải thích; đây không phải là một vấn đề có tính chất tự nhiên và bốc đồng; nếu tính cách của Người Nghèo Bé Nhỏ, giống như tất cả các vị thánh, là nền tảng để phát triển nhân cách siêu nhiên, thì cần phải lưu ý rằng ngài đạt được điều này nhờ một sự lựa chọn xác thực, phát xuất từ một ý chí kiên định. Ở đây, xem ra hữu ích khi mở một dấu ngoặc đơn : là một điều tốt khi xua tan sự trái nghịch mà một số người ngưỡng mộ thánh Phanxicô đặt vào nhân đức của ngài; khi đọc những gì họ viết, người ta sẽ dễ dàng tin rằng những dấu chỉ có thể cảm nhận được mà ngài dành cho con người về sự thánh thiện tuyệt vời của ngài, hoàn toàn đơn giản là sản phẩm của một nhân cách hạnh phúc. Chúng ta hãy bác bỏ chủ nghĩa tự nhiên này vốn không mấy tôn vinh thánh Phanxicô; nơi ngài cũng như nơi thánh Phaolô, sự yếu đuối cho phép sức mạnh thần linh bộc lộ. Tinh thần trẻ thơ mà ngài đang sống không phải là một thứ chủ nghĩa trẻ thơ nực cười, mà là con đường dẫn đến sự hoàn thiện được khám phá trong Tin Mừng và được Têrêxa thành Lisiơ thực hành. Sự đơn sơ thuần khiết và thánh thiện này là một nhân đức cao quý và mạnh mẽ, như chính ngài gọi nó, và ngài không ngại xem nó như một người chị em của sự khôn ngoan. Sự đơn sơ của chim bồ câu không hề đối nghịch với sự khôn ngoan của con rắn, nhưng, trong những đòi hỏi khắt khe của nó, từ chối bất kỳ biểu hiện nào của sự dối trá và thỏa hiệp. Thánh Phanxicô ghê tởm thói đạo đức giả. Khi các vị thánh khác muốn xa lánh thế gian để tránh biến sự yếu đuối của họ thành dịp gây tai tiếng, ngài đã bộc lộ điều đó để không có gì làm hoen ố sự thật. Ở đây, một lần nữa, Tin Mừng khẳng định một thái độ như vậy: “Lời của anh em là có thì có; không thì không; những gì hơn thế nữa đến từ Kẻ Ác. » Mặt khác, người hoán cải, cảm thấy bất xứng trước lòng nhân hậu của Thiên Chúa, muốn lớn tiếng công bố cả hai sự thật, để không ai ảo tưởng về sự thánh thiện của mình. Đây là cách ngài giải thích về ơn gọi của mình với anh Massêô: “Thiên Chúa, Đấng suy xét điều tốt và điều xấu, không tìm thấy trong số những kẻ tội lỗi có ai hèn hạ và vô dụng hơn cha, và chính vì lý do này mà Người đã chọn cha để làm bẻ mặt tính cao sang, sự vĩ đại và sự hiểu biết của thế giới này. »

Người Cha chí ái đã muốn chia sẻ tinh thần khiêm nhường này với tất cả con cái của mình. Chính cái tên của họ phải nhắc nhở họ về tình trạng thấp kém của họ: họ là những người hèn mọn, những kẻ mọn hèn. Và họ phải chú ý không chỉ hạ mình trong mọi việc mà còn phải loại bỏ mọi dấu hiệu vượt trội khỏi cách cư xử chung của họ. Bản Luật năm 1221 giải thích: “Không anh em nào được cho mình là người có quyền hay là người thống trị trên kẻ khác, nhất là giữa anh em với nhau … nhưng ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ và đầy tớ anh em, và ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ nhất.”

Một lần nữa và trên hết, khiêm tốn đối với Giáo hội Công giáo. Đối mặt với các người thuộc các giáo phái Vaudois và Cathares, những người viện cớ sự sa sút của hàng giáo sĩ để tự đặt mình vào vai trò chỉnh lý và nổi dậy chống lại quyền bính của giáo hoàng,  Phanxicô, vir catholicus, (người công giáo) đưa ra cho các tu sĩ của mình, theo bản luật đầu tiên, khuyến nghị long trọng này: “ Tất cả anh em phải là những người công giáo, sống và ăn nói như người công giáo. Nếu ai đi lệch xa đức tin và đời sống công giáo, trong lời nói hay việc làm, mà không chịu sửa mình, thì phải bị trục xuất hẳn khỏi Huynh đệ đoàn chúng ta. Chúng ta hãy xem tất cả các giáo sĩ và tu sĩ như những tôn chủ của chúng ta … vì Chúa, chúng ta hãy tôn kính thánh chức, công việc và thừa tác vụ của các ngài.” Những lời này, và toàn bộ cách hành xử của Phanxicô, chống lại, như một sự phủ nhận chính thức, việc sáp nhập ngài vào số  các giáo phái ly khai khỏi Rôma; tinh thần phan sinh thực sự muốn cải cách Giáo hội, nhưng nó tin rằng trong công cuộc cải cách này không có gì hiệu quả hơn sự hiệp nhất và sự phục tùng; rằng trong nỗ lực đổi mới tập thể, không có gì hữu ích hơn việc bắt đầu bằng sự hoán cải của chính mình. Nhưng, ai có thể tự coi mình là người đã hoán cải nếu họ không duy trì tình bác ái huynh đệ và tôn trọng quyền bính? “Phúc thay người tôi tớ đặt niềm tin vào các giáo sĩ... Và vô phúc thay cho những ai khinh dể các ngài. Cho dù các ngài là những người tội lỗi, thì cũng không một ai được xét đoán các ngài, vì chỉ một mình Chúa có quyền xét đoán các ngài mà thôi. »

Do đó, người ta không ngạc nhiên trước sự bảo vệ mà Tòa thánh đã ban ngay lập tức và liên tục cho dòng thánh Phanxicô; người đàn ông nhỏ bé mà Đức Innocentiô nhìn thấy trong giấc mơ đang chống đỡ những bức tường ọp ẹp của Lateranô, trên thực tế, sẽ là một trong những chỗ dựa vững chắc nhất của giáo hoàng trong cơn bão của Giáo hội thời trung cổ.

​Và khiêm nhường ngay cả trong sứ vụ rao giảng. Phanxicô chỉ tìm kiếm duy một điều khi ngài nói: đem các linh hồn đến với Chúa Kitô. Ngài không quan tâm đến bất cứ điều gì không có khả năng tạo ra hiệu ứng tốt đẹp trong lòng. Ngài vội vàng cảnh báo các người con của ngài rằng việc rao giảng không phải nhằm để phục vụ người giảng thuyết, mà là vì lợi ích của các tín hữu: “Tôi van nài tất cả các anh em giảng thuyết của tôi... đừng hãnh diện, đắc chí hay tự tôn trong lòng về những lời lành và việc thiện.” Lời nói của Người hèn mọn phải đơn sơ, thoát tục, không màu mè; dịu dàng, đau đớn, mãnh liệt, tàn bạo, lời nói đó thể hiện tài hùng biện, một hùng biện không hùng biện. Nó nhằm mục đích đạt được những hiệu quả thiết thực và thiên hướng tới con tim hơn là trí thông minh; để lại cho người anh em Đa-minh nhiệm vụ giảng dạy tín lý và nhiệt tình nghiên cứu thần học thánh, người tu sĩ Phan sinh nỗ lực truyền bá lòng đạo đức và làm cho Tin Mừng Nước Trời lan tỏa khắp nơi. Bản Luật đầu tiên không nhắm bất kỳ lời rao giảng nào khác, và Phanxicô đưa ra một mẫu rao giảng trong chương 21: “Hãy hoán cải… Hãy ý tứ và lánh xa mọi tội ác và kiên trì sống tốt lành cho đến cùng.” Lời nhắc nhở đơn giản này về một cuộc sống trong sạch và khổ hạnh là nhiệm vụ mà Đức Innocent III mời gọi các Anh em Hèn mọn khi phê chuẩn bản luật. 

Học vấn sẽ có ích gì trong một Hội dòng có định hướng tương tự? Ban đầu Phanxicô muốn tránh nó bằng mọi giá; ngài thích tiếp nhận những người anh em khiêm tốn ít học vấn, và, khi các bậc trí thức đến gặp ngài, ngài yêu cầu họ để lại sự uyên bác của họ trước cửa tu viện. Ngài nuôi dưỡng một sự nghi ngờ đối với học vấn, và nghi ngờ này là nghi ngờ duy nhất có thể vượt qua nghi ngờ mà ngài có đối với sự giàu sang. Và giờ đây, năm mươi năm sau khi ngài qua đời, Dòng Người Nghèo, đã ngang hàng với Dòng Đa Minh, vốn nổi tiếng nhất trong Đại học, có thể tô điểm cho mình bằng những cái tên vinh quang như Alexandre de Halès, Bonaventure và Roger Bacon. Liệu Phanxicô có lên án họ không? Người rất tôn kính các nhà thần học và bổ nhiệm Antôn thành Pađua uyên bác làm giáo sư, đã không bác bỏ học vấn mà chỉ bác bỏ loại học vấn vô dụng. Biết bao vị giáo sư sống không có đạo đức, dành nhiều thời gian bàn tán bất tận số lượng những người được cứu rỗi hoặc giới tính của các thiên thần! “Khốn cho loại học vấn không hướng tới tình yêu! » Lời nguyền nổi tiếng của Bossuet dường như đến từ miệng của thánh Phanxicô. Đối với hầu hết nhiều người, công việc của học vấn là sự phân tán, khô cằn, kiêu ngạo. Thánh Tông đồ dạy: “Cho dù tôi biết hết mọi mầu nhiệm, có đủ mọi sự hiểu biết... nếu tôi không có đức ái, tôi cũng chẳng là gì cả! » Phanxicô dành một huấn ngôn cho lời nói này, và một lời khuyên khác cho lời sau: “Chữ viết giết chết, thần khí ban sự sống. » Khi phải lựa chọn giữa khoa học và bác ái, sự lựa chọn được thực hiện nhanh chóng. Nhưng thật may mắn là cả hai đều tương hợp với nhau, và sự thật đã chứng minh điều này nơi con người của nhiều vị thánh trong dòng Phanxicô. Sự nghiêm khắc của người Cha được giải thích ngay từ đầu bởi số lượng rất ít học giả gia nhập dòng; nhưng từ năm 1223, Luật đã quy định: “và những ai không biết chữ thì đừng chăm lo học hành”. Điều mà thánh Bonaventura bình giải như sau: “Luật không cấm học vấn đối với các bậc thông thái và giáo sĩ, mà đối với những người ít học và giáo dân. Trên thực tế, theo lời của thánh Tông Đồ, mỗi người hãy ở trong tình trạng y như khi họ được kêu gọi.” Do đó, bậc trí thức không bị loại trừ khỏi Dòng, và Hội Dòng, khi phải đào tạo các linh mục, mong muốn đào tạo họ một cách đàng hoàng. Điều mà người tu sĩ Phan sinh phải bảo đảm là trong mọi sự, phải đặt sự nghiên cứu thấp hơn lợi ích thiêng liêng.  “Sự đơn sơ thực sự…” Celano đặt các lời này trên môi miệng của thánh Phanxicô, “thích hành động hơn là học tập và giảng dạy.” Nhất là, khoa thần học phải làm nền tảng cho việc chiêm niệm. Một lần nữa, chính ở tại Cêlanô mà chúng ta nghe Phanxicô đặt ra những nguyên tắc này: “Người nào nghiên cứu Kinh Thánh với lòng khiêm nhường và không tự phụ sẽ dễ dàng đạt được sự hiểu biết về chính mình và về Thiên Chúa.” Bất chấp con số đông đảo các vị tiến sĩ trong Hội dòng sốt mến, chủ nghĩa chống lại trí thức sẽ vẫn là một truyền thống trong đó. Thánh Bonaventure vĩ đại đồng ý với thầy Êgiđiô khiêm hạ khi thừa nhận rằng “một bà già có thể yêu mến Thiên Chúa nhân lành hơn một nhà thần học uyên bác”. Trong tính ưu việt này được dành cho cảm xúc và trực giác, tinh thần trẻ thơ hòa nhập với tinh thần tình yêu.


Tinh thần từ bỏ 

Tính khiêm nhường mời gọi sự từ bỏ, sự từ bỏ đòi hỏi sự khó nghèo. Nếu có một lời Phúc âm nào là hiến chương cho đời sống Phan sinh, thì đó sẽ là Bài giảng trên núi: “Đừng lo lắng cho mạng sống của bạn... Hãy nhìn xem chim trời: chúng không gieo, không thu hoạch cũng không tích trữ trong kho lẫm; tuy nhiên, Cha trên trời của bạn nuôi sống chúng. Còn bạn, bạn chẳng có giá trị hơn chúng sao?... Trước hết hãy tìm kiếm vương quốc của Chúa và sự thánh khiết của Người, những thứ còn lại sẽ được ban thêm cho bạn.” Do đó, chính việc tự nguyện phó thác của đứa trẻ trong tay một người cha nhân hậu đã hướng dẫn sự nghèo khó Phan sinh, thậm chí còn quan trọng hơn là một biện pháp khổ hạnh chống lại những tệ nạn của sự giàu có. Tuy nhiên, Phanxicô rất sáng suốt về những vấn đề này, như lời ngài nói với Giám mục Assisi: “Nếu chúng con sở hữu tài sản, chúng con sẽ cần vũ khí để bảo vệ nó. Bởi vì chính từ tài sản mà xảy ra tranh chấp, cãi vã, và chính vì điều này mà lòng yêu mến Thiên Chúa và người lân cận thường bị xâm phạm nhất. Đây là lý do tại sao chúng con không muốn có bất kỳ tài sản nào trên thế giới này. » Nhưng, phải nói lại một lần nữa, trên hết mọi sự, Phanxicô được hướng dẫn bởi gương sáng của Chúa Kitô, Đấng “không có cả một hòn đá để gối đầu”. Khi chiêm ngưỡng người mình yêu trong hình ảnh trần trụi của Máng cỏ và Thập giá, làm thế nào mà Phanxicô lại có thể đồng ý giữ cho riêng mình của cải thế gian này? 

Ngoài ra, tình yêu sự nghèo khó ở trong ngài một cách tiềm tàng đến nỗi không có nhiều môn đệ có thể hiểu nó cách hoàn toàn. Nghèo khó thực sự là Bà Chúa trong suy nghĩ của ngài, “Donna Poverta” (Bà Chúa Nghèo); ngài là hiệp sĩ của Bà, và ngài bảo vệ Bà bằng sự nhiệt tình của một người tình. Từ lúc được Chúa Kitô kêu gọi ở San Đamianô, ngài đã sống trong sự từ bỏ; nhưng tầm quan trọng của sự từ bỏ này đối với đời sống tông đồ chỉ được tiết lộ cho ngài trong bài Tin Mừng ngày lễ thánh Matthias: “Đừng mang trong thắt lưng vàng, bạc, tiền xu, túi đi đường, cũng không mang hai áo dài, cũng không có dép, cũng không gậy gộc…” Thánh Phaolô làm chứng rằng ngài tuân theo điều luật này khi trình bày với các tín hữu ở Côrintô bức tranh về cuộc sống ngài hướng tới với các bạn đồng hành của mình: “Chúng tôi chịu đói, chịu khát, mình trần; chúng tôi bị đánh đập; chúng tôi không có nhà ở ổn định; chúng tôi vất vả làm việc bằng đôi tay của mình... Chúng tôi đã trở thành đồ hư vứt bỏ của thế giới....

Dựa trên những tấm gương này, thánh Phanxicô sẽ thành lập một dòng tông đồ mà các điều kiện tồn tại của nó, cho đến lúc đó, chưa từng được biết đến. Trước khi có Bản luật Phan sinh, các tu sĩ tuân giữ sự nghèo khó cá nhân, nhưng tập thể lại sở hữu đất đai. Nhà lập pháp mới yêu cầu các tu sĩ của mình không có bất cứ tài sản chung hoặc thu nhập nào; chính Thiên Chúa sẽ chu cấp cho con cái của Người. Điều khoản này khiến Giáo triều La Mã và một số vị Phục vụ của Hội dòng lo sợ; Phanxicô đã kiên quyết chống lại mọi sự phản kháng và chống đối. Ngài đã thành công gìn giữ cách toàn vẹn trong bản Luật điều buộc sống khó nghèo tuyệt đối, và, do lòng tôn trọng thánh Phúc Âm, không có vị giáo hoàng nào, không có Tổng Tu nghị nào dám sửa lại chương VI trang trọng: “Anh em không được chiếm hữu gì hết, nhà cửa, nơi chốn hoăc bất cứ của gì…Đó chính là bậc cao nhất của đức nghèo rất cao cả…Chớ gì đó là phần gia nghiệp của anh em…Anh em hãy hết lòng gắn bó với phần phúc ấy và, vì danh Chúa Giêsu Kitô, đừng muốn có của cải gì khác nữa dưới bầu trời.” Chính như thế đó mà ngài chết không có gì cả, nằm trên mặt đất trần trụi, sau khi đã trao chiếc áo dài của mình vào tay vị bề trên của ngài. Sau cái chết của người cha thiêng liêng của mình, đến lượt mình, thánh Clara, đã phải lãnh đạo, thậm chí còn khó khăn hơn, cuộc chiến giành đặc ân nghèo khó; và đến lượt ngài, Thánh nữ vẫn giữ phần chiến thắng.

Chúng ta đừng nghĩ tưởng rằng sự từ bỏ này thì hoàn toàn nằm ở bình diện vật chất. Nếu nhân đức của thánh Phanxicô xem ra thật ngoạn mục thì thể xác của ngài lại chứng tỏ sự hòa hợp hoàn hảo với tâm hồn ngài. Sự nghèo khó chí ái nại đến sự từ bỏ vật chất khủng khiếp này chỉ vì nó đã bao gồm sự từ bỏ về mặt tinh thần. Chúa đã không nói: “Phúc thay ai nghèo khó”, nhưng nói; “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó”. » Thánh Phanxicô thêm nhận xét này: “Có lắm người chuyên lo đọc kinh cầu nguyện và bắt thân xác kiêng cữ đủ điều, chịu khổ chế đủ cách, nhưng chỉ một lời có vẻ xúc phạm đến họ, hay một vật gì của họ bị lấy mất, thì họ liền nổi giận và mất hết bình tĩnh. Những người như thế không có tinh thần nghèo khó.”(HN 14) Sự từ bỏ của cải vật chất chưa phải là sự nghèo khó đích thực. Nghèo khó đích thực là sự tách rời khỏi lòng tự ái. Đây là lý do tại sao sự nghèo khó không thể thiếu một nhân đức tôn giáo khác là sự vâng phục. Sự vâng phục trong tinh thần cấu thành sự từ bỏ hoàn hảo nhất, bởi vì nó coi thường những gì chúng ta yêu quý nhất, đó là ý chí của chính chúng ta. “Người từ bỏ hết những gì mình có và chịu mất linh hồn và thân xác mình là người phó thác toàn thân trong tay bề trên để sống tuân phục.”” (HN 3) 

​ Như vậy, việc phó thác cho Chúa Quan Phòng không hệ tại ở việc lười biếng, dễ dãi mà trái lại là một luyện tập khó nhọc. Sự từ bỏ không thể đạt được nếu không có khổ hạnh. Do đó, thánh Phanxicô yêu cầu các con cái của ngài phải hãm mình phạt xác, và bản thân ngài thực hành việc sám hối đến mức anh hùng. Trong các phương pháp khổ hạnh được các nhà hiền triết Hy Lạp và các ẩn sĩ của Thebaid tuân thủ, không hề có nét gì đặc biệt mang tính chất Phan sinh; nơi mà  Phanxicô vẫn là chính mình, đó là khi, trong sự đền tội, ngài tiếp tục áp dụng nguyên tắc dẫn ngài đến việc trần trụi: tuân theo Chúa Kitô đau khổ. Vì Chúa Giêsu đã chọn thập giá để chứng tỏ tình yêu của Người nên tình yêu của thập giá đã chiếm lấy người môn đệ Người. Thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô: “Tôi không muốn biết điều gì khác ngoài Chúa Giêsu Kitô và Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. » Và thánh Tông Đồ đã tuyên bố ở nơi khác: “Chúng ta mang cái chết của Chúa Giêsu khắp nơi trong thân xác chúng ta. » Các họa sĩ thích vẽ hình thánh Phanxicô dưới chân cây thánh giá. Chính Đấng Bị Đóng Đinh đã gọi ngài đến San-Đamianô, để nâng ngài lên La Verna, nơi ngài sẽ tìm thấy sự đóng đinh của chính mình. Giữa hai thời điểm cực đoan này, hằng ngày ngài suy niệm về những đau khổ của Chúa Cứu Thế, ngoài Kinh thánh, ngài còn đọc một bài Thương Khó do chính ngài soạn.

Cuối cùng, tình yêu của thánh Phanxicô dành cho Bà Chúa Nghèo đã thể hiện sự bác ái hoàn hảo ở chỗ: không chấp nhận sự sùng bái nhân đức cách lý thuyết, ngài hướng về người nghèo. “Ai không yêu người anh em mà mình nhìn thấy- thánh Gioan đã dạy- thì không thể yêu Chúa mà mình không nhìn thấy. » Chúa Giêsu đã từng nói: “Bất cứ điều gì bạn đã làm cho những người anh em bé mọn nhất của tôi, là bạn đã làm điều đó cho chính tôi. » Và, một lời cảnh báo khủng khiếp: “Bất cứ điều gì bạn không làm cho một trong những người bé mọn này, tức là bạn đã không làm điều đó cho tôi”. » Nếu chúng ta yêu mến Chúa Kitô trần trụi và đau khổ, chúng ta phải tìm thấy Người với cảm xúc nơi tất cả những người bị thử thách và bất hạnh; đối với tâm hồn Phan sinh, tình yêu sự nghèo khó không thể tách rời khỏi tình yêu người nghèo. Người được mệnh danh là Người nghèo bé nhỏ không thể chịu đựng được khi gặp một người còn khốn khổ hơn mình. Trong tiểu sử của ngài, chúng ta không thể đếm được bao nhiêu lần ngài đã cho đi chiếc áo khoác của mình, bất kể mùa nào. “Tôi không muốn trở thành một tên trộm,” ngài giải thích: “đó là một hành vi trộm cắp đối với vị tôn chủ vĩ đại của thiên đường nếu chúng ta không đưa cho những người cần nó nhiều hơn chúng ta.” Ngay từ khi bắt đầu hoán cải, mặc dù đang đương đầu với nhiệm vụ khó khăn của một người thợ nề, ngài đã ưu tiên chăm sóc những người phong cùi, vì họ là những người bị bỏ rơi nhiều nhất; và ngài đã thực hiện nhiệm vụ này với sự kiên nhẫn siêu phàm. Sự quan tâm này thậm chí không loại trừ những tên trộm, và Các Bông hoa nhỏ kể cho chúng ta câu chuyện rất cảm động về ba người trong số họ, được lòng tốt tuyệt vời của Phanxicô chinh phục, đã hoán cải và gia nhập dòng.

Tuy nhiên, do hoạt động chính của các anh em là loan báo Nước Thiên Chúa, vì thế đức ái thiêng liêng dường như là mối quan tâm thường xuyên nhất của họ. Khi liệt kê những dấu hiệu loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu thêm vào lời tuyên bố về các phép lạ: “Các người nghèo được loan báo Phúc âm ». Người tu sĩ dòng Phanxicô là nhà giảng thuyết cho quần chúng, những người phù hợp   với các lời nói thẳng, không hề khoa trương. Thánh Phanxicô và các con cái của ngài bắt đầu bằng việc nói về Thiên Chúa ở các quảng trường, cũng như với những người đồng nghiệp của họ trên các cánh đồng và ở những vườn nho; bản chất tốt lành và cách ăn mặc nghèo khó của họ đã khiến họ được đại chúng tin tưởng, và họ vẫn trung thành với những người này, bất chấp lời dụ dỗ của những kẻ quyền thế.


Tinh thần vui vẻ 

“Khi anh em ăn chay, đừng tỏ ra ủ rũ...  Còn anh, khi ăn chay,  hãy xức dầu thơm trên đầu và rửa mặt.” Tin Mừng nói như vậy. Phanxicô, dù ép xác và đau nhức, nhưng vẫn biểu lộ niềm vui rạng rỡ. Và niềm vui này không bao giờ thiếu vắng trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất. Truyện Ba Người Bạn kể cho chúng ta nghe câu chuyện vào một ngày mùa đông, khi mới bắt đầu hoán cải, Phanxicô vừa đi vừa hát, bọn cướp tiến lại gần và hỏi ngài: “Mày là ai? -- Tôi là, ngài trả lời, Sứ giả của Đại Vương. » Không hài lòng với câu đáp trả này, bọn cướp đã đánh và ném ngài xuống một con mương đầy tuyết. Bị bầm tím và gần như đông cứng, ngài trở lại con đường cũ và tiếp tục vừa đi vừa hát..

Tính tình của Phanxicô thì vui vẻ và dễ chịu trong giao tế: những tham vọng đầu tiên đã đưa ngài hướng tới sự nghiệp của một người hát rong. Tuy nhiên, ở đây, lời giải thích này cũng không đủ. Sự hoán cải đã làm cho ngài nhận thức được sự bất xứng và sự yếu đuối của ngài, và những cảm xúc ngài dành cho chính ngài thì nghiêm khắc một cách đáng sợ: ngài nhìn thấy đau khổ và hận thù ở khắp mọi nơi chung quanh mình, nhìn thấy Thiên Chúa bị xúc phạm và không được biết đến: Tình yêu không được yêu! ; ngài bất lực chứng kiến ​​Hội dòng của ngài bị đảo lộn và sự nổi dậy của các con cái ngài. Một tâm hồn nhạy cảm như tâm hồn của ngài, với tinh thần lạc quan nhất trên đời, không thể tìm được lý do nhỏ nhất nào để vui mừng trong nỗi đau khổ như vậy. Niềm vui mà Phanxicô không ngừng thực hành, thực sự là một nhân đức; nó dựa trên những nền tảng siêu nhiên. Chính về niềm vui này mà Chúa Kitô nói đến trong bài diễn từ sau Bữa Tiệc Ly, khi Người nói với Chúa Cha: “Họ sẽ có trong họ niềm vui trọn vẹn của Con. » Đó không phải là sự xuất hiện ngẫu nhiên mà là một chiến thắng nhọc nhằn. Đây là lý do tại sao thánh Phaolô kiên quyết yêu cầu người Kitô hữu điều đó: “Hãy vui mừng luôn trong Chúa”; ba cụm từ của lời khuyên không thể tách rời.

Ngoài ra, theo lời chứng của Cêlanô, “Phanxicô đã thực hành cách cụ thể để duy trì niềm vui tinh thần bên trong cũng như bên ngoài này”. Niềm vui này, tương ứng với nỗi đau nội tâm và sự nhận thức về nỗi khốn cùng của mình, đối với ngài, luôn gắn liền với đau khổ. Ngài  không thể chịu đựng được việc xem đó chỉ là một sự thỏa mãn xác thịt thuần túy: một ngày nọ, khi ngài cho đi chiếc áo khoác của mình, niềm vui mà ngài cảm nhận được từ đó dường như được truyền cảm hứng từ sự cảm thấy dễ chịu của bản thân; khiêm tốn, ngài tự buộc tội mình về điều này trước mặt các anh em đang hiện diện. Niềm vui cao quý và hân hoan này thường được thể hiện qua bài hát; và khi không thể ngăn được niềm cảm xúc trào dâng này, ngài lấy hai cây gậy, một cây làm đàn, một cây làm vĩ, cọ xát chúng vào nhau để cùng hòa hợp với niềm hân hoan bên trong của ngài. Sự tràn ngập tâm hồn này thường được tìm thấy trong phụng vụ Phan sinh, ở đó, các giai điệu, sau khi chứa đầy những nốt trầm, đột nhiên dâng lên thành những chùm dấu, giai điệu sắc bén gần như không thể tiếp cận được, rồi sau đó lại giảm xuống mức nghiêm trang long trọng. Cũng không phải ngẫu nhiên mà, trong số các bài tiếp liên của phụng vụ Rôma, hai bài sâu sắc nhất là Dies iræ và Stabat Mater, được sáng tác bởi các Tu sĩ Dòng Anh Em Hèn mọn: Tôma thành Cêlanô và Giacopône thành Tôdi; xuyên suốt những lời gợi nhớ bi thảm này, chúng ta ngầm đọc thấy sự ngọt ngào cảm động của một tâm hồn gắn bó với niềm vui thiên thần. Thánh Phanxicô đã biết điều này trước các môn đệ của ngài, nhưng với lòng nhiệt thành hơn nữa, niềm hân hoan này được cảm nhận vào ngày thịnh nộ, khi không đi lại được nữa và bị mù mắt, bị bỏ rơi ở cuối vườn San-Damianô, ngài đã sáng tác bài ca ngợi yêu thương gởi Anh Mặt Trời ; và, cuối cùng, khi ngài chiến đấu trong trận chiến cuối cùng chống lại cái chết, đó còn là một bài ca chiến thắng mà ngài đã cất cao lên trời. Như vậy, ngài đã thực sự chứng tỏ mình là Sứ giả của Vị Vua Vĩ Đại, người đã lớn tiếng công bố trước mặt thế giới danh hiệu đầy phước hạnh của Đức Chúa.   


Tin thần hoàn vũ

Niềm vui thiên thần này, tràn trề và liên tục, dựa trên ân huệ vô giá là được làm con Thiên Chúa và là anh em của Chúa Kitô, tìm được nguồn dinh dưỡng đặc biệt trong tự nhiên. Không phải chỉ vì do những ân sủng trong Ơn Cứu Chuộc hoàn vũ và trong lịch sử cá nhân của mình mà thánh Phanxicô Assisi cảm nghiệm được một tâm tình biết ơn tuyệt hảo, mà còn vì do cảnh tượng của thế giới hữu hình được cống hiến cách quảng đại cho chúng ta chiêm ngưỡng. “Chân phước Phanxicô,” -Gương trọn lành ghi chú-, “đã nhận thấy một cách hoàn hảo sự tốt lành của Thiên Chúa không chỉ trong tâm hồn ngài..., mà còn nơi tạo thành.” Đối với ngài, những tạo thành này là tấm gương phản chiếu sự hoàn hảo thiêng liêng; ở đó, theo Cêlanô, ngài đã khám phá ra “sự khôn ngoan, sức mạnh và sự tốt lành của Đấng Tạo Hóa”. Trong chương này, chúng ta đã nói quá nhiều về tính mới mẻ mà thánh Phanxicô mang lại; ngài biết Kinh thánh một cách hoàn hảo và đã có thể đọc cách tâm tình những bài thơ vũ trụ đáng ngưỡng mộ của các người Do Thái: Bài ca của ba thiếu niên trong lò lửa: “Mọi công trình của Chúa, hãy chúc tụng Chúa... Chúc tụng Chúa, mặt trời với mặt trăng, hãy chúc tụng Chúa đi, hỡi tinh tú muôn ngàn..”; và Thánh Vịnh 148: “Ca tụng Chúa đi này vầng ô bóng nguyệt, ca tụng Người muôn tinh tú rạng soi… Ca tụng Chúa đi, từ mười phương đất, này thủy quái dị hình, này tất cả vực sâu, lửa hồng mưa đá, tuyết trắng mây mù…Hãy ca tụng Chúa!...” và lời Ngợi khen Halleluia: “Hãy tôn vinh Chúa vì lòng nhân lành của Người tồn tại đến muôn đời: Người đã làm cho mặt trời điều khiển ban ngày, mặt trăng và các ngôi sao hướng dẫn ban đêm…”Tất cả các câu này, thánh Phanxicô đã cùng hát với anh em trong ca tòa và chúng đã nuôi dưỡng tâm hồn ngài; và khi đến lượt ngài sáng tác một bài thánh ca ca ngợi Đấng Tạo thành thế giới, khó có thể tưởng tượng rằng ngài đã không hề nhớ đến những bài thơ ca này trong Kinh thánh!

Tuy nhiên, Người Nghèo bé nhỏ còn đi xa hơn tác giả thánh. Ngài không bao giờ đề cập đến tất cả những điều kỳ diệu này, những kỳ diệu mà đôi mắt ngài thích thú, mà không gọi chúng là anh chị em. Giọng điệu của lời mời được biến đổi hoàn toàn khi chúng ta thấy ở đó sự thân mật với các công trình của Thiên Chúa: “Ngợi khen Chúa, lạy Chúa, vì chị Mặt Trăng của chúng con... Ngợi khen Chúa, lạy Chúa, vì anh Gió của chúng con.. ..., vì người anh em của chúng con, Ngọn lửa..., vì mẹ Trái đất của chúng con..." Và tình huynh đệ này, tình huynh đệ mà tác giả Thánh vịnh không diễn tả, không có gì là ảo tưởng ủy mị: nó xuất phát từ nhận thức đúng đắn về tính phổ quát của Ơn Cứu chuộc. . Những vẻ đẹp lộng lẫy của thiên nhiên không chỉ đẹp vì chúng được Chúa Cha tạo dựng, như Cựu Ước đã lưu ý; chúng thật đáng yêu vì chúng đã được Chúa Con thánh hóa trong Thánh Thần và được hứa vinh quang đời đời. “Này đây Ta đổi mới mọi sự,” Đức Kitô của Khải Huyền đã tuyên bố như thế. Về phần mình, thánh Phaolô viết cho giáo đoàn Côlôsê rằng Thiên Chúa, thông qua Chúa Kitô, “đã hòa giải mọi loài thụ tạo… cả dưới đất cũng như trên trời”, và cho các tín hữu Êphêsô rằng : ý muốn của Thiên Chúa, ý muốn sẽ được thực hiện trong thời gian viên mãn, là để “quy tụ muôn loài trong trời đất, dưới quyền một thủ lãnh là Đức Giêsu Kitô.” Ngoài ra, thánh nhân còn có thể khẳng định rằng “mọi thụ tạo của Thiên Chúa đều tốt lành, và những gì được nhận lấy với lòng tạ ơn thì không có thể vất đi; vì mọi sự đều được thánh hóa nhờ lời Chúa và lời cầu nguyện.” Ở đây chúng ta đang đối nghịch với chủ trương của Phật giáo, của phái Manichê  và Giansen: Chúa không ban cho chúng ta điều gì là không tốt; nếu chúng ta phải tước đoạt sinh vật thì đó là do ác tâm của chúng ta; khổ hạnh chỉ là tạm thời và sẽ tồn tại bao lâu còn tồn tại sự ích kỷ của chúng ta.

Thánh Phanxicô, từ bỏ chính mình, không dùng gì trên thế gian này mà không vì mục đích là để tôn vinh Thiên Chúa. Ngài không ngừng cho tạo thành thấy tình yêu và lòng biết ơn mà ngài dành cho Đấng Tạo Hóa. Ngài không chỉ thể hiện niềm đam mê hoàn vũ này trong những bài thánh ca ngợi khen, mà còn trong tất cả những cuộc gặp gỡ với những con người khiêm nhường trong thực tại cuộc sống hằng ngày. Cêlanô đã mô tả cho chúng ta thấy sự ngạc nhiên của ngài trước phong cảnh của các vùng nông thôn nước Ý, sự ngưỡng mộ ngây thơ của ngài đối với các vì sao và những bông hoa. “Trái tim của ngài”, nói theo cách của Cêlanô, “thâm nhập vào bí mật của các thụ tạo.” Và bây giờ các thụ tạo đáp trả lại lời kêu gọi của người ngưỡng mộ chúng. Ngài khuyến khích chim hót mừng Chúa, chim liền hót không ngơi; ngài giảng cho một con sói sát hại đàn chiên, và con sói trở nên hiền lành như một con cừu; ngài cầu xin bàn ủi nóng đỏ tha cho ngài, và ngọn lửa đốt ngài mà không gây đau đớn. Các nhà viết tiểu sử có đầy dẫy những giai thoại tiết lộ một loại mê say nào đó được nhà thơ thánh thiện thực hiện đối với thế giới hữu hình.

Trên hết, thiên nhiên đã mạc khải cho ngài những mầu nhiệm của Chúa Kitô. Ngài phân biệt ở đó, theo cách nói của Cêlanô, “một sự tương đồng mang tính biểu tượng với Con Thiên Chúa”. Bởi vì tác giả thánh vịnh tiên báo về Chúa Kitô bằng cách so sánh Người với một con sâu, nên thánh Phanxicô yêu thương những con sâu cách đặc biệt, và ngài đã nhặt chúng trên đường để đặt chúng vào một nơi an toàn. Bởi vì Vị Tiền Hô đã gọi Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa và Isaia đã so sánh Người với con chiên bị dẫn đi làm thịt, nên ngài nhiệt thành rùng mình khi nhìn thấy những con chiên và khóc trước cái chết của chúng. Ngài có lòng sùng kính và kính trọng lửa và nước, điều này dường như không hề cường điệu đối với những ai hiểu biết Kinh thánh: vì Chúa Kitô dạy rằng Người là Ánh sáng thế gian và là Nguồn nước hằng sống tuôn trào cho sự sống đời đời. Nếu tội lỗi khiến chúng ta không thể vui hưởng thụ tạo một cách hiệu quả, thì Thiên Chúa đã sai Con yêu dấu của Người đến với chúng ta để xua đuổi công việc của tội lỗi; và để cho chúng ta thấy rõ xác thịt thì tốt lành, “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt và ở giữa chúng ta”. Trong Chúa Kitô, Đấng là Thần-nhân, tạo vật hữu hình được biến đổi, thế giới được thánh hóa, nhân loại được thần thục; và đây là lý do tại sao Nhập thể được Phanxicô coi là mầu nhiệm then chốt của Kitô giáo.

Học thuyết Phan sinh là một học thuyết về sự hòa giải giữa thiên nhiên và ân sủng; vì thế, Đức Kitô hữu hình cũng mang lấy một tầm quan trọng được đánh dấu bằng những ưu tiên về phụng vụ và thần học. Lễ Giáng Sinh đối với thánh Phanxicô là một lễ kỷ niệm tuyệt vời nhất; ngài cấm làm việc đền tội vào ngày hôm đó và thậm chí còn yêu cầu các nông dân cho gia súc của họ (luôn là sự hạ mình phổ quát này) một khẩu phần thức ăn gấp đôi; cũng chính ngài là người đã đổi mới cách dàn dựng cảnh Chúa giáng sinh và các loài động vật, một dàn dựng đã trở nên rất được tôn vinh ở phương Tây Kitô giáo. Sự nhập thể của Ngôi Lời đã được khẳng định trong trường phái thần học Phan sinh như là trung tâm của giáo thuyết; nó truyền cảm hứng cho toàn bộ Kitô học của Duns Scotus, vị tiến sĩ chính yếu của dòng thiên thần. Việc sùng kính xác thịt của Đấng Cứu Thế tác động trên học thuyết tu đức Phan sinh; sự tôn trọng cần có dành cho thân xác con người được bộc lộ trong Bản luật, là nơi đầu tiên loại trừ các trừng phạt thân thể; chính thánh Phanxicô đã quan tâm lưu ý rằng việc tùy ý sám hối phải được tuân thủ cẩn thận. Một mối quan tâm về sự cân bằng của con người? Có lẽ như thế. Nhưng đó cũng là sự tôn kính nhân tính đã được thánh hóa. “Hỡi con người, hãy nhìn xem Thiên Chúa đã đặt ngươi lên địa vị cao quý dường nào: Người đã tạo dựng và nắn đúc nên ngươi theo hình ảnh Con yêu dấu của Người về phần xác…” Tất nhiên, Phanxicô cũng dùng đến những biện pháp phạt xác nhất định : nhưng đó là để bắt chước Đấng Cứu Thế của ngài. Nói theo thánh Phaolô, ngài dạy rằng “chính trong sự yếu đuối của chúng ta mà chúng ta có thể tự hào, đó là việc vác thánh giá hàng ngày của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Tuy nhiên, đến cuối đời, ngài đồng ý để yên cho người mà ngài gọi là anh lừa, tức là thân xác của ngài. Một người anh em đã nghiêm khắc chỉ ra rằng ngài đã đối xử tệ bạc với người đầy tớ trung thành và tận tụy này. Phanxicô gật đầu nói:

“Hãy mừng vui lên, hỡi người anh em thân xác của tôi, và hãy tha thứ cho tôi; bây giờ tôi  đã sẵn sàng đáp ứng các mong muốn của bạn và tôi sẽ nhanh chóng cung cấp mọi nhu cầu cần thiết của bạn. »

Thông điệp của thánh Phanxicô là: mọi thứ đều đáng yêu và không cần phải né tránh tình yêu. Nếu Chúa Kitô là Đấng Đáng Yêu tuyệt đối, thì tất cả anh em của chúng ta, được Chúa Kitô tạo thành theo hình ảnh của Người, cũng đáng yêu như thế, và tất cả các tạo thành đều có nhiệm vụ dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô. Đây là lệnh truyền được thánh Phaolô diễn tả như sau: “Mọi sự đều thuộc về anh em, nhưng anh em là của Chúa Kitô và Chúa Kitô là của Thiên Chúa. »


[[ Trích trong cuốn

Saint Francois d’Assise et l’esprit franciscain

Ivan Gobry

Editions du Seuil, Paris, 2001, trg. 49-72 

Chia sẻ